Nhưng để có được một chiếc vé vào rạp xem đúng bộ phim mình muốn xem, với nhiều khán giả yêu điện ảnh, xem ra cũng không phải đơn giản. Dễ hay khó, đến từ chính cách thức phân phối vé của đơn vị tổ chức sự kiện này.
Mỗi liên hoan mỗi kiểu
Dù được tổ chức bởi các đơn vị tư nhân hay Nhà nước, các chương trình tuần lễ phim, liên hoan phim diễn ra từ trước đến giờ ở Việt Nam cũng sử dụng cách thức phân phối vé là phát vé mời đến cho người xem, với tỷ lệ vé cho những đối tượng khác nhau tùy theo mục đích của chương trình đó. Vé sẽ được phát miễn phí tại nơi tổ chức sự kiện, vào khung giờ do ban tổ chức quy định, không nhất thiết phải phát ngay trước giờ chiếu phim. Cách làm này thoạt nhìn có vẻ công bằng vì khán giả nào cần vé thì đến nhận nhưng thật ra đôi khi cũng làm khán giả phiền lòng. Giờ phát vé thường nằm trong giờ hành chính làm việc, giờ đi học của mọi người nên rất khó có thể lấy được vé của đúng phim mình thích hoặc xem toàn bộ phim trong sự kiện để có cái nhìn tổng thể. Đó là chưa kể vé mời có thể đến tay các đối tác của ban tổ chức, phóng viên, các đối tượng khác từ nhiều ngày trước suất chiếu, số lượng vé đến tay khán giả không còn nhiều hoặc nếu có ghế ngồi cũng không còn ở vị trí tốt.
Khán giả xếp hàng nhận vé xem phim trong tuần lễ phim tổ chức tại TP.HCM
Trong tháng 3 vừa qua, khán giả TP. Hồ Chí Minh có cơ hội được thưởng thức ba sự kiện chiếu phim nước ngoài ở Việt Nam là Tuần lễ phim Hongkong tại Việt Nam tại cụm rạp BHD, Liên hoan phim Pháp ngữ tại IDECAF và ngày phim cổ tích Đức tại Viện Goethe TP. Hồ Chí Minh. Công ty Le Bros, đơn vị tổ chức và phân phối vé cho sự kiện này cho biết vé xem phim được phân bổ dành cho nhiều đối tượng: vé cho khách mời đặc biệt (truyền thông, báo chí, khách mời từ chính phủ, doanh nghiệp), vé tặng cho các sinh viên ngành điện ảnh sân khấu được đưa xuống tận trường, vé dành cho khán giả người Việt gốc Hoa tại TP. Hồ Chí Minh do báo Sài Gòn Giải Phóng kết hợp với ban tổ chức tặng cho độc giả báo. Vé dành cho công chúng được phát tại phòng chiếu BHD có hạn. Ban đầu, cơ chế phát vé quy định sẽ phát hai tiếng trước giờ chiếu. Sau đó, do nhận thấy việc phát vé kiểu này có thể gây khó cho khán giả bận đi học, đi làm nên ban tổ chức điều chỉnh lại phát toàn bộ vé trong một ngày thứ Bảy với ưu tiên ai đến trước sẽ có cơ hội nhận vé. Ban tổ chức cũng bất ngờ trước sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả yêu điện ảnh dành cho sự kiện này nên không thể đáp ứng hết nhu cầu. Đại diện BHD cho biết để khán giả có thêm cơ hội xem các phim Hongkong chất lượng cao, ngay sau đó BHD đã bán vé với giá ưu đãi là 30.000 đồng cho một số phim Hongkong khác, nhưng không phải là bảy phim đã chiếu trong khuôn khổ tuần lễ phim.
Ngày phim cổ tích Đức tại Viện Goethe TP. Hồ Chí Minh trình chiếu miễn phí các bộ phim dành cho trẻ em tại các phòng chiếu cũng có số lượng khá giới hạn. Ai đến trước thì có cơ hội vào xem phim, điều này đảm bảo những khán giả ngồi trong khán phòng thực sự là những người có nhu cầu xem phim và họ đến sớm để có một chỗ ngồi.
