Hai tác giả đều đã qua tuổi thất thập, mỗi người một phong cách hội họa, đã đứng bên nhau trong phòng tranh “Mùa hạ” tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ 1-7 đến 30-7).
Nếu trong tranh Trịnh Thanh Tùng (sinh năm 1942) phần lớn là những gương mặt phụ nữ yêu kiều, thướt tha trong tà áo dài – thể hiện sở trường vẽ chân dung của ông, thì ở cực ngược lại tranh của Bùi Quang Ánh (sinh năm 1940) là những bố cục màu sắc và đường nét, tối giản những chi tiết bởi ông “không vẽ những gì đang nhìn thấy”. Để thể hiện cảm xúc một cách trực tiếp nhất, mãnh liệt nhất, Bùi Quang Ánh chỉ vẽ bằng những ngón tay và bàn tay, thay vì cọ hay dao vẽ. Cũng vẽ thiếu nữ (Thiếu nữ mùa hạ) nhưng chân dung cô gái trong tranh ông là “những gì còn sót lại của hiện thực thị giác”, một ám tượng mơ hồ nhưng khơi gợi nhiều điều. Hay chàng Hoàng tử Mơ-nông cũng chỉ còn những vệt màu gợi hình ảnh của một Tây Nguyên khoáng đạt, hoang dã…
Hai mươi sáu bức tranh đều đã được vẽ từ nhiều năm trước, tất cả đều thuộc bộ sưu tập của gallery Tự Do. Nên mới có những bức như Đêm trong rừng của thời Bùi Quang Ánh còn vẽ tranh biểu hình, trước khi đến với biểu hiện trừu tượng như hiện nay. Riêng hai bức tĩnh vật của Trịnh Thanh Tùng thì có một số phận khá “truân chuyên”, theo lời bà Thu Hà, trước khi nó thuộc về sưu tập của chủ nhân gallery Tự Do.
Cao niên nhưng cả hai họa sĩ đều vẫn còn nhiều năng lượng sáng tác. Những mùa hạ vẫn đang cháy bỏng trong tranh của họ.
- Như Hoa