“Bác Xuân mất rồi con! Đang để hòm bên nhà cũ…”. Mẹ buông lời khi Quốc chưa kịp cởi chiếc áo mưa. Bàng hoàng, những hình ảnh xưa như những thước phim cũ chợt quay về…
Nhà bác Xuân mặt đường, đuôi nhà có cánh cửa sắt kéo sơn xanh mở ra cái hẻm nhỏ ngoằn ngoèo là xóm của Quốc. Mỗi lần ngước lên, giữa chằng chịt dây điện, mái tôn, căn nhà năm tầng với những vệt rêu đen chảy dài, lừng lững như cây cổ thụ che gần hết bầu trời. Những ngôi nhà với mái tôn gỉ sét, lè tè, cháy khô, bám quanh như những “vết cứa” vào thân cây. Không biết lấy gì để tồn tại mà từ các “vết cứa” đó luôn tuôn ra đám cây bồ đề um tùm xanh mướt.
Bác Xuân mặt phúc hậu, hay khoác vội áo dài trắng, băng hẻm đến nhà thờ, vừa đi vừa cài nút. Xóm nghèo, mỗi lần ai bệnh tật bác đều ghé thăm, giúp chút tiền. Bác có ba người con. Anh cả, chị Thu và anh Hạ. Anh Hạ luôn làm Quốc nghĩ đến những nhân vật quý tộc Pháp bước ra từ trang sách. Tóc nâu bồng bềnh, da trắng xanh mỏng tang như nhìn thấy cả những mạch máu đang chuyển động bên dưới. Chiều chiều, Quốc hay đến ngồi gần cái cửa sắt. Lúc đó, anh Hạ thường lẻn ra phía sau, đến gần, lấy trong túi ra tép sing-gum xanh: “Em bé, cầm đi… Cho em nè”. Mỗi lần vậy chân Quốc run lẩy bẩy, nước miếng túa ra và thường đột ngột đứng lên… bỏ chạy. Để cả đêm, mùi the nồng của thanh sing-gum cứ chập chờn, lẩn khuất…
Một buổi trưa, anh Hạ xách túi đồ chơi ra xóm, đổ ào ra sân cho mọi người chơi chung. Lẫn giữa những chiếc xe, tượng thú… là những miếng lấp loáng, vàng chói giữa nắng. Cả đám hồ hởi nhào vô. Đang chơi vui thì từ xa, bà Tư cạnh nhà Quốc tay xách chổi, la toáng lao tới. Cả đám chạy tán loạn. Một tay bà Tư gom đồ chơi, một tay lôi xềnh xệch anh Hạ giao cho bác Xuân. Quốc ngơ ngác.
- Xem thêm: Con tàu không sân ga
Rồi một hôm, cả xóm rầm rập tiếng thất thanh. Quốc cũng lao ra khỏi nhà chạy theo mọi người, cố bò len dưới chân đám đông đang bám chặt cánh cửa sắt xanh. Qua khe cửa, Quốc thấy bác Xuân đứng tựa chiếc Vespa, anh Hạ kế bên, run run bám hông mẹ. Rất đông người mặc đồng phục đang xới tung mọi thứ, nhiều viên gạch bông bị nạy lên lởm chởm. Đột nhiên mặt bác Xuân tái lại khi hai ba người đi về phía chiếc xe. Chiếc xe bị xô ngã, người giật cốp, người dùng sắt, xà beng nạy tung vỏ bánh xe. Khi vỏ xe được nâng lên, hàng loạt miếng đồ chơi của anh Hạ rơi ào xuống, vàng chói trên đám nhớt loang thẫm mặt sàn.
Nhiều đồ đạc được chuyển lên xe Jeep. Khi xe bắt đầu di chuyển thì bác Xuân lao theo, cả người đu chặt phía sau. Cú phóng xe từ trong nhà ra ngoài chỉ kéo bác lết theo một đoạn chứ không tách rời được bác. Thêm một cú lồng lên, xe lao từ thềm nhà xuống lòng đường thì bác Xuân mới văng ra, mặt đập mạnh xuống đất. Hình như nhà bác Xuân bị thêm một lần như vậy. Khi nhà nước cho tư nhân mở tiệm vàng, nhà bác lại là tiệm mở đầu tiên trên phố. Mẹ Quốc hay nói “Có đức mặc sức mà ăn. Họ như cái cây lớn, gốc rễ vững vàng; con có chặt phía trên thì cành lá cũng mọc lại thôi”. Chị Thu con bác Xuân là hoa khôi của phố nhưng chị hầu như không trang điểm. Chị hay ngồi đó, sau cái tủ vàng bằng kiếng để canh tiệm. Màu của đèn và đồ trang sức luôn hắt một sắc hồng óng ánh lên khuôn mặt trắng thanh tú của chị.
