Sách (do Tổ chức Guinness Thế giới có trụ sở ở thủ đô London, Anh quản lý, biên soạn) ra đời từ năm 1955, mỗi năm tung ra 1 ấn bản mới và đến nay đã phát hành 141 triệu bản tại hơn 100 nước, trở thành sách bán chạy nhất mọi thời đại. Nhân dịp này, những kỷ lục độc đáo nhất của Sách đã được giới thiệu tại London.
Que đan len lớn nhất thế giới: Kỷ lục thú vị này được Elizabeth Bond (có biệt danh Betsy, 31 tuổi, sống ở hạt Wiltshire, Tây Nam Anh và là sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật tại Đại học Wiltshire) phá đổ tại Đại học Wiltshire ở thành phố Chippenham (hạt Wiltshire) vào ngày 13.6.2017, khi cô trình làng một cặp que đan len to đùng, đường kính 9,01cm và chiều dài sơ sơ… 4,42m, dài hơn kỷ lục cũ đến 1m!
Theo quy định của Tổ chức Guinness thế giới, que đan khổng lồ này phải sử dụng được, có khả năng đan được ít nhất 10 mũi và 10 hàng sợi len. Tại nước Anh, người ta thường tận dụng cán chổi nhẹ hoặc ống nhựa rỗng làm que đan len.
Bởi thế, Betsy đã dùng 2 ống nhựa rỗng (có gắn 2 nút đậy ở 2 đầu cán que đan) và nhờ Trung tâm in 3D của Đại học Wiltshire giúp cô chuốt chúng thành cặp que đan len lớn nhất, trở thành “ngôi sao” trong Sách Kỷ lục Guinness Thế giới 2019.
Cô đã dùng cuộn len to đùng và cặp que đan khổng lồ để đan được 10 hàng sợi len, thành một tấm thảm màu xanh nhạt tuyệt đẹp, đúng theo quy định của Tổ chức Guinness thế giới.
Cặp que đan kỷ lục này là niềm cảm hứng sáng tạo lý thú và là một phần Đồ án mỹ thuật tốt nghiệp Đại học Wiltshire của cô. Cô muốn tập trung vào một đồ án dệt may, mà đan len là một ý tưởng tuyệt vời.
Đồ án tốt nghiệp độc đáo này (cũng như nhiều đồ án mỹ thuật khác) đã được triển lãm tại Đại học Wiltshire và gây sự tò mò, thích thú cho công chúng đến xem.
Đồ án của cô là thông qua việc trưng bày cặp que đan kỷ lục, cô muốn khơi mở một cuộc trò chuyện quy mô lớn với công chúng về nghề thủ công truyền thống và các kỹ năng đan len được bảo tồn qua nhiều thế hệ người Anh.
Và đồ án đã thành công ngoài sức tưởng tượng: Mọi người liên lục đến xem cặp que đan khổng lồ và chăm chú lắng nghe cô giới thiệu nghề đan len.
Thuở nhỏ, Betsy thường xuyên quan sát mẹ cô triển khai các dự án nghệ thuật tự chế tác các đồ vật tại nhà và cô đam mê mỹ thuật từ lúc ấy, thường giúp mẹ chế tạo hoặc tái chế nhiều đồ vật lớn nhỏ. Cô cũng thích đan len từ lúc ấy và luôn trau dồi công việc nghệ thuật đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ này.
“Mọi người đều có năng lực sáng tạo tiềm ẩn bên trong cơ thể. Điều quan trọng là bạn biết khơi gợi năng lực ấy với niềm tin mãnh liệt rằng bạn có thể hoàn thành tốt công việc sáng tạo nghệ thuật”, cô tâm sự.
Nhiều xúc xích nhất được sản xuất trong 1 phút: Kỷ lục này được Barry John Crowe 28 tuổi, sống ở thị trấn Cavan (quận Cavan, tỉnh Ulster, Ireland) phá đổ trong chương trình “Big Week on the Farm” (Tuần lễ đáng nhớ trên Nông trại) của RTÉ (Raidió Teilifís Éireann – Đài truyền hình công cộng quốc gia Ireland, có trụ sở ở thủ đô Dublin) được quay phim và phát sóng trực tiếp tại Trung tâm văn hóa Maudabawn ở thị trấn Cootehill (quận Cavan, tỉnh Ulster, Ireland) vào ngày 3.4.2017, khi anh dùng máy nhồi nhân thịt mỡ vào ruột heo, rồi thoăn thoắt dùng tay cột từng đoạn ruột heo nhồi thịt thành từng cặp xúc xích, với thành tích trong 1 phút sản xuất thủ công được sơ sơ… 78 chiếc xúc xích!
Kỷ lục cũ là 60 chiếc xúc xích, do Tim Brown (người Anh) xác lập tại thành phố Moodiesburn (Scotland) vào ngày 20.7.2016.
Theo quy định của Tổ chức Guinness thế giới, mỗi chiếc xúc xích mà Barry sản xuất đều dài đúng 4 inch và phải căng mọng, đúng chất lượng của loại xúc xích ngon.
Barry đã luyện kỹ thuật cột xúc xích siêu nhanh suốt nhiều năm qua và trở thành bậc thầy sản xuất xúc xích tại Ireland.
Cha của anh có cửa hàng thịt và xúc xích mang tên “Crowe’s Quality Meats” ở thị trấn Cavan và đã kinh doanh được hơn 43 năm.
