Trong một quán ăn nhìn ra sông Thanh Đa, “ông Tây” Serene vừa ăn bánh canh Trảng Bàng vừa trò chuyện với chúng tôi, thật sôi nổi và lôi cuốn. Tiếng Việt chen lẫn với tiếng Anh, tiếng Pháp, và khi quá cao hứng, ông sẵn sàng “đệm” thêm vài tiếng thật ngon lành, không thua bất cứ một đấng nam nhi nào ở cái xứ Nam kỳ Lục tỉnh này (tất nhiên, sau đó có xin lỗi rất lịch sự!).
Philippe Serene không hề có chút ngại ngần nào khi đứng giữa những người Việt, bởi ông sinh ra trên đất nước này, đã có một thời niên thiếu tuyệt vời và tình bạn sâu sắc với những người bạn Việt… Và không chỉ một mình ông, những fan bóng đá hẳn chưa quên tiền vệ David Serene của Đội Công An TP.HCM (tiền thân của câu lạc bộ Đông Á-Thép Pomina ngày nay), chính là con trai ông.
____
Có phải là ông đã có một tuổi thơ rất hạnh phúc trên bãi biển Nha Trang, Cầu Đá?
Phải, tôi sinh năm 1942 ở Bệnh viện St Paul, Sài Gòn. Cha tôi, ông Serene Raoul là một nhà sinh học, làm việc tại Hải học viện Nha Trang từ năm 1932. Anh em chúng tôi có 5 đứa, ba trai hai gái, tôi là con thứ tư, chúng tôi đã lớn lên hồn nhiên bên những đứa trẻ Việt tại các làng chài, cũng ở truồng tắm biển suốt ngày, cũng bơi lặn, bắt cá và đi ra biển trên những ghe cá của dân làng. Cầu Đá thuở ấy giống như một thiên đàng, các bạn người Việt của tôi gọi tôi là Siplip hay Slip thay vì Philippe. Ngôn ngữ tôi quen dùng là ngôn ngữ của chị Năm, người phụ nữ Việt kỳ diệu đã mớm cơm cho tôi ăn, đã đút cháo nêm nước mắm cho tôi y như tất cả các trẻ em người Việt khác. Sự gắn bó mật thiết với Việt Nam có lẽ đã bắt đầu từ việc được “mớm” này.
Lên 5 tuổi thì tôi phải đi học, nhưng thật khó mà quen nổi với cuộc sống mới. Tôi thường trốn khỏi nhà vào lúc 5 giờ sáng, theo bạn đi câu cá và… lỡ chuyến xe đến trường học bấy giờ là École Française de Nha Trang, cách Cầu Đá 6km. Vào năm 1953, tôi bị gửi lên Đà Lạt học trường La Salle, trường Adran… xa gia đình. Ở đây, cứ 3 tháng một lần, tôi về nhà bằng xe lửa, con đường thuở ấy tuyệt vời biết mấy: qua Sông Pha, Tháp Chàm, Phan Rang, Suối Dầu… Và tôi lại được đùa giỡn với sóng biển, ra đảo Hòn Tre hoặc rừng đước ở Cửa Bé (bây giờ hầu như đã không còn) cùng với cha tôi thu thập những mẫu vật cá và cua. Đó là thời điểm cha tôi được đề cử làm Giám đốc Hải học viện Nha Trang.
Ngôn ngữ tôi quen dùng là ngôn ngữ của chị Năm, người phụ nữ Việt kỳ diệu đã mớm cơm cho tôi ăn, đã đút cháo nêm nước mắm cho tôi y như tất cả các trẻ em người Việt khác.
____
Gắn bó với đất nước Việt Nam từ rất lâu, thân sinh của ông chắc đã làm được nhiều việc trong suốt thời gian dài và phức tạp như vậy của lịch sử Việt Nam?
Lúc cha tôi đến Việt Nam, ông mới 23 tuổi. Ông là người rất lý tưởng, nhiệt tình tham gia phong trào Hướng Đạo tại Việt Nam cùng với các bạn của ông là Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhà văn Cung Giũ Nguyên… Họ cùng xây dựng một số hoạt động dựa trên sự tôn vinh những di sản văn hóa Việt Nam. Những người tuổi trẻ như chúng tôi thuở ấy trong lòng đang bừng bừng với những tôn chỉ của nền Cộng hòa Pháp: Tự do – Công bằng – Huynh đệ…
Tại Nha Trang, ông đã tổ chức và xây dựng nên một trong những bộ sưu tập lớn nhất về thủy sinh vật trên bờ biển Việt Nam. Hiện nay tất cả những sinh vật này vẫn được lưu trữ nguyên vẹn và trưng bày cho công chúng xem tại Viện Nghiên cứu biển Cầu Đá (Hải học viện cũ). Ông từng là trợ lý cho nhà sinh vật học nổi tiếng là Giáo sư Jean Charcot sau khi lấy được bằng Master về Hải dương học.
