PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa từng là Giám đốc Trung tâm ứng dụng và thực nghiệm Tâm lý học, Viện Tâm lý học Việt Nam, đồng thời cũng là một người mẹ đồng hành cùng con trai chiến đấu với bệnh trầm cảm.
Vì vậy, những bài viết của chị trong cuốn sách Khi mây đen kéo tới không chỉ là trải nghiệm cá nhân đầy cảm xúc mà còn là ghi chép tỉ mỉ và hữu ích dưới góc nhìn của một nhà khoa học đối với căn bệnh phổ biến của thời hiện đại. Chia sẻ về cuốn sách nhỏ vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa nói:
Xuất bản sách không phải là mục tiêu ban đầu của tôi. Những bài viết trong cuốn sách vốn là ghi chép tôi gửi cho Beautiful Mind Việt Nam – dự án phi lợi nhuận cung cấp kiến thức về sức khỏe tâm lý cho mọi người. Cả năm thành viên chính của dự án đều có vấn đề về trầm cảm hiện đang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau khi một số bài viết của tôi được đưa lên mạng, phía nhà xuất bản đề nghị in sách nhiều lần nhưng tôi chần chừ khá lâu. Tôi không muốn những trang viết riêng tư của mình được phát hành một cách rộng rãi.
- Xem thêm: Giảm trầm cảm theo cách tự nhiên
Vậy nguyên nhân nào khiến chị lại quyết định in sách?
Khi những vụ tự tử vì trầm cảm xuất hiện liên tục trên mặt báo, bắt đầu là một số ca sĩ, đến một đầu bếp nổi tiếng người Mỹ, đỉnh điểm là một em học sinh lớp 10 Trường Nguyễn Khuyến (TP. Hồ Chí Minh) tự tử vì áp lực và căng thẳng trong học tập. Đến lúc này, tôi thấy mình có trách nhiệm phải cung cấp thông tin đến xã hội để mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về bệnh trầm cảm.
Không ít người trong chúng ta đã nhận thức được rằng trầm cảm là căn bệnh đáng sợ, nhưng người hiểu biết sâu sắc về căn bệnh này vẫn còn rất ít. Việc nhận biết ai đó đang bị trầm cảm, hay chính chúng ta đang bị trầm cảm, quả thật không dễ dàng. Và kể cả sau khi nhận biết rồi, chúng ta cũng gặp nhiều lúng túng, trở ngại khi muốn giúp một ai đó, hay thậm chí là giúp chính mình vượt qua cơn “mây đen” của cảm xúc. Nỗi cô độc, yếu ớt, bất lực của loại cảm xúc này cứ thế tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy không giới hạn cho bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là đối với giới trẻ. Trong rất nhiều phương pháp tiếp cận căn bệnh này, tôi cũng muốn đề cập đến một liều thuốc quan trọng trong chữa bệnh, đó là lòng yêu thương và sự kiên nhẫn của người thân.
Có lẽ vì cả cách viết lẫn nội dung đều mới lạ, nên sách được đón nhận mạnh mẽ từ cộng đồng và được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội.
Tôi không ảo tưởng là khi cuốn sách xuất hiện nhiều trên Facebook thì tôi trở nên nổi tiếng hơn. Bất cứ một hiện tượng nào mới đều gây xôn xao trên Facebook một thời gian ngắn, sau đó sẽ chìm lấp rất nhanh khi có một hiện tượng khác mới hơi, gây tò mò hơn. Tôi chỉ hy vọng một cuốn sách nhỏ được viết giản dị sẽ dễ đến tay mọi người, từ cha mẹ đến thầy cô, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, để thay đổi và cải thiện quan điểm của mọi người về các bệnh tâm lý, rối loạn tâm lý và tâm thần, từ đó tránh những tổn thương không đáng có cho những người bị bệnh.
Quan điểm nào cần thay đổi, chị có thể giải thích rõ hơn?
