Lần đầu tiên trong lịch sử xếp hạng những nhãn hiệu hàng đầu thế giới (Best Global Brands) do tổ chức Interbrand thực hiện, Coca-Cola đã phải nhường ngôi đầu bảng từng chiếm giữ liên tục 13 năm cho nhãn hiệu mới nổi trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Vị trí số 1 năm nay đã thuộc về Apple, kế đó là Google. Apple đã xuất hiện trong danh sách Best Global Brands từ năm 2000, khi Interbrand bắt đầu thực hiện khảo sát và xếp hạng các nhãn hiệu trên thế giới. Ở thời điểm đó, Apple đứng hạng 36 với giá trị thị trường đạt 6,6 tỉ USD. Đến nay, Apple đã có giá trị 98,3 tỉ USD, tăng gấp 15 lần so với năm 2000.
Tổng giá trị của nhóm 100 nhãn hiệu hàng đầu trong danh sách Best Global Brands 2013 là 1.500 tỉ USD, tăng 8,4% so với năm 2012.
Để xếp hạng, Interbrand đã khảo sát ba yếu tố chính làm nên giá trị của một nhãn hiệu, gồm (1) Thực trạng tài chính của các sản phẩm (hoặc dịch vụ); (2) Vai trò của nhãn hiệu trong việc ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khách hàng và (3) Nhãn hiệu có đủ mạnh để tạo ra một mức giá bán cao hay đảm bảo sinh lợi cho công ty hay không.
- Xem thêm: Đi tìm định nghĩa mục đích cho nhãn hiệu
Những nhãn hiệu tăng giá trị nhiều nhất
- Facebook (hạng 52, tăng 43%). Đây là nhãn hiệu truyền thông xã hội duy nhất có chỗ đứng trong bảng xếp hạng năm nay.
Trong năm qua, công ty này đã đạt thành công lớn trong việc tăng doanh thu và lợi nhuận trên một đơn vị cổ phần (EPS), vượt qua mong đợi của thị trường chứng khoán Mỹ.
Facebook cũng đã tăng được 26% số người sử dụng trên toàn cầu kể từ khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO) cách đây một năm. - Google (hạng 2, tăng 34%). Nhờ những đổi mới liên tục trong sản phẩm và dịch vụ lõi của mình (dịch vụ tìm kiếm thông tin, hệ điều hành Android và thư điện tử Gmail) cùng những sản phẩm mới như Google Glass, Google đã tăng thêm được 34% giá trị và đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng.
- Prada (hạng 72, tăng 30%). Nhãn hiệu thời trang hàng đầu của Ý đã nổi lên thành nhãn hiệu có giá trị tăng nhanh thứ ba trong bảng xếp hạng năm nay với mức tăng 30%.
- Apple (hạng 1, tăng 28%). Mặc dù tiếng tăm đã ít nhiều bị suy giảm sau những cuộc tranh chấp bằng sáng chế với Samsung và những vụ lùm xùm về điều kiện lao động tại Foxconn, nhưng Apple vẫn khẳng định được vị trí đầu bảng với mức tăng giá trị đứng hàng thứ 4.
- Amazon (hạng 19, tăng 27%). Giá trị của nhãn hiệu bán lẻ này trong lĩnh vực thương mại điện tử đã tăng 27% trong một năm qua nhờ những nỗ lực không ngừng để tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.
Một trong những điều mới mà Amazon đã thực hiện thành công trong năm qua là ứng dụng Amazone Appstore dành cho hệ điều hành Android, giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn khi mua hàng qua các thiết bị di động chạy trên hệ điều hành này.
Những nhãn hiệu mới nổi
- Discovery (hạng 70). Các kênh truyền hình mang nhãn hiệu này hiện đang có mặt ở 217 quốc gia với 45 ngôn ngữ và 1,3 triệu thuê bao đăng ký ngoài phạm vi nước Mỹ.
