Bất chấp việc Dora Maar (22/11/1907 – 16/7/1997) cũng là một nghệ sĩ tài năng thực thụ, cả người đương thời lẫn hậu thế chỉ nhớ bà là “tình nhân đau khổ” của danh họa Picasso. Nhắc đến cái tên Dora Maar, ai nấy đều liên tưởng đến bức tranh Người đàn bà khóc (The Weeping Woman).
Quả thật, Dora Maar đã yêu đương cuồng dại và đau khổ điên đảo vì Picasso. Song theo lời bà, “mọi bức tranh chân dung Picasso vẽ tôi đều là dối trá. Không bức nào trong số chúng thật sự là Dora Maar”. Vậy đâu mới là Dora Maar? Mời các bạn cùng tìm hiểu thế giới nghệ thuật của nhiếp ảnh gia, họa sĩ và nữ thi sĩ người Pháp này.
Tuổi trẻ say mê nhiếp ảnh
Dora Maar tên thật là Henriette Theodora Markovitch. Bà là con gái của kiến trúc sư người Croatia, Joseph Markovitch (1875–1969). Joseph từng ăn học ở Vienna (Ý), sau đó chuyển tới Paris. Tại Paris, ông gặp gỡ và phải lòng Louise-Julie Voisin (1877–1942), một phụ nữ Pháp. Họ kết hôn và chỉ có một đứa con duy nhất là Henriette.
Năm 1910, Joseph đưa gia đình nhỏ của mình đến Buenos Aires (thủ đô của Argentina) lập nghiệp. Vì thất bại, vào năm 1926, ông lại đem vợ con trở về Paris, quyết định định cư lâu dài.
Henriette đam mê nhiếp ảnh và nghệ thuật. Cô lấy nghệ danh Dora Maar, tham gia các khóa đào tạo của Trung tâm Kết hợp Nghệ thuật Trang trí (Central Union of Decorative Arts) và Trường Nhiếp ảnh (School of Photography). Ngoài ra, cô còn đăng ký theo học trường 2 trường nghệ thuật tư thục nổi tiếng ở Pháp là École des Beaux-Arts và Académie Julian.
Trong thời gian theo học ở École des Beaux-Arts, Dora Maar đã gặp gỡ và kết bạn với nữ họa sĩ Jacqueline Lamba (1910-1993). Thông qua Jacqueline, Dora Maar biết khá nhiều về thế giới nghệ thuật của Pháp. Cô dũng cảm thực hiện các chuyến du lịch chụp ảnh xuyên quốc gia. Từ Barcelona (Tây Ban Nha) cho đến London (Anh), Wall Street (Mỹ) đều có bước chân của Dora Maar. Năm 1929, nữ nhiếp ảnh gia trẻ năng nổ quay về Pháp. Nhờ sự trợ giúp tài chính từ cha mẹ, cô mở tiệm chụp ảnh trên đường 29, quận 8, Paris.
Cuộc tình cay đắng
Vào năm 1935, ở tuổi 28, Dora Maar lần đầu tiên nhìn thấy Pablo Picasso (1881-1973). Lúc này, sự nghiệp nhiếp ảnh của cô đã rất lừng lẫy. Nhờ nó, Dora Maar được mời chụp ảnh quảng cáo trên trường quay của bộ phim The Crime of Monsieur Lange. Tình cờ, Picasso cũng có mặt ở đó. Dora Maar “nhất kiến sinh tình”, nhưng không dám chạy tới xin làm quen ngay. Phải vài ngày sau, nhờ người bạn chung của cả 2 người là Paul Éluard, Dora Maar mới chính thức chào hỏi Picasso.
Picasso là một nghệ sĩ nổi danh, đồng thời là một người chồng tệ hại. Ông kết hôn với nghệ sĩ múa ba lê Olga Khokhlova (1891-1955) từ năm 1918, nhờ vợ giới thiệu mình vào thế giới thượng lưu hoa lệ Paris, nhưng chẳng bao giờ chung thủy. Danh họa Picasso luôn bí mật quan hệ với hết phụ nữ này đến phụ nữ khác. Trước khi gặp Dora Maar, ông cũng từng lừa dối vợ, nuôi giấu người tình trẻ tuổi Marie-Thérèse Walter (1909-1977). Picasso có với Marie một cô con gái đặt tên là Maya. Suốt cả đời, Marie ôm hy vọng được nên vợ nên chồng hợp pháp với Picasso. 4 năm sau ngày Picasso qua đời, bà tự sát.
Dora Maar chết mê chết mệt Picasso. Cô đồng ý hợp tác làm ăn và trở thành “nàng thơ” của ông. Picasso mời Dora Maar đến xưởng vẽ của mình tại Grands Augustins để chụp ảnh. Ông cũng đề nghị cô ở lại, xem mình hoàn thành bức tranh Guernica. Sau khi thân thiết hơn, Picasso còn nhờ Dora Maar làm người mẫu để vẽ Monument à Apollinaire.
Dora Maar không từ chối yêu cầu nào của Picasso. Cô hạnh phúc với khoảng thời gian ở cùng người yêu tài năng. Dora Maar không biết rằng Picasso không chỉ là một người đàn ông có vợ mà còn vẫn tiếp tục mối quan hệ thầm kín với Marie-Thérèse Walter. Dẫu sao, trong vai trò “nàng thơ” của Picasso, cô cũng thơm lây danh tiếng của họa sĩ thiên tài. Picasso rất thích lấy cô làm mẫu, vẽ những tác phẩm theo chủ đề người phụ nữ bị bạo hành, đau đớn, trong đó nổi tiếng nhất là bức The Weeping Woman. Dora Maar rất ghét điều này. Cô không thích những bức tranh ấy, luôn phủ nhận “Chúng không phải là tôi”.
Mãi tới năm 1943, sau 8 năm yêu đương nồng cháy, Dora Maar mới hay Picasso vẫn còn qua lại với Marie-Therese Walter. Cô gần như phát điên, thống khổ chẳng khác nào “Người đàn bà khóc”. Một năm sau, Dora Maar chia tay Picasso. Cô bị suy nhược thần kinh trầm trọng, phải lén lút điều trị bằng sốc điện (lúc này đang bị cấm). Picasso lạnh lùng “trả nợ tình cũ” bằng cách mua cho Dora Maar một căn nhà ở Vaucluse. Trong đau đớn và cô đơn, Dora Maar quyết định bỏ nghiệp nhiếp ảnh, sống ẩn dật. Cũng kể từ lúc này, cô cầm cọ, bắt đầu bước vào thế giới hội họa.
Tài nhiếp ảnh độc đáo
Gạt đi cái tiếng “người tình của Picasso”, Dora Maar là một nhiếp ảnh gia đáng chú ý. Trước khi gặp gỡ Picasso, bà đã xây dựng được sự nghiệp nghệ thuật riêng. Mới tuổi đôi mươi, Dora Maar đã được nhiều người yêu thích, thuê chụp ảnh. Đa phần công việc của bà là chụp ảnh thời trang. Dẫu vậy, ảnh thời trang của Dora Maar hết sức khác lạ, không giống với bất cứ nhiếp ảnh gia nào cùng thời.
Cách xếp đặt khung cảnh, vật dụng, con người… của bà rất độc đáo. Đặc biệt, hiệu ứng ánh sáng và bóng tối vô cùng bất bình thường. Chúng tạo nên một phong cách riêng. “Chỉ cần nhìn thấy một bức ảnh của Dora Maar, bạn liền nhận ra ngay đâu là những tác phẩm còn lại của bà ấy”, Mary Ann Caws, nhà văn Anh kiêm nhà phê bình nghệ thuật, khẳng định. “Chúng vô cùng kỳ dị, nhưng cũng đẹp tuyệt vời”.