Chẳng hạn như người bị bệnh rất sợ phải đương đầu với trầm cảm một mình. Dù họ luôn muốn trốn vào bóng tối, nép mình sâu trong vỏ ốc của mình, nhưng thực sự họ cần chúng ta giúp đỡ. Thậm chí, nếu con chúng ta thể hiện sự phản kháng, khóc lóc không ngừng, lên án cha mẹ, lên án bản thân chúng, hay đòi tự tử… thì đó không phải là “làm màu” để gây chú ý mà là hành động kêu cứu trước khi chúng có thể gây ra nhiều hành vi nguy hiểm hơn.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm về bệnh trầm cảm trong học sinh, sinh viên. Giai đoạn còn làm việc ở Trung tâm Ứng dụng và Thực nghiệm Tâm lý học, Viện Tâm lý học Việt Nam, tôi có tham gia một cái nghiên cứu về thực trạng các rối nhiễu hành vi của học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội. Kết quả là cứ ba em thì có một em bị rối nhiễu hành vi như lo âu, buồn chán, thậm chí có ý định tự tử nhiều lần. Kết quả đáng lo ngại này từng bị đặt dấu hỏi bởi khi bảo vệ đề tài cấp Bộ nhưng đến thời điểm này, chúng ta thấy là số liệu đã vượt hơn cả mức đáng báo động này.
Trong các rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc của con trẻ thì trầm cảm gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó có hành vi tự tử. Trầm cảm thật sự nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, chứ không chỉ là nỗi buồn hiện diện thường trực trong cuộc sống. Và việc đối phó với những cơn kịch phát về trầm cảm là vô cùng khó khăn…
Năm năm tìm chút nắng vàng, xua đi “đám mây đen” phủ quanh con trai, hẳn đó là một hành trình không mấy dễ dàng…
Phải nói là vô cùng gian nan và không ít nước mắt, như tôi có chia sẻ sơ qua trong cuốn sách. Tôi vẫn còn nhớ cả cảm giác khi nghe tin con bệnh, mặt đất như nứt ra và vợ chồng tôi rơi thẳng xuống tầng sâu nhất của địa ngục. Sau khi đưa con trai nhập viện, chúng tôi đã đi bộ 10km trong đêm từ bệnh viện về nhà với tâm hồn đóng băng. Khoảng thời gian năm năm dài đăng đẳng, chúng tôi cũng có những căng thẳng, có những cảm giác bế tắc, thậm chí là rất nhiều khi cảm thấy hoàn toàn không lối thoát.
Con tôi là một chàng trai giỏi giang nhưng hết sức nhạy cảm. Vì vậy, ngưỡng cảm giác trước tác động của bên ngoài rất thấp, một tác động rất nhỏ từ bên ngoài như ánh mắt, lời nói, cử chỉ của người khác cũng khiến con lo âu. Và thường nỗi lo âu đi kèm với nỗi sợ, cáu giận, mệt mỏi… Có những giai đoạn con tôi cũng bị trầm cảm nặng nề đến nỗi phải nghỉ học và bảo lưu kết quả. Thật may, đến khi bệnh được kiểm soát rất là tốt thì cháu mới đi học trở lại, thi vào đại học và thậm chí được học bổng 100% và việc học của cháu kết quả rất là tốt. Mặc dù con vẫn còn có những “ngày xấu”, nhưng cuộc chiến mỗi ngày với những cơn giận dữ, với sự kích động của con nhẹ nhàng hơn và niềm vui đến với chúng tôi ngày càng thường xuyên.
Đâu là những điều chị cho là cần thiết ở người thân để có thể giúp bệnh nhân đi qua trầm cảm, từ kinh nghiệm của chị?
Theo tôi đó là tình yêu thương và sự kiên trì. Từ nhỏ, tôi đã vốn tính lì, ba tôi khi còn sống thường nói: “Con bé này lì lắm, nó mà đã theo gì theo đến cùng”. Đồng nghiệp cũng bảo tôi “lì” khi chọn đối tượng nghiên cứu là những người nghiện ma túy và tái nghiện nhiều lần. Đó là những người đáng thương, nhưng cũng là đối tượng không thể kiểm soát hành vi, có thể gây nguy hiểm. Có lẽ nhờ lì mà tôi không chịu bỏ cuộc dù quá nhiều giông bão. Tuy vậy, trong quá trình chữa bệnh cho con, tôi cũng phải rèn luyện sự bình tĩnh, kiên nhẫn bằng việc luyện tập thiền.
