Khi mua nhầm hóa đơn giả, thay vì truy phạt thủ phạm thì ngành thuế lại phạt nạn nhân. Các doanh nghiệp đã làm đầy đủ nghĩa vụ thuế để nuôi bộ máy nhà nước, trong đó có các ngành thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường… Chẳng biết họở đâu mà để kẻ xấu lộng hành như vậy, cứ ra đường là thấy hàng nhái, vào chợ là gặp hàng giả. Đáng lẽ phải chia sẻ, động viên doanh nghiệp gặp nạn, kiểm điểm quản lý thị trường thì lại phạt nặng nạn nhân. Khác nào phạt người ra đường bị móc túi vì tội “Tại sao mang theo bóp khi ra đường? Nếu đểở nhà, thì bọn cướp sẽ thất nghiệp mà chết!”. Cách hành xử của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay đang vô tình khuyến khích kẻ xấu. Rồi chuyện mỗi ngày phải nhận vô số tin nhắn rác quảng cáo, đi nước ngoài mà điện thoại roaming là lãnh đủ.
Khổ nhất là việc hết nhóm này tới nhóm khác vào công ty mời mua vé ca nhạc từ thiện, mua sách kỷ niệm của các ngành, ủng hộ quỹ này quỹ kia, mời quảng cáo của mấy tờ phụ trương các báo trung ương… Cứ như thập diện mai phục. Không thể đột nhập vào các cao ốc văn phòng để làm phiền thì dùng điện thoại “khủng bố”. Rồi mời đóng tiền “tự nguyện” để được khen thưởng danh hiệu này, cúp vàng nọ. Dù làm tốt mà “con nhà nghèo” thì đành chịu, bởi khen thưởng chỉ dành cho kẻ có tiền. Thậm chí có tờ báo kiên quyết bỏ tên các doanh nghiệp không chịu đóng tiền “đăng quảng cáo chúc mừng mình” dù trước đó đã đóng lệ phí khen thưởng và được công nhận. Gần đây, nở rộ các chương trình “truyền hình trực tiếp” để làm từ thiện của Đài truyền hình Việt Nam (VTV1). Toàn của các bộ, các ban ngành đoàn thể trung ương. Điện thoại tới tấp, nhân danh cả phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, chủ tịch thành phố, ban tổ chức trung ương, thanh tra chính phủ… Có cả chữ ký và dấu đỏ của lãnh đạo hẳn hoi. Ít nhất cũng mươi triệu đồng ủng hộ trở lên. Có người vừa đề nghị vừa dọa, lại còn nói “10 triệu đồng chẳng đáng là bao!”, và mời mua vé máy bay ra Hà Nội dự lễ để được truyền hình trực tiếp…
Gặp những tình huống này, các giám đốc doanh nghiệp nhà nước còn lấy cớ xin lãnh đạo cấp trên để từ chối khéo. Chỉ khổ cho các giám đốc tư nhân, không cho thì “mang tội”, cho thì chẳng biết lấy từ khoản nào vì làm gì cũng phải có kế hoạch. Nội chuyện vắt óc để suy nghĩ từ chối sao cho “phải đạo” đã mất hết thời gian, còn hơi sức đâu mà sáng tạo vượt khó. Chẳng cần ai nhắc, nhiều công ty vẫn âm thầm làm từ thiện tại chỗ, bởi đó là một phần trách nhiệm với cộng đồng. Trong lúc khó khăn, nhiều công ty phải giảm lương, thậm chí giảm nhân sự, lấy đâu ra tiền đểủng hộ quanh năm. Không biết chi phí tổ chức các chương trình như vậy tốn hết bao nhiêu? Có giám đốc cho biết: “Cứ nghe tới chương trình từ thiện truyền hình trực tiếp là nổi da gà. Bởi sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khổ sở”. Công bằng mà nói, tự thân các chương trình đó là cần thiết và rất tốt. Cũng có những doanh nghiệp thật sự có nhu cầu tham gia. Vấn đề là đừng lạm dụng để phiền nhiễu các doanh nghiệp khác. Chỉ có người thực hiện mới làm méo mó ý nghĩa và mục đích. Chẳng biết tới bao giờ doanh nghiệp Việt Nam thoát khỏi vòng kim cô, không phải suốt ngày lo đối phó như vậy? Hãy để họ toàn tâm toàn ý lo việc kinh doanh, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Nguyễn Văn Mỹ (Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt)