Sau khi cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton chính thức tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới, trên báo chí Mỹ đã có nhiều bài phân tích về một vài lợi thế mà người phụ nữ đầy quyền lực, giàu kinh nghiệm chính trường này đang có. Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 8-11-2016, bà Hillary sẽ trở thành tổng thống thứ 45 trong lịch sử nước Mỹ và là người phụ nữ đầu tiên là chủ nhân của Nhà Trắng. Lần này khác với cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ mà bà đã thất bại hồi năm 2008, việc bà là một phụ nữ sẽ là những yếu tố nặng ký ngoài việc đã từng là cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ và cựu ngoại trưởng dưới chính quyền Obama.
Nghệ thuật gom góp những đồng USD
Việc tiến hành một chiến dịch vận động bầu cử tổng thống đòi hỏi phải có rất nhiều phương tiện tài chính. Trong chiến dịch vận động bầu cử năm 2012, ông Barack Obama đã chi trực tiếp hoặc gián tiếp số tiền khổng lồ là 1,123 tỉ USD, nhiều hơn một chút so với số tiền mà đối thủ của mình là ông Mitt Rommey đã bỏ ra; 1,019 tỉ USD. Bà Hillary Clinton có thể dựa vào sựủng hộ của Super PAC – Priorities USA tức Ủy ban hành động chính trị, một lực lượng đã góp phần to lớn vào thắng lợi của Tổng thống Barack Obama hồi năm 2008 và 2012. Không có gì đáng ngạc nhiên là chủ tịch của tổ chức này không phải ai khác, mà chính là Harols M Ickes, một người thân với vợ chồng Clinton. Ickes giữ vai trò chủ yếu là cố vấn cho Hillary Clinton khi bà quyết định tham gia cuộc chạy đua giành chức Thượng nghị sĩ bang New York hồi năm 1999. Tuy nhiên, Priorities USA sẽ không phải là nguồn tài trợ duy nhất cho chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 của bà Hillary Clinton mà ai cũng biết ngay từ mùa thu năm 2014, các nhà tài trợ của Hollywood đã bắt đầu tỏ ý sẵn sàng “chi những tấm séc” cho nhân vật này. Ngoài ra, tháng 12-2014, một trong những người giàu nhất thế giới là Warrant Buffett, cũng đã tỏ ý sẵn sàng trợ giúp tài chính cho chiến dịch vận động tranh cử của bà Hillary. Chưa hết, nhiều người nói rằng còn những tổ chức, thế lực sẵn sàng mở két cho chiến dịch tranh cử của bà cựu Ngoại trưởng Mỹ này còn đang “trong bóng tối”. Cuối cùng người ta cũng không thể bỏ qua khối tài sản cá nhân của gia đình Clinton. Nếu năm 2000, họ bị “cháy túi” theo lời bà Hillary thì nay họ đã nhanh chóng khôi phục nhờ các hợp đồng xuất bản béo bở và những bài nói chuyện được trả tiền rất cao. Từ năm 2001, họ đã tích lũy được 155 triệu USD, một số tiền lớn mà họ sẵn sàng sử dụng “không tiếc một xu” cho chiến dịch vận động tranh cử sắp tới. Trong khi đó, những người thuộc Đảng Cộng hòa khó mà có số tiền như vậy, nhất là vòng bầu cử sơ bộ của họ có nguy cơ kéo dài và khó khăn, vì vậy chắc chắn sẽ tốn kém hơn so với phe Dân chủ, nơi bà Hillary dường như không có đối thủ.
Tài trấn an các cử tri
Năm 2016, bà Hillary sẽ 69 tuổi, nếu trúng cử bà sẽ trở thành tổng thống cao tuổi nhất khi bước vào nhiệm kỳ đầu tiên. Không bỏ lỡ cơ hội, những người thuộc đảng Cộng hòa đã công kích về tuổi tác của bà, không do dự trưng ra những tấm hình chụp khi bà để mặt mộc.
Tuy vậy, theo nhiều người, biết đâu chuyện tuổi tác của bà Hillary lại có thể là một con bài. Hồi còn trẻ, hình ảnh của bà là hình ảnh của một người lạnh lùng và khó gần. Nhưng nay, mọi cái đã thay đổi: gia đình Clinton đã thông báo rộng rãi về việc bà Hillary đã trở thành bà ngoại, một người bà ngày càng đằm thắm, tình cảm. Thất bại cay đắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014 nhất là khi ông Obama chỉ giành được 38% số người ủng hộ vào cuối năm 2014, một con số thấp kỷ lục đối với một Tổng thống Mỹ thể hiện sự mất lòng dân, có thể ảnh hưởng đến ứng cử viên đảng Dân chủ vào năm 2016. Nhưng bà Hillary đã biết giữ khoảng cách với ông Obama. Nhất là sau những khó khăn, vấp váp của ông Obama, người Mỹ rất có thể muốn có một gương mặt nhà lãnh đạo khiến họ yên lòng rằng có thể ngăn chặn được sự suy sụp của đất nước này.
