Có quá nhiều điều để nói về con người âm thầm của vùng đất thép ấy. Anh là người giỏi làm, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ nói về mình. Trong làm ăn rất táo bạo, rất “lì đòn”, nhưng bên ngoài thì “tỉnh như không”.
Tên anh gắn liền với một nhãn hiệu thời trang đã đi vào lòng người, đó là Sanding, với con số tăng trưởng ngoạn mục trên thị trường nội địa: 2001: 7,8 tỉ đồng, 2002: 10 tỉ đồng, 2003: 14,2 tỉ đồng, 2004: 24,8 tỉ đồng, và năm 2005 dự kiến sẽ là 40 tỉ đồng. Cái cách anh làm thời trang “không giống ai”, nhẹ nhàng, chắc chắn, đáng yêu, cần thiết. Anh làm giám đốc cũng “không giống ai”: bám chặt thị trường xuất khẩu và không ngần ngại với thị trường trong nước. Doanh số toàn công ty từ 103 tỉ năm 2003 tăng lên 122 tỉ năm 2004 và thu nhập bình quân của người lao động đạt
1.630.000 đồng/người/tháng. Ở trong anh có sự kết hợp đầy mâu thuẫn giữa trái tim nóng bỏng và cái đầu lạnh, một tính khí Nam bộ rặt nghĩa hiệp…
***
Thay vì một cuộc phỏng vấn, anh cười rổn rảng và trả lời tôi qua điện thoại: “Về quê mình đi, hôm nay giỗ bà nội, vui lắm”.
Chiều xuống, xe đưa chúng tôi về Trung Lập Thượng, xã đầu tiên được tuyên dương anh hùng của huyện Củ Chi. Lúc ấy tôi mới phát hiện ra những nhân viên Sanding trên xe đều là người Củ Chi. Cả làng ai cũng tay bắt mặt mừng, chào hỏi anh thân tình như thể người nhà. Một khu vườn xanh đầy cây trái, những luống đậu que xanh mướt dẫn chúng tôi vào ngôi nhà ấm cúng. Nụ cười hiền của người mẹ già đón đứa con trai như thầm giấu niềm tự hào.
Vừa đi, anh vừa thổ lộ: “Hồi mình thoát ly đi kháng chiến, đây là vùng đất trắng không có khái niệm nhà, cuộc sống đều ở trong hầm tối. Thế mà hôm nay đã tràn ngập màu xanh… Sức sống của những người dân đất thép thật lạ lùng… Dự án lớn nhất của mình là chuyển toàn bộ phần sản xuất của Công ty về đây. Sẽ làm rất quyết liệt, với đầu tư nhà máy khoảng 40 tỉ đồng, và đã được UBND huyện Củ Chi cho phép. Điều này vừa phù hợp với chủ trương di dời của thành phố, vừa thực hiện được mơ ước của mình là bù đắp lại cho quê hương, mang lại nhiều hơn nữa công ăn việc làm cho người dân nghèo, giúp cho người nông dân làm công nghiệp mà không phải rời khỏi nơi chôn rau cắt rún của mình”.
Theo tôi bất cứ một con người nào trong cuộc sống cũng phải có một nơi để dựa vào, để tin tưởng, và trách nhiệm của mình là phải gieo cho họ niềm tin.
Tôi đi lang thang trong làng, một bà mẹ già trong làng kể cho tôi nghe về cha anh: “Ông Ngô Văn Ken là người cương trực, hòa nhã, sống tốt với mọi người, chí tình chí nghĩa với đồng đội. Là một đảng ủy viên của xã, ông thường có mặt ở những nơi khó khăn nguy hiểm nhất. Bà con hay nói nôm na về ông: Ông là ông Năm sạch, không lem nhem tiền bạc, không lăng nhăng trai gái, đánh giặc chỉ bàn tới không bao giờ bàn lui… Nhờ vậy ai cũng nghe. Thằng Kiên bây giờ giống hệt ổng, bất cứ con cái ai trong làng cần giúp đỡ nó đều sẵn lòng, còn cho đi học hành đàng hoàng rồi kiếm việc làm phù hợp. Nó coi vậy mà tình cảm dữ lắm, làng này ai cũng quý. Lúc bà nội, bà ngoại bịnh một tay nó lo thầy kiếm thuốc. Mái nhà ngói của bà nội bị sập cũng là nó lợp lại đó”.