Vài năm sau gia đình bác Xuân dời đi, để căn nhà lại cho người họ hàng. Quốc vẫn dõi theo anh Hạ, biết anh rất thành công trong kinh doanh. Có lần Quốc suýt đổ ly cà phê khi lật trang báo công an: Anh Hạ đứng đó, phía sau là khách sạn của mình đang… phừng phực cháy. Cũng trên tờ báo này, ít ngày sau Quốc đọc được tin anh cả của anh Hạ, trong một cuộc đua siêu xe với các thiếu gia, đã tông chết hai người và làm bị thương nhiều người trong gia đình đang sum vầy ăn cơm. Anh Hạ sau đó chuyển qua mở một chuỗi bar giải trí cũng rất thành công, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế đã dìm bất động sản cùng anh xuống đáy. Từ đó Quốc không nghe tin gì về anh nữa.
Một buổi sáng chuông điện thoại reng, đầu phone bên kia là một giọng ấm, dịu: “Em bé, anh Hạ đây… Còn nhớ anh không?”. Anh Hạ hẹn Quốc ra một quán cà phê sân vườn, ngồi rúm ró sau cây sứ già. Áo sơmi rộng thùng thình, gầy và đen sạm, tóc thôi bồng bềnh vì đã rụng nhiều, anh tâm sự: “Miếng đất quận 9 đóng băng của anh giờ đã có ông lớn đứng ra làm giấy tờ nên anh được chia gần trăm tỉ. Anh đọc báo và biết em thành công, anh vui lắm”. Mắt anh lấp lánh khi nói về dự án mới, một chuỗi khách sạn 3 sao và anh muốn Quốc lo giúp.
Trong lúc trao đổi Quốc nhận ra tư duy anh Hạ bị cũ, rất nhiều ý tưởng xa lạ với thời cuộc. Ngay lúc đó, không hiểu sao hình ảnh những phong sing-gum xanh lại trôi về, Quốc bắt đầu thao thao về thành công của các dự án đã tham gia để chứng minh anh lỗi thời. Anh Hạ ngồi đó càng rúm ró… Từ nhà vệ sinh ra, Quốc không thấy anh Hạ nữa, chỉ còn tờ giấy với dòng chữ nguệch ngoạc lem đầy mực và nước trên bàn: “Em bé nói nhanh mà nhiều tiếng Anh quá, anh không hiểu kịp. Cám ơn em đã chịu gặp anh. Xin lỗi anh có chuyện gấp phải đi không kịp chào em”. Quốc thẫn ra, lòng tràn ngập áy náy, đinh ninh anh sẽ gọi lại, và khi đó Quốc sẽ làm hết sức. Anh Hạ không gọi lại cho Quốc cuộc nào sau buổi đó. Hơn năm sau tin anh phá sản tràn ngập trong giới làm ăn khách sạn.
- Xem thêm: Nắng phù sa
Đám tang kết thúc được vài ngày, mẹ Quốc cho biết gia đình bác Xuân giờ toàn phải ở thuê, không có nhà nên mới xin người họ hàng cho làm đám và tá túc vài hôm ở ngôi nhà cũ. Lúc đám tang, Quốc cố tình đưa mẹ ghé qua hai lần nhưng không hề thấy anh Hạ.
Những lớp tôn vẫn chằng chịt bám ngôi nhà cũ bác Xuân. Để ý kỹ, Quốc không còn thấy đám cây bồ đề mọc ra từ “vết cứa”. Ai đó đã bóc lớp hồ ra, đổ một lớp nhựa đen dọc theo các đường giáp mí, tạo nên những vệt đen loằng ngoằng, lỗ chỗ, méo mó… Dưới ánh đèn đường xám ngoét, chúng như đám rết khổng lồ đang thò ra lúc nhúc, bắt đầu chuyển động…