Ai cũng có thể thấy rằng, trong điều kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn năng lượng hóa thạch, đang ngày càng trở nên hiếm hoi, cạn kiệt, mỗi quốc gia trên hành tinh xanh trong nỗ lực phấn đấu để trở nên giàu mạnh hơn cần có chiến lược đúng đắn sử dụng các nguồn lực hợp lý hơn, tiết kiệm hơn và trên hết, hiệu quả hơn. Hiệu quả hơn có nghĩa là vừa phải tiết kiệm nguồn lực, vừa đạt được kết quả năng suất tối ưu, chất lượng tốt nhất. Tiết kiệm nguồn lực không những mang ý nghĩa là sử dụng chúng một cách dè sẻn cả về số lượng và không lãng phí thời gian mà còn phải bảo vệ, tái tạo được chúng trong một môi trường sống tốt hơn cho một tương lai lâu dài. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi quốc gia đối với cộng đồng dân tộc của chính mình và đối với nhân loại. Đặc biệt, đồng vốn mà mỗi quốc gia huy động để đầu tư cho việc phát triển lực lượng sản xuất kinh doanh trong nước và tăng trưởng kinh tế dù là đồng tiền được thu từ thuế, vay từ trong nước hay vay từ nước ngoài cũng rất cần được sử dụng đúng đắn, không lãng phí, có hiệu quả cao và bảo toàn được nguồn vốn vì về bản chất đó cũng là những đồng tiền đã và sẽ phải tiết kiệm của người dân.
Như vậy, trong bối cảnh chúng ta đang tích cực thực hiện kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân, vấn đề nợ công – nguồn vốn được huy động cho đầu tư công – cần được đặt ra và giải quyết một cách sáng suốt và thỏa đáng, vì tương lai phát triển của nền kinh tế quốc dân và của đất nước. Phân tích tình hình ngân sách của Việt Nam trong nhiều năm, chúng ta có thể thấy rằng Việt Nam đã và đang theo đuổi một cách bền bỉ chính sách khiếm hụt ngân sách với mục tiêu được cho là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phải thừa nhận rằng trong thập niên cuối thế kỷ XX, khiếm hụt ngân sách nhà nước và con đẻ của nó là đầu tư công đã có một vai trò rất quyết định trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bên cạnh sự đóng góp lớn lao của khu vực kinh tế tư doanh đang trên đà phát triển nhờ quốc sách Đổi mới và Mở cửa. Thế giới bắt đầu nói đến sự xuất hiện của một con hổ mới ở Đông Nam Á. Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, khiếm hụt ngân sách tiếp tục diễn ra thường xuyên và có xu hướng ngày càng gia tăng nhiều hơn. Từ năm 2009 đến năm 2011, theo ước tính của IMF và ADB, khiếm hụt ngân sách của Việt Nam nằm trong khoảng 6 – 8% GDP. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, mặc dù khiếm hụt ngân sách gia tăng và đầu tư công vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng đầu tư toàn xã hội (39%), tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm dần và những bất ổn vĩ mô trở nên nghiêm trọng: lạm phát tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp tăng và khiếm hụt cán cân thương mại kéo dài. Điều này là lý do chính khiến nhiều nhà phân tích kinh tế vội vã nhận định rằng Việt Nam đang chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà quên đi các mục tiêu ổn định vĩ mô. Thật ra, xét cho cùng, chính sách khiếm hụt ngân sách cùng với chiến lược phân bố các nguồn lực quốc gia chủ yếu trong thời gian qua đều hướng đến việc tăng trưởng quy mô của khu vực kinh tế nhà nước và cuối cùng chính sự kém hiệu quả của khu vực này đã làm giảm tốc độ tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế quốc dân, đồng thời gây ra những bất ổn vĩ mô.