Mỗi lần nhắc đến bà nội, đến má là giọng anh đầy xúc động: “Cha tôi hy sinh năm 1969, ngay trên mảnh đất quê hương lúc vừa tròn 37 tuổi, chỉ sau đó chưa đầy 10 ngày, bác tôi và một người cô cũng hy sinh, với bà tôi đây là những ngày tháng quá đau thương. Với má tôi còn cơ cực hơn nữa, lúc ấy tôi đã thoát ly gia đình, ngày ngày giặc vây bủa, tra khảo bà dã man, vậy mà má vẫn kiên tâm bám trụ, tay dắt con, tay cày cấy, mặc cho pháo giã trên đầu.
Vừa nuôi nấng ba đứa con thơ, nuôi mẹ già, vừa lo tiếp tế cho bộ đội. Bốn chị em gái của má đều có chồng hy sinh hết, nương tựa vào nhau mà sống cho đến bây giờ, chứ không đi bước nữa, dù lúc ấy má tôi mới 34 tuổi, nổi tiếng trong làng là người phụ nữ nết na duyên dáng… Tôi nghĩ không chỉ bà tôi, má tôi, mà biết bao người mẹ Củ Chi khác đã từng gánh mọi khổ đau, hy sinh cho chồng, cho con, cho cách mạng. Cả đời mình báo hiếu cho má, cho cha cũng không hết.
Tôi xa cha lúc mới 13 tuổi, ngày cha mất cũng không được nhìn thấy mặt, nhưng trước khi xa cha chỉ dặn tôi một câu: “Con phải cố gắng học hành”. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ, ham chơi, chưa hiểu hết lời cha. Càng lớn lên, càng trải qua gian khổ, tôi mới thấm thía ước nguyện của ông. Cuộc đời cha mẹ hy sinh là thế cũng chỉ để cho đời con mình được cắp sách tới trường. Khi tôi rời khỏi gia đình đi kháng chiến, cái chữ đối với tôi không quan trọng, tôi chỉ mới học hết lớp ba.
Tôi được Đảng đào tạo thành nhà chính trị, nhưng tôi chuyển sang kinh doanh cũng vì sự phân công của Đảng, và không còn cách nào khác là phải học, học hoài, học mãi. Cốt lõi sâu sa giúp tôi trụ vững chính là cái tình cái nghĩa của mảnh đất này, những con người luôn hiếu thuận và chính trực, xa lánh lợi danh, lấy sự hòa thuận, đùm bọc để đối đãi với mọi người và làm niềm vui sống cho mình”.
Anh dẫn tôi qua nhà thờ tổ, tôi ngạc nhiên thấy khá nhiều xe hơi đậu ngoài ngõ. Hỏi ra mới biết con cháu dòng họ Ngô hơn 200 năm cắm đất lập ấp của Trung Lập Thượng bây giờ nhiều người đã thành danh, người là bác sĩ, người cấp tướng, cấp tá trong quân đội, người là doanh nhân. Nhưng khi trở về quê hương, dường như ai cũng hồn nhiên.
Một cây đờn cò và cây ghi ta thùng, thế là thành gánh hát. Hai đứa em anh Kiên giọng rất mùi đang ca bản Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà bên nén hương nghi ngút. Má anh giọng bùi ngùi kể cho tôi nghe về anh: “Tôi sanh nó đúng ngày hòa bình lập lại vào năm 1954, những tưởng con sẽ được lớn lên trong hòa bình, nào ngờ… Nó giống hệt cha, thật thà, đàng hoàng, một là một, hai là hai, nhưng nói chuyện thì ai cũng mê. Cả đời cha đời mẹ đều dốt nát, thôi thì đời con phải ráng học hành.
Cũng nhờ thằng Kiên bảo ban mà mấy đứa em giờ đã nên người. Mỗi lần về là nó giăng mùng, bắt muỗi, chăm cho má từng miếng ăn. Cho đến giờ này nó vẫn cực lắm, vì có đồng nào là lo lắng hết cho họ hàng chòm xóm. Tôi chẳng mong gì hơn là lúc nào nó cũng đàng hoàng, chăm chỉ làm ăn. Biết con là một doanh nhân, tôi cũng lo lắm, tôi hay dặn con: “Đừng có tin người quá”, dặn thì dặn vậy thôi, nhưng tôi biết là con tôi luôn tin người.
