Du khách đang ấn tượng với khung cảnh trữ tình của cổng làng Việt, chợt ngỡ ngàng với màn múa rối nước chào mừng. Đan xen không gian văn hóa từng vùng miền là những clip tư liệu màu sắc, ngồn ngộn thông tin và các tiết mục nghệ thuật với nhạc cụ đặc trưng…
Lâu nay, vì nhiều lý do, gần như chương trình các tour du lịch nội địa không có bảo tàng. Trong khi đó, với thế giới, bảo tàng là một phần tất yếu của du lịch. Nguyên nhân cứ đổ là do thiếu tiền? Nhưng vẫn có những bảo tàng vượt qua chính mình, nỗ lực sáng tạo, tự tin khẳng định thương hiệu.
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (VHCDTVN) tại Thái Nguyên đã gây ngạc nhiên đối với đoàn khảo sát 8 tỉnh Đông Bắc do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức trung tuần tháng 7 vừa qua, làm thay đổi thành kiến về bảo tàng Việt Nam.
Vào nhà biết chủ
Thành lập từ 1960 với tên gọi Bảo tàng Việt Bắc, 1976 đổi tên thành Bảo tàng VHCDTVN. Có diện tích 40.000 m2, cạnh sông Cầu thơ mộng, bảo tàng như công viên rợp mát cây xanh, kiến trúc hiện đại như hoà thiên nhiên.
Địa điểm này từng là dinh Công sứ Pháp, đồn lính khố xanh với hầm ngầm kiên cố và nhà tù giam giữ hàng trăm người yêu nước. Từ 30.8 – 5.9.1917, cai đội Trịnh Văn Cấn dấy binh khởi nghĩa, chiếm đồn, giải cứu Lương Ngọc Quyến và toàn bộ tù nhân, tuyên bố độc lập, lấy quốc hiệu là Đại Hùng, trương cờ Ngũ Tinh Liên Châu của Việt Nam Quang Phục Hội.
Quân Pháp phản công, nghĩa quân rút khỏi thành, tiếp tục chiến đấu đến ngày 11.1.1918.
- Xem thêm: Độc đáo ‘bảo tàng’ nông cụ vùng Bảy Núi
Hai cây dạ hương cổ thụ, còn gọi là long não, tương truyền là nơi thực dân Pháp treo cổ các chiến sĩ kiên cường, lẫm liệt; gần trăm năm qua vẫn thủy chung, toả bóng mát như đang thầm thì kể chuyện bi hùng của dân tộc. Hầm ngầm, trung tâm chỉ huy Chánh xứ Pháp tại Thái Nguyên xưa, nơi ở và làm việc Khu ủy Khu Tự trị Việt Bắc trong những năm tháng chiến tranh, nay do Bộ Quốc Phòng quản lý, du khách chưa thể tham quan.
Bảo tàng đón khách bằng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ôm ba em bé, đại diện ba miền Bắc – Trung – Nam và ba phù điêu lớn bằng gỗ. Sau lưng tượng là phù điêu mô phỏng các lễ hội tiêu biểu ở các vùng miền Việt Nam. Bên trái là phù điêu đua voi trong lễ hội mừng chiến thắng Tây Nguyên, bên phải là phù điêu đánh trống đồng trong lễ hội Đền Hùng. Phòng chiếu phim ấm cúng với hàng trăm phim tư liệu văn hóa các dân tộc. Bảo tàng có năm không gian liên hoàn trong nhà, nối kết với khu vực ngoài trời. Mọi thứ sắp đặt ấm cúng, tinh tế và khoa học.
Các hiện vật gốc được trưng bày trong những không gian thay lời muốn nói. Lối đi vùng đồng bắng Bắc bộ màu hồng nhạt gợi nhớ dòng sông Hồng trĩu nặng phù sa, màu xanh non lá mạ gợi nhớ dòng suối vùng thung lũng. Bậc tam cấp nâu nhẹ là ruộng bậc thang Tây Bắc, nâu đỏ bazan là Tây Nguyên, xám bạc là Nam Trung bộ… Tất cả biểu đạt đời sống văn hóa các dân tộc trong môi trường cư trú đặc trưng của đồng bào. Từng khu vực đều có màn hình chiếu phim minh họa và audio tourguide. Có cả góc không gian văn hóa ASEAN.
Nhân đây cũng mạn phép thống nhất tên gọi. Đất nước Việt Nam chỉ có một dân tộc duy nhất là dân tộc Việt Nam gồm 54 tộc người (gọi tắt là người); tộc người Việt (còn gọi là Kinh) đông nhất. Không dùng từ “dân tộc thiểu số”, mà thay bằng “tộc người” hay “người”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc bảo tàng, trực tiếp hướng dẫn, đưa đoàn tham quan với tất cả đam mê và nhiệt huyết; cứ như đang “truyền đạo”.
Các không gian đặc biệt của bảo tàng
Không gian 1 – Văn hóa các tộc người Việt (Kinh), Mường, Thổ, Chứt gồm 12 tổ hợp (TH). TH1 – Cổng làng, cây đa, giếng nước, mái đình, miếu thành hoàng, đường làng lát gạch nghiêng… TH2 – Bàn thờ tổ tiên người Việt. TH3 – Canh tác lúa nước và chế biến lương thực. TH4 – Nghề đánh bắt cá. TH5 – Nhà sàn người Mường. TH6 – Văn hóa người Chứt. TH7 – Nghề thủ công truyền thống. TH8 – Âm nhạc dân gian. TH9 – Chiếu chèo sân đình. TH10 – Đình làng người Việt. TH11- Quan họ Kinh Bắc. TH12 – Quả lễ trong đám cưới người Việt.