Dora Maar sở hữu hai góc chụp khác nhau. Góc thứ nhất là làm sống dậy cảm giác bức bách, nhẫn nhịn. Nó bao gồm những bức ảnh trắng đen rất lạ và đẹp. Góc thứ hai chỉ đơn giản là hài hước, đôi khi còn khiến người xem ngay tức khắc bật cười. Thời gian chu du Barcelona, Dora Maar đã chụp không ít cảnh tượng người sắp chết đói, chìm trong tuyệt vọng. Đáng tiếc rằng Picasso, trong vai trò người Tây Ban Nha, đã thể hiện nổi bật hơn hẳn qua các tác phẩm hội họa cùng chủ đề. Mọi người thường bị ấn tượng bởi tài năng hội họa của Picasso mà bỏ qua các bức ảnh của Dora Maar.
Những năm 1930 là thời đại hoàng kim của tạp chí hàng tuần và hàng tháng. Chỉ bằng việc chụp ảnh và gửi cho các tòa soạn, Dora Maar sống dư dả. Điều ấy đủ thấy bà có tài và được yêu thích như thế nào. Bản thân Dora Maar cũng luôn nỗ lực. Bà thử nghiệm các kiểu mẫu nhiếp ảnh khác nhau, từ phong cảnh đến con người. Ngắm các tác phẩm của Dora Maar, bạn có thể thấy thấp thoáng chủ nghĩa siêu thực. Thuở đương thời, ảnh của bà thường được đăng trên các tạp chí lớn như Rester Jeune.
Với Dora Maar, Picasso chỉ là người đàn ông bà yêu. Nhưng với Picasso, Dora Maar nhiều hơn mức “người tình”. Ông không chỉ lấy bà làm mẫu mà còn chịu ảnh hưởng từ bà. Nhiều tác phẩm Picasso vẽ trong thời gian chung sống với Dora Maar lấy cảm hứng từ “nàng thơ” xinh đẹp này. Tuy nhiên, Dora Maar chỉ thừa nhận Picasso mượn “các yếu tố ngoại hình”. Bà kịch liệt phản bác việc ông “mượn” luôn “bản chất con người thật” để tạo nên các kiệt tác “Người đàn bà đau đớn tột cùng”.
Trong các “nàng thơ” của Picasso, Dora Maar là người am tường nghệ thuật nhất. Bà còn biết nói tiếng Tây Ban Nha nên chắc chắn có thể cùng Picasso bàn luận đủ thứ chuyện trên đời. Nhà danh họa có lẽ đã bị Dora Maar thu hút bởi cả tính cách, tài năng, chứ không phải chỉ bởi ngoại hình vượt trội.
Hội họa đậm nét bi thương
Khi biết bị Picasso lừa dối, Dora Maar đã gào thét, giận dữ và tuyệt vọng. Trong tận cùng của nỗi đau, bà vứt bỏ sự nghiệp nhiếp ảnh, dấn thân vào nghiệp vẽ. Phải đến năm 1999, thế giới mới biết đến các tác phẩm hội họa của Dora Maar. Tất cả đều được vẽ trong thời gian bà sống ẩn dật tại Vaucluse.
Vì bị ảnh hưởng bởi Picasso chăng, hoặc chỉ đơn giản là thù hận không phai, Dora Maar dùng chính phong cách lập thể của người tình họa sĩ. Mọi tranh vẽ của Dora Maar đều đầy dấu vết đau thương và cảm giác bi thảm. Từ Chân dung của Éluard (Portrait of Éluard) cho tới Chân dung tự họa (Self-Portrait), Đứa trẻ của năm 1946 (The Child of 1946) đều sử dụng tông màu tối, lột tả nỗi đau sau chiến tranh.
Cũng trong thời gian theo nghiệp họa sĩ, Dora Maar phải vật lộn với chứng trầm cảm nặng. Thứ Picasso để lại cho bà sau cuộc tình 8 năm chẳng có gì khác ngoài cảm giác bi thương. Phải mất tới 20 năm, bà mới dần nguôi ngoai. Từ giữa thập niên 1960 đến hết thập niên 1970, Dora Maar không còn dùng tông màu tối, chuyển sang đa dạng hóa các màu sắc. Những năm 1980, các tác phẩm hội họa của bà đã lung linh, sáng sủa hơn.
So với nghệ thuật nhiếp ảnh không lẫn với ai, sự nghiệp hội họa của Dora Maar có phần kém độc đáo. Chúng không phải là tệ, nhưng cũng không hẳn nổi trội.