Chỉ xuất hiện hơn một năm nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh vận tải đã mang lại sự sôi động cho thị trường. Sau ứng dụng của GrabTaxi, Uber để gọi xe taxi trên smartphone, gần đây, ứng dụng CNTT để quản lý, điều hành dịch vụ vận tải được hầu hết các hãng taxi áp dụng và còn mở rộng sang cả vận chuyển hàng hóa. Mặc dù chưa có cơ sở pháp lý cho hoạt động và gây nhiều tranh cãi, đây vẫn được xem là mô hình mới giúp thay đổi diện mạo của ngành kinh doanh dịch vụ vận tải và mang lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp cũng như người dùng.
Ngày càng phổ biến dù gây nhiều tranh cãi
Năm 2014, trong khi các dự án ứng dụng CNTT vào quản lý – điều hành dịch vận tải được nhắc đến nhiều nhưng vẫn nằm trên giấy, sự xuất hiện của Uber, GrabTaxi và EasyTaxi mang đến cục diện mới cho thị trường. Giải quyết được những bất cập của các hãng vận tải truyền thống như thiếu kênh thông tin giao tiếp giữa chủ xe và khách hàng, thiếu minh bạch trong tính cước, quản lý thủ công gây lãng phí nguồn lực, các ứng dụng này nhận được sự hưởng ứng của thị trường. Hành khách ủng hộ vì họ được trải nghiệm sự chủ động và giàu tính tương tác, từ việc gọi xe, theo dõi vị trí xe, nắm được thông tin tài xế và số xe, nắm được giá cước, đánh giá dịch vụ sau khi sử dụng… Còn về phía lái xe, không có lý do gì để họ từ chối khi dịch vụ này giúp họ kết nối tốt hơn với khách hàng, tránh lãng phí tài nguyên để sử dụng xe hiệu quả hơn. Đó chính là những lý do khiến Uber, GrabTaxi nhanh chóng lớn mạnh và đe dọa thị phần của các hãng khác.
Năm 2015 là năm chứng kiến sự nở rộ của dịch vụ gọi xe qua smartphone. Hai hãng lớn là Vinasun và Mai Linh tháng 7 và tháng 8 vừa qua ra mắt ứng dụng Vinasun App và Open99 với hy vọng sẽ lấy lại được thị phần và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các công ty vận tải trong nước cũng rục rịch sử dụng ứng dụng gọi xe để quản lý và điều phối dịch vụ của mình như: LiveTaxi, TaxiNavi, Oh!Taxi, VietTaxi, Taxi 63 Tỉnh thành Việt Nam, Taxi Việt, Taxi Now VN…
Không sôi động như dịch vụ vận tải hành khách, ứng dụng gọi xe chở hàng cũng mới được nhen nhóm trong thời gian gần đây nhưng cũng hứa hẹn mang lại sự lựa chọn mới cho khách hàng. Ứng dụng được Công ty Giao hàng nhanh tung ra vào tháng 8 với cái tên Ahamove. Có thể nói, mặc dù “theo gót” công nghệ của Uber nhưng là người tiên phong trong phân khúc vận tải hàng hóa với mục tiêu khai thác nguồn lực 700.000 xe tải có sẵn ở Việt Nam, Ahamove được cho sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp đến các hãng vận tải hàng hóa truyền thống. Hiện nay, giá cước của Ahamove đang rẻ hơn đối thủ từ 30 – 40%, đây cũng là một yếu tố có thể vừa giúp dịch vụ này thu hút khách hàng, vừa có thể tạo mâu thuẫn lợi ích trên thị trường.
Cần khung pháp lý để đảm bảo cạnh tranh công bằng
Bên cạnh việc làm sao để quản lý hoạt động của các ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành dịch vụ vận tải như Uber, GrabTaxi… và các ứng dụng mà các hãng vận tải khác đang triển khai, nhà nước cũng cần nghiên cứu xây dựng khung pháp lý để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng cho các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Hiện nay, các doanh nghiệp taxi trong nước vẫn thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp về việc sẽ kiến nghị nhà nước xây dựng khung quản lý cho hoạt động này. Thế nhưng thay vì đưa ra đề xuất rõ ràng, khối nội có vẻ vẫn chậm hơn khối ngoại. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước vẫn loay hoay tìm kế sách thì hai nhà tiên phong là Grab và Uber trong tháng 8 và tháng 9 lại đi trước một bước khi đưa ra những đề xuất có lợi cho mình.
Trong tháng 8-2015, GrabTaxi Việt Nam đã trình đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, theo đó, GrabTaxi chỉ hợp tác với những đơn vị được cấp phép kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng như các hãng taxi, hãng xe khách… Đề án này được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ xin thí điểm thực hiện, trong đó có việc kiến nghị Chính phủ cho phép GrabTaxi được sử dụng thông điệp điện tử trong giao dịch thuê xe ôtô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản được quy định tại Nghị định 86/2-14/ND-CP. Đề án này vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp taxi về việc cạnh tranh thiếu công bằng.
Những tranh cãi về đề án của GrabTaxi vẫn còn nóng tại các diễn đàn của các hiệp hội, ngày 30-9 vừa qua, đại diện Uber cho biết họ vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về chương trình thí điểm nhằm bổ sung khung pháp lý mới cho dịch vụ này. Theo đó, Uber sẽ là đơn vị thí điểm dịch vụ và hỗ trợ chính phủ hoàn thiện khung pháp lý phù hợp nhất cho hoạt động ứng dụng CNTT vào quản lý và điều hành mạng lưới dịch vụ vận tải (TNS). Trong đề án thử nghiệm dự kiến kéo dài hơn 36 tháng, bên cạnh hỗ trợ chính phủ trong việc nghiên cứu tổng quát về những ứng dụng đang được triển khai, Uber cũng đề xuất việc hỗ trợ chính phủ trong việc điều chỉnh luật hiện nay và soạn thảo các quy định mới.
Mặc dù đưa ra giải pháp khác nhau, hai đề án thí điểm được đưa ra dường như đang theo hướng có lợi cho GrabTaxi hoặc Uber, trong khi các công ty vận tải và các đơn vị cung cấp dịch vụ khác đều mong muốn chính phủ tạo điều kiện cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của họ. Theo đại diện của một hãng taxi, việc thí điểm ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý dịch vụ vận tải nên được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp chứ không chỉ riêng GrabTaxi hay Uber để đảm bảo công bằng, đồng thời cần có một quy trình quản lý công khai để quản lý các hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng một khung khổ pháp lý thuyết phục để đảm bảo quyền lợi cho cả các hãng taxi truyền thống và công nghệ kết nối là cần thiết.
Ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều phối dịch vụ vận tải đang trở thành xu thế tất yếu của thị trường và đã được áp dụng thành công tại nhiều nước. Vấn đề xây dựng khung pháp lý để quản lý hoạt động này chỉ là vấn đề thời gian, nhà nước cần nghiên cứu kỹ thực trạng tại chính các doanh nghiệp và tham khảo kinh nghiệm của các nước để có thể xây dựng một khung pháp lý hợp lý, thay vì chỉ áp dụng cho vài đơn vị riêng lẻ có thể ảnh hưởng quyền lợi của các doanh nghiệp khác.
Bích Tuyền (DNSGCT)
Bích Tuyền