Chỉ cần kích thích vỏ não thị giác trong 20 phút bằng một dòng điện nhẹ giúp cải thiện thị giác trong hai giờ đồng hồ, ở những người thị lực kém. Đó là nghiên cứu của Trường Đại học Vanderbilt, được đăng trên tạp chí Sinh học Hiện hành trong tháng 6-2016.
Theo giáo sư Geoff Woodman, đồng tác giả nghiên cứu: “Đây thực sự là một ý tưởng rất đơn giản, một loại hình kích thích cải thiện quá trình nhận thức trong các vùng khác của bộ não. Vấn đề là, nếu kích thích hệ thống thị giác, có thể khiến tầm nhìn tốt hơn, mà không dùng đến các giải pháp khác, như đeo kính hay phẫu thuật lasik, bằng các tác động trực tiếp lên não?”.
Tiến trình nghiên cứu
20 đối tượng trẻ, khỏe mạnh, có thị lực bình thường hoặc gần như bình thường, được yêu cầu ước lượng vị trí cân xứng của hai đường thẳng đứng giống nhau, đánh giá xem chúng có thẳng hàng hoặc xô lệch, hay không. Cách này dễ phát hiện hơn biểu đồ mắt chuẩn, giúp các nhà nghiên cứu có thể đo lường chính xác thị lực của từng người. Kế tiếp, họ đưa một dòng điện rất nhẹ vào vùng phía sau não, chịu trách nhiệm xử lý thông tin thị giác. Sau 20 phút, các đối tượng được yêu cầu thử nghiệm lần nữa, phát hiện thấy khoảng 75% người có thị giác cải thiện khi kích thích não.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều thử nghiệm lặp lại nhằm kiểm tra mức độ tác động của cường độ khác nhau, hướng dòng điện, vị trí của điện cực. Thử nghiệm này rất quan trọng, vì giúp xác định các điện cực có đặt đúng vị trí, phía trên vùng trung tâm xử lý thị giác của não, để tác động thị lực của đối tượng thử nghiệm hay không, thay vì bất cứ vị trí nào trong não. Họ cũng biết được làm thế nào mà tác dụng kích thích đã thay đổi tốc độ quá trình xử lý thông tin thị giác của não, có chăng sự kích thích cũng đồng thời cải thiện độ nhạy tương phản, tức khả năng phân biệt giữa nhiều sắc thái màu xám, của các đối tượng. Thử nghiệm tương phản này rất đáng chú ý, giúp các nhà nghiên cứu phát hiện sự kích thích không chỉ cải thiện độ nhạy tương phản của những tần số mà còn liên quan với độ nhạy thị giác, có ảnh hưởng đến độ nhạy thị giác của đối tượng, chứ không phải là độ nhạy tương phản. Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Robert Reinhart, cho biết: “Phát hiện này đem lại những ứng dụng khoa học cơ bản thú vị trong tương lai. Giờ đây, chúng ta đã có một công cụ mới, có giá trị, giúp các nhà nghiên cứu tìm ra những vấn đề cơ bản của hoạt động hệ thống thị giác”.
Ở thử nghiệm sau cùng, các nhà nghiên cứu muốn tìm xem liệu có sự cải thiện mà họ tìm thấy trong thử nghiệm đầu tiên có đủ đểứng dụng thực tế đời sống, như đọc một biểu đồ mắt chuẩn. Họ phát hiện những tác dụng kích thích giúp đối tượng nhìn được trung bình từ một đến hai chữ cái, mặc dù giáo sư Reinhart đã lưu ý, có sự biến đổi đáng kể giữa những đối tượng. “Chúng ta thấy có sự thay đổi lớn ở những người tầm nhìn kém, có thể cần đeo kính, trong khi những người khác, có thị lực tốt, thì không có gì thay đổi”, giáo sư Reinhart nói.
Những lý giải quan trọng
Giáo sư Reinhart suy đoán những phát hiện này có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Người ta tin rằng dòng điện chỉ đơn giản có thể tăng các tín hiệu thị giác, vì thế một số dây thần kinh có thể xử lý chúng nhanh hơn. Nhưng theo Reinhart, thì về cơ bản cũng có thể do dòng điện truyền nhiễu trắng vào hệ thống thị giác, lấn át thông tin không liên quan, cho phép não nắm bắt thông tin thị giác dễ dàng hơn.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, cần có nhiều nghiên cứu lâm sàng để xác định tính an toàn của tiến trình, tuyệt đối tránh thử nghiệm tại nhà.
- Hoàng Uyên theo Science Daily