Ông là người đam mê công việc, nhưng cường độ làm việc liên tục suốt 16 giờ mỗi ngày kể ra cũng đáng nể. Một chiều cuối tuần, tiếp chúng tôi tại văn phòng sau chuyến bay về từ Hà Nội, ông cho biết mới cáng đáng thêm một công việc – thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam. Đã bước qua vài năm của “ngũ thập”, cái tuổi đủ để chiêm nghiệm và nhìn cuộc đời một cách bình thản, biết “tận nhân lực, tri thiên mệnh” nhưng khi nói về chuyện làm, chuyện chơi thì cái chất trẻ trung, yêu đời hết mình của ông chắc chắn làm nhiều người ngạc nhiên.
Dường như trong con người ông có sự phân thân một cách tự nhiên, nói chuyện thì ào ào, cao hứng, đôi lúc còn chửi thề vài tiếng cho sướng cái miệng, nhưng tâm thì bình lắm. Ông nổi tiếng là người “chịu chơi”, mà thường chơi những cái chưa ai chơi. Nói vậy thôi chứ đã là doanh nhân, cái thú chơi nào cũng thấp thoáng chuyện làm ăn, mà làm nghiêm túc, đến nơi, đến chốn.
____
Là người sáng lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều (CLB DNVK), ông có nghĩ là mình đã có ích trong việc tập hợp một số doanh nhân và biến nơi này thành một địa chỉ được nhiều Việt kiều tin cậy không?
Tôi về nước từ năm 1992. Cứ tưởng làm một mình thì rất khó thành công nhưng may mắn là vào thời điểm đó tôi vẫn làm được. Lúc đó, đất nước bắt đầu đổi mới, cần phát triển về cơ sở hạ tầng. Tôi kinh doanh chuyên môn ngành xây dựng nên có thể kiếm sống được, vì làm theo công nghệ Tây nhưng tính theo giá Việt Nam. Thời gian tôi về cũng đã có một số Việt kiều “ra đi” vì bị cạn vốn trong khi chờ xin được giấy phép kinh doanh.
Từ thực tế đó, tôi suy nghĩ và có sáng kiến nên có một nơi để anh em Việt kiều tại thành phố này lui tới gặp nhau để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước. Thứ hai là tạo cho họ sự quen biết về môi trường và đối tác kinh doanh, điều này rất quan trọng, cần thích nghi để điều chỉnh được hướng làm ăn cho thích hợp. Thường người chưa có kinh nghiệm hay “đi nhanh, đánh mạnh”. Tôi lập ra CLB DNVK là vì lý do như thế. Hiện tại CLB có khoảng 300 thành viên, có thể trở thành cầu nối cho doanh nhân Việt kiều ngay tại quê nhà.
____
Thời thế đã khiến ông trở thành… Việt kiều. Có bao giờ ông nhìn lại những thước phim của đời mình và có mong muốn thay đổi điều gì không?
Tôi thẳng thắn nói về quá khứ vì tôi rất tin tưởng vào chính sách của Nhà nước mình. Hồi mới về nước lần đầu cùng với ông Bộ trưởng Thương mại Úc, tôi có gặp một số quan chức ở Trung ương, thấy được chủ trương của Nhà nước là hướng đến vấn đề hội nhập. Đó là xu thế chung của xã hội chứ không của riêng ai.
Quê tôi ở Hà Tĩnh, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, lớn lên ở Đà Lạt rồi xuống Nha Trang nhập ngũ làm lính hải quân. Thời đó thanh niên ở miền Nam đều bị thời cuộc đưa đẩy như thế và cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác. Sau giải phóng, tôi về quê vợ ở Bến Tre, đi làm nhiều nơi ở vùng quê để kiếm sống. Chuyện gì làm được tôi đều nhận. Năm 1978, tôi cùng một số người vượt biên rồi trở thành Việt kiều Úc.