- Duracell (hạng 85). Có mặt trong danh sách Best Global Brands từ năm 2010, nhưng sau đó nhãn hiệu thuộc sở hữu của Procter & Gamble đã bị ra khỏi danh sách và năm nay quay trở lại. Duracell hiện chiếm lĩnh 25% thị phần pin toàn cầu và được xem là một trong những nhãn hiệu hàng đầu của P&G.
- Chevrolet (hạng 89). Chiếm khoảng 50% số lượng xe do Tập đoàn General Motors bán ra trên toàn cầu, đây là lần đầu tiên nhãn hiệu này lọt vào danh sách Best Global Brands.
Sự lên ngôi của công nghệ thông tin
Trong mười nhãn hiệu hàng đầu năm nay, có đến bảy nhãn hiệu thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Tương tự, có đến bốn nhãn hiệu thuộc lĩnh vực này lọt vào nhóm năm nhãn hiệu có giá trị tăng nhanh nhất, đó là Facebook (hạng 52, tăng 43%), Google (hạng 2, tăng 34%), Apple (hạng 1, tăng 28%) và Amazon (hạng 19, tăng 27%).
Tuy nhiên, đáng chú ý là những nhãn hiệu mạnh một thời như Yahoo và Blackberry đã bị tuột dốc. Nokia (hạng 57, giảm 65%) là nhãn hiệu bị sụt giảm giá trị nhiều nhất trong lịch sử xếp hạng. Cùng chung số phận là Nintendo (hạng 67, giảm 14%) và Dell (hạng 61, giảm 10%).
Các nhãn hiệu thời trang cao cấp tiếp tục vững mạnh
Mặc dù kinh tế thế giới chưa sáng sủa nhưng các nhãn hiệu thời trang cao cấp vẫn giữ vững được vị trí trong Best Global Brands. Trong nhóm 100 nhãn hiệu hàng đầu có đến bảy nhãn hiệu thuộc lĩnh vực này, mỗi nhãn hiệu đều có mức tăng giá trị ít nhất là 5%.
Đó là Louis Vuitton (hạng 17, tăng 6%), Gucci (hạng 38, tăng 7%), Hermes (hạng 54, tăng 23%), Cartier (hạng 60, tăng 26%), Prada (hạng 72, tăng 30%), Tiffany & Co. (hạng 75, tăng 5%) và Burberry (hạng 77, tăng 20%).
Dịch vụ tài chính trên đà tăng trưởng mạnh
Tám trong số 11 nhãn hiệu thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính trong danh sách bình chọn năm nay đã đạt được những mức tăng trưởng giá trị khá tốt. Đây là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế – tài chính toàn cầu vốn ảm đạm. Nổi bật là American Express ở vị trí 23 với mức tăng giá trị 12%.
Những nhãn hiệu tăng trưởng tốt khác trong lĩnh vực này là HSBC (hạng 32, tăng 7%), Goldman Sachs (hạng 44, tăng 12%), Citi (hạng 48, tăng 5%), AXA (hạng 59, tăng 5%), Allianz (hạng 63, tăng 8%), Visa (hạng 74, tăng 11%) và MasterCard (hạng 97, tăng 8%).
Năm tốt lành cho xe hơi
Trong số 14 nhãn hiệu xe hơi có mặt trong danh sách năm nay, có đến chín nhãn hiệu đạt được tăng trưởng giá trịở mức hai con số.
Đứng đầu là Toyota (hạng 10, tăng 17%), kế đó là Mercedes-Benz (hạng 11, tăng 6%), rồi BMW (hạng 12, tăng 10%), Honda (hạng 20, tăng 7%), Volkswagen (hạng 34, tăng 20%), Ford (hạng 42, tăng 15%), Hyundai (hạng 43, tăng 20%), Audi (hạng 51, tăng 8%), Porsche (hạng 64, tăng 6%), Nissan (hạng 65, tăng 25%), Kia (hạng 83, tăng 15%), Chevrolet (89, mới lọt vào danh sách năm nay), Harley-Davidson (hạng 96, tăng 10%) và Ferrari (hạng 98, tăng 6%).