Nền kinh tế Việt Nam đang cần vốn, nhưng nội lực tài chính nhàn rỗi trong dân chủ yếu lại nằm ở kênh tiết kiệm ngân hàng. Liệu có thể khơi thông dòng vốn này thông qua vai trò huy động của các quỹ đầu tư và từ đây giải ngân vào doanh nghiệp? Quỹ đầu tư, sau một thời kỳ gian nan, đang đứng trước vận hội có thể trở lại cùng với sự khởi sắc của các chỉ số vĩ mô.
Tìm cơ hội với quỹ mở
Chín quỹ mở với số vốn mỗi quỹ từ 50 đến 200 tỉ đồng đã được thành lập và hoạt động được xem là nét nổi bật trong hoạt động của quỹ đầu tư năm 2013. Số vốn quá nhỏ, hầu hết ở mức tối thiểu, chỉ đủ để được cấp phép ra đời, cho thấy việc huy động vốn vẫn tiếp tục khó khăn.Tuy nhiên sự hiện diện của quỹ mở chứng minh các công ty quản lý không chịu ngồi không. Họ nỗ lực để đưa ra một loại hình quỹ mới, nơi mà nhà đầu tư có thể rút vốn ra hoặc bỏ thêm tiền vào bất lúc nào.Cái mới này cần phải có thời gian để ngấm, để công chúng hiểu được bây giờ đã có một kênh đầu tư linh hoạt hơn để tiền nhàn rỗi có thể chảy vào.
“Thực ra 50 tỉ đồng ban đầu chỉ là vốn mồi. Nếu thị trường chung ấm lên và các quỹ mở kinh doanh tốt, mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất tiết kiệm cho nhà đầu tư, thì cơ hội huy động được nguồn vốn hàng trăm, thậm chí cả ngàn tỉ đồng có thể xảy ra” – một chuyên viên lâu năm trong mảng quản lý quỹ nhận xét. Theo ông, quỹ mở không có giới hạn huy động vốn và nó có thể giải ngân cả vào trái phiếu lẫn cổ phiếu, tức là có thể tìm lợi nhuận ngay cả trong điều kiện trầm lắng của thị trường.
Hiện nay có một số quỹ mở chuyên đầu tư trái phiếu, như quỹ mở MB của Ngân hàng Quân đội.Các quỹ còn lại không có ý định đổ hết cả vốn liếng vào cổ phiếu, mà dự kiến phân bổ một tỷ lệ nhất định cho trái phiếu. Năm ngoái, các tổ chức kinh doanh trái phiếu Chính phủ “thắng” lớn khi nguồn tiền đồng dồi dào, cầu trái phiếu tăng cao đẩy lãi suất của thứ hàng hóa này xuống mức thấp kỷ lục. Có thời điểm trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 1-2 năm chỉ còn quanh 7%, thậm chí dưới 7%/năm. Trái phiếu càng có giá hơn nhờ hai yếu tố: nước ngoài tăng cường giải ngân do giá trị đồng tiền Việt ổn định; nguồn cung ngoại tệ tốt, nhiều ngân hàng đã giảm trạng thái ngoại hối, bán ngoại tệ lấy tiền đồng kinh doanh.
Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính, bảo hiểm cũng tìm đến trái phiếu như một kênh đầu tưan toàn. Nguồn vốn của các công ty bảo hiểm lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng và họ thậm chí mua cả trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5-10 năm. Eastspring Investments, công ty quản lý quỹ đang quản lý khoảng 30.000 tỉ đồng, chủ yếu của công ty bảo hiểm nhân thọ và nhà đầu tư nước ngoài, cho biết 90% số tiền của họ đang nằm ở trái phiếu.