Trong cuốn sổ tay của con trai tôi, bố được gọi là “nhà chiến lược” còn mẹ là “hoạt náo viên”. Chồng tôi là chỗ dựa vững chắc của mẹ con, mặc dù anh không phải lúc nào cũng mạnh mẽ. Cũng có những lúc anh ấy tức giận, chán nản, tuyệt vọng, thậm chí khóc cùng tôi, nhưng anh ấy vẫn là người mạnh mẽ để cùng mẹ con tôi qua rất nhiều bão giông. Vì anh cũng có đủ kiên nhẫn, đủ yêu thương để thức cùng con khi con muốn nói chuyện, hay chơi ván cờ dài đến 5 tiếng đồng hồ với con…
Chúng tôi biết rằng đây là trận chiến rất khó khăn, nó không phải là trận chiến khó khăn của chúng ta với cuộc đời mà chính là cuộc chiến khó khăn của chúng ta với chính chúng ta. Chúng ta không hiểu vì sao chúng ta bị trầm cảm và không biết phải làm sao để đối mặt và vượt qua nó. Và khi chứng kiến người thân của mình phải chịu những cơn đau như vậy chính chúng tôi cũng cảm thấy bất lực.
Có những chuyện tầm thường, không đáng quan tâm với người bình thường lại trở nên cực kỳ quan trọng đối với người bệnh. Đôi khi người ngoài thắc mắc vì sao họ lại có xu hướng quan trọng hóa vấn đề như thế, sao họ không thể sống một cách đơn giản hơn. Nhưng thật sai lầm khi nói với người trầm cảm: “Hãy cố gắng suy nghĩ tích cực lên!”. Điều này là “bất khả thi”, giống như chúng ta khuyên người gãy chân hãy chạy nhảy nhiều cho mau lành vậy. Họ không cần những lời khuyên sáo rỗng, hãy ở bên họ, lắng nghe và kiên nhẫn chờ “cơn” đi qua.
Trên cả nước hiện có khá nhiều tổ chức, dự án phi lợi nhuận hướng đến sức khỏe tâm thần, nhất là bệnh nhân trầm cảm. Vì sao chị lại quan tâm đặc biệt đến Beautiful Mind Việt Nam và đồng ý làm cố vấn cho nhóm này?
Điều đặc biệt là cả năm thành viên chính của dự án đều có vấn đề về trầm cảm hiện đang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi làm việc với nhau qua mạng vì tất cả mọi người đều đang học tập và công tác ở các nước khác nhau như Việt Nam, Singapore, Mỹ… Thành viên sáng lập dự án là một bạn trẻ đã có vấn đề tâm lý từ 14 năm nay, một chứng rối loạn hoảng sợ (panic disorders) và hiện tại đang làm nghiên cứu về khoa học máy tính và dữ liệu tại Singapore.
Tôi thấy cách làm việc nghiêm túc của các bạn trẻ trong nhóm này, thể hiện qua việc luôn làm việc với những bác sĩ chuyên khoa, chuyên viên tâm lý để xác thực thông tin trước khi đăng. Một số trường hợp “cầu cứu” qua Facebook, dù chưa biết mặt, cả nhóm cũng được huy động ngay để trợ giúp người bệnh… Tôi cảm nhận họ là những người trẻ nhiệt tình, chân thành nên muốn hỗ trợ để dự án này được nhân rộng.
- Xem thêm: Bệnh trầm cảm
Người tham vấn tâm lý như chị hẳn là cũng gặp không ít áp lực…
Giúp được người thì cảm thấy hạnh phúc. Trong tâm lý học có quy luật người đi giúp hạnh phúc hơn người được giúp. Chính vì vậy, khi giúp được cho người khác, tôi cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa trong công việc của mình.
Cảm ơn chị về những chia sẻ trên.