Làm ăn thời buổi này được chớ vội mừng, mất cũng đừng quá lo, cái gì cũng phải cần bình tĩnh mới giải quyết được. Tôi không cầu con giàu, chỉ lưng lửng no no là được rồi”. Bà ngừng lời, chỉ ra hàng cây trước nhà: “Mấy hàng xoài đang ra trái là thằng Kiên trồng hết đó, nó mê cây lắm. Chủ nhật nào cũng về chăm sóc, tưới tắm cho cây. Còn tôi bệnh quá đâu có làm được gì”.
***
Gặp lại anh đúng vào ngày Công ty May Sài Gòn 2 được trao danh hiệu Điển hình tiên tiến của ngành công nghiệp TP.HCM. Tràn ngập hoa tươi, tràn ngập nụ cười, rất nhiều bằng khen và tiền thưởng được trao cho những cá nhân xuất sắc.
____
Trong ngày vui hôm nay, anh nhớ đến điều gì?
Tôi nhớ đến những thất bại đắng cay. Tôi không học may, không học thời trang, “học một đường, mà làm một nẻo” cũng là do sự phân công của Đảng.
Công ty đã có hai lần tổ chức bán hàng nội địa nhưng cả hai lần đều thất bại. Lần thứ nhất thời gian những năm đầu năm 80, thành phố cấp cho chúng tôi một số mặt bằng rất tốt để làm cửa hàng may-đo gọi là “tham gia thị trường”, nhưng chỉ một vài năm phải đóng cửa vì may đo theo kiểu bao cấp thì không cạnh tranh được với tư nhân. Các thợ có tay nghề cao bỏ dần tìm việc làm khác, mặt bằng làm nhà tập thể cho CB-CNV. Lần thứ hai vào cuối những năm 80, chúng tôi lại tổ chức một số cửa hàng nhưng chủ yếu là bán hàng tồn sau khi “dội khẩu”. Những thứ này mới nhìn vào thì thấy đẹp nhưng mặc thì không phù hợp về kiểu dáng và cỡ vóc nên không bán được.
____
Phải chăng sự chuyển hướng vào thị trường nội địa và củng cố nội lực đã “cứu” Sài Gòn 2, và tạo nên thương hiệu Sanding?
Bản thân Sanding ẩn chứa tất cả những vượt khó của ngành dệt may thành phố trong thời gian qua. Tại sao đất nước mình dân số đông như vậy lại bỏ ngỏ cho người ta mặc sức tung hoành? Mình phải làm cho bằng được chứ. Tôi quyết định giảm sản lượng xuất khẩu, tập trung vào thị trường nội địa. Lúc này, đó là một quyết định khá liều lĩnh. Phần lớn các doanh nghiệp may mặc nhà nước không tham gia vì rất ngán ngại sự phức tạp và quy luật khắc nghiệt của thị trường nội địa.
Tuổi thọ của sản phẩm thời trang rất ngắn, bình quân là ba tháng, ngắn nhất là một tháng và dài nhất là một năm, nếu không linh hoạt thích ứng thì hàng làm ra không ai mua, tồn kho ngày càng nhiều, chỉ cần tồn nửa năm là có thể bị phá sản. Tuy nhiên nhu cầu thật sự là rất lớn. Lúc ấy Sài Gòn 2 có thị trường xuất khẩu lớn nhưng không ổn định, bị chi phối bởi nhiều định chế khách quan nên không chủ động, nhất là nguyên phụ liệu, phải gia công là chính.
Sau hai lần thất bại, tôi vỡ lẽ ra rằng: mình đang bán cái mà mình có sẵn, chứ không bán cái mà người tiêu dùng cần. Quyết không bỏ cuộc, Sài Gòn 2 đã đầu tư rất nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường, khả năng tiêu thụ, trình độ sản xuất. Điều tâm đắc nhất của tôi là xây dựng được thương hiệu Sanding, với những dòng sản phẩm dành cho mọi lứa tuổi, “phủ sóng” hết các phân khúc thị trường. Lúc đầu Sanding rất nhỏ, nhân sự chỉ trên 20 người, nhưng đến nay Sanding có hơn 400 CB-CNV với bảy cửa hàng bán lẻ và có mặt ở các siêu thị như CoopMart, Vinatex, Metro trên cả nước.
