Những ngày tháng 4-2015, nông dân hợp tác xã (HTX) Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) tất tả đi lại như con thoi để lo giấy tờ. Hỏi: “Giấy tờ gì?”, ai cũng hồ hởi: “Thủ tục góp vốn làm doanh nghiệp đó mà. Rồi lập đề án, vẽ thiết kế, xây kho, nhà máy sấy, xay xát, chế biến lúa gạo, làm tờ trình, ký hợp đồng… Có cả dự án hợp tác làm ăn với nước ngoài nữa”.
Góp vốn lập doanh nghiệp
Chỉ vào chồng sổ đỏ trên bàn, ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc HTX Tân Cường cho biết: “Bà con thế chấp ngân hàng để vay vốn góp cổ phần vô HTX. Cùng với vốn hỗ trợ của tỉnh, HTX sẽ đầu tư xây dựng kho chứa lúa, hệ thống sấy và nhà máy chế biến lúa gạo. Nhờ vậy nông dân sẽ không còn lệ thuộc vào thương lái, không bị ép giá sau mùa thu hoạch”.
Chỉ vào cánh đồng lúa chạy suốt hơn ba cây số dọc bờ kênh Đồng Tiến, ông Trần Văn Hướng, nông dân sản xuất giỏi của HTX Tân Cường cho biết: “Cánh đồng hơn 500ha này đã được xuống giống đồng loạt hồi tháng rồi. Bên kia kênh cũng còn một cánh đồng diện tích hơn 600ha đang xới đất chờ sạ. Nguyên cánh đồng lớn vậy mà làm chỉ một giống, xuống giống một lượt, sau này cũng thu hoạch một lượt một. Rồi chở về kho, sấy, chế biến, bán cũng… một lượt luôn”.
Bên bờ kênh, hai dãy nhà kho diện tích cỡ 5.000m2 đã xây xong. Phía trước dãy kho, công nhân đang hối hả lắp ráp dàn máy sấy. Trước dàn sấy cũng có đội thi công lắp hệ thống băng chuyền, nhằm chuyển lúa từ dưới kênh lên. Kế bên hông nhà kho, chiếc Kobe đang đóng cọc làm thêm khu nhà máy chế biến lúa gạo phục vụ cho xuất khẩu. Ông Trần Văn Hướng cười: “Đây là cụm công nghiệp liên hoàn khép kín từ khâu sấy, kho trữ và chế biến lúa gạo, có năng lực tới 60 ngàn tấn/năm. Toàn bộ lúa trên đồng này sẽ đưa về đây, chế biến xong mới kêu bán. Nếu giá chưa tốt thì trữ lại để đó, chừng nào được giá mới bán”.
Mới năm ngoái đây, chuyện lúa làm xong không bán được vẫn còn là nỗi ấm ức của nông dân Tân Cường. Có năm thì doanh nghiệp ký hợp đồng đàng hoàng, vậy mà tới lúc thu hoạch lại kiếm cớ kéo dài thời gian rồi lặn mất tăm. Có năm bà con phải bán rẻ lúa tại ruộng vì có kho chứa đâu mà đem về. Ông Trần Văn Hướng kể: “Năm rồi, một doanh nghiệp nhà nước của tỉnh đầu vụ vô ký hợp đồng hứa hẹn sẽ mua giá cao hơn thị trường. Vậy mà tới vụ họ kiếm cớ nói lúa có sử dụng chất cấm. Bà con nhờ khuyến nông xuống giám định. Dù kết quả là không có chất cấm, doanh nghiệp cũng lì lợm không mua. Nông dân phải bán đổ bán tháo cho tư thương. Sau đó, vì tức mình bị o ép nên bà con đồng lòng rủ nhau góp vốn xây kho làm nhà máy.