Trái phiếu là điểm tựa, nhưng điều đó không có nghĩa là các quỹ mở không mạo hiểm với cổ phiếu. Một số quỹ mở của Bảo Việt hay Vietcombank nhận định năm 2014 là thời điểm thuận lợi để quay lại với những tài sản rủi ro như cổ phiếu. Quan điểm của các quỹ là thận trọng trong lựa chọn, nghiên cứu, định giá, xếp hạng cổ phiếu để chọn ra những doanh nghiệp mà giá trị đang ở mức undervalued, tức bị đánh giá thấp hơn giá trị thực của nó. Ông Ngô Thế Triệu, Giám đốc đầu tư cổ phiếu và trái phiếu của Công ty quản lý quỹ Eastspring Investments nhận xét thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn biến động nhanh và mạnh do mức độ tiền lỏng của nước ngoài. Các con sóng tăng/giảm trên các loại tài sản sẽ khác nhau và đây là thời điểm thử thách với các quỹ mở vừa xuất hiện trên thị trường.
Trong số các quỹ mở lớn, phải kể đến hai quỹ là VF1 và VF4 do VietFund quản lý. Đây là hai quỹ đóng đã được chuyển đổi thành quỹ mở và danh mục đầu tư của cả hai phần lớn đều là các cổ phiếu bluechips niêm yết. Giá trị tài sản ròng của cả hai đã tăng nhanh trong những tháng gần đây do sự bứt phá của bluechips. Trong tháng 1-2014 các cổ phiếu bluechips đã tăng giá khoảng 10% so với cuối năm ngoái.Lãnh đạo VietFund cho rằng nếu thị trường giữ được nhịp tăng trưởng trong dài hạn, việc huy động thêm vốn cho các quỹ chắc chắn sẽ rộng đường hơn.
Vượt qua nỗi ám ảnh?
Cuộc khủng hoảng của lĩnh vực quản lý quỹ và quỹ đầu tưở Việt Nam kéo dài đã sáu năm và nếu cứ nhìn vào số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), công cuộc vượt khó của các quỹ vẫn chưa chấm dứt. 6/47 công ty quản lý quỹ đã bị giải thể, đình chỉ hoặc tạm ngưng hoạt động hoặc bị kiểm soát đặc biệt. Chỉ phân nửa các công ty quản lý quỹ làm ăn có lãi.Trong số còn lại, không ít công ty đã âm vốn chủ sở hữu một phần hoặc toàn bộ.
Các công ty quản lý quỹ đang quản lý 19 quỹ đầu tư với tổng giá trị tài sản ròng 6.700 tỉ đồng.Ngoài ra các công ty còn quản lý danh mục cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.Có 33 công ty quản lý danh mục trên cơ sở 250 hợp đồng ủy thác đầu tư với số vốn ủy thác chừng 100.000 tỉ đồng.
Những công ty quản lý quỹ có các doanh nghiệp mẹ là bảo hiểm, ngân hàng đứng sau “sống” khỏe hơn các đồng nghiệp.Lợi thế của các công ty của các tập đoàn bảo hiểm thể hiện rất rõ.Các hợp đồng quản lý danh mục đầu tư, quản lý phần phí bảo hiểm đều được họ ký trực tiếp với công ty mẹ.Nói một cách khác, họ không phải bươn chải huy động vốn cho các quỹ như các công ty khác.Đầu vào họ đã có sẵn, chỉ còn vất vả tìm đầu ra sao cho mang lại hiệu quả mà thôi.
So với các quỹ nội, việc huy động vốn của các quỹ ngoại cũng không khả quan hơn bao nhiêu. Các quỹ do Dragon Capital, VinaCapital, hay các công ty quản lý quỹ của Hàn Quốc, Nhật Bản quản lý chưa tìm được nguồn tiền mới. Quỹ Mekong Brahmaputra Clean Development Fund L.P do Dragon Capital quản lý là một quỹ mới chuyên đầu tư vào mảng công nghệ sạch ở Đông Dương và Thái Lan, nhưng khả năng tài chính cũng không dư dả. Hiện tại nguồn vốn từ Nhật có khả năng đầu tư vào Việt Nam không nhỏ, song các tổ chức đều tự vận động, tự tìm và đàm phán các điều kiện rót vốn. Cách đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp hay dự án dạng này giúp nhà đầu tư tham gia điều hành, quản lý các khoản đầu tư của họ hiệu quả, mà lại giảm được chi phí thông qua đầu tư vào các quỹ.
