Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSND Lê Khanh duyên dáng, đài các nhưng vẫn toát lên vẻ gần gụi với công chúng. Có thể nói không quá rằng, mỗi lần Lê Khanh xuất hiện, cho dù trên sân khấu hay ngoài đời, cảm giác như không gian xung quanh bừng sáng – không hẳn bởi khuôn mặt rạng rỡ với đôi mắt biết cười mà là bởi điều gì đó từ sâu thẳm trong con người chị tỏa ra.
Là một thành viên trong “đại gia đình nghệ sĩ” (con của NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai, NSND Lê Khanh còn có người chị là NSƯT Lê Vân và cô em là nghệ sĩ múa Lê Vy), nhưng câu chuyện giữa chúng tôi cho thấy, những gì chị có được hôm nay không hề dễ dàng, dù chị cho rằng mình may mắn hơn rất nhiều người làm nghệ thuật khác là con đường làm nghề luôn rộng mở trước mắt và luôn được gia đình tạo điều kiện thực hiện trọn vẹn lý tưởng của mình cho đến bây giờ. Chị nói: “Tôi không tin là có những thứ “trời ơi đất hỡi” người ta mang cho mình mà mình cảm thấy hết được giá trị của nó. Mình phải vất vả lắm mới có được mọi thứ thì những thứ ấy mới thật sự có giá trị, mới mang lại hạnh phúc cho mình…”.
____
Được biết, chị có vai diễn đầu tiên vào năm chín tuổi. Nhớ lại lúc đó, chị có nghĩ là mình sẽ đi trên con đường như hiện nay?
Với tôi, việc tiếp nối nghề của cha mẹ như một lẽ hiển nhiên, nhưng mặt khác cũng có thể coi là định mệnh bởi không phải cứ con nhà nòi là phải đi tiếp nghề của cha mẹ. Tôi cho vừa là định mệnh, vừa là duyên, có thể là do hoàn cảnh nữa. Với một đứa trẻ sinh ra trong môi trường nghệ thuật, lớn lên, chơi với bạn bè cũng trong môi trường nghệ thuật, thì thế giới tưởng tượng trẻ thơ cũng không thể tạt qua ngã rẽ khác. Từ nhỏ đã đi theo bố mẹ và luôn thích các cảnh diễn của các cô các chú xung quanh mình. Đám con em nghệ sĩ, trẻ con lại chơi với nhau, xem bố mẹ tập vở nào thì tập và bắt chước y chang như thế. Nếu tập hợp tất cả trẻ con lại thì có thể thành một đoàn và diễn một vở đúng như của người lớn.
Đặc biệt ở tôi có sự tiếp nối một cách có hệ thống, chặng đường dài lâu. Trong họ, đến đời chúng tôi đã là đời thứ tư làm nghệ thuật rồi. Bên nội, anh của bố tôi là bác Trần Văn Nghĩa cũng làm giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương một thời. Vừa rồi Thùy Trang, một người cháu của bố tôi được phong là Nghệ sĩ Nhân dân đầu tiên của ngành múa rối Việt Nam. Bên ngoại, từ ông, bà đến các bác, các cậu đều đi theo các ngành nghệ thuật khác nhau. Ca sĩ Pha Lê thuộc đời thứ năm trong họ đi theo ngành nghệ thuật… Thực ra, Pha Lê có xu hướng ngành sư phạm và học cũng rất giỏi, ông bà, bố mẹ cũng làm sư phạm, nhưng có lẽ cái gien văn nghệ vẫn nổi hơn nên Pha Lê không theo nghề bố mẹ.
____
“Sự tiếp nối có hệ thống” ấy có phải là lý do người ta chọn chị vào vai Kate Keller trong Tất cả đều là con tôi (Arthur Miller) – một vai diễn mà cách đây gần 40 năm, mẹ chị từng đảm nhận?
Trong gia đình làm nghệ thuật lâu năm có sự thú vị thế đấy. Chúng tôi luôn có ao ước và nuôi hy vọng rằng giá như mọi thành viên đều có mặt trong một tác phẩm thì tốt biết bao, độc đáo biết bao, nhưng điều này khó lắm. Chị Lê Vân từng đóng với bố tôi trong phim Thằng Bờm. Tôi cũng đóng với bố tôi một lần trong một bộ phim truyền hình. Có năm đóng chung với mẹ tôi được một vở Ngôi nhà trên thiên đường (kịch bản Tiệp Khắc) của cố đạo diễn Đoàn Anh Thắng. Lúc đó, tôi còn rất nhỏ, cùng mẹ tôi, cô Thanh Tú, bác Dương Quảng (đã mất) và nhiều nghệ sĩ nữa đã có mặt trong vở đầu tiên của Hội Nghệ sĩ sân khấu ấy.