Tôi thèm đọc nhiều hơn trên mặt báo chân dung những người trẻ biết sống vì người khác, chứ không phải tập trung quá nhiều vào một lớp thanh niên ăn chơi trụy lạc.
____
Nhìn về phía trước, anh thấy ngành dệt may sẽ phải vượt qua những thách thức nào so với khu vực và toàn cầu?
Tôi không dám nói rộng đến toàn ngành, chỉ nói với tư cách thương hiệu Sanding. Với WTO, thị trường thời trang phải chịu ảnh hưởng của quy luật kinh tế, nhưng cũng có cái riêng của nó. Khi chúng ta chuẩn bị nội lực một cách căn cơ, thì mọi sự tác động đều có thể trụ vững được. Mỗi sản phẩm nếu biết phục vụ tới nơi tới chốn khách hàng riêng của mình sẽ nhận được sự trung thành của đối tượng đó.
____
Làm thế nào để tạo nên sự ấm cúng trong mái nhà của mình cũng như trong công ty? Khả năng lãnh đạo của một người làm chính trị có giúp nhiều cho anh khi chuyển sang kinh doanh?
Muốn làm được điều như bạn hỏi, có lúc mình phải là người công nhân, có lúc là một Bí thư Đảng ủy, có lúc là Tổng giám đốc, có lúc là Chủ tịch HĐQT… Lúc nào cũng với tâm niệm vì lợi ích của công ty, có mặt với anh em trong bất cứ tình huống nào, và phải cho mọi người cùng hiểu được rằng tất cả cùng đang làm vì lợi ích chung.
Theo tôi chính trị vẫn là cái gốc. Nếu không xử lý được về chính trị thì cũng khó mà xử lý về kinh doanh. Bất cứ một con người nào trong cuộc sống cũng phải có một nơi để dựa vào, để tin tưởng, và trách nhiệm của mình là phải gieo cho họ niềm tin. Không ai dựa lưng vào một thân gỗ mục, mà phải chọn một nơi vững vàng để tin. Tạo được niềm tin cho mọi người là hết sức quan trọng. Với một công ty cổ phần, nhưng mọi hoạt động Đảng, Đoàn, Công đoàn đều rất mạnh, có vậy mới tạo thành một tổ chức hoàn chỉnh.
____
Thế còn nhìn lại ba mươi năm qua, trong không khí của tháng Tư tràn ngập cờ hoa, anh thấy thế nào?
Tôi thấy mọi người ai ai cũng náo nức, tự hào, tôi muốn chia sẻ niềm vui ấy với mọi người. Nhưng lo lắng nhất của tôi là trật tự xã hội ở thành phố mình còn quá phức tạp. Làm thế nào để gìn giữ, làm trong sạch lại, tạo nên một thành phố sạch, vệ sinh, an toàn, thân thiện? Mong muốn nhỏ ấy nhưng xem ra thực hiện không phải dễ. Ngày ngày đọc báo thấy toàn những chuyện kinh hoàng, nhưng tôi nghĩ lớp trẻ bây giờ đâu phải vậy, nhiều doanh nhân trẻ được đào tạo căn cơ, làm được nhiều việc lớn. Tôi thèm đọc nhiều hơn trên mặt báo chân dung những người trẻ biết sống vì người khác, chứ không phải tập trung quá nhiều vào một lớp thanh niên ăn chơi trụy lạc.
Tôi là người của công việc. Tuy nhiên bạn bè với tôi là tất cả, tôi có những người bạn có thể sống chết có nhau.
____
Nói thế dường như anh là người rất yêu đời, rất lạc quan?
