Từ Beowulf, thi tập đầu tiên của Anh cho đến Game of Thrones, loạt phim truyền hình ăn khách hàng đầu hiện nay, những cây kiếm cổ sặc mùi thần thoại luôn được yêu thích. Chúng đại diện cho tính cách của người sở hữu, mỗi cây đều như có linh hồn. Rõ ràng là với công nghệ ngày một phát triển, nhân loại có thể chế tạo những thanh kiếm đời mới tuyệt hơn. Vì lẽ gì mà cả các văn gia lẫn độc giả vẫn không thôi nỗi ám ảnh, khát thèm những tạo tác vũ khí cổ xưa lỗi thời ấy?
Trong văn chương cổ xưa
Nếu nhìn lại văn học phương Tây thuở hồng hoang, bạn sẽ thấy xuất hiện một vị vua kiệt xuất: vua Arthur. Theo tích cũ thì ông là người có công lãnh đạo người Anglo chống lại tộc Saxon khoảng cuối thế kỷ V – đầu thế kỷ VI. Từ văn học dân gian đến các tác phẩm thành văn sau này của Anh đều không ngừng ngợi ca, liên tục nhắc đến tên vị vua này. Ở góc độ hiện thực, người ta tôn vinh ông là hoàng đế giữ nước. Ở góc độ viễn tưởng, người ta biến ông thành đại hiệp sĩ có khả năng chiến thắng cả các thế lực siêu nhiên.
Lẽ dĩ nhiên, một quốc vương quyền năng kiêm anh hùng bách chiến bách thắng không thể thiếu vũ khí tối thượng, thanh Excalibur. Chuyện kể rằng trước khi Arthur lên ngôi, gần nhà thờ bất chợt xuất hiện một cây kiếm lạ cắm ngập vào tảng đá. Trên tảng đá có khắc một dòng chữ “Ai rút được thanh kiếm, người đó là vua nước Anh”.
Tất cả háo hức tìm đến xếp hàng chờ đến lượt, nhưng chẳng ai khiến nó nhúc nhích lấy một li. Thế rồi trong bộ y phục bụi bặm, tầm thường, thanh niên mồ côi tên Arthur bước vào. Chàng dễ dàng rút thanh kiếm ra mà chẳng tốn mấy sức. Ai nấy điên cuồng đố kị, tìm mọi lý do phản bác. Phù thủy Merlin buộc phải hiện ra, khẳng định chàng trai này chính là con ruột của hoàng đế mới băng hà.
Đặc trưng của thanh Excalibur là khả năng phát sáng tương đương với 30 ngọn đuốc. Mỗi khi Arthur rút nó ra khỏi vỏ, kẻ thù liền bị ánh sáng này làm cho lóa mắt. Ngay cả vỏ của thanh Excalibur cũng không thần kỳ không kém. Nó bảo vệ người mang khỏi thương tích, có bị đâm chém trúng cũng không chảy máu.
Rời thần thoại vào thế giới văn học thành văn, trước mắt bạn sẽ là thi tập đầu tiên Beowulf, một trường ca dài 3182 dòng. Nó kể về cuộc đời của anh hùng xứ Geats (Bắc Âu bây giờ) tên là Beowulf, người đã đánh bại một con rồng. Nhưng trước khi đối mặt với rồng, chiến thắng và hy sinh anh dũng, Beowulf còn có nhiều chiến trận khác, nổi bật là cuộc đấu tay đôi với mẹ con quái vật Grendel. Grendel là thủy quái.
Ghen tị với cuộc sống hạnh phúc của con người trong cung điện Heorot của vua Hrothgar, Đan Mạch, nó lẻn vào giết người, tha xuống hồ ăn thịt dần. Sau nhiều lần đương đầu chỉ tổ chuốc lấy thương vong, Hrothgar xuống nước cầu hòa nhưng bất thành. Dân chúng Đan Mạch chỉ còn biết than oán. Tiếng khóc thảm thiết của họ vọng tới tận Geat. Beowulf nghe được và vô cùng tức giận, quyết tâm lặn lội tới tận thành Heorot giết quái vật. Ông thành công chặt đứt cánh tay của Grendel, khiến nó phải bỏ chạy về hồ và chết ở dưới ấy.
Mất con, mẫu thân của Grendel liền tính kế trả thù. Nó ma mãnh lén lút bắt cóc người lôi về lâu đài “đao thương bất nhập”, nước không thấm qua của mình dưới lòng hồ. Beowulf đập phá kiệt cả sức mà vẫn chẳng cách nào khiến bức tường vô hình ấy suy chuyển. Cuối cùng, ông phải viện vào sự trợ giúp của thanh kiếm cổ tên là Sting mới xẻ được lối vào, giết nốt thủy quái còn lại.
