Nhiều người thường ví von chiếc vỏ ốc có thể chứa đựng linh hồn của biển. Du khách phương xa đến biển thường tìm mua những chiếc vỏ ốc nhiều màu sắc làm quà, để cùng áp tai vào nghe tiếng biển du dương. Và bên trong những chiếc vỏ ốc xinh đẹp ấy, còn chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị về người và nghề mỹ nghệ…
Hành trình tìm lại sự sống…
Mỹ nghệ sò ốc là một nghề thủ công truyền thống của nhiều địa phương vùng biển. Từ ốc, các nghệ nhân có thể sáng tạo nên vô số mặt hàng lưu niệm, chẳng hạn chiếc móc khóa, cái vòng tay đơn giản hay một con tàu, một bình hoa công phu.
Để đến được tay du khách, chiếc vỏ ốc phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Vỏ ốc mang về được xử lý cho sạch ruột, sau đó được “xào” với cát, ở mỗi độ lửa sẽ cho ra những màu sắc khác nhau.
Kết thúc khâu sơ chế, qua đôi công đoạn đơn giản là nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ ốc đã có thể ra đời (vòng tay, tấm rèm cửa, hay một món quà lưu niệm ít cầu kỳ).
Để có những sản phẩm cao cấp hơn, đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các nghệ nhân ở nhiều công đoạn khác nhau.
Hành trình thổi hồn vào chiếc vỏ ốc nghe có vẻ đơn giản, nhưng ở khâu nào cũng có những ngón nghề riêng của nhà lò, từ việc làm sao cho ốc thật sạch và khử được mùi tanh đến những bí quyết riêng trong việc tạo màu…
“Mỗi lò có những bí quyết gia truyền riêng mà hơn hay thua, sống hay chết cũng dựa vào đó…” – chị T.H, người “xào” ốc chính trong một nhà lò dè dặt trả lời và đã khéo léo từ chối khi được ngỏ ý chụp ảnh làm tư liệu.
Bàn tay thoăn thoắt nhặt sạn, đảo ốc, chị đùa: “Nhìn vậy chứ đảo ốc cũng phải tùy tay, tùy đợt, có mẻ vừa lửa thì màu đẹp, có mẻ lại quá già đâm ra xỉn màu. Tiếp xúc với ốc suốt ngày, nhiều khi nhìn một xâu ốc là tôi biết con nào từ lò của mình ra”.
Qua bàn tay của những nhà lò, chiếc vỏ ốc sần sùi, thô kệch ban đầu bỗng như được khoác chiếc áo mới đầy màu sắc. Không chiếc vỏ nào bị vứt bỏ, kể cả khi đã vỡ.
Ốc bé để xâu chuỗi, ốc vừa vừa thì làm móc khóa, ốc lớn sẽ được mài sạch và khắc chạm để bán nguyên con… Mỗi loại đều có giá cả riêng, từ vài ngàn đồng đến… vài ngàn USD, tùy theo kích cỡ, chủng loại và màu sắc.
- Xem thêm: Đồ gỗ mỹ nghệ Bình Định
Những loại ốc càng quý hiếm, xương ốc càng dày, hình dáng càng đẹp, càng nguyên mẫu thì giá trị càng cao. Đắt nhất có thể kể đến các loại ốc xà cừ, ốc tù và vì giá bán luôn tính bằng tiền trăm ngàn, tiền triệu.
Theo một người bán hàng ở tiệm Giang (thuộc Hội Nghệ nhân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thì đã từng có chiếc vỏ ốc tù và được một vị khách nước ngoài trả giá 22.000 USD, nhận tiền rồi mà người bán còn thấy tiếc!
Chiếc vỏ ốc tưởng như vô hồn ấy lại mang đến sự thích thú và theo chân du khách đến mọi miền. Mới hay, qua bàn tay khéo léo của con người, những thứ ngỡ là phế phẩm cũng có một sức sống riêng.
…và câu chuyện về tác quyền
Với những sản phẩm ốc ở dạng nguyên thủy, các nghệ nhân thường không mất nhiều thời gian để tạo hình và mài giũa, nhưng khi ốc không còn đơn thuần là… ốc, sự điêu luyện và nhất là năng lực sáng tạo của nghệ nhân có vai trò quyết định.
Để có thể tạo nên một chiếc đèn ngủ mỹ nghệ, người ta phải kết hợp ít nhất năm loại ốc khác nhau, đó là chưa kể những vật liệu từ biển khác như san hô, sao biển…
Cái khó của nghệ nhân là phải thiết kế được kiểu dáng độc đáo cho sản phẩm và làm sao để các vỏ ốc kết hợp hài hòa với nhau về vị trí, sắc màu.