Tôi xác định rõ mình đang làm cái gì và làm được việc gì, đồng thời hiểu rõ cái gì người ta làm được thì mình không nhảy vô. Tôi chọn một phần đất rõ ràng để dụng võ.
____
Ông rất cởi mở nói về quá khứ của mình và có vẻ tin vào số mệnh?
Con người ta, cái tâm sinh ra cái tính, rồi cái tính lại sinh ra cái tướng. Người ta nói có tướng và số ngẫm ra cũng đúng. Số mà vận vào người có tướng thì sẽ dễ thành công. Tôi thấy mình là người cũng có được ít nhiều may mắn, được trời cho một số tư chất để làm nhiều việc. Giống như con người ta, đất nước cũng có vận số. Năm xưa đời sống khó khăn, nhiều người vượt biên.
Nay vận nước đã đến, kinh tế phát triển, cuộc sống phồn thịnh hơn xưa, lại có cả triệu Việt kiều từ năm 1990 tới giờ thường xuyên gửi tiền về Việt Nam lên đến mấy tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Mặc dù chưa phải là nhiều, nhưng số tiền đó đã góp phần làm cho xã hội phát triển, dân giàu nước mạnh. Tôi nghĩ và tin vận nước mình đang lên.
____
Ông từng kinh doanh thành công ngành xây dựng ở Úc, thành lập nhiều công ty lớn chỉ sau một thời gian ngắn định cư. Ở Việt Nam, VABIS của ông cũng là công ty có đẳng cấp trong xây dựng nhà cao tầng. Bí quyết nào đã giúp ông có được thành công ấy?
Như tôi đã nói, mình là người có được số may mắn. Lúc mới qua Úc tôi phải đi xúc than suốt cả năm trời, tối phải học thêm để có được một số bằng cấp của Úc. Vốn liếng có được tôi mở một nhà hàng Việt Nam, đêm nào không học thì bưng bê, rửa chén. Sau đó, tôi bán nhà hàng lấy tiền mở công ty vào năm 1980, tức sau gần hai năm đến Úc.
Năm 1981 tôi thắng thầu lớn, nhận công trình quản lý, sửa chữa, nâng cấp cho hơn 20 ngàn tòa nhà ở của Chính phủ Úc. Tôi mướn cả mấy ông chuyên gia Tây làm cho tôi. Đến năm 1985, tôi đã có khoảng 150 nhân công người Úc. Năm 1990 thì chúng tôi tăng đội ngũ công nhân lên đến 300 người, còn công trình tính ra cũng đã mấy ngàn, có cả những công trình lớn ở Sydney. Bởi thế, khi sang Việt Nam, ông Bộ trưởng Úc chủ trương chọn người có uy tín và biết về Việt Nam và đã chọn tôi.
Tôi lãnh được nhiều công trình lớn trước hết là nhờ ở khả năng chuyên môn. Ít có người thầu xây dựng nào hiểu việc cặn kẽ, thậm chí có thể trực tiếp làm thợ như tôi. Thứ hai là tôi biết hợp tác với các công ty khác để cùng làm, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi. Nhưng quan trọng nhất để tôi vượt trên các đối thủ cạnh tranh chính là uy tín. Đã hứa với ai làm gì, làm như thế nào thì nhất định tôi phải làm đến nơi, đến chốn. Tạo nên sự tín cẩn thì người ta sẽ nhớ đến mình khi chọn lựa người để giao công trình.
Tôi xác định rõ mình đang làm cái gì và làm được việc gì, đồng thời hiểu rõ cái gì người ta làm được thì mình không nhảy vô. Vì thế, công ty của tôi chỉ nhận phần hoàn thiện và điện, nước thôi, phần xây, tô, bê tông thì các công ty trong nước làm rất giỏi. Nghĩa là chúng tôi chọn một phần đất rõ ràng để dụng võ. Tôi biết mình làm những gì mà xã hội cần và Nhà nước cho phép, thế thôi.