Bên cạnh đó, các quỹ ngoại phải cạnh tranh thường xuyên với các quỹ mở bên ngoài, đặc biệt là những quỹ ETFs (quỹ đầu tư chỉ số). Trong vòng nửa năm trở lại đây, nguồn tiền đổ vào Market Vectors Vietnam ETF và ETF do Deutsche Bank quản lý tăng đáng kể. Tổng giá trị tài sản ròng của Market Vectors Vietnam ETF tính đến ngày 5-2-2014 đã lên đến 417,7 triệu đôla Mỹ.Chỉ trong tháng 1-2014 quỹ này huy động được khoảng 20 triệu đôla Mỹ. Tháng đầu tiên của năm nay, khối ngoại mua ròng khoảng 85 triệu đôla Mỹ trên sàn TP.HCM, trong đó phần đóng góp của các quỹ ETFs chiếm tỷ trọng lớn. Một số quỹ nhỏ khác cũng bắt đầu giải ngân.Để so sánh, các quỹ đóng ở Việt Nam lâu năm hầu như không còn vốn, trừ quỹ của VinaCapital.
Nhận định về triển vọng của mảng quỹ đầu tư, bản thân quan điểm của các công ty quản lý quỹ cũng chia làm hai.Một phía cho rằng năm nay có lẽ các quỹ vẫn chưa vượt qua được nỗi ám ảnh không huy động được tiền. Các quỹ nội tỏ ra chưa hết bi quan vì nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư vẫn đang xem tiết kiệm ngân hàng là kênh an toàn và thức thời lúc này. Lãnh đạo một quỹ đầu tư kể: ông hỏi 10 người bạn, thì 5 người nói tiếp tục chọn ngân hàng để gửi tiền. Những người có chút mạnh dạn pha lẫn khẩu vị mạo hiểm thì chọn chứng khoán. Số còn lại nói sẽtheo dõi sát sao biến động thị trường bất động sản. Chẳng có ai nghĩ đến chuyện bỏ tiền vào quỹ đầu tư (mua chứng chỉ quỹ đầu tư).
Ở phía khác, một số quỹ bắt đầu thể hiện tín hiệu lạc quan.Điều gì khiến họ lạc quan?Đó là chuyển động vĩ mô. Ông Lê Hải Trà, Ủy viên hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc thường trực Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, nói các nhà đầu tư nước ngoài mà ông tiếp xúc, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, hạ lãi suất. Họ vẫn còn băn khoăn về nợ xấu và quan sát quan điểm của Chính phủ trong việc sử dụng đầu tư công như một đòn bẩy tăng trưởng trong bối cảnh tín dụng ngân hàng kiệt quệ. Theo ông việc nước ngoài lập ra một quỹ đầu tư chỉ số, niêm yết ở nước ngoài, dựa trên các cổ phiếu nền tảng ở Việt Nam là có thể thực hiện được nếu nới room được tiến hành. Quỹ này có thể huy động hàng trăm triệu đôla Mỹ và sẽ đổ vào những doanh nghiệp bluechips trên sàn như trong rổ VN-30.Đây sẽ là một nhân tố kích thích sự phát triển trở lại của loại hình quỹ đầu tư.
Sự chững lại của quỹ đầu tư và triển vọng trở lại của nó trong năm nay và những năm sau, xét cho cùng, phản ánh sự vận động mang tính chu kỳ của nền kinh tế. Trong thời kỳ khủng hoảng, từ cá nhân đến tổ chức, ai ai cũng chăm chú cho tiết kiệm, tích góp, ít ai muốn bỏ vốn ra làm ăn.Chính vì thế quỹ đầu tư không huy động được vốn là chuyện không có gì khó hiểu.Khi nền kinh tế chuẩn bị thoát đáy và đi lên, thời cơ gọi vốn lại đến.Năng động, bản lĩnh, quyết đoán đến đâu – đây là lúc mà các quỹ đầu tư chứng tỏ năng lực của mình. Hy vọng một ngày nào đó, các quỹ mở đi đầu có thể nâng vốn lên 1.000 tỉ đồng, vì thế không phải là quá viển vông.
Hải Lý