Theo ông Nguyễn Văn Trãi, tính đến tháng 4-2015, toàn HTX đã có 250 hộ tham gia góp vốn với số tiền hơn 19 tỉ đồng. Cộng với 8 tỉ đồng từ dự án “Cạnh tranh nông nghiệp” (ACP) do Ngân hàng Thế Giới tài trợ, vay các tổ chức tín dụng 22 tỉ nữa, HTX sẽ đầu tư xây dựng nguyên dàn máy sấy, kho tồn trữ và chế biến lúa gạo quy mô 60.000 tấn lúa/năm, “bao thầu” hết sản lượng lúa của toàn xã Phú Cường và các vùng lân cận. Để làm được chuyện đó, bà con đã mạnh dạn tổ chức đại hội HTX bất thường, tăng vốn điều lệ từ 650 triệu lên hơn 42 tỉ đồng, kết nạp thêm thành viên mới gia nhập HTX, bổ sung thành viên hội đồng quản trị, và thành lập luôn Xí nghiệp chế biến lúa gạo – cung cấp vật tư nông nghiệp, chuẩn bị mọi mặt cho sản xuất vụ mùa mới.
Một thời gian khó
Để có được cơ ngơi ngày nay, HTX đã phải trải qua bao phen vất vả. Ông Nguyễn Văn Trãi nhớ lại: “Năm 2000 HTX thành lập, kêu góp 30.000 đồng/cổ phần, bà con chỉ mua lác đác mỗi người 1-2 cổ phần… cho có. Chỉ vài anh em trong ban quản trị tự bỏ tiền nhà góp được 32 triệu. Rồi cũng mấy anh em nòng cốt này thế chấp sổ đỏ vay vốn thêm cho đủ 120 triệu nữa, vậy là đủ lên phương án hoạt động”.
Lúc đầu HTX chỉ tập trung khâu dịch vụ bơm nước. Khi sạ lúa xong, bà con khỏi cần kêu mà vẫn thấy có nước bơm đầy đủ. Tới lúc thu hoạch xong, HTX lời hơn 200%. Thấy HTX làm ăn được, qua vụ sau bà con góp vốn nhiều hơn. Cứ vậy sau mà bốn năm liên tiếp, số hộ vô HTX tăng đều, từ 32 hộ ban đầu tăng lên 420 hộ, vốn điều lệ tăng lên hơn 300 triệu đồng. Lúc này HTX tiếp tục “nở nồi”, mở thêm dịch vụ cung cấp nước sạch và tín dụng nội bộ. Tới nay hầu như 1.600 hộ trong xã đều có nước sạch do HTX cung cấp. Về tín dụng, HTX gom vốn trong bà con có dư, cho người cần vốn vay lại với lãi suất như ngân hàng, thủ tục đơn giản gọn lẹ. Lại có thêm dịch vụ cung cấp vốn bằng vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu… Tới năm 2010, HTX lãnh luôn các khâu làm đất, cày xới, cung cấp lúa giống, thu hoạch, tư vấn kỹ thuật. Do diện tích lớn, làm đồng loạt, có kỹ thuật, chi phí sản xuất giảm từ 300-500 ngàn/ha, lợi nhuận tăng từ 1,6 triệu/ha lên 2,2 triệu – 2,5 triệu đồng/ha. Trước đây ruộng ai nấy làm, ai cũng tự mua lẻ phân, giống nên giá cao. Giờ mua đồng loạt theo giá sỉ nên giá hạ.
Tiếp theo, để thoát cảnh bị ép giá, khi có Dự án ACP do tỉnh đưa về, HTX liền vay 8 tỉ xây nhà kho chứa lúa. Bên cạnh đó là chuyện đào tạo chuyên môn cho con em xã viên. Tới nay HTX đã có tám người có trình độ đại học về làm. Theo ông Trần Văn Hướng, cái HTX này ngay từ đầu đã nhờ sự tận tình của ông Nguyễn Văn Trãi. Từ một nông dân, sau khi làm chủ tịch xã rồi về lại HTX, ông Nguyễn Văn Trãi tích lũy kinh nghiệm, đúc kết từ thực tế đồng ruộng, xuất phát từ tâm tư nguyện vọng của nông dân mà đáp ứng.
Nhờ biết sử dụng người có học nên chuyện soạn thảo hợp đồng kinh tế, tính toán sổ sách, làm website, sử dụng internet quảng bá hình ảnh tại HTX Tân Cường ngày nay không có gì xa lạ. HTX cũng đang tính chuyện cử người học tiếng Anh cho giỏi để sau này còn giao dịch với đối tác nước ngoài, tiến lên làm gạo xuất khẩu.
Dương Thế Hùng (DNSGCT)