Trong vở Tất cả đều là con tôi, đạo diễn người Mỹ đã vô cùng bất ngờ khi biết rằng, cách đây 40 năm mẹ của tôi cũng từng vào chính vai của tôi bây giờ. Bất ngờ và thú vị hơn nữa là họ được biết những tấm ảnh của đoàn kịch lúc đó tập ra làm sao, nghệ sĩ Jane Phonda tới xem đoàn tập như thế nào. Gia đình tôi vẫn còn giữ tấm ảnh em Lê Vy ngồi trong lòng Jane… Hồi đó, sau sự kiện ở Khâm Thiên (bị tàn phá bởi bom B52 năm 1972), Jane sang ViệtNam, nhưng phía Mỹ không biết rằng bà xuất hiện trên sân khấu nghệ thuật thủ đô ở ViệtNam. Họ chỉ biết là bà sang ViệtNam để phản đối cuộc chiến của Mỹ tại đây và coi bà là dạng nghệ sĩ đầu cơ chính trị. Khi biết những bức ảnh ấy, người Mỹ rất ngạc nhiên, xin chụp lại. Đại diện sứ quán Mỹ cũng xin mang về và nói đây là vấn đề đầy thú vị và bí mật mà người Mỹ chưa biết. Họ không thể hình dung được trong lúc ở Việt Nam có một cuộc chiến tranh do người Mỹ gây ra và đang ở giai đoạn ác liệt nhất, thì người Việt Nam vẫn dựng một vở kịch của Mỹ ở ngay giữa thủ đô.
____
Với khán giả, mỗi lần chị có mặt ở một vở kịch hay một bộ phim nào đó, là dấu hiệu cho biết vở kịch hay bộ phim ấy rất đáng xem, nhưng trong gia đình, có bao giờ chị nhận được những lời góp ý khác không?
Trong nhà có những cách chia sẻ khác vì họ không phải là nhà phê bình hay nhà báo, nhưng lại rất tinh tế và nhạy cảm. Đôi khi chỉ cần nhìn thấy “ông già” đi trên đường về cứ tủm tỉm cười một mình là biết cụ đang rất thú vị, hoặc chỉ cần một cái vỗ vai kèm theo câu nói “Được đấy con ạ”. Tính tự giác và độc lập trong gia đình tôi rất lớn, bởi vậy, năm người ở năm nhà hát khác nhau, dù cùng ngành nghề. Chị Lê Vân và Lê Vy cùng ngành múa nhưng cũng chọn chỗ làm việc khác nhau. Ai cũng muốn được chủ động trong công việc của mình, nhưng thường xuyên dõi theo nhau và tôi không ngại ngần nói rằng rất tự hào về nhau. Tôi không muốn nói về tài năng vì trong nghệ thuật tài năng là khái niệm rất vô cùng. Hơn nữa, hôm nay ở đỉnh cao, ngày mai thất bại là chuyện bình thường. Điều đáng tự hào ở đây là năm thành viên trong gia đình tôi đều là những người như sinh ra để mà làm việc. Mê làm việc, mê sáng tạo. Không ai thiết tha gì khác ngoài nghệ thuật, làm miệt mài và không phải ai cũng khỏe. Làm việc theo kiểu luôn tự làm khó mình, luôn cố gắng để làm tốt nhất có thể, cho nên rất cực. Người nào làm cũng vắt hết cả sức. Cụ Trần Tiến có thiết tha gì đâu ngoài đi diễn. Nhà hát từng tin tưởng giao cho cụ một chức vụ gì đó thì phải, thậm chí sắm cả cặp cho cụ, có người đánh thức dậy để tập làm lãnh đạo, nhưng cụ chỉ thích diễn thôi. Diễn là phiêu linh mà, quên hết trời đất, thăng hoa, xuất thần. Mẹ tôi đến tận bây giờ cũng vậy, hễ có vai nào là quên hết cả bệnh tật. Cái lạ là chẳng ai châm ngòi cho ai đâu. Ở năm ngôi nhà khác nhau đều làm việc như thế, chẳng giữ lại gì cho mình. Chúng tôi gọi là “Tổ hành”.
____
Làm nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ sân khấu thời buổi này, làm sao để vừa “đốt” mình cho công việc, lại vẫn chu toàn được cuộc sống riêng…?
