Có thể chính bạn không biết công việc tiếp thị truyền thông xã hội mình đang thực hiện có thu hút được mọi người đến với doanh nghiệp của bạn không hay ngược lại, họ thấy chán ngán và bỏ đi.
Nếu cứ đăng tải trên Twitter, Facebook hay Pinterest những nội dung đặc sệt quảng cáo, tự đề cao bản thân hay mang tính thương mại quá mức thì đúng là bạn đang khiến những người theo dõi không sớm thì muộn cũng sẽ từ bỏ. Sau đây là những sai sót thường gặp nhất trên truyền thông xã hội mà bạn nên tránh.
Chỉ mải mê nói về sản phẩm hoặc dịch vụ
Đây là một trong những sai lầm căn bản nhất mà bất cứ nhà tiếp thị nào, dù chuyên nghiệp hay mới vào nghề, cũng không được phép mắc phải. Đừng bao giờ trở thành một kẻ huyên thuyên về bản thân mình giữa một buổi tiệc.
Nếu cập nhật những nội dung trên Facebook, Twitter hay tag hình ảnh trên Pinterest mà chỉ nói về thương hiệu của bạn thì chẳng khác gì sự tự sát trên diễn đàn truyền thông xã hội.
Một trong những nguyên tắc cần tuân theo chính là quy luật 80-20, cụ thể là 80% nội dung đăng tải nên hướng đến giải quyết những vấn đề của khách hàng và chỉ có 20% là dành cho hình ảnh về công ty bạn và những sản phẩm bạn đang kinh doanh.
- Xem thêm: Khai thác truyền thông xã hội đúng cách
Không chia sẻ với người khác
Thay vì cứ lặp lại những dòng thông điệp quảng cáo về sản phẩm hay dịch vụ, hãy nỗ lực chia sẻ, đăng tải, hoặc tag nội dung của những người theo dõi một cách thường xuyên hơn.
Cũng nên trao đổi với người theo dõi bằng những cuộc đối thoại ngắn và thân thiện, nhất là với những cá nhân có tầm ảnh hưởng chính trong lĩnh vực kinh doanh của bạn.
Không chỉ khuyến khích tinh thần cộng đồng trong mạng xã hội của bạn, việc chia sẻ ấy còn góp phần đẩy cao tầm với của thương hiệu và giúp bạn có thêm sự tin tưởng ở người theo dõi.
Mặt khác, bạn còn có thể chia sẻ những hình ảnh và nội dung có chủ đề liên quan đến ngành kinh doanh của bạn thường được nhóm khách hàng mục tiêu quan tâm.
Chẳng hạn, nếu bạn kinh doanh đồ chơi dành cho trẻ em, hãy nghĩ đến việc chia sẻ những bài đăng tải của chính người theo dõi nếu nó có giá trị đối với các bậc phụ huynh.
Trên trang Facebook của mình, Công ty Melissa & Dough (chuyên sản xuất đồ chơi) thường đính kèm các ý tưởng về nghệ thuật thủ công tự làm trong gia đình được đăng tải bởi các fan, hoặc chia sẻ những chủ đề tổ chức tiệc cho trẻ em và những trang hình ảnh đầy màu sắc có thể in ra được.
- Xem thêm: Khai thác truyền thông xã hội hợp lý hơn
Đăng tải những nội dung liên quan đến chủ đề nhạy cảm
Một trong những cách nhanh nhất khiến mọi người suy nghĩ tiêu cực về thương hiệu của bạn trên mạng xã hội chính là đăng tải những dòng tiêu đề có nội dung phản cảm, trong thời điểm không đúng lúc về những chủ đề nhạy cảm, đặc biệt nếu nó liên quan đến chính trị hay khơi dậy những cảm xúc mạnh.
Mới đây, nhà thiết kế thời trang người Mỹ Kenneth Cole đã mắc sai lầm lớn khi đưa ra quan điểm đả kích việc Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry ủng hộ việc can thiệp vào Syria.
Ngay lập tức, rất nhiều người đã vào trang xã hội của ông Cole, đưa ra những ý kiến trái ngược và vô tình gây ra một cuộc tranh luận om sòm không cần thiết.