Nếu như với giới mộ điệu nghệ thuật, dân chuyên môn và nhà nghiên cứu, bảo tàng tiếp cận người xem bằng những “trò chơi” về mặt hình khối và tương tác với không gian đô thị, thì hiện nay, để thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan, bảo tàng ngày càng đề cao sự tương tác giữa con người với không gian, thời gian, vật thể thông qua công nghệ hiện đại. Thậm chí, công nghệ thực tế ảo còn cho phép bảo tàng khôi phục hình ảnh, phục dựng quá khứ và đưa người xem trở về, song hành cùng các di sản một thời. Đây cũng là “thỏi nam châm” thu hút rất nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là thanh niên, sinh viên và trẻ em trong thời đại 4.0 ngày nay.
Tương tác với công nghệ hiện đại
Dù là đất nước hiện đại bậc nhất châu Á với sự giao thoa văn hóa Đông Tây đặc sắc nhưng hệ thống di sản của Singapore lại không nhiều, thiếu bề dày lịch sử. Do đó, khai thác công nghệ để tăng sức hút cho bảo tàng là chiến lược chủ chốt của đảo quốc sư tử, điển hình là Art Science Museum.
Nổi lên giữa vịnh Marina với hình dáng bàn tay chào đón, công trình gắn kết hài hòa mảng xanh, mặt nước rộng lớn và các cấu trúc chung quanh như Marina Bay Sands, Gardens by the Bay, tòa nhà Louis Vuitton… làm nên bối cảnh đô thị hoành tráng, trung tâm mua sắm, các lễ hội ánh sáng kỳ thú.
Với chủ đề chính là khoa học nghệ thuật, Art Science Museum dùng công nghệ ánh sáng để cấu tạo nên các không gian trưng bày sáng tạo và “giới hạn”. Người xem khi thì lạc bước trong muôn ngàn đóa hoa và chim muông lấp lánh, khi thì thư giãn tâm hồn trước những đợt sóng dập dìu trên những bức tranh truyền thống Nhật Bản chuyển động bao quanh.
Với trẻ em, không gì thu hút hơn một chiếc cầu tuột tràn ngập ánh sáng đưa chúng du hành vào một không gian kỳ thú, được tô vẽ trên màn hình LED và chơi các trò chơi tương tác với ánh sáng biến ảo.
Quan niệm tương tự đã được Cité Sciences la Villette (Paris, Pháp) áp dụng với cách mang ứng dụng công nghệ vào hoạt động trải nghiệm cho giới trẻ, đặc biệt là trẻ em.
Khác với Art Science, các hoạt động trong Cité Sciences de la Villette lại là các trò chơi đậm dấu ấn khoa học phương Tây từ cơ bản đến tối tân nhất, như trò chơi thử thách trọng lực, du hành… rất thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Do nằm trong một công viên phức hợp văn hóa, nên các hoạt động ở đây vô cùng đa dạng, từ âm nhạc, nghệ thuật, đến thể thao, vận động, đủ để thỏa mãn “cơn buồn chán” của trẻ em đô thị vốn xoay vòng trong áp lực học tập và những căn hộ khép kín hàng ngày.
Cả hai bảo tàng trên đều rất thành công khi sử dụng một loại “chất liệu” không chỉ giới trẻ mà mọi người đều thích và tò mò: tính tương tác với công nghệ hiện đại, điều mà đa số bảo tàng ở Việt Nam vẫn còn loay hoay với kiểu cách sắp xếp truyền thống, chưa thể sáng tạo được lối tiếp cận hiện đại, kỳ ảo.
- Xem thêm: Nghĩ về bảo tàng danh nhân văn hóa
Cho dù trong đời sống người dân Việt Nam đương đại, sự hiểu biết về khoa học và công nghệ đã mở mang rất nhiều, nhưng chính các bảo tàng dường như vẫn dậm chân tại chỗ, chưa theo kịp công nghệ để “bày biện” cho không gian trưng bày theo kịp thời đại.