Từ lúc 10 tuổi, Barry đã bắt đầu học nghề sản xuất xúc xích tại cửa hàng này và chăm chỉ làm việc tại đây cho đến nay.
- Xem thêm: Những cái… nhất trên Trái Đất?
Năm 13 tuổi, anh đã giành được giải thưởng đầu tiên về kỹ thuật thủ công sản xuất xúc xích ngon và siêu nhanh, do chính phủ Ireland trao tặng, nhằm tôn vinh nghề truyền thống sản xuất xúc xích của Ireland.
Hiện nay anh đang quản lý việc kinh doanh cửa hàng “Crowe’s Quality Meats” và vang danh khắp Ireland vì có thể sáng tạo nên 36 loại xúc xích khác nhau, trong đó có 2 loại rất nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng, đó là xúc xích giống như tổ ong và xúc xích thanh chocolate.
Robot 6 chân lớn nhất thế giới có thể cưỡi được: Kỷ lục ấn tượng này thuộc về Matt Denton (kỹ sư 45 tuổi, chuyên gia hệ thống điều khiển động vật điện tử – Animatronic Control System Specialist, sống ở hạt Hampshire, bờ biển Nam Anh), khi anh trình làng một con robot 6 chân (có thể cưỡi được cũng như dễ dàng tháo rời), có tên Mantis, với kích thước cao 2,8m, rộng 5m và nặng 1,9 tấn.
Từ thời thơ ấu, Denton đã bị mê hoặc bởi cỗ máy AT-AT Walker (xe cơ giới bộ binh chiến đấu 4 chân hình dạng động vật, cao hơn 20m với lớp vỏ giáp không thấm nước) trong phim Star Wars: Episode V – The Empire Strikes Back (Chiến tranh giữa các vì sao 5: Đế chế phản công), khi anh đến rạp xem phim này vào năm 1980.
Kể từ đó, anh luôn có niềm đam mê và mơ ước có ngày chế tạo được cỗ máy đi bộ hình dạng động vật nhiều chân. Bên cạnh đó, những bộ trò chơi ghép hình Lego vào thời niên thiếu của anh cũng góp phần kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo bay bổng trong anh từ đó đến nay.
Sau giờ tan học ở trường trung học, Denton tranh thủ học thêm nghề điện tử, rồi tiếp tục cộng tác trong chương trình truyền hình Anh “Space Precinct” với công việc tạo phần mềm cho máy móc, robot; cũng như đảm nhận công việc này tại Cửa hàng Sinh Vật (Creature) của Jim Henson.
Tự nhận mình là nhà chế tạo “động vật điện tử” (animatronic), vào năm 2009, sau thời gian dài xây dựng khoảng 20 mô hình cỗ máy robot đi bộ 6 chân loại nhỏ (có đường kính nhỏ hơn 0,5m) với nhiều hình dạng và làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau, anh bắt đầu chia sẻ chúng trực tuyến và nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người.
Kết quả đầu tiên là robot đi bộ hình rùa 6 chân của anh đã được chọn vào một số cảnh quay của bộ phim Harry Potter và anh tiếp tục cộng tác, học hỏi kinh nghiệm với Joshua Lee, kỹ sư chế tạo động vật điện tử trên phim trường Harry Potter.
Sau đó, Denton nhận được kinh phí và đơn đặt hàng chế tạo robot 6 chân nặng 200 tấn sử dụng dưới nước.
Thế là Denton quyết định dành nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để sáng tạo nên mô hình robot Mantis nặng 1,9 tấn hình dạng động vật 6 chân, mô phỏng bước đi của loài cua và những động vật chân đốt cũng như các loài bọ cánh cứng, lấy cảm hứng từ bộ phim Star Wars. Robot Mantis khổng lồ vừa là việc hiện thực hóa niềm ước mơ cháy bỏng từ nhỏ của anh, vừa là phiên bản robot 6 chân khổng lồ thử nghiệm để anh kiểm tra những vấn đề phát sinh có thể gặp phải khi anh bắt tay vào việc chế tạo robot 6 chân nặng 200 tấn trong tương lai gần.
Denton đã mất 3 năm lao động cật lực với nhiều lần nâng cấp máy móc điện tử, mới hoàn thành phiên bản robot Mantis.
Mantis có buồng lái nằm giữa các chân để người dùng điều khiển hoặc điều khiển từ xa thông qua wifi, sử dụng động cơ diesel Perkins 2,2 lít, cho phép cỗ máy robot này đi bộ với tốc độ tối đa chỉ hơn 1km / giờ.
Robot có 18 độ tự do thông qua 2 cần điều khiển (mỗi cần có 3 trục) và 28 nút bấm, với 1 máy tính Linux là “bộ não” của robot.
Máy tính này sử dụng phần mềm HexEngine để điều khiển chuyển động mỗi chân robot, với đơn vị nhận lệnh từ giao diện điều khiển của robot và gửi phản hồi.
Sau khi robot Mantis phá kỷ lục thế giới, Denton đã được mời làm việc tại phim trường khởi quay phim Star Wars: Episode VII – The Force Awakens (Chiến tranh giữa các vì sao 7: Thần lực Thức tỉnh).
Phim được công chiếu vào tháng 12.2015 và sau đó, Denton đã nhận được một giải thưởng điện ảnh cho hiệu quả công việc của mình trên robot BB8 trong phim.