Không cần đợi đến khi Malia, con gái của Tổng thống Mỹ Barack Obama hoãn việc vào đại học và dành ra một năm “gap year” dù đã được Trường Harvard danh tiếng chấp nhận thì gap year mới trở thành xu hướng được các bạn trẻ lựa chọn. Với giới trẻ thế giới, gap year được xem là một trong những cách học và tích lũy kiến thức, kỹ năng sống hiệu quả nhất. Định nghĩa gap year là một năm tạm hoãn lại những việc bắt buộc được xem như nghĩa vụ của mỗi người như đi học hay đi làm để tự do du lịch, theo đuổi các niềm đam mê và làm những việc thường ngày khó có thể đủ thời gian thực hiện. Tuy không có bất kỳ giới hạn hay định nghĩa cụ thể trong thời gian gap year sẽ phải làm việc gì, nhưng nhiều bạn trẻ hiện nay chọn việc cộng tác với các tổ chức phi lợi nhuận vì đây được xem là cách vừa giúp tích lũy kỹ năng hiệu quả, vừa làm được những việc có ích cho xã hội. Và gap year khi du học chính là cách làm dày thêm những kinh nghiệm và làm cho trải nghiệm du học thêm phần đáng nhớ và bổ ích.
Nơi ứng dụng và tích lũy các kỹ năng quan trọng
Dù có nhiều vị trí trong các tổ chức phi lợi nhuận đòi hỏi các kỹ năng nhất định, vẫn có rất nhiều vị trí khác chỉ yêu cầu sự cầu tiến và các kỹ năng mềm nền tảng như kỹ năng làm việc nhóm, khả năng suy luận, sắp xếp công việc và nắm bắt thông tin trong một tập thể. Chính vì yêu cầu linh hoạt này mà nhiều bạn học sinh, sinh viên dù chưa có nhiều kiến thức chuyên môn vẫn có thể đóng góp cho các tổ chức phi lợi nhuận. Và đây cũng là môi trường tốt giúp rèn luyện các kỹ năng quan trọng này, mang đến thuận lợi không nhỏ khi quay trở lại nhà trường hay thậm chí trong các công việc khác sau này.
Nếu chọn làm việc trong các tổ chức nhỏ và có ít nhân sự, cơ hội học tập và trau dồi sẽ càng nhiều hơn vì một nhân sựở các tổ chức này có thể kiêm nhiều công việc khác nhau. Đây cũng chính là cơ hội học thêm các kiến thức, kỹ năng hữu ích trái ngành học của mình nhưng lại rất hữu dụng như kỹ năng quản trị, kế toán cơ bản, luật cơ bản… Cơ hội này chưa chắc đã lặp lại khi làm việc tại các công ty lớn sau khi tốt nghiệp. Ở các công ty này với quy trình tuyển dụng thường khá nghiêm ngặt và đầy tính cạnh tranh. Một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường còn non nớt thường sẽ chỉ được làm những công việc ít quan trọng và cần có thời gian dài mới có thể bắt đầu chứng tỏ được bản thân.
Ngoài ra, tính chất công việc tại các tổ chức phi lợi nhuận thường không cố định mà thay đổi theo mỗi dự án. Công việc thường không lặp lại và luôn đòi hỏi sự tìm tòi mỗi ngày. Điều này có thể sẽ gây ra khá nhiều áp lực với các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng giúp thời gian gap year trở nên thú vị và bổ ích hơn.
Du lịch đến những địa điểm thú vị
Nếu chọn các công việc tình nguyện tại các đất nước đang phát triển, cơ hội du lịch đến những địa điểm rất thú vị là không hề nhỏ. Đó có thể là công việc dạy tiếng Anh tại vùng quê ở các nước châu Mỹ Latinh hay là một dự án cải tạo điều kiện sống tại châu Phi… tất cả đều mang đến những trải nghiệm và những chuyến đi không thể nào mua được bằng tiền. Và với những tâm hồn khao khát được khám phá và trải nghiệm những vùng đất xa lạ, không gì hoàn hảo hơn là một chuyến đi công vụ vừa được bảo đảm an toàn, bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu cũng như có thể làm được những việc có ý nghĩa. Đây cũng chính là lựa chọn gap year được rất nhiều bạn trẻ ở các nước phương Tây ưa chuộng.
Được làm việc có ích
Một trong những lý do mà nhiều bạn trẻ lựa chọn dành gap year để làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận là vì công việc này có thể đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Với sự sung sức và lý tưởng của tuổi trẻ, nhiều bạn muốn đóng góp sức mình vào các hoạt động có ý nghĩa, và các tổ chức phi lợi nhuận chính là nơi lý tưởng để làm việc đó. Lúc này, thu nhập cao hay thấp chưa phải là yếu tố quan trọng nhất và là cảm giác thấy được những việc mình làm đã phần nào giúp đỡ cải thiện cuộc sống của những người kém may mắn, hay góp phần vào việc bảo vệ môi trường và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Đây cũng chính là thời gian quý giá giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng tâm hồn và sự trách nhiệm với cuộc sống xung quanh mình.
Phi lợi nhuận không có nghĩa là không có thu nhập
Một trong những yếu tố quan trọng với nhiều bạn trẻ là làm sao trong thời gian gap year vẫn có thể có đủ thu nhập để không phải dựa dẫm vào bố mẹ. Và dù nhiều người vẫn nghĩ làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận giống như là làm từ thiện, chỉ cho đi mà không nhận lại, đây là suy nghĩ không chính xác. Ở các tổ chức phi lợi nhuận, nhân viên vẫn được hưởng một mức thu nhập xứng đáng với công sức mà mình bỏ ra. Và trên thực tế, mức thu nhập khi làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận không hề thua kém các công ty vì lợi nhuận.
Nhiều cơ hội cho các bạn trẻ
Trong khi các công ty vì lợi nhuận thường rất khắt khe trong quy trình tuyển dụng, ưu tiên cho các ứng viên đã có kinh nghiệm thì các tổ chức phi lợi nhuận lại tạo khá nhiều cơ hội cho các bạn trẻ. Ở các tổ chức phi lợi nhuận, ngoài kỹ năng, yếu tố quan trọng không kém chính là tinh thần cầu tiến và sự nhiệt huyết dành cho công việc của mình. Không chỉ các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội gap year mà nhiều sinh viên mới tốt nghiệp cũng chọn các tổ chức phi lợi nhuận là bến đỗ của mình ngay sau khi tốt nghiệp.
Cơ hội gặp gỡ với nhiều người
Làm việc ở các tổ chức phi lợi nhuận mang đến cơ hội tiếp xúc với nhiều người với nhiều quốc tịch, ngành nghề và tầng lớp khác nhau. Không chỉ mang đến cơ hội trau dồi khả năng ngoại ngữ và giao tiếp, việc gặp gỡ nhiều người còn mang đến nhiều người bạn và các kỷ niệm giúp cho khoảng thời gian gap year thêm đáng nhớ.
Nhật Hà (DNSGCT)