Trong ngày thứ ba liên tiếp Quốc hội thảo luận về ngân sách, kinh tế – xã hội, vấn đề nổi bật được dư luận quan tâm hơn cả là năm dự án kém hiệu quả có khả năng làm tiêu tán hơn 30 ngàn tỉ đồng được mổ xẻ với lời giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm về tình trạng này và không loại trừ có sự cố tình vi phạm pháp luật. Các dự án nói trên có nguy cơ phá sản gồm (1) Dự án Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng do Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; (2) Dự án Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Bio-Ethanol Dung Quất có tổng vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng do Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung là chủ đầu tư; (3) Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng, do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; (4) Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, do Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam – Vinapaco theo quyết định của Chính phủ và (5) Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Đăng đàn sáng 3-11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu thực tế “không chỉ có năm dự án này mà còn một số dự án khác cũng còn tiềm ẩn nguy cơ và tồn đọng các vướng mắc, nếu không tháo gỡ kịp thời thì sẽ có khả năng rơi vào tình trạng kém hiệu quả, gây nguy cơ mất vốn đầu tư từ nguồn lực của Nhà nước và từ nguồn lực xã hội”.
Ông cho biết, trong quá trình thực hiện có rất nhiều vướng mắc, với nhiều thay đổi cả về bối cảnh thị trường cũng như về những vấn đề cụ thể trong từng dự án, tuy đã có sự chỉ đạo của nhiều cơ quan nhà nước ở các cấp để tháo gỡ nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả.
Trước đây Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất rõ Bộ Công thương phối hợp cùng với các bộ ngành tổng hợp, rà soát, đánh giá, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án này và có báo cáo cụ thể với Chính phủ.
Những vấn đề cần báo cáo là thực trạng hiện nay của dự án, thứ hai là quá trình điều hành thực hiện các dự án đầu tư này, vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý cũng như của các chủ đầu tư và thứ ba là xác định rõ những biện pháp, giải pháp để giải quyết thực hiện các dự án theo nguyên tắc bảo vệ, giữ gìn lợi ích của Nhà nước cũng như hiệu quả đồng vốn ngân sách. Đồng thời có phương án giải quyết triệt để, để đảm bảo không làm thất thoát vốn của Nhà nước, phù hợp với những nguyên tắc của kinh tế thị trường và hiệu quả, mục tiêu đầu tư của dự án.
Bộ trưởng nhìn nhận, qua những dự án này đã bộc lộ những khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng như về mặt thể chế. Cần làm rõ trách nhiệm giữa các bộ quản lý, giữa các bộ chủ quản, các bộ quản lý về đồng vốn và hiệu quả nguồn vốn Nhà nước cũng như bộ quản lý về quy trình thủ tục đầu tư. Vì vậy, thời gian tới rất cần phải làm rõ cơ quan quản lý đối với phần vốn nằm trong doanh nghiệp nhà nước.
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội là rất đáng hoan nghênh khi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương làm rõ các dự án khác ngoài năm dự án được đề cập trong phiên họp này, cũng đang bị thua lỗ. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) mạnh dạn đặt vấn đề: “Chỉ cần mỗi một ngày qua lỗ vài ba tỉ, mỗi một năm lỗ năm, bảy chục tỉ chứ không cần đến mức lỗ ngàn tỉ như một số nhà máy đã nêu thì cộng lại cũng đã cho ra một con số hết sức lớn. Trong khi đó, ở vùng sâu vùng xa, hàng chục triệu đồng bào ở diện nghèo đang rất cần những khoản kinh phí đang bị tiêu tốn vào những dự án nói trên”.
Cũng còn may mắn là bên ngoài vùng tối của năm dự án có khả năng làm bốc hơi 30.000 ngàn tỉ đồng, có những điểm sáng lên một hy vọng về tính hiệu quả của đầu tư. Đó là dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 (từ TP. Hồ Chí Minh đi cửa khẩu Mộc Bài) hiện đã nhận được đề xuất của nhiều nhà đầu tư.Tổng mức đầu tư ước tính cho dự án này từ hơn 6.500 tỉ đồng đến 9.500 tỉ đồng.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 1-11 đã có bốn nhà đầu tư đều là các liên doanh gồm nhiều công ty hưởng ứng dự án này.
Qua xem xét đề xuất của các nhà đầu tư và căn cứ điều kiện thực tiễn và đảm bảo khả năng hoàn vốn đầu tư dự án bằng thu phí, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đề xuất mở rộng đoạn đi qua thành phố lên 60 mét, còn đoạn đi qua tỉnh Tây Ninh chỉ nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước theo bề rộng hiện hữu.
Trước khi phê duyệt đề xuất dự án và lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hôm đầu tháng 11 TP. Hồ Chí Minh đã gửi báo cáo và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Tây Ninh có ý kiến về phạm vi và quy mô dự án.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 được Chính phủ giao cho TP. Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư và thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (hợp đồng BOT).
Quốc lộ này dài 58,2km, kết nối từ TP. Hồ Chí Minh qua Tây Ninh để đến cửa khẩu Mộc Bài đang trong tình trạng quá tải nên cần được nâng cấp, mở rộng. Sau khi hoàn thành mở rộng dự án này các nhà đầu tư sẽ được lập trạm thu phí, như vậy số trạm thu phí của thành phố sẽ ngày càng dày thêm.
Cùng với việc mở rộng quốc lộ 22, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư để xây dựng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài (chạy song song quốc lộ 22). Trong tương lai, sau khi hoàn thành, đường cao tốc này cùng với quốc lộ 22, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 3 và 4 (TP. Hồ Chí Minh) sẽ tạo thành các trục giao thông kết nối các tỉnh phía Nam và khu vực ASEAN gồm Bangkok – Phnom Penh – TP. Hồ Chí Minh.
Trong một diễn biến liên quan đến đầu tư hạ tầng, tại hội nghị bàn về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề giao thông tại đây cũng được đặt ra.
Những chuyên gia tham dự cho rằng muốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm này (gồm bốn tỉnh thành An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ) thì một cơ chế chính sách mới cho vùng là đòi hỏi tất yếu.Thế nhưng, cơ chế chính sách đó phải xuất phát từ thực tiễn, từ việc tháo gỡ những khó khăn hiện tại của vùng.
Cụ thể, với lĩnh vực hạ tầng, thời gian qua diện mạo giao thông đã có thay đổi, nhưng khi so sánh với các vùng khác, Đồng bằng sông Cửu Long còn thua kém rất nhiều.Tuy những trục giao thông quan trọng đã hình thành, có cầu lớn vượt sông kết nối đi lại đã cơ bản hoàn chỉnh, nhưng kết nối giao thông phục vụ kinh tế thì còn vướng.Có đường thì vướng tải trọng cầu, kết nối giao thông đường bộ, đường thủy chưa đồng bộ.
Vấn đề đặt ra tại hội nghị này là giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải là trục xương sống và phải có quan hệ với các tỉnh còn lại.
Gia Minh (DNSGCT)