“Những bức tranh phù thế” là tập tạp văn mới nhất của tác giả – nhà báo Phạm Công Luận, vừa kịp ra mắt độc giả những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019. Bằng hồi ức trực tiếp của một thị dân sống nhiều năm ở Sài Gòn – Gia Định, cùng một số sử liệu đô thị hiếm quý, tác giả đã phục dựng lại một vùng ký ức cộng đồng, mà ở đó, những ai từng có kỷ niệm với Sài Gòn – Gia Định, hẳn sẽ bồi hồi khi gặp lại những trầm tích vàng son, những ai ngoài cuộc cũng có thể tìm thấy cho mình nhiều điều thú vị của một phố thị lừng danh.
Được sự cho phép của tác giả, Người Đô Thị trích đăng bài viết “Vẻ hấp dẫn của ký ức” – như một cách đồng thuận để xác quyết rằng: quá khứ kể lại trong “Những bức tranh phù thế”, và một số tác phẩm đã phát hành trước đó của Phạm Công Luận, chính là “mật mã để gắn kết các thế hệ mà nhiều khi ta mong muốn truyền đi như một thứ bản năng có sẵn”.
Có người nói: “Viết, một cách nào đó, là chết”. Có những câu chuyện cũ, không có gì độc đáo nhưng ta muốn giữ cho riêng mình. Một ngày, ta ghi lại kỷ niệm ấy trên trang giấy, rồi được nếm trải cảm giác sung sướng khi bài viết nên hình nên dạng, được đăng trên sách, báo… Đến lúc nào đó ngồi lục lại trong trí nhớ, ta bỗng thấy những kỷ niệm lấp lánh ấy không còn đậm đà trong lòng mình nữa, không còn làm ta thao thức nữa, nó “chết” dần theo từng con chữ, để lại vài hình ảnh mờ nhạt. Điều đó như một quy luật tự nhiên.
Có một dạo tôi miệt mài viết về những cái Tết trong gia đình khi còn cha mẹ. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc khi ngồi trước màn hình máy tính hoặc trong bóng đêm thả trí nhớ bay về miền xanh thẳm thơm mùi thuốc pháo ở những ngày xưa. Sau đó, những chuyện cũ như phai dần sau một lần lấy ra từ trong kho của kỷ niệm, giống như cuốn sách cổ trong hầm mộ tan thành bụi bay theo gió khi phơi ra ánh sáng mặt trời.
Khi có nhà riêng, anh bạn tôi tách gia đình nhỏ ra khỏi cuộc sống đại gia đình và dần thay đổi lối sống, từ cách trang trí nhà cửa trở đi. Ngày Tết, cả nhà đi du lịch nước ngoài, cửa nhà khóa kỹ vài lớp. Anh kể rằng thật thoải mái khi mấy ngày Tết không bị ràng buộc bởi những kiểu cách xã giao như trước kia. Anh không cần mua hoa về chưng, dọn bày cỗ bàn, cúng kiến, xông đất, cúng giao thừa, tiếp khách.v.v…
Một lần, ngồi bên hồ bơi ở một resort xứ người để trông con đang ngụp lặn dưới nước, anh sực nhớ hôm nay là mồng Một Tết. Anh nhớ trong căn nhà cũ kỹ một thời, nơi sum họp của gia đình bảy người con cùng cha mẹ khi xưa. Anh nhớ cái bàn thờ sáng choang với lư đồng mà chính tay anh, đứa con trai út trong nhà mỗi năm nhận phần việc lau chùi bằng khế, chanh. Anh nhớ dáng cha bận bà ba trắng đứng thắp nhang trước bàn thờ, dáng mẹ ngồi cắt củ kiệu và nhớ cảm giác sung sướng khi mang từng cái sàng tre sắp đầy kiệu và củ cải lên phơi trên sân thượng trong cái nắng thơm dịu của tháng Chạp ta. Anh thấy buồn thiu, rồi tự nghĩ tốt nhất là cất cho kỹ cái tâm trạng u uẩn ấy, vì những người thân yêu quanh anh khó mà hiểu được những gì thuộc thế giới tuổi thơ của anh mà họ không từng có mặt.
