Tại Mỹ, các thuốc giảm đau gốc opioid thường được kê toa phổ biến cho các bệnh nhân đau kinh niên, dẫn đến thảm họa nghiện opioid và cuộc khủng hoảng opioid lan rộng mà vẫn chưa tìm ra cách giải quyết.
Cuộc khủng hoảng của Bắc Mỹ
Năm 2016 có 11,5 triệu người ở Mỹ dùng sai thuốc giảm đau gốc opioid và 42.249 người đã thiệt mạng do dùng quá giới hạn của cơ thể. Tại Anh, có 23,8 triệu viên thuốc giảm đau gốc opioid được bán ra trong năm 2017, tăng 10 triệu so với năm 2007. Hơn 2 triệu người lao động tự mua thuốc giảm đau về dùng trong năm 2016-2017 dẫn đến 2.000 cái chết do opioid trong năm 2016.
Các thuốc giảm đau gốc opioid thường được dùng để trị các cơn đau, nhưng cũng dẫn đến nghiện và tử vong. Nhưng nó vẫn được kê toa vì giảm đau hiệu quả hơn các loại thuốc khác. Morphine, tramadol và fentanyl được dùng trị những cơn đau dữ dội, từ đau tim đến ung thư. Nhưng chúng cũng gây ra cái chết cho hàng trăm bệnh nhân già tại Anh và nhiều hơn nữa ở Bắc Mỹ.
Những thuốc giảm đau có gốc opioid hoạt động bằng cách gắn vào các bộ thụ cảm ở não để giảm độ nhạy cảm với cơn đau nên tác dụng nhanh hơn các loại thuốc khác. Tuy nhiên, các bộ thụ cảm mà opioid gắn vào lại nằm trong những khu vực não giữ trọng trách điều hòa hơi thở nên nếu dùng quá liều lượng sẽ làm rối loạn nhịp thở, ngưng thở dẫn đến tử vong.
Người phụ trách y tế của nước Mỹ cũng đưa ra lời khuyên tương tự vào năm ngoái. Ông khuyên những người lệ thuộc vào thuốc giảm đau và thân nhân họ luôn có sẵn naloxone bên mình. Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (The Food and Drug Administration) cũng khuyến nghị các bác sĩ nên kê toa thuốc giảm đau kèm với thuốc giải độc cho các bệnh nhân có nguy cơ ngộ độc cao opioid. Naloxone cũng có sẵn tại các trung tâm sinh hoạt cộng đồng và đồn cảnh sát và các hiệu thuốc. Thuốc có cả dạng xịt mũi tên Narcan.
Tuy nhiên, dù nhiều công ty bảo hiểm đồng ý thanh toán hóa đơn, giá một số công cụ giải độc vẫn còn cao. Năm 2018, Công ty Kaleo sản xuất Evzio (ống tiêm thuốc giải độc naloxone) bị chỉ trích sau khi đẩy giá từ 575 USD lên hơn 4.000 USD cho một ống. Một tiểu ban Thượng Mỹ ra báo cáo cho biết công ty đã “lợi dụng cuộc khủng hoảng opioid toàn quốc”. Nhưng Kaleo bác bỏ cáo buộc, nói sẽ đưa ra thị trường phiên bản điều chế bằng phương pháp gien rẻ hơn, chỉ có 18 USD cho hai ống tiêm vào cuối năm 2019.
Hiện nay nhiều loại thuốc giảm đau nguy hiểm và gây nghiện có chứa những hoạt chất “giết người” gốc opioid vẫn được bán theo toa, bán chui và được sử dụng rộng rãi tại Mỹ và Canada bất chấp cảnh báo từ chính quyền và các nhà khoa học. Nhiều người vẫn còn dùng nó để giảm những cơn đau vượt quá sức chịu đựng.