Ban đầu, Beowulf không biết Sting là thanh kiếm cổ quý báu. Ông chỉ đơn giản cần một thứ gì đó để đâm thủng màng bao bọc nơi ẩn náu của thủy quái mẹ, còn Sting thì lủng lẳng ngay trên tường. Thắng lợi trở về rồi nhìn vào chuôi kiếm, vị anh hùng mới phát hiện nó có từ lâu, là vũ khí của “người khổng lồ” lưu lạc tới Heorot vì nạn hồng thủy.
Giữa văn học hiện đại
Khi loại vũ khí giết người tối tân là súng ra đời, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt hơn lúc nào hết. Với khả năng tấn công tầm xa và xác suất thương vong cực lớn, súng đương nhiên uy lực hơn kiếm gấp vạn lần. Ấy thế nhưng giữa thế giới viễn tưởng, kiếm (đặc biệt là kiếm cổ) vẫn giữ vị trí tối thượng.
Khi Hero With A Thousand Faces (Một ngàn bộ mặt của anh hùng) của Joseph Campbell (Mỹ) được xuất bản vào năm 1949, làm mưa làm gió khắp thị trường văn học tiếng Anh, độc giả thuộc luôn cả tên của những thanh kiếm giắt trên hông các nhân vật. Mọi hiệp sĩ bước ra từ trang văn của Campbell đều có kiếm. Mỗi thanh kiếm lại có một xuất xứ, huyền thoại, tính năng đặc biệt riêng. Chúng như thể linh hồn của các anh hùng, không chỉ mang trách nhiệm hộ vệ mà còn thể hiện tính cách chủ sở hữu.
Bạn có thể mơ hồ trước cái tên A Song of Ice and Fire (Bài ca của Băng và Lửa) của George RR Martin (Mỹ), nhưng chắc chắn chẳng lạ gì loạt phim truyền hình đình đám Game of Thrones (Trò chơi Vương quyền). Về thực chất, Game of Thrones chỉ là một phần của A Song of Ice and Fire, bộ tiểu thuyết sử thi bao gồm 7 tập (chưa xuất bản hết) được bắt đầu từ năm 1991 của nhà văn Martin.
Đến với A Song of Ice and Fire là đến với “cơn bão kiếm cổ”. Bắt đầu bằng Lightbringer, thanh kiếm được Azor Ahai, sứ giả của Đấng Quang Minh rèn nên bằng chính sinh mạng của vợ mình, Martin sáng tạo hàng loạt các thanh kiếm huyền thoại khác. Cứ mỗi một phần của thiên sử thi hiện đại này ra mắt, người ta lại hiếu kỳ chờ xem thanh kiếm thế nào sẽ được sinh ra, có mạnh hơn Lightbringer hay không.
Mặc dù Game of Thrones tràn ngập kiếm, song chỉ một số thanh đặc biệt quan trọng mới được đặt tên mà thôi. Chúng là các lưỡi kiếm được rèn bằng thép Valyrian, ví dụ như thanh Longclaw của nhân vật Jon Snow, thanh Heartsbane của nhân vật Samwell Tarly, thanh Oathkeeper của Brienne xứ Tarth…
Đến với Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn), JRR Tolkien (Anh) còn đặc biệt nhấn mạnh, các thanh kiếm càng cổ bao nhiêu thì càng mạnh bấy nhiêu. Chúng mà được rèn bởi các Yêu tinh trong Thời đại Đầu tiên như thanh Narsil, Sting hay Glamdring thì quả là vô đối.
Đại diện cho nỗi tiếc nuối quá khứ
Khỏi phải nói cũng biết, kỹ thuật rèn được cải thiện qua các thời đại. Ngược dòng lịch sử, bạn sẽ thấy vũ khí càng cổ bao nhiêu càng “bèo bọt” bấy nhiêu. Nhân loại bắt đầu từ vũ khí thô sơ là cây gậy và mũi tên đá cùn nhầy trong thời tiền sử.
Khi chất liệu đồng mở ra thời đại mới, các vũ khí từ kim loại này cũng mềm oặt, hở chút là cong veo. Tới thời kỳ đồ sắt, thiên đường vũ khí mới mở ra. Từ cung tên, đao, thương, kiếm cho đến súng ống, tất cả đều có khả năng lấy mạng con người một cách dễ dàng. Thế nhưng các tác giả hư cấu lại khẳng định, kiếm càng cổ bao nhiêu thì càng mạnh và quý.
