Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy phân tử phosphine trong bầu khí quyển của sao Kim, tức sao Hôm hay sao Mai. Phân tử này cho thấy có sự sống ẩn nấp bên trong những đám mây a xít! Phát hiện gây chấn động cộng đồng khoa học với một hành tinh đã bị quên lãng từ lâu trong thái dương hệ…
Một bí mật đang ẩn nấp trên những đám mây của hành tinh gần nhất chúng ta: sao Kim, tức sao Hôm hay sao Mai. Các nhà khoa học công bố đã tìm thấy dấu vết của phân tử phosphine, một chất liệu phát ra rất mạnh từ sinh vật đang ẩn nấp trong những đám mây của nó. Từ lâu, các nhà khoa học đã nghi ngờ có sự sống trên hành tinh này. Bề mặt của sao Kim là đất chết với nhiệt độ vượt quá 80oF. Không có tàu thăm dò nào đến đó mà tồn tại được quá vài giờ, dù đã có không ít tàu thăm dò hạ cánh. Nhưng bầu khí quyển của nó, bao gồm những lớp đám mây axit sunfuric chồng chất lên nhau có thể là nơi duy nhất sinh ra sự sống!
Nhà thiên văn học Jane Greave, thuộc Đại học Cardiff tại Xứ Wales (Anh), nói trong một cuộc họp của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia: “Chúng ta biết rằng phân tử phosphine là một dấu ấn sinh học trên trái đất. Như vậy là có môi trường sống trên các đám mây của sao Kim. Ở đâu đó có thể có những hình thái sinh vật nhỏ bé tồn tại”.
Phải nói rõ những phát hiện mới này không xác nhận là có sự sống trên sao Kim, nhưng chúng ta đã tiến gần nhất đến mục tiêu này. Một điều chưa từng có! Các nhà khoa học, công bố phát hiện của mình vào ngày 14-9-2020 trên tạp chí Nature Astronomy & Astrobiology, nói: “Cách lý giải duy nhất cho phân tử này là: hoặc nó được phát ra từ sinh vật sống, hoặc do một tiến trình hóa học nào đó mà cho đến nay chúng ta chưa biết được”.
Phân tử của thời đại
Phosphine (PH3) được hình thành từ một nguyên tử phosphore bám dính trên đầu 3 nguyên tử hydrogen. Jane Greave nói: “Tôi thích xem phosphine như một đứa em họ quỷ quái của ammoniac”. Để so sánh ammoniac hình thành từ một nguyên tử nitrogen bao quanh bằng 3 nguyên tử hydrogen (NH3)”. Các vi trùng yếm khí, sống trong môi trường không có oxygen trên trái đất cũng tỏa ra phosphine. “Chúng có một cách sống hoàn toàn khác hẳn với chúng ta”, Jane Greave cho biết.
Các nhà khoa học còn chưa nhìn thấy chính xác các loại vi trùng này tỏa ra khí phosphine bằng cách nào, dù phân tử đã được tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Phosphine là một độc chất với nhiều sinh vật, không có màu, dễ cháy, được sử dụng trong vũ khí hóa học, và nông dân dùng nó để tiêu diệt các loại sâu bọ lỳ lợm..
Họ cũng tìm thấy nó ở đâu đó trong Thái dương hệ, trong ruột các hành tinh như sao Mộc và sao Thổ. Nhưng khác hẳn với sao Kim, nó được lý giải rõ ràng. Nhiệt độ nghẹt thở và áp lực kinh hoàng của các hành tinh này đủ mạnh để kết nối các nguyên tử hydrogen với phosphore vào nhau. Nhưng trên sao Kim, nhiệt và áp lực không đủ để làm điều này.
Những điều kiện môi trường không quá tồi tệ ở độ cao 31 dặm phía trên bề mặt sao Kim. Phía trên những đám mây bao phủ hành tinh đá này nhiệt độ vào khoảng 86oF. Áp lực không khí ở độ cao này cũng giống như trên trái đất. Điều đáng nói duy nhất là độ axit. Những đám mây của sao Kim chứa đầy axit sunfuric và tạo ra một môi trường cực kỳ tàn khốc.
Nhưng thỉnh thoảng trên trái đất, sự sống cũng xuất hiện trong những điều kiện như thế. Các nhà khoa học đã tìm thấy một số vi trùng nằm trong các khe đá dưới đáy các đại dương và vũng nước nóng trong lòng đất như tại Yellowstone (Hoa Kỳ) và Iceland. Các vi khuẩn tạo ra chất phosphine này cũng được tìm thấy trong ruột các loài động vật như chim cánh cụt, sâu biển và cả… con người!