____
Vâng, xã hội rất cần những người như thế. Là một Việt kiều, ông thấy Việt kiều có được lợi thế nào và khó khăn gì khi về nước đầu tư?
Tôi nghĩ Việt kiều có được lợi thế lớn nhất là tầm nhìn. Ngoài ra, họ cũng được một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng việc thực thi còn yếu. Ví dụ, khâu chuyển tiền lời của Việt kiều ra nước ngoài về nguyên tắc là được giảm một ít thuế nhưng trên thực tế làm được đúng như văn bản quy định là rất khó.
Thiết nghĩ nếu Nhà nước đã có chủ trương hỗ trợ thì nên ưu tiên cho lúc đầu sẽ hay hơn cách cho hưởng về sau. Còn nói về khó khăn của Việt kiều thì cũng rất nhiều, lớn nhất là khoảng cách địa lý vì hoàn cảnh gia đình, vì ai cũng phải đi đi, về về. Và môi trường làm việc cũng là một trở ngại, ai cũng cần có thời gian để hòa nhập, thích nghi.
Nói thật, về nước dù là để kinh doanh nhưng cái chính trong tôi vẫn là tình yêu quê hương. Nếu không yêu quê, không thương nước tự đáy lòng thì Việt kiều về làm ăn sẽ khó vượt qua được những khó khăn, sẽ “càm ràm” suốt ngày.
____
Tất nhiên là chúng ta còn phải làm rất nhiều việc để những khó khăn sẽ ngày càng ít đi. Cá nhân ông có góp ý cụ thể nào để Việt kiều kinh doanh đạt hiệu quả hơn không?
Hướng của tôi từ trước tới giờ là vẫn hô hào và đề đạt những chính sách kêu gọi bà con Việt kiều nên hướng về nước hơn là về nước làm ăn. Có thể bà con về trong một thời gian ngắn để tìm hiểu những gì thuận lợi trong kinh doanh hoặc đầu tư, sau đó dẫn đối tác nước ngoài vào Việt Nam hoặc đưa doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài làm ăn thì sẽ có lợi hơn cho đất nước.
Tôi rất tin tưởng vào chính sách của Nhà nước dành cho Việt kiều, nhưng cách làm hiện nay vẫn còn nhiều lấn cấn, chưa thông, thậm chí có những điều chưa hợp logic. Nhà nước ta vẫn cần đánh giá đầy đủ hơn, đúng hơn tiềm lực của Việt kiều để khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực này cho đất nước.
Có ý kiến cho rằng tôi làm đua ngựa, đua chó là khó thành công ở Việt Nam nhưng tôi tin là mình đầu tư đúng và sẽ thắng lợi.
____
Nghe nói ông còn đề nghị thành lập Hiệp hội dịch vụ vui chơi giải trí để tập hợp lực lượng các doanh nhân hoạt động trong một lĩnh vực rất nhạy cảm, lại mang tính tự phát ở Việt Nam. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Một đất nước phát triển thì cũng phải quan tâm phát triển đồng đều, không chỉ đơn thuần là kinh tế. Những việc tôi làm đều có tính chiến lược. Người ta nói nhiều về đầu tư phát triển ngành công nghiệp không khói, tức là ngành du lịch, trong đó không thể thiếu dịch vụ thể thao du lịch. Có ý kiến cho rằng tôi làm đua ngựa, đua chó là khó thành công ở Việt Nam nhưng tôi tin là mình đầu tư đúng và sẽ thắng lợi.
Đó cũng là một nhu cầu giải trí của con người, kể cả người dân trong nước và một lượng lớn du khách nước ngoài. Họ sang ta du lịch mà nếu chẳng có thứ vui chơi, dịch vụ giải trí, thư giãn gì thì họ chỉ biết trả tiền khách sạn rồi về, không biết tiêu tiền ở đâu cả. Chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội tốt có thể giữ chân khách và giúp khách rút tiền ra khỏi bóp. Nhiều người nước ngoài quan niệm rằng chẳng thà mang tiền đi làm từ thiện chứ đã đi du lịch mà không được tiêu tiền thì khỏi đi.
