Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi vì những vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên lúa gạo, rau quả, cà phê, chè…
Tại buổi hội thảo “TPP và ngành nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ cao vượt qua rào cản” diễn ra tại TP.HCM vào ngày 4-12 vừa qua, PGS-TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II nói: “Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ lạc hậu về mọi mặt mà điều nguy hiểm hơn là nó đang đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp bằng các loại nông sản không an toàn. Nếu không khắc phục được tình trạng này nền nông nghiệp Việt Nam chẳng những không tận dụng được cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại mà còn bị những thách thức của tiến trình hội nhập quốc tế nhấn chìm”.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh là chuyện đương nhiên trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng thói quen sử dụng một cách vô tội vạ và số lượng nhiều như ở nước ta thật sự là đáng lo ngại. Mỗi năm, cả nước nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, đó là chưa kể đến một lượng lớn thuốc nhập lậu chưa kiểm soát được.
Trong đó có trên 90% thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo số liệu từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có khoảng 85% các hộ nông dân phun thuốc dựa vào kinh nghiệm, khoảng 43% số hộ phun thuốc với nồng độ tăng gấp đôi so với khuyến cáo và phần lớn các hộ không tuân thủ đúng thời gian cách ly nên dư lượng thuốc trên rau quả rất lớn. Hậu quả là uy tín của nông sản, hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian qua.
Ủy ban kinh tế châu Âu và Nhật Bản cũng đã nhiều lần đưa ra các cảnh báo đối với các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam, trong đó thường xuyên nhất là các mặt hàng gạo, tiêu, thanh long, xoài, mướp đắng… thậm chí cả bao bì đóng hàng xuất khẩu cũng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, khi thị trường chung mở rộng cửa, đưa thuế suất nhập khẩu về 0, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ gặp phải nhiều khó khăn vì các nước cạnh tranh đã cập nhật những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, sẽ sử dụng ngày càng nhiều hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và tăng cạnh tranh ở nước ngoài. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết: “Hội nhập TPP, nông nghiệp có rất nhiều thách thức mà lớn nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cho dù thuế về 0, doanh nghiệp không đảm bảo được yếu tố này thì các nước cũng không đồng ý tiếp nhận nông sản Việt”.
Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, chúng ta phải có những thay đổi có tính đột phá trong chiến lược, chính sách, giải pháp về quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Doanh nghiệp cũng không nên quá lạc quan trước cơ hội của TPP mà nên thường xuyên cập nhật thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật mới từ các nước nhập khẩu, chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng quy trình sản xuất chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm môi trường, từ đó giảm giá thành sản xuất, mặt khác nâng cao chất lượng để đáp ứng được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức đa quốc gia, các thành phần kinh tế…