Cuối tuần qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã ký bức thư lịch sử chính thức khởi động tiến trình rời EU, khởi đầu cho hai năm đàm phán theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Như vậy sau 44 năm là thành viên khối này, đây là tiếng chuông kết thúc chuyến du hành châu Âu và giới chuyên gia tiên đoán sẽ có nhiều thiệt hại không lường trước được.
Chín tháng trôi qua từ khi 51,9% cử tri chọn lựa Brexit, tình hình kinh tế Vương quốc Anh tương đối yên ổn, không xảy ra bão tố tài chính như dự đoán của những người chủ trương ở lại châu Âu, nhờ Ngân hàng Trung ương Anh sẵn sàng bơm hàng tỉ bảng để chống khan hiếm tiền mặt, cùng với kỷ luật của người tiêu dùng. Nhưng vấn đề cốt lõi là nước Anh chưa đụng độ với thực tế trong chuyến ly thân vốn phức tạp. Thời gian đàm phán trong hai năm tới kể từ 29-3-2017 chỉ là giai đoạn chuẩn bị hành trang, mà theo nhận định đầy lo Âu của Paul Drechsesler, lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp Anh, nước này chỉ biết thế nào là gió lốc khi ngồi vào bàn đàm phán với EU. Theo ông, kịch bản tồi tệ nhất là hai bên không đạt được một thỏa thuận về thương mại nhằm giảm nhẹ một cơn chấn động khi Anh rời thị trường chung. Cho dù bà Thủ tướng May tuyên bố đầy tự tin rằng London không cần thỏa thuận nếu Brussels đặt điều kiện quá khó khăn, nhưng theo chuyên gia kinh tế Nina Skteko được hãng thông tấn Pháp AFP trích dẫn, tuyên bố của bà thủ tướng chỉ là đòn tâm lý trước khi mặc cả. Xác suất cao nhất là hai bên sẽ đạt được một hiệp định thương mại song phương trong hai năm tới. Hiện nay 50% thương mại Anh phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Nếu thương lượng thất bại thì hai lĩnh vực chủ lực của kinh tế Anh là ôtô bị đánh thuế nhập khẩu thêm 10% và dịch vụ tài chính sẽ trả giá nặng. Trong trường hợp này sẽ không có công ty sản xuất ôtô nào muốn mở rộng sản xuất ở Anh. Giới doanh nghiệp Anh cho rằng cần phải duy trì làn sóng di dân từ châu Âu để trẻ hóa lao động nhằm thay thế những người về hưu. Mọi lĩnh vực từ thương mại, khách sạn, nhà hàng, xây dựng đều đối mặt với bài toán lao động. Khi ra khỏi thị trường chung, doanh nghiệp Anh sẽ mất hộ chiếu châu Âu bảo đảm quyền tự do cung cấp dịch vụ trên toàn châu lục này. Theo dự kiến 240.000 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ sẽ biến mất. Sức mua của người dân cũng giảm xuống do hàng nhập khẩu lên giá vì khan hiếm và vì bảng Anh mất giá. Cuối cùng là nguy cơ toàn vẹn lãnh thổ, khi 62% người dân Scotland bỏ phiếu chống Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý trước đây nay đang muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
- T.K