Lấy gia đình tôi làm “đề tài nghiên cứu” nhé. Khi tôi sinh con đầu lòng thì cũng lo. Chúng tôi mở một nhà hàng rất xinh xắn, treo toàn tranh phong cảnh của chồng tôi (đạo diễn, nhiếp ảnh gia Phạm Việt Thanh – PV). Có mình ở đó thì khách hàng yêu quý mình đến đông lắm, thế nhưng mình không thể bỏ việc ở nhà hát được. Được ba tháng thì không thể chịu được, vì suốt ngày ở đó, tối về lại cộng trừ nhân chia, tính toán. Thế là vợ chồng bảo nhau: “Thế này thì mình không còn là mình nữa. Chỉ có con đường làm nghệ thuật thôi…”. Và thực tế nhà tôi chỉ sống bằng nghệ thuật thôi.
____
Chị đã “hóa thân” thành mấy chục con người khác nhau. Hẳn là những trải nghiệm đó giúp chị có cái nhìn về cuộc sống, về hạnh phúc rất đặc biệt?
Hạnh phúc thiên biến vạn hóa theo từng giai đoạn của đời người và phụ thuộc vào tính cách của mỗi con người. Khi ta khỏe nó khác, khi ta yếu nó khác, vô cùng vô tận lắm. Với tôi, hạnh phúc rất đơn giản, ít nhất là tôi có sự sống đã. Hạnh phúc luôn luôn là những cái gì đó nho nhỏ, xinh xinh, giản dị và bình thường, trong khả năng mà bất cứ ai cũng có thể. Tại sao? Vì bây giờ nhìn lại, mình cũng thấy ngỡ ngàng với chính cuộc đời của mình. Mọi người khi nhìn thấy tôi luôn nghĩ đến một điều gì suôn sẻ, dễ dàng, trông có vẻ không vội vàng. Nhưng trên thực tế, không có điều gì đến với tôi một cách dễ dàng cả. Tôi nói đến sự sống là bởi vì may mắn lắm tôi mới được sống đến ngày hôm nay, bởi chỉ thiếu may mắn một chút thôi thì giờ này tôi đã ở một cõi vô hình nào đó rồi… Mẹ tôi sinh non, tôi ra đời thiếu tháng nên rất nhỏ mà lại bị ngạt, cả người thâm đen lại. Mẹ tôi kể lại, tưởng con chết rồi, nhưng sau bác sĩ gọi vào “bế búp bê” – mà giống búp bê thật: Bé tí, trông rất xinh, miệng như hai hột thóc, nặng 1,7kg, dài có 32 phân… Những năm đầu đời, tôi luôn ốm đau, quặt quẹo… Thế cho nên tôi vẫn nghĩ rằng, hạnh phúc, trước tiên là phải có sự sống đã. Sau đó là có mẹ, cha, lấy được chồng, đẻ được con trai, con gái, có sự nghiệp và luôn bận bịu, mặc dù sự bận bịu ấy thường xuyên làm cho mình kiệt sức… Nói vậy thôi, cái sự bận bịu đôi khi khiến cho người ta cảm thấy mình sống có nghĩa hơn, có ích hơn, sung sướng, hãnh diện vì thấy rằng sự tồn tại của mình là cần thiết – chồng con cần mình, bố mẹ cần mình, bạn bè cần mình…, rồi người ta cứ vì những điều ấy mà thấy khỏe và rồi lại tiếp tục bận rộn… Cứ thế, hạnh phúc mỗi ngày một lớn, mỗi ngày một nhiều theo năm tháng, song hành và tương ứng với những sự bận bịu, lo toan, vất vả, khổ sở.
Chính vì mình phải vất vả lắm mới có được mọi thứ thì mình mới biết giá trị những cái mình có, mình hạnh phúc vì điều ấy. Tôi không tin là có những thứ “trời ơi đất hỡi” người ta mang cho mình mà mình cảm thấy hết được giá trị của nó.
____
“Hạnh phúc song hành với những sự bận bịu, lo toan…” – quả thật là một khái niệm vô cùng độc đáo…
Nhà nào cũng có bàn thờ, tôi không biết mọi người cầu xin tổ tiên điều gì, nhưng tôi bao giờ cũng cảm ơn tổ tiên đã cho con sự sống, cho niềm vui cũng như nỗi buồn, cho cả nụ cười lẫn những giọt nước mắt, thành công cũng như thất bại… được và mất. Luôn luôn phải có cả hai, bởi vì nó tương ứng với cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Tôi có bao nhiêu thì tôi phải vất vả bấy nhiêu. Tôi đa tạ chính cái điều cân bằng đó. Chính vì mình phải vất vả lắm mới có được mọi thứ thì mình mới biết giá trị những cái mình có, mình hạnh phúc vì điều ấy. Tôi không tin là có những thứ “trời ơi đất hỡi” người ta mang cho mình mà mình cảm thấy hết được giá trị của nó. Mình luôn luôn biết mình thiếu cái gì để cố gắng đạt được cho cuộc sống cân bằng.