Có khi vợ anh, khi sống trong nhà chồng, cũng từng cảm thấy lạc mất nhiều cảm xúc của tuổi thơ, của quê hương, của kỷ niệm và của những nghi thức ở tôn giáo mà cô ấy gắn bó từ nhỏ. Tối đó, anh ngồi trên một góc giường phòng nghỉ, gõ phím ghi lại từng dòng về những thổn thức trong lòng. Anh thức để viết đến một giờ sáng, lưu lại và mỏi mệt nằm xuống ngủ khi tâm trạng đã nhẹ nhàng hơn. Biết mình không quen viết lách có văn vẻ, câu cú có lộn xộn, nhưng đó là liều thuốc hay. Anh bớt đi nhiều cảm giác nhớ nhung, cảm thấy việc viết lên trang giấy chẳng khác chi đốt một lá bùa, để những sầu não bay đi và tâm bình yên hơn.
Nhiều lần tôi thấy mình bị lạc trong mớ ký ức hỗn độn của “những năm niên thiếu dịu dàng và tuổi trưởng thành khắc khổ” (nói như Gogol), trong đó từng có những câu chuyện buồn, đáng xấu hổ và đầy giận dữ. Nhưng cho dù ký ức xấu cũng là ký ức, tôi chỉ thích nhớ những chuyện vui khiến mình từng thấy hạnh phúc.
Sự nghiêm khắc của cha trở nên dễ thông cảm, câu răn dạy khó chịu của ông anh cả chứa đựng sự chăm lo thương yêu trên bước đi của đứa em đang trưởng thành. Phải chăng đó là màng lọc không chỉ tạo nên từ lý trí mà còn từ sự thông hiểu và biết ơn, mà khi trưởng thành ở tuổi nào đó ta mới có được.
Viết về ký ức phải chăng chỉ là sự trốn chạy thực tại?
Tôi không nghĩ mọi chuyện đơn giản như vậy. Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai, những gì đã tác động đến mình để trở thành một con người đủ cả những tính tốt và xấu, với những điều mạnh mẽ lẫn yếu đuối trong tính cách không dứt bỏ được. Tôi hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố dù nó dần dần không giống như mình yêu thương, vì sao gắn bó với những xóm giềng, cây cỏ, thời tiết, khí hậu chung quanh khi chúng đã dần biến dạng. Và vì sao, luôn cố gắng truyền cho con một điều gì đó của quá khứ, dù các con thật ra đang sống để hình thành một quá khứ cho tương lai của các con. Đó là mật mã để gắn kết các thế hệ mà nhiều khi mong muốn truyền đi như là một thứ bản năng có sẵn. Có lẽ đó là lý do các cụ già thích kể chuyện xưa.
Dù sao, thời thơ ấu là thời gian đẹp nhất đời người cho nên viết về tuổi thơ là niềm vui thực sự. Bằng bàn phím, tôi du hành ngược thời gian, để được lần nữa nếm miếng bánh tráng kẹo mạch nha ngọt lịm của ngày xưa, hút nhụy hoa trong cuống bông bụp trồng bên hàng rào, nhai lại hạt điệp vàng thơm bùi và đăng đắng… Đó là những khoái cảm đơn sơ nhưng nhớ lâu.
Nên cho dù, viết là “làm chết” hay “làm mòn” những kỷ niệm, tôi vẫn muốn viết về những ngày xưa. Kỷ niệm càng đào, càng khai thác càng đầy và lộ ra những điều từng quen thuộc nhưng lạ lùng như mới gặp lần đầu. Đó là vẻ hấp dẫn khi được đào bới kho tàng ký ức.
“Những bức tranh phù thế” của tác giả Phạm Công Luận do NXB Văn hóa Văn nghệ và Phương Nam Book ấn hành tháng 1.2019.
Ngoài những bài viết trong tập sách là những mảnh ký ức riêng chung về nhiều thời đoạn của vùng đất Sài Gòn – Gia Định, người đọc có thể xem được những bức tranh minh họa đẹp và sinh động của họa sĩ Pháp Marcelino Trương.
Phạm Công Luận sinh ngày 15.10.1961 tại Sài Gòn, hiện là nhà báo và là tác giả của những tựa sách đang bán chạy trên thị trường sách hiện nay. Tác phẩm tiêu biểu của ông: Những sắc màu Nhật Bản (1998, viết chung với Asako Kato – NXB Trẻ), Nếu biết trăm năm là hữu hạn (2011, bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy – NXB Hội Nhà Văn), Những lối về ấu thơ (2011, bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy – NXB Hội Nhà Văn), Chú bé Thất Sơn (2012 – NXB Trẻ), Đường phượng bay (NXB Kim Đồng), Sài Gòn – Chuyện đời của phố (2014 – NXB Hội Nhà Văn), Trên đường rong ruổi (2014 – NXB Hội Nhà Văn), Sài Gòn – Phong vị báo xuân xưa (2018 – NXB Văn Hóa Văn Nghệ)…