Truy tìm phân tử bí ẩn
Để nhận diện thành phần hóa học của bầu khí quyển xa xôi này, các nhà khoa học đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến (một loại radar) để quan sát xuyên qua dải độ dài sóng của ánh sáng. Năm 2017, Jane Greave và nhóm của bà đã sử dụng Đài thiên văn vô tuyến James Clark Maxwell đặt trên đỉnh núi lửa cũ Mauna Kea tại Hawaii để nghiên cứu bầu khí quyển độc hại của sao Kim. Jane Greave tiết lộ: “Nếu bạn nhìn vào một độ dài sóng rất đặc biệt thì có một chút ánh sáng bị mất đi vì phân tử phosphine đã hút mất, nên nó không xuất hiện”.
Khi Jane Greave tìm thấy dấu vết của phosphine, bà đã đi tìm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để cùng với họ sử dụng Đài thiên văn Atacama Large Milimeter Array (ALMA) tại Chile để quan sát thêm vào năm 2019. Lúc đó, đại dịch Covid-19 còn chưa xuất hiện, các đài thiên văn lớn còn chưa đóng cửa nên họ có dịp để quan sát thật kỹ sao Kim.
Cuối cùng, họ đã xác định được một khoảng cách từ 32 đến 37 dặm phía trên mặt đất, là nơi có nhiều phân tử phosphine nhất. Thật sự rất nhiều: từ 5-20 phần tỉ, nhiều hơn cả trong không khí trái đất và ước đoán của nhóm nghiên cứu. Nhiều người còn tỏ ra nghi ngờ họ có thể nhầm lẫn trong khi thu thập dữ liệu! John Carpenter thuộc Đài quan sát thiên văn ALMA nói với tạp chí National Geographic: “Họ rà soát lại từng bước đúng đắng, nhưng tôi vẫn không tin đó là sự thật. Nếu đúng là thật thì ôi thôi, trên cả tuyệt vời! Nhưng phải tiếp tục rà soát nữa, để chắc chắn thuyết phục”.
Sự sống có thể tồn tại trong những đám mây của sao Kim không phải là điều mới mẻ. Các nhà thiên văn Harold Morowitz và Carl Sagan đã từng viết trên tạp chí Nature vào năm 1967: “Điều kiện trên những đám mây thấp của sao Kim giống với trái đất hơn bất kỳ môi trường nào khác ngoài không gian đã biết được”. Mặc dù có nhiều cơ may tìm thấy sự sống trên hành tinh này, nó vẫn bị quên lãng vì điều kiện tiếp cận quá khó khăn và những nơi khác trong Thái dương hệ như sao Hỏa hay hộ tinh Europa của sao Mộc có vẻ hấp dẫn hơn”.
Năm 1962, tàu thăm dò Mariner 2 của NASA lần đầu tiên bay tới sao Kim. Liên Xô lập tức đáp trả bằng hàng loạt con tàu mang tên Venera. Venera 7 đáp xuống được mặt đất của nó, nhưng bị tan chảy ngay chỉ sau vài giây! Đến Venera 9 mới chụp được những bức ảnh đầu tiên của bề mặt sao Kim.
Năm 1989, tàu Magellan của NASA mới vẽ được bản đồ của sao Kim lần đầu tiên. Hiện nay, chỉ có tàu không gian duy nhất Akatsuki, của Cơ quan Khai thác Không gian Nhật Bản đang nằm trên quỹ đạo giám sát sao Kim. Để so sánh, sao Hỏa hiện nay có đến 8 tàu không gian đang hoạt động tích cực.
Nhưng hiện nay NASA đang xem xét lại hai chiến dịch lớn Discovery Program đi tới sao Kim: một là Venus Emissivity, Radio Science, InSar, Topography & Spectrocopy – VERITAS nhằm vẽ lại bản đồ bề mặt hành tinh để tìm kiếm các bí mật trong lòng đất, và DAVINCI+ để nghiên cứu bầu khí quyển bằng cách đưa xuống mặt đất một tàu thăm dò. Nó sẽ lấy mẫu đất đá và không khí cũng như chụp ảnh bề mặt sao Kim..
Martha Gilmore, nhà thiên văn thuộc Đại học Wesleyan, đang cộng tác với cả hai chương trình này, cho biết: “Sao Kim là chìa khóa để hiểu biết một hành tinh tầm cỡ như trái đất tiến hóa ra sao. Giống như trái đất, chúng tôi ước đoán nó có một đại dương đã từng tồn tại qua hàng tỉ năm. Giống như trái đất, sao Kim vẫn đang có những hoạt động núi lửa và mảng lục địa hiện nay”.
Hai chiến dịch này sẽ nhắm vào lịch sử cổ xưa và hiện đại của sao Kim còn để lại dấu vết trong đá và không khí. Martha Gilmore nói: “Trong khi sao Hoả làm tiêu tốn đến mấy chục năm đeo đuổi, thời đại tỏa sáng của sao Kim sẽ không còn lâu nữa đâu”.