Một mẫu mã mới muốn xuất hiện trên thị trường không thể chỉ ngày một, ngày hai. Có khi đó là ý tưởng được ấp ủ suốt hàng tháng trời, rồi được hoàn thiện trên bản vẽ, sau đó lại công phu tìm kiếm chất liệu phù hợp thì mẫu mới có thể ra đời.
Theo một nghệ nhân, trong nghề này có một thực tế là việc nhái mẫu mã tương đối phổ biến, mà gọi nôm na là “chôm ý tưởng”.
Có nghìn lẻ một cách “chôm”, từ đơn giản đến tinh vi, từ trong nước ra ngoài nước mà nạn nhân bị “chôm” chỉ biết dở khóc, dở cười.
Nghệ nhân T. Giang, một thành viên lâu năm của Hội Nghệ nhân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Chôm ý tưởng là chuyện thường ngày, đến độ các nghệ nhân – nạn nhân dường như không còn thấy buồn nữa!”.
- Xem thêm: Mỹ nghệ khay kim loại Zhostovo
Bản thân anh cũng trên dưới chục lần lâm vào hoàn cảnh tương tự, nhiều khi hôm trước vừa trưng bày sản phẩm ở cửa hàng, chưa kịp bán cái nào thì hôm sau đã thấy một cái “giông giống” ở cửa hàng khác!
Nghệ nhân T.N kể rằng ông thật sự giật mình khi bắt gặp một bình hoa làm từ xương ốc nhìn “quen quen” ở tận… Hải Phòng, vì anh nhớ chắc chắn là mẫu bình hoa đó vừa ra lò mới hơn hai tuần, hàng chưa từng được giao ra ngoài.
Theo anh, có được ý tưởng mới rất khó, còn chuyện copy thì những người đã từng ngồi máy mài, quen với việc gia công ốc chỉ cần “liếc sơ” sản phẩm đang trưng bày là thừa biết phải làm gì để có được một cái “y chang”.
Họ còn phát hiện được điểm yếu trên sản phẩm mẫu để khắc phục cho tinh xảo hơn! Chỉ có tác giả là người chịu thiệt thòi.
Có lẽ vì thế mà hiện nay, nhiều nghệ nhân thường chào ý tưởng của mình cho những người đặt hàng số lượng nhiều, khi đã có đơn hàng hợp lý mới trưng bày mẫu hàng lên quầy, kệ.
Nhưng đó chỉ là cách để đối phó với việc chôm ý tưởng trong nước, còn với nhái mẫu xuyên quốc gia thì những nghệ nhân đành phải… chào thua.
Đã không ít lần các mẫu sản phẩm mỹ nghệ sò ốc của Việt Nam xuất hiện ở nước ngoài mà chủ nhân của chúng không hề hay biết.
Cô Xuân Mai – Chủ tịch Hội Nghệ nhân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tâm sự: “Có trường hợp khách nước ngoài qua mua mỗi kiểu chỉ một sản phẩm, sau này chúng tôi mới hiểu họ mua để về copy mẫu.
Tất nhiên ta cũng nghiên cứu mẫu của họ, nhưng họ tinh vi hơn ta nhiều”. Rồi cô kể chuyện một vị khách người Pháp tổ chức thuê nhân công Việt Nam kết vòng tay ốc cho ông ta, trả 20.000 đồng/100 dây (gấp đôi mức công hiện tại).
Ông ta chia việc kết vòng này ra nhiều công đoạn, mỗi công đoạn do từng nhóm nhân công thực hiện, đích thân ông ta giám sát người làm và trực tiếp hoàn tất khâu cuối của sản phẩm.
Như vậy, “công nghệ” sản xuất được giữ bí mật, chỉ mình ông ta biết. Chiếc vòng tay sau khi hoàn thành được chào bán ở nước ngoài với giá hơn 20 USD.
Nghe xong, tôi buột miệng hỏi: “Chẳng lẽ không có cách nào để bảo vệ ý tưởng? Sao các nghệ nhân không sản xuất mẫu mới liên tục?”.
