Trong quản lý nhân sự, đây là một chủ đề khá thú vị. Người chọn cách này, kẻ chọn cách khác và đều giải thích cho sự lựa chọn của mình. Riêng Tammy Tansley, giám đốc một công ty tư vấn nhân sự ở Úc, thì chọn cách chia sẻ chủ đề này ngay trên website của công ty, một hành động thể hiện rõ sự lựa chọn của bà là gì. Bà nói: “Trung thực và cách kể câu chuyện ra sao là điều rất quan trọng, giúp cho mọi người biết là mình đang ở đâu. Tôi cố gắng đi đến tận cùng vấn đề, rõ ràng và thông suốt, không dội cho bạn những ý kiến vòng vo”.
Tất nhiên, ở nơi làm việc, nói vòng vo dễ dàng hơn là nói thẳng. Tâm lý chung của con người là muốn né tránh xung đột và không muốn làm người khác bị hụt hẫng, nên khi phải đối diện với một điều khó nói nào đó, người ta chọn cách tránh né, lái câu chuyện sang người khác hay nơi khác, với hy vọng làm như vậy sẽ tốt hơn. Hoặc sẽ che đậy, diễn đạt theo một cách gián tiếp khác.
- Xem thêm: Chuyện nhỏ ở văn phòng
Tuy nhiên, theo Tammy, những cách làm này đều không có tác dụng và nếu lờ đi một việc nhỏ, bạn sẽ phải nỗ lực đối phó mệt mỏi hơn khi việc nhỏ ấy biến thành việc lớn. Thay vì chỉ hiểu lầm nhỏ, sau khi vòng vo, sự hiểu lầm trở nên nghiêm trọng. Tương tự, khi cần trao đổi một việc khó, sử dụng email để giải quyết không hay bằng trao đổi trực tiếp. Tammy đưa ra một số kết luận:
- Với một vấn đề, cần luôn trung thực, rõ ràng và cụ thể.
- Không chọn cách truyền thông dễ làm nhất mà chọn cách phù hợp nhất với vấn đề cần nêu lên.
- Nghĩ về cách mà mình mong muốn truyền đạt ở một tình huống cụ thể.
- Tự hỏi là nên trao đổi trực tiếp hay làm một hành động khác sao cho mối quan hệ mật thiết không bị ảnh hưởng.
- Việc trao đổi trực tiếp bao giờ cũng tốt hơn nhiều so với việc dùng email trong việc truyền đạt vấn đề.
Sợ bị người khác phản ứng lại chính là một trong những nguyên nhân khiến người ta thích nói vòng vo hơn là nói thẳng. Thật vậy, khi cần góp ý cho ai đó, chúng ta thường e ngại không biết người được góp ý sẽ phản ứng thế nào, liệu họ có giận mình không, phản ứng của họ đáng sợ không…
Quan điểm của Tammy là phản ứng như thế nào là chuyện của người kia, không còn là chuyện của mình nữa. Hãy hình dung bạn mới ăn xong và có một chút rau vướng vào răng, hoặc chiếc vớ bạn mang tình cờ bị xổ xuống, hay bạn quên cài nút áo… Người khác nhìn thấy, nhưng ngại nói với bạn. Rồi cũng sẽ có một người đánh bạo nói ra. Tất nhiên, bạn biết ơn người đã nói lên những sai sót đó của bạn, vô cùng biết ơn là đằng khác!
- Xem thêm: Để lời góp ý là món quà có thể tiếp nhận
Thế nhưng, khi nhận được những góp ý về sai sót, nhược điểm của mình, người ta lại không xử lý như thế. Mỗi người thường mang theo một hình ảnh “lý tưởng” về mình và không thích người khác nói điều khác với hình ảnh lý tưởng đó. Ai cũng nghĩ lời góp ý chân tình là những lời nằm đâu đó gần hình ảnh lý tưởng của mình, do chính mình luôn tự tin cảm thấy và hình dung.
Kết quả là thay vì được nghe nói thẳng để thay đổi, cải thiện tình hình, phát triển nhanh chóng, dường như người được góp ý lại thích được tán dương hơn. Vậy nên, phải làm sao để trong mọi hoàn cảnh, việc góp ý luôn được biết ơn, khi đó văn hóa góp ý mới có ý nghĩa và có tác dụng tích cực.
Cuối cùng, khi cấp dưới phải đánh giá về khả năng lãnh đạo của cấp trên, thẳng thắn càng trở nên quan trọng. Việc không nói vòng vo sẽ giúp cấp trên của mình nhìn ra ngay được con đường ngắn nhất mà họ cần thay đổi và phát triển thuận lợi nhất trong môi trường mà họ đang cùng mọi người làm việc