Chuyện xưa kể rằng ngày thư viện Alexandria ở Ai Cập bị đốt cháy, chỉ có một cuốn sách được cứu thoát. Tuy nhiên, đó không phải là cuốn sách có giá trị nên một người đàn ông nghèo, vốn chỉ đọc được dăm ba chữ đã mua lại nó với giá chỉ vài xu. Cuốn sách ấy đúng là không nói lên được điều gì đặc biệt, nhưng lẫn trong những trang viết của nó có một đoạn thú vị.
Đoạn văn tiết lộ về thuật tìm kiếm một viên sỏi màu nhiệm, có khả năng diệu kỳ là khi chạm vào bất cứ vật kim loại nào thì vật ấy liền biến ngay thành vàng. Lời chú thích ghi rằng viên sỏi cần tìm nằm lẫn trong hàng ngàn viên sỏi khác, không thể nhận ra nó bằng mắt trần. Bí mật được tiết lộ là khi chạm vào viên sỏi đó sẽ có cảm giác ấm, trong khi các viên sỏi thường thì lạnh tanh.
- Xem thêm: 9 sai lầm luôn gặp ở kẻ thất bại: Nếu không thay đổi hơn nửa số này, bạn đừng mơ tới thành công
Người đàn ông về nhà bán hết của cải, chỉ mang theo một ít thứ cần thiết đi ra bờ biển, nơi có một bãi sỏi rộng mênh mông và bắt đầu cuộc tìm kiếm. Ông ta tự nhủ rằng quy trình tìm kiếm rất đơn giản: chỉ việc lượm một viên sỏi, nếu nó lạnh thì quăng xuống biển và lượm viên khác, cứ thế cho đến khi lượm được viên sỏi ấm.
Viên sỏi đầu tiên lạnh, bị ném xuống biển. Viên thứ hai, thứ ba…, rồi đến viên cuối cùng trong ngày cũng lạnh cả. Điều duy nhất mà ông ta hài lòng trong ngày tìm sỏi đầu tiên là càng về cuối ngày, việc lượm sỏi và ném đi càng nhanh.
Thời gian cứ trôi qua. Hết một tuần, qua một tháng, rồi nhiều tháng trôi qua. Việc lượm sỏi ném xuống biển đã trở nên quá thuần thục đối với người đàn ông nọ nhưng viên sỏi ấm vẫn biệt tích.
Bỗng một ngày kia, một sự cố đã xảy ra. Lúc xế trưa, khi lượm tiếp một viên sỏi, ông ta có cảm giác nó ấm áp hơn so với những viên sỏi khác nhưng vẫn ném nó xuống biển. Khi giật mình nhận ra rằng phải giữ nó lại thì không kịp rồi: thói quen lượm sỏi ném xuống biển đã khiến ông ta không kịp thay đổi hành vi. Ông ta bần thần nhận ra sai lầm của mình khi viên sỏi đã bị nhấm chìm vào nước biển.
Câu chuyện này cũng có trên internet và một trong các lời nhắn gửi thêm vào là nên so sánh những viên sỏi với các cơ hội, cụ thể là: “Trừ phi chúng ta thận trọng, còn không thì chúng ta sẽ để vuột mất cơ hội dành cho mình. Do có thói quen loại bỏ nhiều thông tin đến với chúng ta, chúng ta sẽ dễ loại bỏ chính cơ hội đến với mình”.
Có thể mở rộng nhận xét ấy đối với các công việc trong môi trường doanh nghiệp. Những công việc hằng ngày, do đã quá quen thuộc nên thường được chúng ta thực hiện giống như thói quen lượm và ném những viên sỏi lạnh xuống biển. Khi thói quen đã hình thành thì chúng ta ít phải suy nghĩ và nếu có phát sinh điều gì mới, nhất là cần có thay đổi nào đó có thể tạo nên ích lợi mới thì đòi hỏi ấy dễ bị xem thường và dễ bị loại bỏ, cũng giống như viên sỏi ấm.
Từ đó mới thấy rằng trong khi làm các công việc thường nhật, nếu chúng ta luôn biết chờ đón các cơ hội mới và chuẩn bị tâm lý ứng xử đúng cách với các những đòi hỏi mới thì vận may và thành công có thể đến bất ngờ.
Khi theo dõi sự tiến bộ của nhân viên, người quản trị có kinh nghiệm nhìn thấy một ranh giới rõ ràng giữa hai dạng nhân viên. Một dạng chỉ luôn làm theo thói quen, dạng kia có xu hướng làm việc theo cách mới, thậm chí cố gắng tìm ra phương pháp mới.
Những ai không chấp nhận làm việc thụ động theo thói quen, luôn suy nghĩ cải tiến cách làm việc thì công việc thường nhật của họ luôn mới mẻ và vì thế, năng lực thao tác và kết quả làm việc của họ ngày một cao. Họ biết nhìn ra các cơ hội làm cho công việc tưởng là không còn gì đáng bàn về cách thực hiện để đạt kết quả tốt hơn và cảm nhận được sự thú vị trong công việc của mình. Doanh nghiệp luôn cần có những con người như thế.