Tôi cũng là người mê chơi nên muốn tạo ra dịch vụ vui chơi để ai có nhu cầu thì có thể thư giãn. Nước ngoài đã có dịch vụ này từ lâu, thuộc về ngành công nghệ giải trí. Ở Úc có cấp Bộ. Trong xu thế phát triển xã hội, đã làm công nghiệp hóa thì phải công nghiệp hóa đều ở các ngành, nếu không sẽ tạo nên sự mất cân bằng xã hội. Quan trọng là phải có sự quản lý mà theo tôi, thời điểm này thích hợp nhất là một hiệp hội.
____
Là một trong những người đi tiên phong trong ngành dịch vụ thể thao giải trí, nếu như đề nghị của ông được trình duyệt thì ông có “đứng mũi chịu sào” để nhận trách nhiệm điều hành Hiệp hội này không?
Dĩ nhiên tôi sẵn sàng. Và tôi biết là mình không đơn lẻ vì có rất nhiều bạn bè tán đồng ý kiến này. Tôi sẽ làm ít nhất là nhiệm kỳ đầu, sau đó mọi người cùng góp sức. Tôi tin là nếu được thành lập, hiệp hội sẽ là cái sườn, từ đó đề ra những điều lệ, quy chế quản lý. Trên thực tế, hiện nay có một số dịch vụ không biết thuộc sự quản lý của bộ nào, ngành nào, như công ty đua chó của tôi chẳng hạn. Những dịch vụ như vậy nên tập trung một hiệp hội thì sẽ thuận lợi hơn cho việc quản lý của Nhà nước.
____
Đua chó có lẽ là một khái niệm còn khá xa lạ với nhiều người Việt Nam, bởi con chó từ bao đời là vật nuôi gần gũi với con người chứ ít ai nghĩ chó có thể đua như ngựa. Mô hình công ty đua chó của ông được xây dựng như thế nào và thú chơi này có đòi hỏi công phu nhiều không, thưa ông?
Nước Úc đã có đua chó gần 50 năm qua và có gần 80 trường đua. Ở Việt Nam, Công ty Dịch vụ thể thao thi đấu giải trí (SES) là liên doanh giữa Công ty Hemlock Services (Úc) và Công ty Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được thành lập từ tháng 3/1998 và bắt đầu tổ chức môn thể thao đua chó Ereyhound vào tháng 5/2000 tại Sân vận động Lam Sơn, số 15 Lê Lợi, Vũng Tàu.
Hoạt động giải trí này nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ai đã từng coi các trận đua chó đều đồng ý với tôi đây là hoạt động giải trí vui mắt, thoải mái, là một nơi mà cả gia đình có thể cùng thư giãn vào dịp tối cuối tuần, ngày lễ vì với giá vé vào cửa 20 ngàn đồng một người là chấp nhận được. Ngoài việc xem đua chó, khán giả còn có cơ hội dự thưởng, trúng thưởng trong mỗi vòng đua.
Trung tâm huấn luyện chó của SES đặt tại phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa, bao gồm các khu: chuồng trại có sức chứa 400 chó đua, nhà bếp, nhà kho, đường đua thử, phòng khám cho chó… được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn của Úc. Chó đua được nhập khẩu từ Úc, cho sinh sản tại trung tâm, sau đó nuôi dưỡng và huấn luyện. Về kỹ thuật và điều hành thì tôi có thể nói SES Vũng Tàu không thua gì nước ngoài cả.
____
Ồ, thì ra là vậy. Và tức là ông đã đầu tư kinh doanh vào hai lĩnh vực rất khác nhau và đều thành công – một khả năng “phân thân” trong công việc thật tuyệt vời?
