Cuộc đời, mỗi người một quan niệm sống, không có một mẫu số chung nào, hình thành nên cách sống khác biệt.
Người chan hòa, người khép mình, người bao dung, phóng khoáng, người ích kỷ hẹp hòi; người vung tay quá trán, người tiết kiệm đến mức tối đa. Người xem trọng hình thức bề ngoài, người chỉ chú ý đời sống tinh thần. Có người dư dả nhưng thấy không cần thiết phải se sua chưng diện…
Ngày xưa, thời bao cấp, nói về tính tiết kiệm, đồng nghiệp đều le lưỡi, không ai qua chị này, tuy chị không thuộc dạng thiếu thốn hay nghèo, mà lương bổng, nhà cửa của chị khi ấy hơn rất nhiều người. Thời chưa ai có nồi cơm điện hay máy giặt thì chị sắm trước tiên. Chị thuộc dạng ưu tiên mua sắm thứ gì cần thiết, giải phóng sức lao động trước.
- Xem thêm: Đó là hưởng thụ!
Riêng việc ăn uống thì tiết kiệm tối đa, tuy không đến nỗi hà tiện nhưng cũng khá chi li. Ví dụ như: món tráng miệng là chuối chẳng hạn, chị mua đúng mỗi người một quả. Nhìn tô canh nhỏ xíu chị nấu, mới thấy tiết kiệm quá mức! Nhưng theo chị, nấu vừa đủ, dư ra sẽ có một người cố ăn, tuyệt đối nhà chị không bỏ thức ăn thừa!
Đặc biệt, là nữ nhưng chị không mua sắm trang phục nhiều, thậm chí người ngoài cảm tưởng chị có một cái áo mặc hoài!
Rồi cũng dần qua thời bao cấp, đến mở cửa. Chị xây nhà. Cũng vừa đủ, dự phòng tầng trệt lúc nào đó cho thuê. Rồi chị xin nghỉ hưu trước thời hạn. Rồi đến phiên chồng chị nghỉ hưu. Công bằng mà nói, lương hưu chồng chị khá cao, con cái đã đi làm, thêm bản tính tiết kiệm biết liệu cơm gắp cá nên gia đình chị vẫn thoải mái, ai nấy đều hài lòng.
Sau này con cái làm ăn khá, nghe chị kể đã bớt tiết kiệm về khoản ăn uống. Ví dụ như, muốn đi nhà hàng thì cứ việc đi, không đắn đo hay bàn lùi như ngày xưa. Ấy vậy, mang tiếng tiết kiệm (về ăn uống và các chi phí không cần thiết) nhưng chị lại thích đi… du lịch, có khi chị đi một mình, có khi đi hai vợ chồng. Bởi chồng chị không thích đi du lịch nên anh rất thường từ chối.
Điều nữa, tuy nhà chị ở vị trí mặt tiền và khi xây nhà chị đã có ý định cho thuê mặt bằng nhưng hơn mười năm sau nghỉ hưu hai vợ chồng chị vẫn không cho thuê. Ý chị là, cho thuê nhà sẽ gặp bất tiện trong sinh hoạt, chồng chị thì thích ngồi phòng khách xem tivi, hay… ngó ra đường.
Con người sống có bao nhiêu đâu mà phải chạy theo vật chất, chồng chị chỉ có sự hưởng thụ… nhỏ nhoi này, sao phải vì đồng tiền mà dẹp đi? Người ngoài nhìn vào mặt bằng thấy tiếc giùm cho chị mỗi tháng mất cả chục triệu thu nhập.
Tuy nhiên, khi con trai lớn mua đất làm nhà phải vay thêm tiền ngân hàng thì vợ chồng chị thay đổi “quan niệm hưởng thụ”. Việc cần làm ngay là cho thuê nhà để hỗ trợ con trả tiền lãi ngân hàng. Có phòng khách cho anh thoải mái ngồi ngó ra đường làm gì khi tháng nào con cũng phải cong lưng trả nợ?
Một ngày bạn bè đồng nghiệp “tá hỏa” khi thấy chị post Facebook hình đi du lịch hai tour: du thuyền trên sông Volga và về thăm trường cũ Bacu. Ngồi cà phê nghe chị kể chi phí hơn trăm triệu đồng mà ai nấy nhìn chị ngưỡng mộ, người ngày xưa nổi tiếng tiết kiệm, món tráng miệng tính từng trái chuối mà giờ chi bạo thế!
- Xem thêm: Tận hưởng cuộc sống
Chị giải thích, tiền đi du lịch là một năm cho thuê nhà sau khi giúp con trai trả xong nợ ngân hàng. Tiền để làm gì, chết có mang theo được đâu mà mộng ước trở lại trường cũ luôn cháy bỏng? Chị kể, trước khi đi du lịch, con trai mua cho mẹ điện thoại Samsung, con gái chỉ cho mẹ chụp hình selfie, đưa lên Facebook. Dợt tới dợt lui, sử dụng smartphone nhuần nhuyễn là tới ngày đi.
“Đường dài mới biết ngựa hay”, hóa ra chị này là người rất biết hưởng thụ trong điều kiện có thể. Ngày xưa không tiết kiệm thì lấy tiền đâu nuôi con cái ăn học, xây nhà cửa? Còn bây giờ, tiết kiệm làm gì khi đã… xong nhiệm vụ? “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, chị sử dụng đồng tiền đúng mục đích chứ đâu hoang phí?
Mỗi người một quan niệm hưởng thụ, trông vẻ tuềnh toàng của chị – ngày xưa và bây giờ, thấy vậy mà không phải vậy. Hào nhoáng, xênh xang chắc gì đã dám “chơi” như chị? Đánh giá bề ngoài một con người chưa hiểu hết nội lực bên trong đâu!