Không gian 2 – Văn hóa các tộc người Tày, Nùng, Thái, Lào, Lự, Giáy, Sán Chay, Bố Y gồm 7 TH. TH1 – Làng bản Tày, Thái. TH2 – Nhà dân tộc Thái. TH3 – Góc bếp người Tày. TH4 – Nghề thủ công truyền thống. TH5 – Canh tác nông ngiệp và vận chuyển. TH6 – Lễ hội lồng tồng. TH7 – Tín ngưỡng với dụng cụ hành lễ, tranh thờ, nhạc cụ…
- Xem thêm: Không gian văn hóa
Không gian 3 – Văn hóa các tộc người Mông, Dao, Pà Thén, La Chí, K’Lao, Pu Péo, La Ha, Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá, Cống, Lô Lô, Si La gồm 13 TH. TH1 – Làng bản, nhà cửa. TH2 – Nông nghiệp. TH3 – Săn bắt. TH4 – Ẩm thực các tộc người Mông Dao, Đa Kai, Tạng Miến. TH5 – Mộc và rèn. TH6 – Đan lát. TH7 – Dệt vải, in hoa văn, thêu. TH8 – Tục cưới xin. TH9 – Tục sinh đẻ. TH10 – Tục tang ma. TH11 – Lễ cấp sắc người Dao. TH12 – Chợ vùng cao. TH13 – Thuốc Nam chữa bệnh. TH14 – Văn học, âm nhạc, nghệ thuật dân gian.
Không gian 4 – Văn hóa các tộc người Ba Na, Brau, Bru, Vân Kiều, Ch’Ro, Co, K’Ho, Giẻ Triêng, H’Rê, Kháng, Khmer, Khmú, Mạ, Mảng, M’Nong, Ơ Đu, R’Măm, Tà Ôi, Xinh Mun, X’Đăng, Xtieng ( Môn – Khmer) gồm 11 TH. TH1 – Làng bản, nhà cửa. TH2 – Canh tác nông nghiệp. TH3 – Săn bắt và thuần dưỡng voi (người M’Nong). TH4 – Nhà rông Tây nguyên và lễ hội. TH5 – Đan lát và vận chuyển, TH6 – Ăn uống, hút thuốc. TH7 – Chùa Khmer. TH8 – Nhạc cụ. TH9 – Chữ viết trên lá buông, TH10 – Hôn nhân. TH11 – Dệt vải và trang phục.
Không gian 5 – Văn hóa các tộc người Hoa, Gia Rai, Ê Đê, Chăm, Sán Dìu, Raglai, Chu Ru, Ngái (ngôn ngữ Nam Đảo) gồm 10 TH. TH1 – Làng bản, nhà cửa. TH2 – Công cụ sản xuất. TH3 – Tục trao vòng cầu hôn. TH4 – Tục bỏ mả. TH5 – Nghề thủ công. TH6 – Văn hóa Chăm. TH7 – Tục cưới xin. TH8 – Hội quán Minh Hương. TH9 – Các nghề gia truyền. TH10 – Nghi lễ chu kỳ vòng đời.
Không gian ngoài trời gồm – Vùng cao phía Bắc với ngôi nhà truyền thống người H’Mong ở Hà Giang – Vùng thung lũng với ngôi nhà truyền thống người Tày và người Nùng ở Lạng Sơn – Vùng trung du đồng bằng Bắc bộ với cổng, ao làng, đường lát gạch nghiêng, giếng khơi và ngôi nhà truyền thống người Việt ở Bắc Ninh – Vùng Nam Trung bộ với các tháp Chăm, đền thờ Lăng Ông Thủy tướng (Cá Voi), xưởng gốm – Vùng Trường Sơn Tây Nguyên với nhà rông, nhà mồ, cây nêu Ba Na, tượng voi – Vùng Nam bộ với chùa Khmer…
Bảo tàng “tĩnh” mà “động”
Du khách đang ấn tượng với khung cảnh trữ tình của cổng làng Việt, chợt ngỡ ngàng với màn múa rối nước chào mừng. Đan xen không gian văn hóa từng vùng miền là những clip tư liệu màu sắc, ngồn ngộn thông tin và các tiết mục nghệ thuật với nhạc cụ đặc trưng. Ngạc nhiên nhất là “nhân tượng” ở phiên chợ vùng cao, bỗng đứng dậy thổi sáo, réo rắt đón khách…
Không gian bảo tàng, tĩnh và động hài hòa, tạo hiệu ứng bất ngờ, thích thú. Từng khu vực không gian ngoài trời đều có những hoạt động tương thích. Từ bếp lửa, ấm nước, mẹt bánh đến khung cửi, đan lát và các nghề truyền thống đặc thù. Từ làm bánh, chế biến các món ăn đến làm thức uống, chữa bệnh dân dã. Du khách tha hồ chọn lựa theo quỹ thời gian để tham gia trải nghiệm.
- Xem thêm: Phục dựng vàng son
Lượng thông tin và kiến thức văn hóa thu thập được từ Bảo tàng VHCDTVN quá phong phú. Điểm xuyết trong mỗi tổ hợp trưng bày văn hóa còn có âm thanh xao động của chợ phiên vùng cao, tiếng khung cửi hay tiếng bước chân lao xao, tiếng chiêng, trống trong lễ hội Lồng tổng … rất phù hợp với không gian trưng bày.
Thêm vào đó, mỗi phần trưng bày còn được hỗ trợ bằng ánh sáng tự động, tập trung vào một điểm nhấn nào đó khi quý khách đến gần. Có thể nói, đây là điểm đến lý tưởng, không thể thiếu của những ai quan tâm, muốn tìm hiểu ngọn nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ học sinh, sinh viên, thầy cô giáo cho đến du khách, cả nội địa lẫn quốc tế; đặc biệt là những người làm du lịch và người Việt ở nước ngoài.