Liên hoan phim Pháp ngữ tại IDECAF năm nay bán vé giá 15.000 đồng cho toàn bộ 12 phim đến từ các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ như Bỉ, Canada, Ai Cập, Thụy Sĩ, Senegal… Cô Thanh Thảo, phụ trách truyền thông của IDECAF cho biết các liên hoan phim tại IDECAF thường chỉ làm theo hai phương thức: mở cửa tự do hoặc bán vé vào cửa cho khán giả có nhu cầu. Có nhiều lý do để ban tổ chức chọn cách làm này: liên hoan phim có nhiều thể loại: phim truyện, hoạt hình, tài liệu… và đến từ nhiều quốc gia, “khẩu vị” của khán giả cũng rất khác nhau nên phát hành vé mời là cách không hiệu quả. Hơn nữa, IDECAF cho rằng việc tập cho công chúng thói quen trả một khoản tiền nhỏ để thưởng thức văn hóa nghệ thuật là điều cần thiết, nhưng với mức phí vừa phải để mọi đối tượng đều có thể xem được.
Để phim đến được với khán giả yêu điện ảnh
Chị Ngọc Ái, một trong những khán giả từng đến xem phim được chiếu miễn phí nhưng phải ngậm ngùi ra về vì vé mời đã được phát hết chia sẻ: “Cách công bằng nhất là cứ bán vé ngay trước suất chiếu, những người thực sự muốn xem bộ phim đó sẵn sàng xếp hàng và ai đến trước thì có chỗ tốt. Phát vé mời cho phóng viên hay bất kỳ đối tượng nào khác nếu họ không quan tâm thì ghế ngồi đó cũng sẽ bị bỏ trống”. Đó là lý do vì sao trong nhiều suất chiếu của các liên hoan phim, không ít khán giả thiết tha vào rạp nhưng không thể vào vì không có vé mời còn bên trong rạp rất nhiều ghế bỏ trống. Trong một vài trường hợp, dù nhân viên rạp có cho vào giữa suất chiếu, khán giả cũng sẽ từ chối vì khi đó bộ phim đã chiếu dang dở, vào thưởng thức giữa chừng thì “món ngon” cũng không trọn vẹn.
Anh Châu Quang Phước – người có nhiều kinh nghiệm tổ chức trong các tuần lễ, liên hoan phim nước ngoài tại Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ, chuyện mang một bộ phim mình tham gia sản xuất đến trình chiếu trong một liên hoan phim nhưng rất ít khán giả đến xem vì công tác tổ chức yếu. Người làm nghề nào cũng muốn được công chúng quan tâm nhiều đến tác phẩm của mình khi giới thiệu ra mắt, bất kể đó là những ý kiến trái chiều nhau như thế nào đi nữa. Nếu không, mọi sự sáng tạo của người nghệ sĩ hoặc người làm nghề làm phim sẽ có nguy cơ trở nên vô nghĩa khi không nhận được sự tương tác đầy đủ và cần thiết từ công chúng của mình. Có lẽ, cách thức văn minh nhất để khán giả có điều kiện xem phim là ban tổ chức vẫn bán vé như một hoạt động chính thức. Nhưng vé sẽ bán với giá ưu đãi, tạo điều kiện cho khán giả dễ dàng tiếp cận với những chương trình sự kiện. Và nếu lo ngại việc bán vé sẽ gây sai lệch theo kiểu thương mại hóa với các hoạt động có ý nghĩa giao lưu văn hóa, ban tổ chức có thể sử dụng số tiền bán vé này vào việc gây quỹ xây dựng và phát triển văn hóa sau tuần lễ phim hay liên hoan phim. Bên cạnh đó, nên đẩy mạnh truyền thông để nhiều đối tượng công chúng được tiếp nhận thông tin đầy đủ kể từ trước khi diễn ra chương trình cho đến lúc kết thúc chương trình. Với các kênh phân phối vé mang tính ưu tiên như báo, đài thì cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ và có điều kiện, nhằm tránh tình trạng “người ăn chẳng hết, kẻ lần chẳng ra”.
Với mức giá chung của một vé xem phim trong các hệ thống rạp ở TP. Hồ Chí Minh hiện giờ, việc bỏ ra một khoản tiền nho nhỏ để xem được bộ phim mình yêu thích trong các tuần lễ hoặc liên hoan phim – với những khán giả yêu điện ảnh đích thực – là chuyện hoàn toàn có thể chấp nhận được. Khán giả sẵn sàng chia sẻ với đơn vị tổ chức về những khó khăn kinh phí khi tổ chức các sự kiện này, trong mức độ có thể, vậy thì cớ gì cứ phải phát hành vé mời để làm khó nhau như thế?
Quỳnh Nhã
Ảnh HKTEO