Một em bé ra đời là niềm vui, niềm hy vọng của cả gia đình. Thế nhưng chẳng may trẻ sinh ra bị dị tật hay bệnh tật liên miên thì đó là nỗi khổ đau dai dẳng của những người cha, người mẹ.
Nhiều trẻ vừa chào đời đã mang trong mình dị tật mà nguyên nhân có thể là do mẹ bị cúm hoặc nhiễm Rubella trong thời gian mang thai. Có những trẻ sinh ra đã mắc bệnh viêm gan siêu vi hay thủy đậu do mẹ truyền sang.
Những bệnh trên của trẻ lẽ ra có thể tránh được nếu người mẹ có tiêm phòng trước khi mang thai. Tiếc rằng nhiều bà mẹ không nhận thức được tầm quan trọng của việc này, cho rằng tiêm chủng tốn tiền và mất thời gian.
Số khác lại nghĩ rằng các cụ trước đây đẻ cả chục đứa con, có tiêm phòng gì đâu mà con cái đều lớn khỏe hết. Do không ít bà mẹ không tiêm phòng một số bệnh, chẳng may mẹ mắc bệnh trong thời gian mang thai thì mọi hậu quả dồn về đứa con sắp ra đời.
Hầu hết phụ nữ sau khi lập gia đình, muốn có con mới nghĩ đến chuyện tiêm chủng. Suy nghĩ đó chưa đúng, vì vaccine sau khi vào cơ thể cần một khoảng thời gian nhất định để phát huy tác dụng và không ảnh hưởng đến thai nhi.
Vì vậy, sau khi tiêm phòng, phụ nữ không được có thai ngay. Thời gian an toàn để có thai sau khi tiêm tùy thuộc vào từng loại vaccine. Nói chung, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng mà không cần đợi đến khi lập gia đình. Một câu hỏi khác thường được đặt ra: Để chuẩn bị làm mẹ, phụ nữ cần tiêm phòng những bệnh gì?
Rubella
Đây là bệnh lành tính, thường khỏi trong thời gian ngắn và hoàn toàn có thể phòng ngừa. Nếu mẹ bị nhiễm bệnh Rubella trong thai kỳ thì có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, gọi chung là hội chứng Rubella bẩm sinh.
Tùy vào thời điểm nhiễm bệnh, tỷ lệ trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh rất khác nhau. Một bé sơ sinh bị nhiễm Rubella bẩm sinh có thể có một hoặc nhiều tổn thương như điếc, đục thủy tinh thể tật mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh.
Trước khi tiêm phòng Rubella, cần kiểm tra kỹ lại xem mình đã tiêm chủng bao giờ chưa, tốt hơn cả là làm xét nghiệm và xin ý kiến tư vấn của bác sĩ.
Viêm gan B
Ở Việt Nam, rất nhiều người bị nhiễm virus viêm gan B. Trước khi mang thai, phụ nữ nên làm xét nghiệm và tiêm phòng viêm gan B vì nếu chẳng may mắc phải bệnh này thì rất dễ bị ung thư gan.
Thủy đậu
Thủy đậu (còn gọi là trái rạ) có thể gây sốt và vùng da nổi bóng nước. Khoảng 2% số trẻ có mẹ mắc thủy đậu trong năm tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật, gồm dị dạng hình thể, liệt chân tay.
Ngoài ra, người mẹ mắc thủy đậu còn có thể truyền virus gây bệnh này sang con trong khi sinh nở. Trước khi mang thai, phụ nữ cũng nên tiêm phòng bệnh thủy đậu và ít nhất là sau hai tháng mới nên có em bé.
- Xem thêm: Khám sức khỏe định kỳ – Việc nên làm
Uốn ván
Người mẹ có thể tiêm phòng uốn ván trước khi mang thai hoặc trong lúc mang thai mà hoàn toàn vô hại với em bé. Uốn ván là bệnh do vi khuẩn Clostridium tetani tiết độc tố thần kinh mạnh gây ra, phát triển trong mô hoại tử của những vết thương bẩn và trong dây rốn nếu như khi sinh đẻ không được vô trùng cẩn thận.
Uốn ván là một chứng bệnh tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây cứng cơ và mất nhận thức. Vi khuẩn gây uốn ván có trong đất hay chất thải của động vật…
Phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ cần được tiêm chủng phòng uốn ván để bảo vệ chính họ và trẻ sơ sinh. Cần tiêm năm lần, sau đó có nên tiêm nữa hay không thì tùy thuộc vào thời gian thai nghén cách mũi cuối cùng bao lâu. Những phụ nữ trước đây chưa được tiêm thì thời gian biểu để tiêm năm liều phòng uốn ván như sau:
- Mũi 1: Càng sớm càng tốt kể từ khi vào tuổi 15.
- Mũi 2: Ít nhất bốn tuần sau mũi đầu.
- Mũi 3: Ít nhất sáu tháng sau mũi thứ hai hoặc trong kỳ có thai sau.
- Mũi 4: Ít nhất một năm sau mũi thứ ba hoặc trong kỳ có thai sau.
- Mũi 5: Ít nhất một năm sau mũi thứ tư hoặc trong kỳ có thai sau. Lưu ý là không có khoảng cách tối đa giữa các mũi tiêm uốn ván.
Cúm
Cũng nên tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang thai để phòng tránh cúm trong thời gian mang thai. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã khuyến cáo rằng phụ nữ có thai nên tiêm phòng cúm trong mùa cúm.
Vaccine phòng cúm không gây nguy hiểm gì cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Thời điểm tiêm phòng cúm tốt nhất là tháng 10 hoặc tháng 11 – giai đoạn bệnh cúm thường bùng phát mạnh.
Sau khi tiêm phòng các bệnh trên, cần áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn trong khoảng từ ba đến sáu tháng. Nếu trong khoảng thời gian đó mà chẳng may bị “vỡ kế hoạch” thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và theo dõi quá trình phát triển của thai nhi một cách chặt chẽ.
Ngoài việc tiêm phòng, những điều khác nên làm là:
- Kiểm tra sức khỏe tổng thể trước khi mang thai để xác định có mang bệnh gì không. Nếu phát hiện ra có bệnh thì phải điều trị ngay rồi mới tính chuyện mang thai.
- Kiểm tra xem trong gia đình hai bên có ai mắc bệnh di truyền không. Nếu cần thiết, có thể hỏi ý kiến của bác sĩ để xác định mức độ nguy hiểm của bệnh di truyền đối với thai nhi.
- Nên khám phụ khoa trước khi có thai vì một số bệnh phụ khoa có khả năng làm ảnh hưởng tới việc có thai và sức khỏe của thai nhi.