Đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam nếu không được phẫu thuật sẽ dẫn đến mù hoàn toàn làm tăng gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2007 có khoảng 251.700 người mù do đục thủy tinh thể. Hiện có hơn 700.000 mắt cần phẫu thuật. Số người mắc bệnh mới hằng năm khoảng 85.000 ca đục thủy tinh thể hai mắt và 85.000 ca bị bệnh một mắt. Năm 2009 cả nước đã phẫu thuật 132.419 ca đục thủy tinh thể lĩnh vực y tế công, trong đó phẫu thuật phaco 39.537 ca.
Đục thủy tinh thể hay gặp ở người lớn tuổi
Đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm khô, cườm đá) là hiện tượng mờ đục thủy tinh thể trong mắt, gây ra những rối loạn thị giác. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể đeo kính hỗ trợ, với nguồn chiếu sáng tốt để làm giảm những rối loạn thị giác do đục thủy tinh thể. Nhưng nếu đục thủy tinh thể nhiều, các biện pháp trên không còn tác dụng, bệnh nhân cần được phẫu thuật để cải thiện thị lực. Hiện nay phẫu thuật thủy tinh thể an toàn và rất hiệu quả.
Thủy tinh thể là cấu trúc trong mắt có chức năng như một thấu kính giúp hội tụ ánh sáng trên võng mạc. Võng mạc là lớp nhận cảm ánh sáng và gởi tín hiệu thị giác lên não. Ở mắt bình thường, ánh sáng đi xuyên qua thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc nên thủy tinh thể phải trong suốt để tạo ảnh rõ nét.
Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu là nước và protein. Các protein được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể cản ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực. Tình trạng này gọi là đục thủy tinh thể.
Đục thủy tinh thểở giai đoạn đầu có thể không gây triệu chứng gì vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể bị đục. Nhưng dần dần thủy tinh thể đục ngày càng nhiều và bệnh nhân nhìn mờ hơn vì giảm ánh sáng đến võng mạc. Bệnh không lây từ mắt này qua mắt kia dù nhiều người bị đục thủy tinh thể cả hai mắt.
Người ta vẫn đang nghiên cứu thêm về đục thủy tinh thể nhưng nguyên nhân đục vẫn chưa rõ, nhưng thường gặp nhất là do lão hóa. Các nhà khoa học cho rằng các yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể có thể là hút thuốc, tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường), môi trường sống quá nhiều nắng.
Những triệu chứng thường gặp nhất là: nhìn mờ, cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng (ban đêm thấy đèn pha quá sáng, chói mắt khi nhìn đèn hoặc ánh sáng mặt trời mạnh, hoặc thấy quầng sáng quanh đèn), màu có vẻ nhạt hơn, ban đêm thị giác kém hơn, nhìn một hình thành hai hoặc nhiều hình, độ kính đang đeo thay đổi thường xuyên.
Những triệu chứng này có thể cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác tại mắt. Chính vì vậy, khi có những triệu chứng này thì bệnh nhân nên đến bác sĩ mắt để được khám và tư vấn.
Khi đục thủy tinh thể ít, có thể người bệnh không nhận ra thị lực có thay đổi hay không. Nhưng đục tiến triển từ từ thì thị lực kém dần. Một số người có đục thủy tinh thể nhận thấy rằng mắt nhìn gần trở nên rõ ràng hơn, nhưng hiện tượng này chỉ là tạm thời. Thị lực sẽ giảm khi đục thủy tinh thể phát triển nhiều hơn.
Các phương pháp điều trị đục thủy tinh thể
Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính để thay thế thủy tinh thể.
Phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hằng ngày. Trong đa số trường hợp có thể trì hoãn phẫu thuật cho đến khi tư tưởng đã sẵn sàng. Nếu bệnh nhân bị đục thủy tinh thể cả hai mắt thì mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau. Nếu hai mắt bịảnh hưởng nhiều thì hai phẫu thuật có thể được tiến hành cách nhau hai đến bốn tuần. Một số trường hợp có thể lấy thủy tinh thể khi chưa gây giảm thị lực nhưng lại cản trở việc khám và điều trị các bệnh mắt khác, chẳng hạn bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.
Hiện nay phẫu thuật lấy thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất của chuyên khoa Mắt. Đây cũng là một trong những phẫu thuật an toàn nhất và cho kết quả rất tốt. Với kỹ thuật tiên tiến và trang thiết bị hiện đại như tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh, 90% trường hợp sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể cho thị lực tốt. Hai dạng phẫu thuật đang được ứng dụng như sau: (1) Phương pháp nhũ tương hóa thủy tinh thể hay phaco: Tạo một đường rạch nhỏở một bên giác mạc (giác mạc là cái vòm trong suốt che phủ phía trước tròng đen). Sau đó đưa một thiết bị nhỏ vào mắt. Thiết bị này phát ra sóng siêu âm làm thủy tinh thể mềm và phân thành những mảnh nhỏ, do đó có thể hút ra. Hiện nay hầu hết phẫu thuật lấy thủy tinh thể được thực hiện bằng phương pháp phaco, còn gọi là phẫu thuật đường rạch nhỏ. (2) Phương pháp lấy thủy tinh thể ngoài bao: Tạo một đường rạch dài hơn ở một phía giác mạc và lấy phần nhân cứng thủy tinh thể ra, sau đó hút phần còn sót lại.
Sau khi lấy thủy tinh thể, bác sĩ sẽ đặt một kính nội nhãn (thấu kính nhân tạo trong suốt) thay vào vị trí của thủy tinh thể. Thị lực của bạn sẽ cải thiện tốt với kính nội nhãn vì ánh sáng xuyên qua nó đến võng mạc. Một số trường hợp không thể đặt kính nội nhãn vì đang có bệnh mắt khác hoặc có tai biến khi phẫu thuật. Trường hợp này có thể đeo kính sát tròng hoặc đeo kính gọng sau mổ.
Sau phẫu thuật bệnh nhân thường có cảm giác ngứa và xốn nhẹ một thời gian ngắn. Cũng có thể chảy nước mắt, mắt cảm thấy chói sáng và nhạy đau. Nếu mắt khó chịu, có thể dùng thuốc giảm đau mỗi 4-6 giờ. Sau một, hai ngày mắt sẽ hết đau. Đa số trường hợp mắt sẽ lành trong khoảng sáu tuần. Biến chứng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể rất hiếm. Biến chứng có thể là nhiễm trùng, chảy máu, viêm (mắt đau, đỏ, sưng), giảm thị lực, hoặc thấy chớp sáng. Nếu phát hiện kịp thời thì có thể điều trị thành công những biến chứng này.
Bao sau của thủy tinh thể được giữ lại trong quá trình phẫu thuật. Sau phẫu thuật, đôi khi phần bao sau bị đục và làm mắt mờ. Tình trạng này gọi là đục bao sau. Nó có thể xuất hiện sau phẫu thuật nhiều tháng hay nhiều năm.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu về sự phát triển và các yếu tố thúc đẩy đục thủy tinh thể. Người ta cũng xem xét liệu một số vitamin có thể phòng ngừa hoặc làm chậm đục thủy tinh thể hay không. Các nghiên cứu khác tìm những phương pháp mới để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể. Ngoài ra các nhà khoa học đang khảo sát vai trò của gen trong sự phát triển đục thủy tinh thể. Người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh mắt. Do đó nên khám mắt định kỳ mỗi năm một lần để kiểm tra các bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già, cườm nước, đục thủy tinh thể và các bệnh mắt khác.
- PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn (Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh)