Truyền thông xã hội đang được xem là một kênh tiếp thị ít tốn kém và hiệu quả để doanh nghiệp tiếp cận và tương tác với khách hàng.
Tuy nhiên, theo Barry Moltz – diễn giả, chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp phát huy tối đa tiềm năng và tăng trưởng (địa chỉ trang web: http://barrymoltz.com/), truyền thông xã hội cũng có thể làm tổn hại đến doanh nghiệp nếu không biết cách khai thác hợp lý. Moltz nêu ra một số trường hợp sai lầm và đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp không biến truyền thông xã hội thành mặt trái trong kinh doanh và tiếp thị.
Quan tâm đến những lời đồn đại hơn là chiến lược kinh doanh
Doanh nghiệp lạm dụng Facebook, Twitter hay LinkedIn để tìm hiểu những gì người khác đang nói về mình và những doanh nghiệp khác có liên quan. Moltz cho rằng tuy có thú vị nhưng những thông tin mà doanh nghiệp thu lượm được đa phần chỉ là những chuyện “bà tám” và chẳng tạo ra lợi ích gì cho hoạt động kinh doanh.
Moltz khuyên doanh nghiệp không nên phản ứng vội vàng với những nội dung trên các mạng truyền thông xã hội, mà cần sử dụng chúng một cách hợp lý. Nên khai thác những nội dung đó theo hướng quảng bá khả năng chuyên môn của doanh nghiệp và giúp khách hàng giải quyết vấn đề của họ.
Mỗi ngày, nên đăng nhập vào các mạng xã hội và đưa ra một ý kiến chứng minh rằng doanh nghiệp là một chuyên gia đang quan tâm đến những vấn đề nóng của toàn ngành hoặc ủng hộ những doanh nghiệp khác trong cùng ngành đang tìm hướng phát triển mới. Sau đó nhanh chóng đăng xuất, tránh tình trạng “đóng đô” trên một mạng nào quá lâu và sẵn sàng “lời qua, tiếng lại” với các thành viên trong cộng đồng của mạng đó.
Lạc vào các hoạt động và quan hệ xã hội không phục vụ cho mục đích kinh doanh
Một số người tham gia vào các mạng xã hội với mục đích ban đầu là kinh doanh, nhưng sau đó lại mải mê đi theo các đường dẫn để rồi bị lạc vào “mê cung” của các mối quan hệ xã hội chằng chịt.
Chẳng hạn, một doanh nhân có thể tình cờ tìm được thông tin về một người bạn cũ trên mạng và từ đó lao vào tìm hiểu những hoạt động, quan hệ của người bạn ấy đến nỗi sao nhãng luôn cả những hoạt động và mục đích chính của mình.
Có người còn vô tình chia sẻ những thông tin cá nhân với những người khác, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bản thân hay của công ty. Hãy tách bạch giữa các hoạt động kinh doanh và giải trí khi tham gia vào các mạng xã hội là lời khuyên của Moltz.
Tạo cảm giác bận rộn giả tạo
Những thông báo từ các mạng truyền thông xã hội có thể thường xuyên xuất hiện trên máy tính và các thiết bị di động, làm phân tâm các doanh nhân.
Thế nhưng, trên thực tế, không ít người lại xem đây là những cơ hội để tỏ ra hết sức bận rộn nhưng thật ra, mất công thu lượm những thông tin đó cũng chẳng giúp giải quyết được một vấn đề cụ thể nào.
Lời khuyên của Moltz: Nên tắt tất cả các thông báo, chỉ nên cập nhật thông tin vào những giờ nhất định trong ngày.
Muốn bán hàng trực tiếp
Sẽ là một sai lầm nếu doanh nghiệp sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ quảng cáo một chiều để bán hàng trực tiếp đến bất cứ ai tiếp nhận thông điệp tiếp thị.
Mặc dù truyền thông xã hội cũng là một trong bốn chữ P (cụ thể là Promotion) trong bộ công cụ marketing mix, nhưng những quảng cáo trên kênh truyền thông này là những thông tin dễ bị khách hàng bỏ qua nhất.
Moltz cho rằng doanh nghiệp nên điều tiết các thông điệp quảng cáo một chiều sao cho chúng chỉ chiếm không quá 5% tổng nội dung đăng tải của mình trên một mạng xã hội.
Dùng truyền thông xã hội để thay thế những cuộc gặp gỡ khách hàng trực tiếp
Truyền thông xã hội có thể giúp doanh nghiệp tạo ra những mối quan hệ nhưng không thể thay thế cho sự tương tác trực diện giữa con người với nhau. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể sử dụng truyền thông xã hội để hỗ trợ việc xây dựng quan hệ vững chắc với khách hàng trước và sau các cuộc gặp gỡ trực tiếp.
Chẳng hạn sau khi trực tiếp gặp gỡ khách hàng, doanh nghiệp có thể lập ra danh mục những khách hàng đặc biệt trên Facebook, Twitter và LinkedIn để theo dõi các hoạt động của họ và đưa ra lời bình luận thích hợp.