Trong giới cầm bút, cái tên Lê Minh Khôi có thể chưa nhiều người biết đến, nhưng nếu nói tên Mạc Đại thì hẳn nhiều người vẫn nhớ. Mạc Đại đã viết những bài tản văn chứa chan cảm xúc về tình đời, tình người từ thời còn blog Yahoo 360 và được “lưu truyền” rộng rãi trên internet. Nếu ai đã theo dõi Lê Minh Khôi từ thời điểm ấy cho đến lúc cầm trên tay tập tản văn Những sườn núi lấp lánh, chắc đều phải công nhận là không nhiều tác giả thể hiện được cái tinh tế của tâm hồn và chất thơ trong ngôn từ vào thể loại tùy bút – tản văn như Lê Minh Khôi.
Với Những sườn núi lấp lánh, Lê Minh Khôi viết những chuyện rất đời thường mà rưng rưng cảm xúc, tiếng rao đêm lạc thỏm giữa phố phường, có vụ kẹt xe ngắc ngứ trong đô thị, ly cà phê Huế còn mãi dư âm, có cậu nhóc chăn bò ham chơi… Thông qua đó là những băn khoăn về sự bất an ở thành thị, nỗi cô đơn của người trưởng thành, ước mơ được sống yên lành… Tập tản văn cũng là niềm vui hồn nhiên của trẻ thơ, là sự thấu cảm trước cái đẹp đang hiển hiện hay dần tàn phai, nhưng trên hết nó là nỗi đau đáu về kiếp người. Có lẽ nghề bác sĩ giúp tác giả cảm nhận rõ hơn về nỗi đau đớn trong cuộc đời, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhưng chính trái tim biết đập thổn thức mới giúp cho Lê Minh Khôi cảm nhận những cung bậc trầm lắng của cuộc đời.
Cuốn sách được chia làm ba phần, giống như sự dịch chuyển trong cuộc đời một con người. Phần I – Thương nhớ ca dao là những hồi tưởng về vùng quê nơi miền Trung đầy nắng gió, về khoảng trời ấu thơ đã xa khuất sau lưng. Ở đó có gia đình, bạn bè, có những con người chân chất, lam lũ. Phần II – Bấp bênh phận người mang đến những thấu cảm, sẻ chia và đau đáu với những phận người trong cái nhìn của một bác sĩ. Và phần III – Những sườn núi lấp lánh mở ra những hành trình lớn khi tác giả có cơ hội được ra nước ngoài. Nhưng sự ra đi này cũng chính là để quay về, để soi chiếu, nhìn lại thế sự, về cuộc đời và về con người. Vì “Càng yêu những vùng đất mới bao nhiêu, tôi càng chạnh lòng thương nhớ quê nhà bấy nhiêu. Dưới áp lực mưu sinh, những người dân nghèo quê tôi đành đi làm lâm tặc cho dù không phải những lâm tặc bất đắc dĩ này không biết xót xa khi phải ra tay triệt hạ núi rừng vốn đã bao bọc, chở che và nuôi sống họ từ đời này sang đời khác. Trong giấc mơ của mình tôi vẫn thấy một ngày những sườn núi quê tôi không còn trơ trụi, không còn lở lói sau những cơn mưa nữa mà chúng đã lấy lại được vẻ lấp lánh rạng rỡ và có đôi phần cao ngạo, bí ẩn khi xưa. Và hình như tôi còn mơ thấy những khuôn mặt đen nhẻm muội than cũng rạng rỡ vô ưu trong lễ hội dân gian truyền thống như những người nông dân ở vùng Alps, nơi mà có lẽ họ chưa bao giờ biết đến dù chỉ là cái tên” (Trích Những sườn núi lấp lánh).
Năm mươi bảy bài tản văn mang đến một hành trình dài của Lê Minh Khôi từ khi còn thơ ấu nơi miền quê Quảng Ngãi, đến khi lớn lên trở thành bác sĩ. Hành trình ấy tiếp tục được nối dài ra khỏi lãnh thổ của đất nước khi anh tu nghiệp và công tác ở nước ngoài. Trên hành trình mang tính cá nhân ấy, có không ít những câu chuyện, những thân phận người bấp bênh mà ai cũng có thể bắt gặp trong cuộc sống. Nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét: “Đọc Những sườn núi lấp lánh, chúng ta thấy được sự lấp lánh của cảm xúc cùng sự ấm áp của tình người. Viết về những vẻ lấp lánh cũng là đi tìm cái đẹp bị vùi dập hay khuất lấp giữa đời thường. Như con nhện bé nhỏ chăm chỉ giăng lưới không phải để bẫy bắt những con mồi mà chỉ để giữ lại vẻ lấp lánh của những giọt sương, tia nắng và cả những hư ảo sắc màu”.
Những sườn núi lấp lánh do NXB Hội Nhà văn xuất bản, giá bán: 90.000 đồng.
- Xuân Lộc