Nếu những New York, Paris, London từ lâu đã trở thành kinh đô của mỹ thuật thế giới thì những năm gần đây Hongkong, Bắc Kinh đã nổi lên như các trung tâm mỹ thuật lớn tầm mức toàn cầu. Và mới nhất là Bogotá của Colombia, Budapest của Hungary, Johannesburg của Nam Phi và Seoul của Hàn Quốc.
Điều đó được những người đến với các hội chợ mỹ thuật lớn nhất thế giới như FIAC ở Paris và Frieze ở London vào tháng 10-2014 xác nhận, khi họ chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều gallery đến từ các thành phố còn tương đối xa lạ (ít nhất là trong khuôn khổ thị trường tác phẩm mỹ thuật) nhưng đã chiếm lĩnh những vị trí quan trọng tại hội chợ bên cạnh các tên tuổi nặng ký của thị trường mỹ thuật như các gallery David Zwirner và Hauser & Wirth. Đó là các gallery đến từ các thành phố có thể đã có bề dày về văn hóa nhưng vẫn hết sức non trẻ trên sân khấu mỹ thuật toàn cầu. Và ở các gian trưng bày của họ, bên cạnh tác phẩm hội họa, điêu khắc hay nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ bản địa còn có tác phẩm của những ngôi sao lớn trong làng mỹ thuật thế giới, đơn cử như gallery Kukje ở Seoul khi mang đến hội chợ FIAC một kiệt tác điêu khắc chuyển động của Alexander Calder, được ông sáng tác từ năm 1966 mà nay giá trị lên đến hàng triệu USD.
Bogotá: vốn nổi tiếng xấu là hang ổ của trùm buôn lậu ma túy Pablo Escobar vào thập niên 1990 cùng những vụ thảm sát đẫm máu nhưng thủ đô đất nước Nam Mỹ này còn là quê hương của họa sĩ – nhà điêu khắc thiên tài Fernando Botero mà nay các tác phẩm với các nhân vật béo tròn của ông đã vang danh khắp thế giới. Khung cảnh mỹ thuật của Bogotá cũng đã mở rộng trong vài năm gần đây như một địa chỉ quan trọng của mạng lưới mỹ thuật toàn cầu, nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới kinh doanh tác phẩm nghệ thuật với các ngôi sao trẻ mới xuất hiện bên cạnh những khuôn mặt kỳ cựu như Botero, những người mà nói như bà Paula Bossa, giám đốc quốc tế của gallery Casas Riegner thì: “Thế hệ các nghệ sĩ tạo hình trẻ đã vượt qua cái quá khứ bạo động mà Colombia từng trải qua”. Gallery của bà làm đại diện cho họa sĩ bậc thầy Miguel Ángel Rojas, “bố già” của nền mỹ thuật Colombia song cũng đưa ra thế giới các họa sĩ trẻ ở tuổi ba mươi như Icaro Zorbar, họa sĩ sáng tác với các đề tài gắn với đời sống chính trị xã hội đất nước Colombia cũng như với công nghệ hiện đại đang vây bủa con người. Gallery El Museo làm đại diện cho Fernando Botero song cũng giới thiệu nhiều gương mặt trẻ đương đại như Adriana Duque và Ana Adarve.
Budapest: vào năm 2000, khi họa sĩ Alexander Tinei chuyển đến sống và sáng tác ở Budapest, thành phố này còn ít cơ hội cho các nghệ sĩ tạo hình so với đất nước Moldova bé nhỏ của ông. Nay ở tuổi 46, sự nghiệp nghệ thuật của Tinei đã cất cánh. Trong một phiên đấu giá do nhà Sotheby’s ở London tổ chức mới đây dành cho các họa sĩ Đông Âu đang nổi lên, hai bức tranh của ông đã được bán với giá gần 10.000 USD mỗi bức, một thành quả ngoài mong đợi và nó cho thấy các nhà sưu tập đang chú ý đến khung cảnh mỹ thuật ở Budapest. Annamária Molnár, chủ nhân gallery Molnár Ani và từng là Chủ tịch Hiệp hội các gallery đương đại ở Hungary nói: “Bước tiến dù chậm nhưng mà chắc, các nghệ sĩ đương đại sống ở Budapest đang nhận được sự quan tâm quốc tế”.
Johannesburg: vào năm 1997, khi Johannesburg tổ chức Triển lãm mỹ thuật lưỡng niên lần II, qua sự kiện này thủ đô Nam Phi được mong đợi sẽ trở thành trung tâm văn hóa – nghệ thuật của cả châu Phi. “Nam Phi thời kỳ hậu apartheid đã thoát khỏi sự cô lập về văn hóa” như lời ông Zoe Whitley, giám tuyển lĩnh vực mỹ thuật quốc tế của bảo tàng Tate ở London. Trong thập niên vừa qua, Johannesburg đã tổ chức được nhiều sự kiện mỹ thuật lớn quy mô toàn châu lục như Turbine Art Fair và Joburg Art Fair nhằm nâng cao vị thế của các họa sĩ bản địa trên thị trường quốc tế, kết quả thu được rất mỹ mãn. Trong số 10.000 khách đến với Joburg Art Fair 2014, có các giám tuyển của bảo tàng Tate và Trung tâm mỹ thuật Pompidou ở Paris. Các tên tuổi như Zanele Muholi và Nicholas Hlobo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà buôn và nhà sưu tập quan trọng trên thế giới. Một trong những gallery tiền phong ở Johannesburg là The Goodman đã đứng ra tổ chức triển lãm cho nghệ sĩ đương đại Nam Phi David Goldblatt tại Paris và mới đây tổ chức triển lãm cho nữ họa sĩ người Mỹ Liza Lou tại Johannesburg.
Seoul: nửa thế kỷ sau chiến tranh Triều Tiên, những ai mê say mỹ thuật ở Seoul cũng chỉ mới được xem tranh Monet qua những ấn phẩm hoặc qua báo chí, nhưng vào những năm đầu của thế kỷ XXI thì các không gian mỹ thuật ở Seoul và nhiều thành phố lớn của Hàn Quốc đã hết sức sôi động với nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Một thế hệ các nghệ sĩ tạo hình trẻ của Hàn Quốc nổi lên từ các gallery như Alternative Loop, Art Space Jungmiso và Doosan. Và từ đây họ bước tới các hội chợ nghệ thuật quốc tế.
Với những tác giả trẻ sinh ra sau chiến tranh như Jeamin Cha, Ha Chong Hyun và Park Seo-bo, tác phẩm của họ đã xa rời ảnh hưởng phương Tây và mang đậm dấu ấn bản địa, chính điều đó gây được thiện cảm đối với các nhà sưu tập nước ngoài. Năm ngoái, lão họa sĩ tuổi đã bát tuần Seung-taek Lee chuyên vẽ tranh trừu tượng đã nhận được huân chương văn hóa của Chính phủ Hàn Quốc và được hãng xe hơi Hyundai vinh danh bằng một triển lãm cá nhân. Chính Hyundai cũng đang hỗ trợ các họa sĩ trong nước đến với các triển lãm ở nước ngoài và đã giúp bảo tàng Tate Modern ở London mua chín tác phẩm của cố nghệ sĩ Nam June Paik, người tiền phong trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại tại Hàn Quốc. Ngoài ra, Seoul còn có những mạnh thường quân nghệ thuật như tỉ phú Kim Chang-il, người mới xây dựng bảo tàng tư nhân Arario trong một cao ốc mà ông đã mua với giá 15 triệu USD.
- Lê Bản