Đó là sự thật. Hãy tin rằng cuộc sống này còn rất nhiều điều tốt, hãy biết đánh giá bản chất chứ đừng nhìn vào hiện tượng. Rất may là tôi chưa bao giờ bị phản bội (cười), có lẽ nhờ mình luôn sống tốt với mọi người, và nghĩ mọi ngưới cũng tốt với mình, nên mọi điều đều nhẹ nhàng. Nguyên tắc sống và nguyên tắc kinh doanh của tôi là mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng. Tôi là người làm thời trang rất… thực tế.
____
So với ngày xưa, anh có thay đổi nhiều không?
Câu hỏi này hơi khó à nghen! Tôi không phải là người có khả năng làm thay đổi được một điều gì lớn lao, tôi chỉ là người kiên trì, cố gắng, có quyết tâm, trách nhiệm. Những chuyện đến với tôi đều không thể làm khác được. Còn sự trực cảm trong quản lý kinh doanh là do đúc kết từ bao nhiêu được mất trong đời mà chính tôi cũng không nhớ hết.
____
Ngoài kinh doanh, anh còn có mối quan tâm nào khác? Cách nào giúp anh làm cho cuộc sống vui vẻ, phong phú hơn?
Tôi là người của công việc. Tuy nhiên bạn bè với tôi là tất cả, tôi có những người bạn có thể sống chết có nhau. Lạ một điều là tôi có rất nhiều bạn tốt, đối với nhau trung thực, thẳng thắn, và tôi cũng sẵn sàng sống chết vì bạn. Cuộc sống hàng ngày của tôi rất đơn giản, sáng đi bộ một vòng, đến cơ quan thì ăn cơm tập thể, tan sở thì ăn cơm với gia đình, tôi thích ăn rau. Chương trình tivi mà tôi không bao giờ bỏ qua là tin thời sự của VTV1.
____
Là cháu đích tôn của dòng họ Ngô, anh đã chủ động đứng ra tổ chức để viết lên gia phả của dòng họ, anh nghĩ gì về việc khôi phục lại văn hóa làng Trung Lập Thượng, văn hóa dòng họ?
Cổ ngữ có câu: “Mộc bổn thủy nhơn sanh hồ tổ”, cây có cội, nước có nguồn, người có tổ tông. Dân mình có truyền thống hiếu nghĩa vi tiên, tưởng nhớ đến nguồn gốc, thờ phụng ông bà cha mẹ khi khuất bóng. Nếu những lớp người tiếp nối huyết thống hiểu được ông cha đã đổ bao xương máu để xây dựng cơ nghiệp cùng tiếng thơm cho con cháu thì sẽ thấy thân tộc mình đông đảo, gần gũi biết bao.
Không chỉ riêng tôi, mà lớp con cháu họ Ngô cũng luôn quan tâm đến dòng họ, tạo điều kiện hỗ trợ, nâng đỡ anh em trong họ hàng, thể hiện trách nhiệm với họ tộc, cũng là cách để làm vui lòng cha mẹ ông bà mình. Đó cũng là bổn phận của tôi. Rất tiếc là những người lớn tuổi, những người biết về quá khứ của vùng đất linh thiêng này giờ cũng mai một, không còn bao nhiêu. Đây cũng là một xứ sở rất trẻ, không biết dự định này có hoàn thành như mình mong muốn không.
____
“Khu vườn xanh” ở Củ Chi có phải là nơi để anh cân bằng trở lại khi phải đối diện với thương trường?
Thực ra là muốn, nhưng cũng rất khó để thực hiện, vì chưa có nhiều thời gian. Kể cả việc chăm sóc cho mẹ cũng còn rất ít ỏi. Cứ rảnh được giờ nào là mình phóng vù xe về quê, chăm sóc đám cây trong vườn, những lúc ấy thấy thanh thản lạ kỳ. Về đây, chỉ cần đi bộ trên con đường làng, gặp gỡ người này, chào hỏi người kia, tự nhiên thấy lòng mình ấm lắm, như thể được tiếp thêm sức. Sống bên mẹ được ngày nào là vui vẻ, ấm cúng ngày đó (cười hạnh phúc). Bây giờ tôi chạy về Củ Chi đây, tạm biệt nhé.
Khuya thế này anh còn về Củ Chi ư? Tôi thắc mắc, và chợt hiểu, thì ra anh muốn chia sẻ với mẹ niềm vui của riêng mình.