Cũng cần phải nói là ở Nha Trang, tòa nhà hiện nay được gọi là Biệt điện Bảo Đại và được mở cửa cho khách tham quan chính là nơi cha tôi làm việc và sống cùng gia đình chứ Bảo Đại chẳng bao giờ ở đó. Cha tôi cưới mẹ tôi, bà Georgette Odoul năm 1936, bà cũng sinh hoạt Hướng Đạo, cha mẹ tôi đã cùng hoạt động trong phong trào này suốt thời gian sống tại đây. Suốt trong thời gian kháng chiến, từ 1946-1955, gia đình tôi sống thật bình yên ở Cầu Đá, bởi cha tôi luôn được xem là một người bạn chân thành của người Việt và vốn thân thiết với Giáo sư Tạ Quang Bửu.
____
Nghĩa là ông đã yên tâm học hành và trải qua suốt thời niên thiếu tại Việt Nam? Đến năm nào ông mới về Pháp?
Vào năm 1957 tôi rời Đà Lạt về Sài Gòn và học trường Jean Jacques Rousseaux (Lê Quý Đôn hiện nay). Tôi ở với anh tôi là Jean Pierre tại số 95 đường Pasteur, khám phá thế giới của người Pháp tại Sài Gòn ở Cercle Sportif (nay là Nhà Văn hóa Lao Động). Tôi quả đã bối rối trước những điều mới mẻ, những rung động đầu tiên… với một cô gái Pháp sinh tại Hà Nội, một kiểu thiếu nữ Việt Nam-da trắng. Năm 1960, sau khi đậu Tú tài toàn phần, tôi qua Pháp học đại học với giấc mơ giống như cha mình: trở thành một nhà khoa học trẻ và quay lại Cầu Đá để làm việc cho một nước Việt Nam mới mẻ. Qua 6 năm dài tại Đại học Paris, tôi đã nhận bằng Master về Hải dương học và tiếp tục theo học Tiến sĩ về Ngư nghiệp và Sinh vật – Hải dương học. Năm 1968, tôi nhận bằng Tiến sĩ Di truyền – Sinh vật học. Trước đó một năm, tôi lập gia đình cùng Dominique Legall, cô bạn gái đã gặp ở Sài Gòn thuở xưa.
____
Ông làm thế nào để thực hiện ý định trở lại Việt Nam làm việc, đáp ứng kỳ vọng được giống như cha của ông trước đây?
Năm 1977, tôi được cử đến Hà Nội để trợ giúp kỹ thuật nhằm xây dựng lại kỹ nghệ Nuôi trồng Thủy sản. Lúc ấy tôi đến Quy Nhơn làm việc cho một dự án nuôi tôm trong rừng đước. Năm 1982, tôi trở lại vài tuần với vai trò tư vấn và trở lại lần nữa vào năm 1985. Trong suốt những chuyến đi này, tôi bắt đầu mơ đến thời điểm tôi có thể trở lại Việt Nam để thành lập một doanh nghiệp cố định và lâu dài hơn.
Năm 1980, công ty của tôi là Aquaservice France ký một hợp đồng dài hạn với Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ cho kỹ nghệ Nuôi trồng Thủy sản non trẻ của nước Bangladesh. Trong suốt 10 năm, tôi làm việc tại Bangladesh với vai trò tư vấn của Ngân hàng Thế giới để giúp đỡ ngành Ngư nghiệp Bangladesh phát triển việc nuôi cá chép và nuôi tôm trên diện rộng. Năm 1990, hơn 25.000ha bờ biển nơi đây đã trở thành những vuông tôm. Trong thời gian này, tôi cũng ký thêm một hợp đồng với EU để giúp Trung Quốc xây dựng 2 nhà máy thức ăn gia súc mới theo công nghệ Pháp, Vì vậy, từ năm 1987 đến 1991, tôi qua lại giữa Dhaka và Trung Quốc để hỗ trợ những đồng nghiệp trong ngành Nuôi trồng thủy sản tại những nước này. Thỉnh thoảng, tôi lại ghé qua Việt Nam, nghỉ ngơi… Thời điểm ấy thật căng thẳng…
Cuối cùng, tháng 5.1991, tôi có cơ hội đến TP.HCM tham gia Triển lãm Quốc tế Kỹ thuật Nông nghiệp lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Nhân dịp này tôi đã bàn bạc với một giám đốc của công ty Pháp SPCA nhằm tìm được một giấy phép xây dựng nhà máy thức ăn gia súc. Tôi bày tỏ sự hứng thú của mình và đã được đề cử làm Tổng giám đốc của dự án mới này, nhờ những hiểu biết của tôi về Việt Nam cũng như kinh nghiệm xây dựng những nhà máy thức ăn gia súc.