Mờ nhòa ranh giới bảo tàng và trung tâm trưng bày, tương tác, tưởng niệm
Một xu hướng nữa hiện nay đang phát triển, nhất là tại các quốc gia chưa có bề dày về bảo tàng và những bộ sưu tập chất lượng và đáng giá, đó là mở nhiều trung tâm trưng bày, tương tác, tưởng niệm, hoặc lồng ghép bảo tàng vào các công trình sinh hoạt văn hóa khác.
Ví dụ như gần khu mua sắm Marina Bay có bảo tàng sản phẩm Louis Vutton. Hay tại Việt Nam, bên cạnh công trình nhà thờ Ka Đơn (Lâm Đồng) có phòng trưng bày văn hóa Chu Ru khá ấn tượng và hiệu quả. Việc này đòi hỏi khả năng nhận biết về bản chất giữa các không gian trưng bày khác nhau, nhất là “bộ ba rắc rối” bảo tàng – trung tâm trưng bày – khu tưởng niệm, mà hiện nay đôi chỗ vẫn đang “đánh tráo khái niệm” ba thể loại công trình này dẫn đến tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tiềm năng phát triển của xu hướng này, do đó cũng cần giới chuyên môn xác lập chuẩn mực, am hiểu các loại hình từng không gian trong thiết kế và vận hành.
Dù đều sinh ra với cùng một chức năng trưng bày, nhưng nếu nhìn sâu hơn vào từng thể loại để so sánh, điều khác biệt cốt lõi và quan trọng nhất, chính là giá trị mà ba thể loại công trình này mang lại. Trong khi bảo tàng, là nơi truyền tải giá trị văn hóa – xã hội – lịch sử đến cho người tham quan thông qua câu chuyện và hệ thống hiện vật, thì khu tưởng niệm lại nhận nhiệm vụ chuyên chở những giá trị về mặt ý nghĩa khái quát, thậm chí có thể chỉ là hình tượng, trừu tượng, còn trung tâm trưng bày lại mang tính đa năng hơn là thuần túy lưu giữ và hoài niệm. Những mục đích khác nhau cơ bản đó dẫn đến khác biệt về quy mô và phân khu chức năng. Bảo tàng đứng đầu với diện tích lớn và có rất nhiều chức năng phụ (nhưng chuyên biệt) kèm theo, như thư viện, hội thảo… và luôn có từ một đến nhiều trung tâm trưng bày ngắn hạn nằm bên trong.
Tiếp theo là trung tâm trưng bày với cách thức tổ chức tự do hơn, có thể nằm trong bảo tàng, khu thương mại, công trình công cộng hoặc đứng riêng độc lập. Cuối cùng là khu tưởng niệm với quy mô linh động và đơn giản hơn, cũng thường được tích hợp trong các công trình công cộng khác, như công viên, bảo tàng. Xếp thứ 3 nhưng không có nghĩa là khu tưởng niệm nhỏ về diện tích hay chi phí xây dựng. Khái niệm “quy mô” ở đây còn chỉ tính phức hợp, đa năng, và có nhiều ràng buộc tiêu chuẩn khiến bảo tàng mang tính chất thiết chế văn hóa được đầu tư nhiều chiều, sâu về chuyên môn hơn 2 thể loại kia.
Khi nhìn nhận đúng giá trị thực chất bảo tàng – nhà trưng bày – khu tưởng niệm, thì việc kết hợp không gian trong các phức hợp văn hóa sẽ vừa phong phú vừa rõ ràng, tôn vinh giá trị của bảo tàng mà không làm thể loại công trình này tách bạch với xu hướng tương tác đa chiều thời công nghệ hiện đại. Mặt khác, tính đa dạng và khai thác không gian trưng bày vẫn không bị giảm sút, phụ trợ tốt hơn cho khai thác du lịch và từng bước nâng cao dân trí, cũng như tạo nguồn lực đa dạng để nâng tầm các thiết chế văn hóa.
