Trong danh sách các kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất của tương lai do Bộ Lao động Mỹ liệt kê, tư duy sáng tạo đứng ở vị trí số 1. Thị trường lao động đang thay đổi, theo đó sự khắc nghiệt sẽ ngày một tăng cao, trình độ chỉ là một phần quyết định sự thành công, cái chính là sự sáng tạo trong cách làm việc của nhân viên.
“Chúng ta tuy được đào tạo và làm những nghề khác nhau nhưng có lẽ có một nghề chung, giữ nguyên suốt cuộc đời, cần cho tất cả mọi người. Ðó là nghề suy nghĩ…”. Dưới góc nhìn đó, Phó giáo sư – tiến sĩ khoa học Phan Dũng đã viết nên bộ sách Sáng tạo và đổi mới sau hơn 30 năm tích cực du nhập, phổ biến và phát triển bộ môn phương pháp luận sáng tạo và đổi mới tại Việt Nam. Tiến sĩ Phan Dũng cũng giữ vị trí chủ chốt tại Trung tâm Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật (TSK) và đến nay đã tuyển sinh được 497 khóa. Đối tượng chiêu sinh là tất cả mọi người có trình độ văn hóa lớp 12 trở lên, không phân biệt tuổi, nghề nghiệp chuyên môn, chức vụ…
Các nghiên cứu cho thấy, phần lớn mọi người thường suy nghĩ một cách tự nhiên như đi lại, ăn uống, hít thở mà ít khi suy nghĩ về chính suy nghĩ của mình, xem nó hoạt động ra sao để cải tiến, làm suy nghĩ của mình trở nên tốt hơn, như người ta thường chú ý cải tiến các dụng cụ, máy móc dùng trong sinh hoạt và công việc. Cách suy nghĩ tự nhiên nói trên có năng suất, hiệu quả rất thấp và nhiều khi trả giá đắt cho các quyết định sai. Nếu như cần “học ăn, học nói, học gói, học mở” thì “học suy nghĩ” cũng cần thiết cho tất cả mọi người. Đây là bộ môn khoa học trang bị cho mỗi người học các phương pháp với phạm vi áp dụng rất rộng, giúp người đó nâng cao năng suất và hiệu quả quá trình suy nghĩ, giải quyết vấn đề và ra quyết định trong suốt cuộc đời.
Là một trong số sáu sinh viên Việt Nam khi du học tại Liên Xô may mắn theo học khóa học về phương pháp luận sáng tạo (TRIZ) do giáo sư Altshuler giảng dạy, kỹ sư Dương Xuân Bảo và tiến sĩ Phan Dũng là hai người hăng hái nhất trong việc truyền bá tư duy sáng tạo, cũng như thuyết phục các cơ quan chức năng đưa môn học này vào hệ thống giáo dục phổ thông và đại học. Tiến sĩ Phan Dũng cho rằng: “Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới chính là môn học được dùng thường xuyên hơn bất cứ môn học nào khác. Có lẽ mọi người cần học môn này trước khi học các chuyên môn riêng. Bởi như giáo sư Altshuller từng nói: Mọi người có quyền bình đẳng về hạnh phúc, và quyền này trước tiên bao gồm quyền có cơ hội sáng tạo. Bộ môn này sẽ giúp mọi người được bình đẳng hơn trong lĩnh vực đó”. Còn kỹ sư Dương Xuân Bảo quả quyết: “Sáng chế của con người dường như có vẻ mang tính cá nhân nhưng thực ra đều có quy luật. Khi có phương pháp luận sáng tạo, người học sẽ nhẹ nhàng hơn trong việc tiếp thu kiến thức của những môn học khác và biết cách tích cực hóa tư duy sáng tạo”.
Ngay từ năm 1977, tiến sĩ Phan Dũng đã đề cập với một vị cán bộ lãnh đạo khoa học rằng: “Nếu tôi được đầu tư và cho vay vốn (quy ra tiền bây giờ khoảng 1 tỉ đồng) cho sáu người đã theo học Phương pháp luận Sáng tạo, thì tôi xin hứa, chúng ta sẽ có bộ mặt riêng về lĩnh vực này. Sau 20 năm nữa trình độ của chúng ta sẽ tương đương không thua kém so với thế giới”; song ý tưởng táo bạo này của ông đã bị từ chối. Phần lớn số người theo học Phương pháp luận Sáng tạo và Đổi mới tại Việt Nam hiện nay là sinh viên. Nhiều người trong số họ đã giành được các giải cao nhất trong những cuộc thi Câu đố doanh nghiệp, Ý tưởng kinh doanh sáng tạo, Lập dự án khởi nghiệp,… Đa số các học viên đều thừa nhận khóa học rất hữu ích và mới mẻ đối với tư duy của họ, song một số học viên còn lúng túng trong việc áp dụng chúng vào thực tế công việc và đời sống. Không ít giáo viên và phụ huynh xem môn học này như một “trò chơi nguy hiểm”. Tiến sĩ Phan Dũng cho biết, sức sáng tạo phát triển mạnh nhất ở độ tuổi thiếu niên, khoảng 13-14 tuổi. Học sinh nếu được học nhiều về sáng tạo ngay từ hệ trung học cơ sở sẽ có xu hướng đi một con đường riêng. Trong khi đó, tâm lý chung của các bậc phụ huynh là mong muốn con em mình tuần tự thi vào đại học, có việc làm, thăng tiến. Đó là một phần lý do sinh viên Việt Nam thiếu tính cạnh tranh trong công tác nghiên cứu khoa học, cũng như sáng chế.