Tôi đã trở thành “Ông Tây bán cám” với những chiến dịch tiếp thị trên con đường xuyên Việt và luôn nghe công nhân gọi mình là Papa.
____
Đó có phải là đề án về việc xây dựng nhà máy thức ăn gia súc Con Cò? Tôi còn nhớ rằng Proconco đã nổi đình đám một thời với rất nhiều đại lý ở khắp nơi trên cả nước.
Đúng vậy, tôi đã trở thành “Ông Tây bán cám” với những chiến dịch tiếp thị trên con đường xuyên Việt, đã hát bài “Con cò bay lả bay la…” trên chương trình VTV3 ở Cần Thơ. Proconco đã phát triển đến 4 nhà máy (tại Biên Hòa, Hải Phòng, Cần Thơ và Hà Nội) vào năm 2000 với công suất 500.000 tấn/năm. Vào năm 2002, doanh thu là 100 triệu USD; năm 2004 doanh thu 150 triệu USD. Thế nhưng ít ai biết rằng dự án của chúng tôi đã khởi đầu chỉ với một mảnh đất trống dọc theo sông Đồng Nai, 1 triệu USD vốn đầu tư cùng với nhiệt tình của một nhóm người Việt trẻ, trong đó tôi có thể kể: ông Đặng Hữu Nghĩa, hiện là Chủ tịch công ty Proconco; bác sĩ Thú y Nguyễn Minh Mẫn, hiện vẫn là Phó tổng giám đốc Proconco; kỹ sư Phan Xuân Hoàng; cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết phụ trách kế toán… cùng với hơn 900 nhân viên. Tất cả đội ngũ này đã làm việc ròng rã năm này qua năm khác để xây dựng và phát triển nhà máy nhỏ bé ban đầu ấy.
____
Trong khi không ít công ty liên doanh đã nếm mùi thất bại, ông phải có bí quyết gì để đạt đến thành công như vậy chứ?
Trong suốt những năm tháng ấy, đặc tính căn bản của cuộc “mạo hiểm” mang tính nhân văn và công nghiệp này là lòng tin được hình thành giữa tất cả mọi người, nam cũng như nữ… sự cảm thông giữa những cá nhân, chẳng hề phân biệt đến quốc tịch, nguồn gốc… Đó là gia đình Con Cò. Tôi luôn nghe công nhân gọi mình là Papa.
Chúng tôi cũng có ấn tượng rất sâu sắc về việc chỉ với một số vốn nhỏ khởi đầu, Proconco đã trở thành một công ty hàng đầu trong kỹ nghệ thức ăn gia súc Việt Nam và Đông Nam Á, trước những công ty đa quốc gia lớn như CP, Cargill, New Hope… Điều này chứng minh rằng không phải chỉ có vốn đầu tư là cần thiết mà quan trọng hơn là nguồn vốn về nhân lực.
***
Năm 2002, ông Serene đã 60 tuổi, ông nghỉ hưu theo quy định và không còn là Tổng giám đốc của Proconco nữa, nhưng ông không muốn rời mảnh đất Việt Nam, nơi ông luôn luôn coi là quê hương. Ông khởi đầu một chuyến phiêu lưu mới: Công ty Con Cá.
____
Lĩnh vực ngư nghiệp đối với ông hẳn không xa lạ sau 10 năm giúp Bangladesh nuôi tôm và cá chép, riêng tại Việt Nam, ông nhìn thấy những tiềm năng gì?
Ở Việt Nam tôi chọn cá rô phi và cá điêu hồng nhằm đáp ứng thị trường cá vốn có tiềm năng rất lớn trong thế giới tương lai. Kế hoạch mới này là một vòng tròn khép kín: tôi sử dụng nguồn gien dự trữ từ những giống cá được tuyển chọn, bảo đảm cá cho thịt filê chất lượng cao. Cá được nuôi trong các bè lớn trên sông Mê kông, bằng những sản vật thiên nhiên tốt để có được loại cá chất lượng nhằm cung cấp hàng ngày cho những khách hàng như các siêu thị Coop Mart, Big C, Metro… Tất cả những hoạt động này được tiến hành dưới chỉ một nhãn hiệu: Con Cá. Sau 2 năm hoạt động, cuộc “phiêu lưu” của chúng tôi đã thành hình và bắt đầu phát triển…
Người Việt luôn tươi cười, phụ nữ Việt mặc áo dài tuyệt đẹp, giữa người và người ít có sự căng thẳng. Cuộc sống thoải mái hơn ở châu Âu.
____
Chúng tôi biết rằng ông từng là Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu và mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại Pháp. Trong những cương vị ấy, ông đã đem lại gì cho giới doanh nghiệp các quốc gia này?
