Quy định cấm bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng trong dự thảo “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia” được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến lần đầu đã gây ra những ý kiến khác nhau trong dư luận về tính khả thi cũng như phạm vi ảnh hưởng của quy định này đối với đa số người dân và doanh nghiệp.
Quy định được đưa ra trong tình hình tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nước ta đang ở mức cao, bình quân mỗi người sử dụng 4 lít/người/năm và đến năm 2015 có thể lên tới 7 lít/người/năm. Lạm dụng rượu bia gây tác động lớn tới sức khỏe, giảm khả năng lao động, bạo lực gia đình, an toàn giao thông.
Theo thống kê, có khoảng 70% số vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và 70% số người chết trong các vụ tai nạn này ở lứa tuổi từ 15 tới 44, tức là lứa tuổi sung sức nhất. Về mặt kinh tế thì mức tiêu thụ 3 tỉ lít bia như hiện nay tương đương 3 tỉ USD, chưa kể đến những chi phí cho tiêu thụ rượu và chi phí gián tiếp để giải quyết những hậu quả do lạm dụng rượu bia, cao gấp bốn lần mức đóng góp mà ngành sản xuất rượu bia cho ngân sách. Do đó, phương án không bán bia sau 10 giờ đêm được một số người ủng hộ và cho rằng đó là lựa chọn tối ưu.
Việc sử dụng rượu bia bất cứ giờ nào đã là một thói quen của không ít người và trong thực tế đây là một tệ nạn ảnh hưởng đến đời sống gia đình và sức khỏe người dân. Đã là thói quen thì không dễ dàng thay đổi, chính vì vậy mà nhiều người tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của quy định trên, cho nên việc thực hiện cần nỗ lực cao về tuyên truyền, nhận thức, tổ chức, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Theo giải thích của Bộ Y tế là đã có các phương án khác nhau như chỉ cấm ở một số địa điểm nhất định và có lộ trình, hoặc giao cho địa phương xem tình hình để có quy định cụ thể.
Giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu bia là đúng, nhưng làm sao thực hiện cho có kết quả mới là chuyện chính. Vừa qua đã có nhiều quy định pháp luật không đi vào cuộc sống, trong khi đó một trong những nguyên tắc của việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm tính khả thi.
Trước khi soạn thảo quy định này, không biết Bộ Y tế đã thực hiện cuộc điều tra xã hội nào chưa nhằm trả lời được câu hỏi nếu áp dụng như vậy thì giảm được tỷ lệ bao nhiêu tác hại của việc lạm dụng rượu bia? Ảnh hưởng của quy định này đến các ngành nghề khác như dịch vụ, du lịch ra sao? Nghĩa là ban soạn thảo phải có đánh giá tác động rõ ràng, chứ không thể đơn giản cấm đoán theo cảm tính và chỉ vì lý do sức khỏe. Chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện thì e rằng quy định này nếu có áp dụng sẽ chỉ ở trên giấy mà thôi.
Hiện nay không có nhiều nước đưa ra quy định này, như Anh, Pháp thì chưa áp dụng quy định số giờ bán đồ uống có cồn, còn Singapore cũng mới chỉ nghiên cứu để hạn chế việc kinh doanh rượu bia.
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có mức độ tiêu thụ rượu thấp hơn Thái Lan, Lào, Campuchia… còn bia thì cũng ở mức trung bình so với các nước. Nếu muốn hạn chế việc lạm dụng rượu bia để bảo vệ sức khỏe của người dân thì Bộ Y tế cần công bố với thể trạng người Việt Nam, uống bao nhiêu thì được gọi là lạm dụng. Do đó, một trong những giải pháp có thể hạn chế việc sử dụng bia rượu là hạn chế khu vực kinh doanh như một số nước đang dự kiến áp dụng, là khoanh vùng khu vực không được bán, chẳng hạn như gần trường học… thay vì việc cấm bán sau 22 giờ như Bộ Y tế đang tính đến.
Trước đây, trong Chương trình quốc gia phòng chống tác hại của đồ uống có cồn, Bộ Y tế đã đề xuất quy định hạn chế thời gian sử dụng rượu bia của người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi chương trình đưa phê duyệt, quy định này đã bị bác bỏ, không được áp dụng. Nay Bộ Y tế lại đưa quy định này vào Luật về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
Nhưng thế nào là lạm dụng? Theo dự thảo vừa nói được gọi là lạm dụng khi vượt quá giới hạn sau đây: Trên 60 tuổi là 14 đơn vị rượu/tuần hoặc 2 đơn vị/ngày hoặc 1,5 đơn vị/giờ. Dước 60 tuổi các con số nói trên theo thứ tự là 21,3 và 1. Một đơn vị rượu = 1 lon bia 330 mililít hoặc 30 mililít rượu trên 40°.
Cách tính này thật nhiêu khê trong việc kiểm soát. Trong Luật Bảo vệ trẻ em đang được áp dụng cũng có quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi nhưng có ai tuân thủ đâu và cũng chưa có ai bị phạt. Suy cho cùng, để một quy định có tính khả thi thì việc soạn thảo không chỉ được nghiên cứu thấu đáo trong thực tế mà còn phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, nhiều ngành khác nhau.
Chẳng hạn lâu nay ngành sản xuất bia được xem là “con gà đẻ trứng vàng” không chỉ của ngân sách nhà nước mà còn cho cả ngân sách các địa phương, vì vậy nhiều năm nay các địa phương đua nhau mở nhà máy bia. Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với bia luôn là vấn đề tranh cãi và đã có lần Quốc hội từng bác bỏ đề nghị của Bộ Tài chính tăng mức thuế này. Vậy thì trong việc soạn thảo quy định liên quan đến việc kinh doanh mặt hàng bia, Bộ Tài chính có được tham khảo ý kiến đến mức độ nào?
Nhiều ý kiến phản biện quy định này cho rằng sẽ ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của các hộ kinh doanh nhỏ cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của ngành du lịch, khách sạn. Không biết các nhà soạn thảo đã tham khảo các ngành liên hệ như thế nào để cho ra những con số đáng tin cậy nhằm định hướng cho một biện pháp dự kiến ban hành.
Câu hỏi khác đặt ra là liệu tai nạn giao thông xảy ra với con số đáng sợ thời gian qua có phải là do việc uống bia sau 10 giờ đêm hay do những nguyên nhân khác và trong những thời khắc khác?
Tất nhiên hạn chế rượu bia trong tình hình nước ta “thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong khi tiêu thụ rượu bia thuộc nhóm nước cao nhất” là điều cần làm, nhưng nếu không nghiên cứu nghiêm túc thì việc áp dụng sẽ trở nên ngớ ngẩn, không thuyết phục.
Có thể rồi đây, chúng ta sẽ chứng kiến những màn tranh luận gay gắt giữa các đại biểu khi Quốc hội mổ xẻ vấn đề này tại diễn đàn công khai.
Ngọc Anh