Bài học từ bang Alabama
Alabama là bang đi tiên phong trong dự án huấn luyện cách giải độc đúng và kịp thời cho những ca ngộ độc diễn ra trong khuôn viên trường. Có tên trong danh sách học viên là ban giám hiệu, giáo viên, huấn luyện viên thể dục thể thao và hành chính, văn thư. “Thời thế đã thay đổi, trẻ em không cần tìm kiếm ngoài đường phố mà vẫn có thể tìm được opioid ngay trong tủ thuốc gia đình. Khi cha mẹ phát hiện được thì đã quá muộn!” – Jan Cibulski, phụ trách phòng y tế tại một ngôi trường thuộc hạt nông thôn Shelby Coun vừa học xong khóa cấp cứu ngộ độc opioid nói.
Bộ Giáo dục Alabama cho biết chương trình huấn luyện được thiết kế để giúp đội ngũ nhân viên trường có thể tự mình cấp cứu cho học sinh khi xảy ra ngộ độc. Hiện nay chưa có ca ngộ độc opioid nào xảy ra trong các trường trung học của bang, nhưng tình hình ngoài xã hội cho thấy trước sau gì nó cũng xảy ra. “Sớm hay muộn chỉ còn là vấn đề thời gian, nhưng chúng ta nhất quyết không để học sinh nào bị chết trong sân trường vì không giải độc kịp thời. Cấp cứu ban đầu và tại chỗ là hết sức quan trọng đối với các ca dùng opioid quá liều” – một viên chức giáo dục nói.
Năm 2015, Alabama là bang có lượng thuốc kê toa giảm đau chứa opioid được bán ra nhiều nhất so với các bang khác tại Mỹ, theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và ngăn chăn bệnh (Center for Disease Control and Prevention). Số toa mua hợp pháp thuốc giảm đau nhiều hơn số dân của bang! Thật ra, bang Alabama đã tính triển khai chương trình huấn luyện cách nay hai năm, nhưng do gặp sự ngờ vực hay phản đối nên phải chờ đến bây giờ.
Ví dụ, Bộ trưởng Tư pháp Steve Marshall cho báo chí biết là bà từng sợ chương trình huấn luyện giải độc sẽ kích thích người dân thoải mái dùng thuốc giảm đau vì nếu bị gì đã có người cứu! “Nhưng sau khi nói chuyên với một bác sĩ và ông ta cho biết cứu người kịp thời là vô cùng cần thiết đối với ngộ độc opioid tôi mới thay đổi tư duy” – ông nhớ lại.
Sau đó, Marshall thuộc số người ủng hộ chương trình, nhất là sau khi vợ ông tự sát sau một thời gian dài lệ thuộc vào thuốc giảm đau và bị bệnh tâm thần. Tổ chức công dân Not One More Alabama gồm những gia đình vận động nâng cao ý thức về ngộ độc thuốc ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến chống dùng opioid quá liều ngay trong sân trường.
Bà Selina Mason thuộc tổ chức cho biết bà hy vọng chương trình sẽ ngăn chặn được ngộ độc thuốc giảm đau trong khuôn viên trường. Bà có đứa con nghiện thuốc giảm đau nên luôn thủ sẵn naloxone trong túi xách đề phòng cần dùng ngay. “Nếu có người thân nghiện opioid, bạn phải có những công cụ giải độc cần thiết trong nhà, trong xe và trong ví” – bà khuyên.
Cho đến đầu năm nay, bang Alabama và môt số bang khác chỉ giới hạn việc huấn luyện trong số nhân viên y tế trường trung học; nhưng nay, trước thực trạng dùng thuốc có gốc opioid quá liều lượng ngày càng xấu đi và đã trở thành cuộc khủng hoảng trên toàn nước Mỹ với hàng ngàn người thiệt mạng do cấp cứu trễ, chương trình huấn luyện giải độc mở rộng sang cả ban giám hiệu, giáo viên và nhân viên trường. Học sinh cũng được hướng dẫn nhận biết các biệt dược nguy hiểm có trong tủ thuốc gia đình và tránh dùng chúng.
Chương trình giải độc tiến hành thế nào?
