“Tôi không biết chính xác mình vẽ được bao nhiêu tác phẩm, vì xong đến đâu bán đến đó, nhưng trên 5.000 bức thì hoàn toàn có thể” – đó là tiết lộ của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, một trong vài kỷ lục gia về bán tranh tại Việt Nam, người đang có phòng tranh mới với tên gọi “Quê hương” tại gallery Craig Thomas (165 Calmette, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 6-2016).
Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1954, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội năm 1972) được biết đến nhiều nhất, rộng rãi nhất ở những bức tranh vẽ thiếu nữ với áo dài và nón lá, hai yếu tố có thể coi là đặc trưng của phụ nữ Việt Nam, được anh thể hiện với vẻ duyên dáng và gợi cảm mà ý nhị, bằng kỹ thuật già dặn cùng thủ pháp tạo hình riêng, không lẫn vào ai dù có hàng trăm họa sĩ cũng vẽ áo dài và nón lá. Có lẽ đó cũng là một lý do để mảng tranh này của anh được khách hàng, các nhà sưu tập, các phòng tranh ở nước ngoài hết sức ưa chuộng. Chắc chắn trong số “trên 5.000” tranh đã bán thì thiếu nữ với áo dài, nón lá cũng lên đến cả ngàn bức. Với gallery Lã Vọng ở Hongkong vào thời kỳ chuyên kinh doanh tranh Việt Nam thì Nguyễn Thanh Bình là một họa sĩ được các chủ nhân đặc biệt ưu ái, từng tổ chức triển lãm cá nhân cho anh bên cạnh nhiều triển lãm nhóm tác giả có mặt Nguyễn Thanh Bình. Người viết bài này hai lần sang Hongkong giữa những năm 2000, đã tận mắt thấy nhiều tranh Nguyễn Thanh Bình trong các gallery và trong sảnh các khách sạn lớn. Tranh của anh còn đến với nhiều triển lãm ở châu Á, châu Âu, Mỹ…
Điều đáng ngạc nhiên là vẽ nhiều như thế, bán tranh nhiều như thế nhưng “Quê hương” mới là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Thanh Bình trên chính quê hương mình. Mười lăm tác phẩm sơn dầu mới nhất của anh cũng không còn mấy dấu vết của thời kỳ “áo dài nón lá” hay những vũ công ballet, những nghệ sĩ violon, cello… đã quen mắt. Phần lớn hình ảnh được khắc họa trong tranh là cảnh sắc miền Bắc, nơi anh sinh ra và lớn lên dù đã chọn đất Sài Gòn hôm nay là chốn dung thân từ nhiều năm qua. Đó là Cầu Long Biên với mấy nhịp cũ kỹ bắc qua sông Hồng, được mô tả bằng vài nét mờảo, nhạt nhòa như một ký ức thật xa xôi. Cũng với cách bày tỏ tới mức tối giản ấy là Cửa biển với một con đò bé tẹo, chơi vơi giữa mênh mang trời nước. Đó còn là thủy đình của chùa Thầy ở đất quan họ Bắc Ninh. Là những con đường làng quê thôn lấm ở Bắc bộ. Những Ngã ba sông, Thuyền, Đường làng, Cổng làng, Mái, Thủy đình, Đường mòn và cây cầu… đều là tâm thức quy cố hương của một nghệ sĩ đã ở tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” có đủ tri và hành, có kiến văn và hiểu biết lẽ đời
Phần đối thoại ngắn giữa Nguyễn Thanh Bình và chủ nhân gallery Craig Thomas có thể giúp hiểu thêm về tác giả và phòng tranh của anh.
Chủ đề trong bộ sưu tập tranh mới của anh khác với những gì anh đã rất nổi tiếng (ballet, khỏa thân, thiếu nữ áo dài). Điều gì tạo cảm hứng cho anh đi theo một hướng khác trong bộ sưu tập này?
Đôi khi cần phải thay đổi vì nếu giữ mãi một kiểu thì đó chỉ là sự tự thỏa mãn ngu ngốc hoặc đầu óc lười biếng. Có nhiều cách để thay đổi: chủ đề, phong cách, xu hướng. Tôi không cố gắng chạy theo xu hướng nào cả, chỉ đơn giản đi tìm cái đẹp; cái đẹp cho tất cả mọi người. Cấu trúc trong tranh tôi đem đến cho người xem nhiều điều bên ngoài mặt tranh. Điều tôi luôn chú trọng trong sáng tác là sự cô đọng. Tôi thích đề tài tối giản nhưng ý tưởng lớn ví dụ như thơ haiku Nhật Bản.
Một số người đã xem tranh nói tranh buồn và u sầu. Anh thấy những tranh này thế nào?
Thật ra, nó không “buồn” và “u sầu” mà chỉ là nó giống với tính cách cá nhân: bình lặng, bình tĩnh, bình yên, và là yếu tố quan trọng nhất của sáng tạo: cá tính!
Tôi thấy tranh Cầu Long Biên vừa đơn giản, đẹp, vừa giàu cảm xúc. Anh có thể cho biết thêm về bức tranh này và lý do anh chọn vẽ như thế?
Bức Cầu Long Biên cũng nhưCửa sông hay Ngã ba sông không những thể hiện được cá tính sáng tạo, mà còn có bố cục đơn giản đến mức độc đáo.
Anh có chịu ảnh hưởng bởi họa sĩ Việt Nam hoặc họa sĩ nước ngoài hoặc cả hai không?
Trên con đường của mình, họa sĩ nào cũng chịu ảnh hưởng từ các bậc thầy đi trước. Tôi chịu ảnh hưởng từ những họa sĩ danh tiếng như Nguyễn Sáng đến những họa sĩ chỉ là bạn bè như nữ họa sĩ Hoàng Minh Hằng. Tất nhiên, thời sinh viên, tôi thích Juan Gris, Fernand Leger, những danh họa của trường phái lập thể. Nhưng sau này, tôi nhận ra rằng đó không phải là “ngôn ngữ” của mình. Tuy nhiên, cấu trúc “không gian” trong tranh của tôi vẫn phảng phất sự “ảnh hưởng” từ họ, mặc dù nó hoàn toàn khác.
Vai trò của họa sĩ trong xã hội theo anh là gì?
Vai trò của họa sĩ đối với xã hội cũng giống như nhạc sĩ, nhà văn hay sân khấu hoặc điện ảnh. Vì tất cả mọi sáng tạo của họ – cho dù ở bất cứ trường phái, khuynh hướng hay hình thức biểu hiện nào – đều bắt nguồn từ cuộc sống xã hội, ngay cả khi họ nói về mặt trăng hay sao hỏa, cũng chỉ để nói về điều đang xảy ra xung quanh mình. Vai trò của họ giống như hoa nở trong thiên nhiên, chẳng những để cho cuộc sống đẹp hơn mà còn có thể kết trái.