Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp sách của Nhật rất chú ý đến làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Cũng như nhiều ngành khác, ngành xuất bản Nhật đang đứng trước áp lực phải mở rộng thị trường tiêu thụ và Việt Nam được họ coi là điểm đầu tư tiềm năng. Đây chính là cơ hội hợp tác phát triển của ngành xuất bản nước ta.
Bên cạnh hội chợ sách giấy truyền thống, TIBF năm nay có cả một hội chợ sách điện tử. Riêng mảng này, TIBF cũng được công nhận là hội chợ sách điện tử lớn nhất thế giới. Ngành xuất bản của Nhật có thể coi là đã phát triển đến mức bão hòa. Một nhà xuất bản cỡ lớn của họ mỗi năm cho ra cả ngàn đầu sách, những sách best-seller có thể bán được đến năm, mười triệu cuốn. Đối với phần lớn người dân Nhật, mua và đọc sách đã là thói quen thường xuyên, vì thế các hội chợ sách được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất bản hơn là để kích cầu thị trường. Sự đa dạng và chất lượng sách ở đất nước này cũng thuộc hàng đầu thế giới. Sách về giáo dục, mỹ thuật, thiếu nhi, sách giáo khoa… của Nhật vô cùng phong phú và hấp dẫn, nếu được đưa vào Việt Nam sẽ góp phần nâng cao thị hiếu, thẩm mỹ trong văn hóa đọc.
Tham dự hội chợ sách nhằm tìm hiểu về ngành xuất bản nước này và quảng bá về ngành xuất bản Việt Nam, chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật. Có thể nói trong khu vực châu Á, Việt Nam là đất nước giành được thiện cảm nhiều nhất của người Nhật. Tại hội chợ sách, chúng tôi được một tác giả người Nhật tên Abe giúp đỡ rất tận tình bởi cảm tình của ông với người Việt. Thời sinh viên, Abe từng đứng đầu phong trào sinh viên chống chiến tranh Việt Nam nên bị bắt, phải ngồi tù và bị đuổi học… Từ năm 1993, ông sang Việt Nam thường xuyên. Vài năm gần đây, gần như tháng nào ông cũng có mặt ở Việt Nam để dạy cho sinh viên Việt, và giúp họ sang Nhật học và làm việc. Những kinh nghiệm sống và làm việc tại Việt Nam đã được ông viết lại bằng tiếng Nhật trong cuốn sách Để trở thành Samurai. Theo ông Abe, sau các tập đoàn lớn như Sony, Honda… nhiều công ty vừa và nhỏ của Nhật cũng muốn thâm nhập thị trường Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp ngành xuất bản. Quy mô dân số, nét văn hóa tương đồng khiến Việt Nam có thể được coi là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên không dễ dàng gì cho họ trong việc tìm được đối tác liên kết tại nước ta. Điều khó khăn nhất đối với doanh nghiệp Nhật không phải là thị trường sách Việt Nam nhỏ bé, giá sách cao so với thu nhập người dân mà là sự yếu kém của hệ thống xuất bản. Ngành xuất bản nước ta đang tụt hậu hẳn so với thế giới về công nghệ, trình độ, nhân sự… Bên cạnh đó, sự thiếu hụt một đội ngũ quản lý người Việt đáp ứng được yêu cầu của các công ty Nhật cũng là hạn chế đáng kể. Nhiều doanh nghiệp Nhật cho biết họ không đủ ngân sách để đưa quản lý từ Nhật sang Việt Nam làm việc, còn các quản lý người Việt Nam thì rất ít ai đạt được mức độ chuyên nghiệp, tỉ mỉ trong công việc như họ mong muốn.
Một trong những việc làm cần thiết để nâng cao văn hóa đọc là phát triển ngành xuất bản. Để rút ngắn khoảng cách giữa ngành xuất bản Việt Nam với thế giới, việc đi tìm và tận dụng các cơ hội hợp tác phát triển với những doanh nghiệp làm sách uy tín của nước ngoài là việc làm không nên chậm trễ.
Nguyễn Cảnh Bình (CT&CEO Alphabooks)