Ngược dòng thời gian một lần nữa, dừng lại ở thời kỳ sụp đổ của Đế chế La Mã. Sau 1480 năm (từ năm 27 trước Công nguyên – 1453) liên tục thịnh suy, đế chế hùng mạnh nhất phương Tây đã thật sự bị diệt vong. Trước đống hoang tàn, các hậu duệ Anglo-Saxons của nó không khỏi chết lặng, đau đớn thương tiếc.
Thế rồi công nghệ mỗi ngày một phát triển. Người ta sớm phát minh ra đủ loại máy móc từ chạy bằng hơi nước đến điện, gas, hydro. Giống như bàn chân đặt xuống mặt trăng của Neil Armstrong (Mỹ) đã hủy hoại thế giới Cung Hằng, các tiện nghi văn minh hiện đại cũng xói mòn thần thoại. Đến cả trẻ nhỏ cũng biết phép thuật chỉ là thứ tưởng tượng mà thôi. Nhà văn là những kẻ tiếc nuối với quá khứ.
Ở châu Âu, nỗi tiếc nuối ấy đặt vào đế chế đã mất luôn tràn ngập thần thoại. Một thanh kiếm bình thường không thể chống lại sự ăn mòn của thời gian, nhưng một thanh kiếm huyền thoại, được khai sinh từ nỗi tiếc nuối quá khứ vàng son thì lại khác.
Không như thời nay có đủ thứ máy móc để phục vụ việc đúc vũ khí, ngày xưa cần những thợ rèn lành nghề. Họ đặt cả tâm huyết lẫn linh hồn vào việc rèn kiếm. Nhìn lại quá trình rèn thanh Lightbringer của Azor Ahai, bạn sẽ thấy chủ nhân của nó nỗ lực đến mức nào. Lần đầu thử nghiệm, Ahai tốn 30 ngày đêm, nhưng lưỡi kiếm nóng đỏ lại vỡ tan khi vừa chạm vào nước. Lần thứ hai, ông nung thanh kiếm suốt 50 ngày rồi mới lấy ra, đâm nó xuyên qua lồng ngực của một con sư tử sống. Lưỡi kiếm vẫn vỡ tan. Lần thứ ba cũng là lần cuối cũng, lưỡi thép nóng xuyên thủng chính trái tim người vợ yêu thương, nàng Nissa Nissa của Ahai. Chỉ với máu, linh hồn và sự hy sinh của Nissa, Lightbringer mới được tạo thành.
Ngay cả trong thực tế thời Trung đại, kiếm vẫn là một vật quý giá. Ngoại trừ việc chế tạo khó khăn, khiến giá thành cao ngất, nó còn kén cả người sử dụng. Muốn thành thạo kiếm phải khổ luyện. Thành ra chỉ tướng sĩ (bắt buộc) và tầng lớp thượng lưu (tùy hứng) mới có kiếm mà thôi.
Kiếm đi liền và là vật đại diện cho người sở hữu. Đôi khi, nó còn là thứ xác nhận vị trí, vai trò, chân tướng của một người. Arthur sẽ không thể trở thành vua nếu thiếu sự chấp nhận của thanh Excalibur. Cả Harry Potter và Neville Longbottom (trong Harry Potter của J.K. Rowling) cũng chỉ biến ra thanh kiếm của Godric Gryffindor từ Chiếc mũ Phân loại vì chiếc mũ này tin tưởng họ là “Gryffindors thứ thiệt” mà thôi.
- Xem thêm: Ma cà rồng Dracula đi vào văn học
Không chỉ có kỹ năng sát thương riêng độc đáo, các thanh kiếm cổ còn có linh hồn và sở nguyện. Chúng tự chọn chủ nhân. Lightbringer là một thanh kiếm như thế. Nó mạnh và “đỏng đảnh” hơn bất cứ thanh kiếm nào. Cứ mỗi phần của Game of Thrones lên sóng, khán giả lại hồi hộp chờ xem thanh kiếm khó chinh phục này sẽ cho phép ai được quyền sử dụng.
Đã rất lâu kể từ khi thời đại đao kiếm kết thúc, nhưng những lưỡi thép mang tên Kiếm vẫn là biểu tượng quý giá. Chúng ta có thể cả đời không dùng gì đến kiếm, song các anh hùng viễn tưởng thì không thể thiếu được. Kiếm cũng có thể tiến hóa, trở thành thứ gì đó ảo diệu như kiếm laser chẳng hạn. Chỉ là kiểu kiếm cổ đậm chất thần thoại thì vẫn cuốn hút hơn. Trong cánh đồng viễn tưởng không bị so đo với hiện thực tàn nhẫn, những thanh kiếm cổ thỏa sức thể hiện uy lực vượt trội, thần kỳ. Chẳng ai lại vì cái suy luận càng cổ thì càng han rỉ, cùn mòn ra mà chê bai, xem thường chúng cả.