____
Lúc trước chị nói một trong những điều mang lại hạnh phúc cho chị là “lấy được chồng”, nhưng tôi thì “nghe” ra là chị cảm thấy may mắn vì có một người chồng tốt…
Tôi nói thế không phải nói khéo hay khách khí hoặc khiêm tốn giả vờ. Có nhiều phụ nữ rất đẹp, rất tài năng nhưng mãi mới lấy được chồng, hoặc có chồng cũng như không. Nhiều người giỏi giang, có văn hóa, có trình độ nhưng số người ta không tới, long đong vất vả… đó là vì kiếp trước hay là vì gì gì đấy mà chúng ta không có khả năng giải thích nổi, nhưng tất cả đều có thể, đúng không? Bây giờ những gì chúng ta đang nắm trong tay một cách chắc chắn thì không phải dễ dàng mà có đâu. Nhiều người cũng vất vả như tôi, hy sinh nhiều hơn tôi, miệt mài hơn tôi nhưng đâu có may mắn. Tôi vất vả nhưng may mắn vẫn đi được tới đích.
____
Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, đã bao giờ chị từ chối một vai diễn nào chưa?
Có chứ. Hồi trẻ thì còn ảo tưởng nên cũng hay kén chọn. Nhưng giai đoạn ấy qua rất nhanh. Tôi vào Nhà hát Tuổi Trẻ từ lúc mười lăm tuổi rưỡi và đã được đóng vai chính rồi. Hồi đó, cựu giám đốc Hà Nhân rất nghiêm khắc, bà không cho diễn viên của mình đi đóng phim. Tôi bỏ đóng phim từ đó đến tận mười năm sau mới quay lại điện ảnh.
____
Điều chị sợ nhất trong nghề diễn là gì?
Ba mươi lăm năm tôi làm nghề chuyên nghiệp, không có một ngày nào mà làm việc như chơi được đâu. Bản chất nghề nghệ thuật vốn nghiệt ngã, chẳng bao giờ để cho người ta rong chơi cả. Mình thành công xong, ngày hôm sau mới là đáng sợ. Không có đường lùi, mà đứng nguyên một chỗ đã là một sự lùi bước rồi bởi vì đó là sự lặp lại đáng sợ, khán giả không bao giờ chấp nhận. Ngần ấy vai chồng chất trong ba mươi lăm năm với các hệ thống vai: từ vua chúa đến đồng nát, từ cung tần mỹ nữ bị bỏ quên cho đến những người vợ tần tảo; từ vai già đến vai trẻ; từ đào thương, đào lệch, đào lẳng; tử tế lẫn lưu manh… có hết. Mỗi lần vượt qua một chướng ngại vật ấy thì vui lắm vì thấy tự tin để ngày mai lại “liều” tiếp.
____
Đã lâu không thấy chị dựng vở nào, sau Từ thiên đường đi về phía Bắc 3km và Nhà Osin. Vậy bao giờ chị tiếp tục công việc đạo diễn của mình?
Khi mình đã công bố là mình có con đường thứ hai thì phải đi tiếp thôi. Vai trò làm đạo diễn không mạnh bằng niềm đam mê diễn, nhưng con đường này cũng mang tính lịch sử vì bây giờ không có người, thứ nữa là thế hệ của tôi buộc phải làm việc ở lĩnh vực không phải là sở trường hay sự chọn lựa của mình nữa. Thế hệ cha ông già yếu hết rồi, bây giờ bọn tôi cứ ngồi đó làm sao được. Chúng tôi động viên nhau, ai cũng có bước khởi đầu, cứ làm mãi đi rồi có kinh nghiệm, cùng giúp đỡ nhau. Tôi có niềm sung sướng là nhờ ai, nhờ cái gì thì cũng được giúp đỡ nhiệt tình. Như vậy mình cũng bớt sợ, bớt lo và mạnh dạn dần.
____
Chị mới được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, vậy liệu khán giả có còn nhiều cơ hội để xem bà phó giám đốc diễn nữa không?