Thay đổi theo đối tượng, sở thích và vị trí
Một bảo tàng cho nhiếp ảnh có lẽ chưa dễ để hình thành, nhưng một bộ sưu tập nhỏ với nhiều đam mê thì có thể! Với bảo tàng nhiếp ảnh tại góc phố Jalan Kledek (Singapore) có lẽ tên gọi phù hợp hơn cả là Nhà trưng bày thiết bị chụp ảnh. Không sao, vì dù gọi tên gì thì những ai từng ghé qua đây đều trầm trồ xuýt xoa trước bộ sưu tập các máy ảnh thuộc dạng xưa nay hiếm. Bố trí lối vào đã kết hợp với hình khối chiếc máy ảnh khổng lồ mở cửa chính ngay tại vị trí ống kính tròn. Khách bước lên thang sắt rồi chui vào trong bằng cách đi xuống mấy bậc thang để mở ra cả một “gia tài” với chỉ hai màu đen trắng. Những câu chuyện về các nhiếp ảnh gia và “súng ống” họ đã sử dụng được dẫn giải khéo léo khiến những ai đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh phải ngẩn ngơ, thích thú.
Ở quy mô thương mại và đắt đỏ hơn là “ốc đảo” Louis Vuitton mọc lên ngay giữa vịnh Marina với nhiều điều ngoại lệ. Một mặt cho thấy với chi phí cao, những thương hiệu nổi tiếng có thể “vào bất cứ đâu” miễn trả giá phù hợp, mặt khác cũng cho thấy yếu tố chọn lọc và cạnh tranh khắc nghiệt khi mô hình trưng bày dành riêng cho thương hiệu cao cấp không tuân theo quy luật “buôn có bạn bán có phường”, đứng một mình một cõi, giữa bốn bề là nước, nối với bờ bằng cầu đi bộ nổi và một lối ngầm băng qua khu thương mại Marina Bay Sands.
Như một khối đá long lanh nổi trên nước kết hợp không gian nội thất mang phong cách tàu thuyền đại dương, nhà trưng bày này gợi lên những chuyến đi và bạn đồng hành thú vị để từ đó sẽ “link” qua những bộ sưu tập về sản phẩm da, trang phục may sẵn, giày và phụ kiện… Ở đây, yếu tố thương mại đã giao thoa cùng khả năng kể chuyện rất “ngọt”.
Khác với không gian lạnh lùng kiểu nhà xưởng, nội thất Cité Science de la Villette là một thế giới sôi động sắc màu, trong đó yêu thích nhất là trải nghiệm được bay bổng trong ống lồng không trọng lực.
Trái với Singapore, tòa nhà Louis Vuitton ở Paris lại như nàng công chúa ngủ trong rừng, khép nép cạnh bên bìa rừng Boulogne. Đây là một bảo tàng tư nhân của tập đoàn LVMH nằm trong một công viên giải trí Jardin Acclimatation rộng lớn, nơi diễn ra rất nhiều những buổi triển lãm hàng tháng.
Dù gây khá nhiều tranh cãi với một hình khối kiến trúc mơ hồ, chiếm không gian mảng xanh thành phố, nhưng sau khi hoàn thành, tòa nhà vẫn thu hút rất nhiều khách tham quan bằng những hoạt động đa dạng cho mọi lứa tuổi. Người lớn thì được xem triển lãm, trẻ con thì vào công viên chơi trò chơi, cả gia đình muốn xem kịch cũng có nhà hát kịch ở cạnh bên để thưởng lãm.
Với bảo tàng lớn hay bộ sưu tập nhỏ, dễ thấy “của cho không bằng cách cho” sẽ giúp tạo nên uy tín của thương hiệu. Dẫu có nhiều hiện vật, câu chuyện, dấu ấn phong phú mà không biết cách giúp người tham quan thụ cảm, đóng góp cho không gian đô thị, và tương tác với môi trường, thì bảo tàng và các công trình trưng bày trở nên lãng phí tài nguyên và tạo nên những nốt nhạc sai lệch trong bản tổng phổ hòa âm đô thị.
Vì vậy, sẽ rất cần nhiều định hướng khác nhau, nhiều lối rẽ đúng đắn trên con đường phát triển hệ thống bảo tàng cho hôm nay và ngày mai.
– Ảnh: Vân Lê, Huân Tú & TL
______
* Tác giả bài viết là thạc sĩ 2 của trường Kiến trúc Quốc gia (ENSA) Paris (Master 2 d’École Nationale Supérieur d’Architecture (ENSA) Paris).