Trong một bối cảnh như vậy, bà Hillary Clinton, một gương mặt trên chính trường Mỹ, một cái tên được nhiều người Mỹ yêu mến rất có thể được xem như vật trấn an cho những người dân Mỹ đang bị mất phương hướng. Lợi thế khác là bà Hillary Clinton dù không thuộc phái tự do nhất của đảng Dân chủ, nhưng vẫn ủng hộ việc hôn nhân đồng giới, và hiện nay nó đã được hợp pháp hóa tại 35 bang của nước Mỹ. Bà cũng ủng hộ việc tăng lương tối thiểu – điều này đã được thực hiện khi chồng bà là ông chủ của Nhà Trắng và bà đã đưa ra những lời lẽ rất cứng rắn chống lại việc CIA tiến hành tra tấn từ năm 2002-2006 như một báo cáo của Thượng viện đã tiết lộ vào cuối năm 2014.
Về chính sách đối ngoại, bà Hillary luôn có quan điểm cực kỳ kiên quyết, ngay cả khi bà đã rời khỏi chức ngoại trưởng vào ngày 1-2-2013. Theo nhận xét của nhiều người, sự kiên định ấy của bà là cách thức để thoát khỏi thế bị kèm của Tổng thống Barack Obama, và nó cũng thể hiện một niềm tin sâu sắc của bà đối với chính sách do bà chủ trương. Đối với nhà cựu lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ, nước Mỹ không bao giờ được hạ vũ khí trước các kẻ thù tiềm năng.
Thế mạnh phụ nữ
Năm 2008, bà Hillary tiến hành cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với sự tin chắc tuyệt đối rằng một phụ nữ chỉ có thể giành chiến thắng nếu chứng tỏ với người Mỹ rằng mình là một nhà lãnh đạo xứng đáng với tên gọi này. Sau khi bị thất bại ngay từ đầu cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hồi năm 2008, bà Hillary đã quyết định phải tự bảo vệ mình trên các phương tiện truyền thông. Được mời nói chuyện ở buổi phát thanh Access Hollywood, trên đài NBC, bà than phiền về “tình trạng bên trọng bên khinh mà một phụ nữ ra ứng cử phải đối mặt”.
Sau thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm ấy, bà Hillary cuối cùng chấp nhận làm Ngoại trưởng Mỹ. Sau khi đã đặt chân tới 112 nước trong bốn năm và nhiều lần phải đối mặt với các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới, giờ đây bà có thể tự hào một cách chính đáng là người có một kinh nghiệm dày dặn và một khả năng thực sự thể hiện tư chất của một tổng tư lệnh. Năm 2008 cũng như năm 2012, khi người ta biết rằng các cử tri có đòi hỏi đầu tiên đối với tổng thống của họ là người có tình cảm thân ái, cái mà lúc bấy giờ mọi người cho là bà “chưa có”, thì bây giờ người ta thấy rõ rằng bà đang có đầy đủ những đức tính và tư chất này khi là người mẹ, bà ngoại và đơn giản là người phụ nữ.
Chắc chắn bà Hillary cùng các cộng sự sẽ rút ra những kinh nghiệm quý báu từ những thất bại của các ứng cử viên Cộng hòa trong hai cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây, khi họ đã để mất phần lớn cử tri nữ do những tuyên bố được coi là bê bối về nạn hiếp dâm. Chẳng hạn ứng cử viên Cộng hòa vào chức Thượng nghị sĩ bang Missouri năm 2012, Todd Akin, Richard Mourdock, ứng cử viên Cộng hòa ở bang Indiana trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2012 đã phản đối việc nạo phá thai trong trường hợp bị hiếp dâm vì “đó là sự lựa chọn của Chúa”. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trong cuộc tranh cử để có được nhiệm kỳ tổng thống lần hai, vào năm 2012, ông Barack Obama đã giành được 55% số phiếu của phụ nữ trong khi chỉ có 45% nam giới bỏ phiếu cho ông. Trong lần bầu cửấy, phụ nữ chiếm 54% tổng số cử tri, nên cuối cùng ông Obama đã chiến thắng. Chính vì thế, dư luận Mỹ cho rằng để chiến thắng, chắc chắn bà Hillary sẽ phải tìm cách “mua” được phụ nữ, và nếu làm được thế có thể nói rằng bà sẽ có tất cả các con bài trong tay để thành công.
Cũng như ông Obama hồi năm 2008 và 2012, những lợi thế trên sẽ cho phép bà Hillary Clinton mở rộng giới cử tri, một sự cần thiết để giành chiến thắng, trước mắt là trong đảng Dân chủ, sau đó là cuộc đấu với ứng cử viên đảng Cộng hòa. Ngoài số phiếu của phụ nữ, bà cũng cần số phiếu của các sắc tộc thiểu số. Vấn đề hiện nay là liệu người Mỹ gốc Phi có quay lại bỏ phiếu cho người của đảng Dân chủ hay không, nhất là trong bối cảnh họ đang rất thất vọng về ông Obama và vì thế, họ đã rất thờơ với cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11-2014? Đối với người gốc Mỹ Latin, quyết định của chính quyền Obama, bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, chắc chắn sẽ là một lợi thế lớn cho ứng cử viên đảng Dân chủ vào năm 2016. Việc các ứng cử viên đảng Cộng hòa, những người đã chỉ trích mạnh mẽ việc xích lại gần Cuba không phản ánh dư luận đa số tại một đất nước mà ở đó 68% dân chúng muốn chấm dứt lệnh cấm vận với Cuba.
Theo những phân tích trên, cho dù mới chỉ bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử, bà Hillary Clinton dường như có nhiều hy vọng thắng. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là dự đoán, khi mà tất cả còn đang ở phía trước, nhất là những cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thường gay cấn, bất phân thắng bại tới tận phút chót.