Tôi đã “giao kèo” rồi, không được cắt quyền diễn của tôi. Thú thực, tôi thấy làm nghệ thuật và lãnh đạo có gì đó không liên quan với nhau. May mà tôi còn được giao phụ trách phần nghệ thuật – vì thấy có chữ nghệ thuật nên nhận, chứ cứ nghĩ đến chữ quản lý là sợ lắm. Vả lại, điều này cũng đụng đến điểm yếu của tôi, là vì cái gì đó – trong trường hợp này là vì lứa đàn em, lứa chúng tôi trở thành những anh chị em lớn trong gia đình rồi.
____
Liệu cần phải có người “nhắc vở” làm lãnh đạo, giống bố Trần Tiến ngày xưa?
Tôi may mắn luôn có sự ưu ái, quý hóa trong Nhà hát. Ngày trước, đi công tác, anh Chí Trung cũng hay “cử” các em: “Phải đi theo chị ấy nhé, nhắc chị ấy làm việc nọ việc kia nhé…”. Có những điều mình ngại không phát ngôn một cách rõ ràng, nhưng điều này không việc gì phải ngại: Tôi rất hãnh diện và tự hào với khóa học của tôi, khóa I của Nhà hát Tuổi Trẻ. Chúng tôi, Chí Trung, Ngọc Huyền, Lan Hương, Đức Hải, Lê Khanh… đều làm việc chăm chỉ cần mẫn, ai cũng có cá tính, ai cũng thành danh, nhưng trên tất cả là ai cũng vô cùng thích làm việc, sáng tạo. Chúng tôi góp phần làm nên thương hiệu Nhà hát, đến giờ này thương hiệu ấy mạnh là có nhau, mỗi đứa một thế mạnh riêng.
____
Chị nghĩ sao về việc trong khi vẫn còn không ít những người “sống chết” với nghề nhưng vẫn không kéo được khán giả đến với sân khấu?
Thôi, đừng – tôi rất chán câu hỏi này. Hay nói chính xác hơn là chán vì tôi không trả lời được. Người ta đã phân tích, nghiên cứu mãi rồi nhưng vẫn thế thôi.
____
Nhưng mỗi người một quan điểm mà. Chị có quan điểm riêng của chị chứ, nhất là ở vị trí hiện nay, chị không thể không nghĩ đến điều đó…
Thôi thì bây giờ ai ở vị trí nào thì trả lời theo vị trí ấy nhé. Tại sao khán giả không đến với sân khấu ư? Với vai trò là người biểu diễn, tôi nói là lỗi thuộc về tôi, tôi diễn không hay nữa. Nghệ sĩ thì có thể có chút tài như chị nói đấy, nhưng không tài đến mức là khiến khán giả phải đến rạp bằng được… Mỗi người sẽ trả lời về phần của mình, đấy là cách lý giải hay nhất, thành thực nhất, tức là mình phải dám đứng ở vị trí của mình trả lời một cách thẳng thắn, nhìn vào sự thật. Đầu tiên vẫn phải là nghệ sĩ, còn tác giả thì tự nhận là tác giả viết chưa hay, đạo diễn cũng vậy… Sân khấu là một nghệ thuật tổng hợp, không riêng một nhân tố nào làm nên một tác phẩm sân khấu cả, khác hẳn với người họa sĩ.
Bản chất nghề nghệ thuật vốn nghiệt ngã, chẳng bao giờ để cho người ta rong chơi cả. Mình thành công xong, ngày hôm sau mới là đáng sợ. Không có đường lùi, mà đứng nguyên một chỗ đã là một sự lùi bước rồi bởi vì đó là sự lặp lại đáng sợ, khán giả không bao giờ chấp nhận.
____
Câu hỏi cuối cùng, hơi riêng tư một chút: Nhạc sĩ Phú Quang mới đây bất ngờ cho “thiên hạ” biết rằng anh ấy sáng tác bài Điều giản dị là dành cho chị. Cảm xúc của chị khi biết điều đó?
Vui lắm chứ, nghệ sĩ thế, đôi khi người ta rất cần sự trợ giúp vô hình về cảm xúc. Nhưng chuyện này anh ấy nói với chúng tôi (trong giới văn nghệ) từ lâu rồi mà. Tôi và anh Phú Quang cũng cộng tác với nhau nhiều rồi. Hầu hết những phim trước đây tôi đóng đều có anh Phú Quang làm nhạc. Nói chính xác ra là anh ấy viết bài hát đó dựa trên cảm xúc mà nhân vật nữ do tôi đóng mang lại, tại đúng cái khoảnh khắc long lanh ấy. “Cái khoảnh khắc đơn giản là sự chuyển động rất giản dị của nhân vật nữ ấy trong một không gian đầy giọt nắng nhảy múa, với cái ngước nhìn đầy cảm xúc…” – sau này anh Phú Quang bảo thế.
____
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.