Một số tập đoàn công nghệ lớn đã sử dụng phương pháp luận sáng tạo như một vũ khí lợi hại trong việc cạnh tranh về sở hữu trí tuệ. Điển hình là hãng Samsung đã áp dụng TRIZ rất thành công. Họ đã thành lập viện nghiên cứu và ứng dụng để có thể triển khai TRIZ một cách bài bản, có hệ thống. Từ năm 2001 đến 2014 họ đã đào tạo được 32.881 cán bộ, nhân viên của tập đoàn. Samsung còn khẳng định “TRIZ là kỹ năng bắt buộc nếu muốn thăng tiến tại Samsung”. Nhờ áp dụng TRIZ một cách quyết liệt, có hệ thống mà số lượng bằng sáng chế của Samsung đã tăng vọt. Năm 2016 họ có 5.518 bằng sáng chế và đứng thứ 2 trong số các tập đoàn công nghệ lớn, chỉ sau IBM với 8.088 bằng.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa ý thức hoặc không đủ nguồn lực đầu tư để sở hữu và khai thác các bằng sáng chế, từ đó có thể cạnh tranh được với những tập đoàn công nghệ lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Gần đây đã có những nỗ lực lớn hơn của các viện nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ trong việc sở hữu và khai thác các bằng sáng chế. Tuy nhiên số lượng sáng chế của Việt Nam được đăng ký tại Mỹ còn rất khiêm tốn. Một tín hiệu đáng mừng là gần đây, một số tập đoàn lớn như FPT, Viettel, CMC… đã có những bước đi đầu tiên trong việc tìm hiểu về phương pháp luận sáng tạo để triển khai cho hoạt động R&D.
“Tiến sĩ Phan Dũng người có hơn 20.000 học trò về Tư duy sáng tạo chiêu sinh.
Trên trang nhà của gã chỉ dành cho những gì gã viết, nhưng hôm nay gã có trường hợp ngoại lệ là đăng thông báo chiêu sinh lớp Tư duy sáng tạo của tiến sĩ Phan Dũng, người mà gã rất trân trọng vì những đóng góp to lớn cho giáo dục nước nhà, người thầy lớn hơn 30 năm bền bỉ truyền dạy môn khoa học cần thiết nhất cho tuổi trẻ cũng như cho bất cứ ai muốn đổi đời: Tư duy sáng tạo. Thế giới và đất nước không thể phát triển nếu không có tư duy sáng tạo”.
“Một trong những công cụ hữu ích tôi được tiếp cận là 6 Sigma và TRIZ. Năm 2003, công ty chúng tôi bắt đầu triển khai áp dụng công cụ 6 Sigma do công ty mẹ LG tại Hàn Quốc hướng dẫn. Khóa học này kéo dài trong năm ngày. Trong công cụ trên, sự sáng tạo và phát ý tưởng cực kỳ quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn “cải tiến” (Improvement) (6 Sigma là chu trình DMAIC: define-measure-analyze-improve-control). Và thật may mắn, chúng tôi được chuyên gia dành 1 tiếng để giới thiệu về công cụ TRIZ nhằm hỗ trợ việc phát ý tưởng (phần này hoàn toàn không nằm trong công cụ 6 Sigma). Do chỉ được giới thiệu làm quen với TRIZ 60 phút nhưng chúng tôi thấy đây là công cụ rất quan trọng và khi được biết TRIZ cũng đang được dạy tại Việt Nam chúng tôi đăng ký học ngay…
Trong suốt khóa học, các bài giảng của các thầy đã thật sự lôi cuốn tôi và tôi thấy rằng TRIZ không chỉ áp dụng trong kỹ thuật mà nó thật sự hữu ích trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống. Mặc dù rất bận do công việc nhưng tôi cố gắng thu xếp toàn bộ thời gian có thể để theo lớp…
Hiện nay, khi giải quyết vấn đề, tôi luôn nghĩ đến TRIZ. Trong kỹ thuật thì kết quả rất rõ ràng và hiệu quả. Ngay khi được làm quen với chương trình giải bài toán rút gọn và 40 nguyên tắc tôi đã thử áp dụng giải một bài toán… Mặc dù chúng tôi đã gặp bài toán này trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lời giải tốt. Nay chúng tôi đã chỉ mất 10 phút… và đạt được hiệu quả vô cùng lớn vì giúp công việc hoàn thành nhanh chóng (tăng năng suất) và thuận lợi”.
- Tiểu Uyên