Norimitsu Odachi là một thanh kiếm khổng lồ của Nhật Bản. Trên thực tế, nó quá lớn đến mức người ta cho rằng nó đã được một người khổng lồ sử dụng…
Kiếm Odachi (大太刀, Đại Thái Đao) đã được rèn từ thế kỷ 15 sau Công nguyên, dài 3,77 m và nặng tới 14,5 kg, cho đến nay thanh kiếm ấn tượng này vẫn tồn tại những bí ẩn.
Lịch sử của kiếm Odachi
Người Nhật vốn nổi tiếng với công nghệ chế tạo kiếm. Nhiều loại kiếm đã được sản xuất bởi những thợ đúc kiếm Nhật Bản, nhưng có thể nói loại kiếm mà đa số mọi người ngày nay đều quen thuộc là kiếm katana do sự liên kết của nó với các samurai nổi tiếng. Tuy nhiên, cũng có những loại kiếm khác ít người biết đến hơn đã được sản xuất qua nhiều thế kỷ tại Nhật một trong số đó là kiếm odachi.
Odachi (viết là大 太 theo hệ thống chữ kanji, và được dịch là “thanh kiếm lớn vĩ đại”) đôi khi cũng được gọi là nodachi (viết bằng chữ kanji là 野 太, và được dịch là “thanh kiếm chiến trường”). Lưỡi của odachi được uốn cong và thường có chiều dài khoảng 90 – 100 cm. Một số kiếm odachi thậm chí được ghi nhận là có những thanh kiếm dài 2m.
Odachi được cho là một trong những vũ khí được lựa chọn trên chiến trường trong thời kỳ Nanboku-chô (thời Nam Bắc triều ở Nhật Bản, từ năm 1336 đến năm 1392), tồn tại trong một phần lớn của thế kỷ 14. Trong giai đoạn này, các thanh kiếm odachi sản xuất được ghi nhận đã dài hơn 1 mét. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn, vũ khí này đã không còn được ưa chuộng; lý do chính vì nó không phải là vũ khí thiết thực để sử dụng trong các trận chiến. Tuy nhiên, odachi vẫn tiếp tục được sử dụng bởi các chiến binh và việc sử dụng nó chỉ kết thúc vào năm 1615, sau biến cố Osaka Natsu no Jin (còn được gọi là Cuộc bao vây Osaka), trong đó Mạc phủ Tokugawa đã tiêu diệt dòng họ Toyotomi.
Odachi có thể đã được sử dụng dưới một số hình thức trên chiến trường. Nổi bật nhất trong số đó là chúng đã được sử dụng bởi những người lính bộ binh. Chi tiết này có thể được tìm thấy trong các tác phẩm văn học như Heike Monogatari (Câu chuyện về Heike) và Taiheiki (Thái Bình Ký). Người lính bộ binh khi cầm một odachi có thể đã đeo thanh kiếm này ở ngang lưng thay vì ở bên cạnh anh ta, do chiều dài đặc biệt của nó. Tuy nhiên, điều này khiến người chiến binh không thể rút thanh kiếm ra một cách nhanh chóng.
- Xem thêm: Kiếm cổ: cơn đói của mọi thời đại
Ngoài ra, odachi có thể được mang bằng tay. Trong thời kỳ Muromachi (tức thời Mạc phủ Muromachi, kéo dài từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16), thông thường một chiến binh mang odachi sẽ có một người hầu cận giúp rút vũ khí cho anh ta. Cũng có khả năng odachi được sử dụng bởi các chiến binh chiến đấu trên lưng ngựa.
Cũng có ý kiến cho rằng vì kiếm odachi là một vũ khí cồng kềnh khi sử dụng, nên nó không thực sự được dùng làm vũ khí trong chiến đấu. Vì thế, nó có thể được xem như một loại tiêu chuẩn cho quân đội, tương tự như người ta dùng một lá cờ trong một trận chiến. Hơn nữa, người ta cho rằng odachi đảm nhận vai trò trong nghi lễ nhiều hơn. Ví dụ trong thời kỳ Edo (tức thời Mạc phủ Tokugawa, 1603-1868), kiếm odachi được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ. Ngoài ra, đôi khi kiếm odachi được đặt trong các đền thờ Thần đạo, xem như vật phẩm dâng hiến cho các thần linh. Odachi cũng có thể đóng vai trò là hàng trưng bày các kỹ năng của những thợ đúc kiếm, vì nó không phải là một thanh kiếm dễ chế tạo.
Kiếm Norimitsu Odachi có thiết thực hay chỉ để trang trí?
Nói đến Norimitsu Odachi, một số người ủng hộ quan điểm cho rằng nó đã được sử dụng cho các mục đích thực tế, và do đó người dùng nó hẳn phải là một người to lớn. Một giải thích đơn giản hơn đối với thanh kiếm đặc biệt này là nó được sử dụng cho các mục đích không chiến đấu.
Việc chế tạo một thanh kiếm rất dài như thế chỉ có thể do một thợ đúc kiếm có tay nghề cao thực hiện. Do đó, thật hợp lý khi nói Norimitsu Odachi mang mục đích thuần túy chỉ để trưng bày nhằm thể hiện tài năng của nhà đúc kiếm. Ngoài ra, người đã ủy thác chế tạo Norimitsu Odachi hẳn rất giàu có, vì sẽ phải tốn rất nhiều chi phí để sản xuất một thanh kiếm như vậy.