Mới đây Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan thuộc chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó người phát ngôn được giao nhiệm vụ rõ ràng kèm theo các tiêu chuẩn cụ thể.
Ngoài tiêu chí đương nhiên “lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ trung thực, khách quan”, người phát ngôn còn có năng lực xử lý thông tin và khả năng giao tiếp với báo chí. Quy chế nói rõ “cá nhân không được giao nhiệm vụ thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí”.
Quy chế này cũng đề cập đến các hình thức thông tin cho báo chí theo định kỳ đối với chính phủ, chính quyền cấp tỉnh thành, các bộ bằng văn bản, giao ban và những cuộc họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Và trong những trường hợp đột xuất, bất thường, người phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí nhằm định hướng và cảnh báo xã hội.
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin trên đây là rất cần thiết và lẽ ra phải có từ lâu, nhất là trong tình hình nhiễu loạn thông tin thuộc nhiều lĩnh vực mà nếu không sớm được làm sáng tỏ sẽ gây hoang mang trong xã hội và thậm chí còn làm quần chúng đánh mất lòng tin ở cơ quan nhà nước và cả báo chí.
Nay quy chế đã có rồi, nhưng suy cho cùng cũng mới chỉ là công cụ, vấn đề còn là con người và thông tin mang lại cho báo chí như thế nào?
Ở nhiều nước, nơi truyền thông có ảnh hưởng lớn trong xã hội, chính quyền tôn trọng báo chí (ngoại trừ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã có tuyên bố mạt sát giới truyền thông bằng những lời khiếm nhã, là chuyện chưa bao giờ xảy ra), người phát ngôn được đánh giá rất cao. Phát ngôn cho chính phủ là Press Secretary – thuộc hàm bộ trưởng, phát ngôn viên của sứ quán là Information Counselor, trong các bộ ngành là Spokesman hay Press officer, trong các tập đoàn là Public affairs officer…
Dù được gọi bằng danh xưng nào, làm việc ở cấp độ nào, họ là những Tùy viên báo chí (Press Attache) được đào tạo bài bản. Nhiều người từng là những nhà báo nổi tiếng, có bề dày uy tín được giới truyền thông nể trọng. Để làm tốt nhiệm vụ, họ được tham gia hầu như tất cả các buổi họp để nắm bắt mọi thông tin, thâm nhập vào các hoạt động để am tường từng ngõ ngách. Có như vậy, thông tin của họ đưa ra mới được tin cậy, phát ngôn của họ mới có trọng lượng, họ mới làm tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền và báo chí.
Chắc hẳn chúng ta cũng mong có được những con người đủ năng lực để gánh vác một công việc nặng nề như vậy, nhất là khi Điều 4 của quy chế ghi rõ: “Người phát ngôn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí”. Như vậy mới thấy làm người phát ngôn chính thức cho cơ quan nhà nước, dù được tin cậy giao nhiệm vụ và nội dung cụ thể cũng vất vả vô cùng.
Chúng ta cũng kỳ vọng khi công cụ này được vận hành tốt, báo chí sẽ có thể tiếp cận và chuyển tải những thông tin kịp thời, chính xác (bởi nửa sự thật không phải là sự thật) qua những phát ngôn trung thực, tôn trọng thực tế khách quan về những vấn đề gai góc được toàn xã hội quan tâm.
Không chỉ như vậy, quy chế này cũng sẽ khiến các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hơn nữa về những thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình, kể cả việc cải chính các tin đồn trong xã hội.
- Gia Minh
Xem thêm:
Doanh nghiệp ngán ngẩm các cuộc thanh tra kéo dài