Có lẽ bởi tôi đã làm cái gì thì nhất định có niềm đam mê trong đó. Tôi say sưa nhiều thứ trên đời chứ không riêng gì chuyên môn chính của mình là xây dựng và đầu tư phát triển. Nhưng nếu chỉ tập trung vào mỗi việc xây dựng thì chắc bây giờ tôi cũng “chết” rồi.
Với tôi, ngành xây dựng hỗ trợ rất nhiều cho công việc khác, giống như chiếc xe tải để chở nhiều công trình. Chẳng hạn, nếu tôi không làm xây dựng thì không biết cách thiết kế ra cái chuồng để nuôi chó, nuôi ngựa và làm đường để chúng thi tài được. Đó cũng là cách tôi dùng công việc để thư giãn.
____
Dùng công việc để thư giãn, nghe thật lạ. Chẳng lẽ ông chỉ dùng công việc để thư giãn thôi sao?
Không, tôi cũng còn nhiều thứ giải trí khác nữa chứ, như chơi thể thao, nghe nhạc… Tôi mê nhất là golf. Hiện tôi đang đầu tư vào ba sân golf ở Cần Thơ, Hà Tĩnh, Lâm Đồng. Tôi cũng ca được vài bản nhạc tiền chiến, nhạc của Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An… Tôi cũng có nhiều bạn bè. Có lẽ bạn bè thích tôi nhiều ở điểm chơi, chứ trong làm ăn thì có khi lại ghét tôi là đằng khác.
Quê hương đối với tôi cũng như người yêu vậy. Cho dù người yêu có làm điều gì giận hờn thì mình cũng bỏ qua hết.
____
Nghe nói ông hát cũng “tâm trạng” lắm…
Chỉ thi thoảng khi vui cùng bạn bè mới hát thôi. Tôi thích nhất là bài Hạ Trắng và Tình Xa, đã nghe không biết bao lần mà vẫn thấy đẹp, nhẹ nhàng, tựa hồ như trở về kỷ niệm… “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay…”. Nói chung cũng… bình thường thôi.
____
Lại tiếp tục một câu hỏi riêng tư: Điều ông cảm thấy thiếu trong cuộc sống hiện tại?
Đó là thời gian, cũng là cái thiếu chung của doanh nhân. Họ phải bận rộn với công việc, không thể “bắt cá hai tay” để có thể dành thời gian cho gia đình và điều hành công việc được. Tôi cũng vậy, lúc các con tôi còn nhỏ thì một tay vợ tôi chăm sóc, chỉ đến khi lớn thì tôi mới hướng dẫn các con theo nghề kinh doanh.
____
Nghĩa là ông đã đào tạo cho mình một đội ngũ kế cận. Thế còn đối với thế hệ doanh nhân trẻ nói chung, ông có điều gì chia sẻ với họ?
Tôi thấy giới trẻ bây giờ có nhiều người rất giỏi, thành công sớm hơn thế hệ trước vì có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Đó cũng là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, con đường kinh doanh bao giờ cũng lắm gian nan, nếu ai sợ thất bại thì không thể trở thành doanh nhân được.
____
Thường đi đi, về về như vậy, điều gì khiến ông nhớ nhất khi xa quê?
Quê hương đối với tôi cũng như người yêu vậy. Cho dù người yêu có làm điều gì giận hờn thì mình cũng bỏ qua hết. Lúc ở Úc, tôi cũng rất thích nước Úc, thích chứ không phải là yêu. Mỗi người ai cũng có một góc nhỏ riêng trong lòng. Riêng tôi làm công việc xây dựng cao tầng nhưng rất khoái cảnh đồng quê.
Tôi không bao giờ ở trong thành phố lâu, chỉ đôi ba ngày là lại chạy đi nơi nay, nơi khác. Khi ở Úc, tôi thường chạy xe gắn máy chở con gái đi lang thang tới những khu làng quê xa mà tưởng như đang tìm về làng quê Việt Nam vậy.