Cô Mai cười buồn bã: “Đã có ai nghĩ đến việc bảo vệ tác quyền cho mấy thứ hàng lưu niệm này đâu. Còn hiện tượng một mùa mà chỉ có vài ba sản phẩm mới thì không phải vì thiếu ý tưởng, nhưng cũng cần có thời gian để thị trường chấp nhận mẫu cũ đã. Việc cho ra sản phẩm mới liên tục đồng nghĩa với việc loại bỏ sản phẩm cũ, như vậy có thể sản phẩm chưa được khai thác đúng mức đã bị đào thải mất rồi. Tình thế là như vậy nên chúng tôi đành chấp nhận sống chung với hàng nhái”.
Nghề và nghiệp
Chế tác và kinh doanh hàng mỹ nghệ sò ốc thường ăn theo mùa du lịch. Tháng “ế” du khách cũng chính là thời điểm thuận lợi cho sản phẩm mới ra đời, để vào mùa du lịch cao điểm là các nghệ nhân tập trung thực hiện các đơn hàng và buôn bán.
Việc rảnh, bận bất thường ấy khiến những người chọn nghề gắn bó với sò ốc thường có cuộc sống chẳng khấm khá gì, nếu không kinh doanh lớn.
Qua rồi cái thời làm ăn nhỏ lẻ, ngành mỹ nghệ sò ốc hiện nay đã chuyên môn hóa hơn, quy trình sản xuất đã được phân thành công đoạn, từ sơ chế, thiết kế mẫu tới gia công thô, gia công tinh…
Nhiều gia đình ở Vũng Tàu gắn bó với nghề đến ba, bốn thế hệ, nhưng cũng không ít người bén duyên với vỏ ốc hết sức tình cờ.
Anh Thông Giang, một nghệ nhân có hơn 20 năm tuổi nghề nói: “Hồi năm 1985, tình cờ tham dự triển lãm của ngành, tôi bị mê hoặc bởi một bức tranh khảm ốc. Thế là sẵn có tí hoa tay, tôi về nhà thử mày mò, rồi cũng cho ra sản phẩm rồi đem đi dự thi, ai ngờ đậu giải nhất. Từ đó gắn bó với nghề cho tới giờ”.
Quả thật cái nghề cũng là cái nghiệp nên đã bén duyên thì khó ai bỏ được, dù nhiều khi họ có thể “chơi rông” hàng tháng trời.
- Xem thêm: Ngộ nghĩnh những con thú vớ
Đến khi có du khách tìm mua hàng, không hiếm cửa hàng “chặt chém” thẳng tay, tạo nên cái nhìn xấu về việc kinh doanh hàng mỹ nghệ.
Tiếc là không mấy ai biết rằng với các nghệ nhân, vấn đề “cơm áo gạo tiền” không thể lấn át nổi cái máu nghệ sĩ và sự đam mê vỏ ốc trong họ.
Anh Giang đã không giấu được vẻ tự hào khi giới thiệu chiếc vỏ ốc ngược được mua với giá vài trăm USD: “Quý lắm đó, nhiều người gạ mua với giá cao gấp mấy lần mà tôi không bán, vì cả chục ngàn con mới có một con”.
Cũng như các ngành nghề khác, mỹ nghệ sò ốc cũng có những khách hàng rất lạ. Những loại ốc quý hiếm, cao giá khó thoát nổi sự săn lùng của khách nước ngoài.
Họ sẵn sàng mua với giá cao và cũng sẵn sàng cau mày bỏ đi khi thấy cửa hàng treo đồi mồi – một động vật quý cần được bảo tồn.
Có khi khách hàng chính là dân kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, sang Việt Nam mua ốc nguyên mẫu với giá rẻ để về sản xuất những đồ trang sức đắt tiền, hay đặt hàng để bán lại với giá cao ở nước họ.
Chuyện sản phẩm của Việt Nam lại được rao bán trên mạng của Trung Quốc, Malaysia… cũng không còn lạ lẫm gì.
Nghệ nhân M. Hương phân tích: “Chung quy cũng tại khâu tiếp thị của mình còn yếu. Cũng mong có ngày mình là chính mình, chứ không phải mình là người ta như thế nữa…”.
Mỹ nghệ sò ốc là nghề chế tác cái đẹp của sản vật biển. Người làm ra những sản phẩm ấy cũng được vinh dự gọi là nghệ nhân.
Ngày qua ngày, họ vẫn miệt mài, say mê tạo nên cái đẹp với khát khao được là chính mình và thể hiện bản thân.
Mong sao một ngày không xa chúng ta được nhìn thấy bao du khách khắp nơi áp vào tai sản phẩm mỹ nghệ “Made in Vietnam” để cùng lắng nghe lời thì thầm của biển cả mênh mông!