Cách nay 2 năm, Cơ quan Nghiên cứu Không gian Ấn Độ đã tuyên bố sẽ mở chiến dịch lên sao Kim trong vài năm sắp tới. Trong khi đó, Peter Beck, Tổng giám đốc Phòng thí nghiệm Tên lửa, công khai nói đến kế hoạch gởi một đoàn nghiên cứu tư nhân đến sao Kim! Ông nói với tạp chí Orbital Mechanic: “Câu hỏi lớn nhất mà tôi cố trả lời là: Phải chăng sự sống là duy nhất trên trái đất hay phổ biến đều khắp trong vũ trụ? Nếu có thể tìm thấy sự sống trên những đám mây của sao Kim thì có nghĩa là sự sống đã có mặt đều khắp trong vũ trụ”.
Khi người Nga giành quyền sở hữu sao Kim
Nước Nga có một số cảm giác mạnh về sao Kim. Ông Dmitry Rogozin, Giám đốc Cơ quan Không gian Nga (ROSCOSMOS), tại cuộc triển lãm Công nghiệp Máy bay trực thăng Quốc tế HeliRussia 2020, diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 9-2020 tại Moscow, đã tuyên bố: “Sao Kim là của nước Nga!” theo tin của Tass, hãng thông tấn Nga.
Chuyện này xảy ra sau công bố chấn động thế giới vào ngày 14-9-2020 là các nhà khoa học đã có bằng chứng mạnh mẻ về dấu vết sự sống trên các đám mây của sao Kim. Trong khoảng những năm 1964-1987, Liên Xô đã phóng đi nhiều tàu thăm dò để thám hiểm sao Kim. Hầu hết các chiến dịch này đều thất bại, nhưng vẫn có một số kết quả thu lượm được. Chẳng hạn tàu Venera 7 đã đáp xuống bề mặt sao Kim thành công lần đầu tiên, nhưng chỉ mấy giây sau đó đã bị tan chảy thành sắt vụn! Venera 9, phóng đi năm 1976, chụp được những bức ảnh đầu tiên về hành tinh hoang tàn và bụi bặm này. Các chuyến Venera sau cùng, 15 và 16, đã tập trung vào vẽ bản đồ bề mặt sao Kim.
Trong khi nước Nga có một lịch sử khá dày về thám hiểm sao Kim, và đã đóng góp đáng kể vào sự hiểu biết của con người về hành tinh lạ này, họ cũng không có quyền giành quyền sở hữu riêng cho mình thiên thể đó chỉ vì là những người đầu tiên đáp xuống sao Kim. Đó là nhờ vào Hiệp ước Ngoài Không gian năm 1967 vốn ngăn cấm các quốc gia sở hữu bất kỳ hành tinh, hộ tinh hay thiên thể nào khác trong Thái dương hệ và xa hơn nữa, với điều khoản sau đây:
“Ngoài không gian, bao gồm cả mặt trăng và tất cả các thiên thể khác, không thuộc quyền sở hữu của bất cứ quốc gia nào, bằng cách sử dụng, chiếm đóng, hay bất cứ phương tiện nào khác”.
Rõ ràng người Nga đang muốn quay trở lại. Suốt nhiều năm qua, Roscosmos đã bàn bạc với NASA về việc đưa các tàu thám hiểm mới đến đứa “em song sinh quỷ quái” của trái đất, dự định thực hiện vào cuối thập niên 2020. Kế hoạch mang tên Venera-D, để ghi nhớ các chuyến bay trước đó, là một loại trạm quỹ đạo sống dài hạn, có tàu đổ bộ LLISSE chứa đựng hàng loạt công cụ để thám hiểm bề mặt sao Kim.
RosCosmos tiết lộ qua một tuyên bố: “Thám hiểm bao gồm lấy mẫu đất đá và không khí, cũng như tiến trình thay đổi của sao Kim do hiệu ứng nhà kính dẫn đến thảm họa khí hậu như đã được nói đến nhiều trên trái đất ngày nay”. Tuyên bố cũng nói đến chương trình thám hiểm riêng của Nga, tách rời khỏi kế hoạch liên doanh với NASA.
Không phải chỉ một mình nước Nga muốn thám hiểm sao Kim. Tin tức mới nhất về nó dĩ nhiên sẽ dấy lên một phong trào thám hiểm ồ ạt của các cường quốc, lao đến một hành tinh gần nhất đã bị bỏ quên từ mấy chục năm qua, để đeo đuổi các mục tiêu khác trong Thái dương hệ. Từ các chương trình DAVINCI +, VERITAS của NASA cho đến giấc mơ lên sao Kim của Phòng thí nghiệm Tên lửa, qua tham vọng của người Ấn Độ, chúng ta sẽ cơ hội biết được nhiều hơn về thế giới bí ẩn này.