Những trường tham gia chương trình giải độc, trong tủ thuốc cấp cứu đều được trang bị naloxone, một loại thuốc giải độc hiệu quả, máy khử rung tim và thuốc Epipen chống dị ứng. Huấn luyện giải độc cũng giống như huấn luyện bắn súng, được làm rất bài bản để ai cũng nắm vững phương pháp và cách thực hiện.
Tại một thị trấn nhỏ Columbiana ở trung tâm hạt Shelby County, những khóa huấn luyện đầu tiên diễn ra tại CTEC, nơi chuyên huấn luyện kỹ năng sống sót khi đi mạo hiểm và cắm trại trong rừng. Ở đây có phòng học trang bị đầy đủ dụng cụ và thuốc men cho học viên thực tập với những hình nhân cỡ bằng người thật thường thấy trong các trường y và đào tạo y tá. Phương pháp cấp cứu nhanh nhất trên hình nhân được biểu diễn cho học viên xem để họ thấy ai cũng có thể làm được nếu theo đúng quy trình.
- Xem thêm: Châu Phi vật vã với chất gây nghiện
Buổi thực tập diễn ra như sau: bắt đầu là một cuộc gọi cấp cứu 911, tiếp theo là hô hấp dùng miệng trên người ngộ độc, sau đó là đâm ống tiêm thuốc giải độc tự động Evzio lớn cỡ gói thuốc lá lên đùi ngoài bệnh nhân qua quần áo. Một giọng nói tự động đếm lùi để cho biết đã đủ 5 giây để rút kim ra. Thời gian cấp cứu thường không quá 2 phút và chỉ 1 hay 2 phút sau, bệnh nhân đã hồi tỉnh, có thể tự đứng lên dù hơi hốt hoảng.
Người giải độc được hướng dẫn cách vấn an người bệnh khi họ đang có cảm giác giống như vừa chết đi sống lại này. Học viên cũng được chỉ cách nhận diện những dấu hiệu dùng opioid quá liều ngay khi vừa nhìn thấy bệnh nhân. Chi phí cho những chương trình huấn luyện giải độc (không có tính bắt buộc) do Bộ Y tế cấp thông qua các khoản đóng góp của các nhà hảo tâm.
Bà Jennifer Ventress, phụ trách bộ phân y tế trường học của Bộ Giáo dục bang Alabama cho biết chính quyền và người dân rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng opioid và đã có 21 trường trung học đã ký vào cam kết tham gia chương trình giải độc từ khi nó khởi động vào tháng 1 qua. Nếu kinh phí dồi dào, các trường tiểu học cũng sẽ được tham gia chương trình.
- Xem thêm: Hãy cảnh giác với triệu chứng đau ngực
Bà Amy Mason, hiệu trưởng trường tiểu học Madison County Elementary School ở Gurley, một thị trấn nhỏ nằm ở mạn Bắc bang cho biết bà rất quan tâm đến chương trình dù học sinh lớn nhất trường mới chỉ 13. Năm 2015, bà nhận được cuộc gọi điện cấp cứu khi một số học sinh lớp lớn phải nhập viện sau khi tự ý dùng thuốc bán kê toa Lyrica trong lớp. May mắn, chúng không ngộ độc opioid vì Lyrica không có trong danh mục thuốc chứa opioid. “Nhưng đây cũng là dấu hiệu cảnh báo” – bà nói.
Tại bang Florida, một dự luật đưa naloxone vào trường học đã dược trình lên Nghị viện bang vào tháng qua bởi nghị viên dân chủ Jason Pizzo và đang chờ thông qua. Khác với Alabama, bang Florida đã có nhiều ca học sinh ngộ độc opioid trong sân trường. Cuối tháng 2-2019, một học sinh 14 tuổi mang thuốc giảm đau mua theo toa chia cho bạn học tại trường Horizons Academy ở Bradenton. Kết quả: ba học sinh phải nhập viện, trong đó có một được cứu bằng naloxone.