Tôi chỉ làm Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu trong nhiệm kỳ một năm, từ tháng 2.2003. Công việc chính của tôi lúc ấy là cố gắng thuyết phục các tập đoàn doanh nghiệp châu Âu gia nhập Phòng Thương mại để những công ty châu Âu có thể thống nhất và được đại diện dưới một ngọn cờ là châu Âu.
Mới đây, ngày 17.3.2005, tôi được bầu làm Chủ tịch Phòng Thương mại Pháp tại Việt Nam, nơi tôi đã tham gia từ khi hình thành năm 1994. Thực ra cộng đồng doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam là một trong những cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại đây. Có nhiều công ty Pháp rất thành công như Air France, Germatrans, Total, Alcatel, Accor/Sofitel/Novotel, Victoria Hotels, Axa, Airbus, Grouppama, Dumez, Aventis, Rhodia, Sanofi, Virbac… và khá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác. Hiện nay Phòng Thương mại Pháp đã tập hợp được 162 công ty Pháp trên tổng số khoảng 200 công ty.
Mục tiêu chính của tôi hiện nay là biến đổi Phòng Thương mại Pháp này thành một Phòng Thương mại Pháp-Việt, hoạt động trong sự cộng tác mật thiết với tất cả các hiệp hội nghề nghiệp Việt Nam như VCCI, ITPC… nhằm giúp các đồng nghiệp Việt và Pháp phát triển tốt hơn những quan hệ kinh doanh và tập hợp sức mạnh của họ để chiến thắng trên những thị trường mới và hấp dẫn đang nổi lên quanh Việt Nam, trong khu vực ASEAN; bằng cách hợp nhất kinh nghiệm Pháp và năng lực Việt Nam, nhằm tạo nên những bước sáng tạo và phát triển mới. Quả là thách thức cho một “chàng trai 62 tuổi” như tôi.
____
Trở lại với gia đình ông, chàng tiền đạo David Serene của chúng tôi bây giờ ra sao rồi?
Bóng đá là niềm đam mê của David. Vào năm 2002-2003, David vừa là tiền đạo của đội Công An TP.HCM, vừa là Tổng giám đốc của Công ty Virbac. Chàng ta tập dợt từ 6g sáng đến 10g, sau đó về văn phòng làm việc từ 11g đến 4g chiều, rồi lại đi đá banh. Cách đây 2 năm, David gặp một người đẹp Hà Nội đang làm phiên dịch cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, từng là hoa hậu năm 1996. Họ phải lòng nhau rồi đến đám cưới. Linh và David hiện đã có một bé trai tên Theo, 8 tháng tuổi. Thế là từ giã bóng đá chuyên nghiệp, nhưng David vẫn thường vào TP.HCM và đá banh cùng các bạn.
Phải kể đến những đứa con khác của tôi nữa chứ: Juliette có công ty Tohu Bohu ở Tân Bình cùng gia đình gồm 6 người; Erwann hiện là một nhà quản lý ẩm thực nổi tiếng ở Nhà hàng La Camargue trên đường Thi Sách, có vợ người Brazil và 2 con gái rất xinh. Bộ lạc Serene ở Việt Nam sống rất hạnh phúc với 15 thành viên, một gia đình Hợp chủng quốc, một thế giới nhỏ kết hợp giữa Pháp-Việt và Brazil…
____
Ông nghĩ gì về cuộc sống nơi đây? Theo ông thế nào là hạnh phúc?
Đối với tôi cuộc sống tại Việt Nam rất tốt. Thời tiết luôn ấm áp. Tôi thích mưa, thích nước mắm, thích các món ăn. Người Việt luôn tươi cười, phụ nữ Việt mặc áo dài tuyệt đẹp, giữa người và người ít có sự căng thẳng. Cuộc sống thoải mái hơn ở châu Âu. Di chuyển không quá khó khăn, tôi chỉ cần 5 phút để đến văn phòng, còn ở Paris tôi phải mất 1 giờ, tức mỗi ngày mất 2 giờ di chuyển! Ở đây tôi có thể dễ dàng đi bơi hay tham gia những hoạt động giải trí khác trong vòng 5 hay 10 phút, ở châu Âu phải mất 1-2 giờ.
____
Là doanh nhân, nếu bạn muốn làm một điều gì đó ở Việt Nam, bạn có thể đạt được thành quả trong 2-3 năm. Ở châu Âu và Mỹ thì phức tạp hơn nhiều. Quá nhiều luật.
Với tôi, hạnh phúc là Tình Yêu, Gia đình, Con cái, Bạn bè, Công việc và Bình yên. Tôi có tất cả những điều ấy ở Việt Nam. Tôi thật may mắn.