Với văn hóa nhân loại, kết hôn là một trong những nghi thức xuất hiện sớm nhất. Ở cái nôi của loài người-châu Phi, lễ cưới luôn được tổ chức hết sức trang trọng. Song khác với phần còn lại của thế giới đâu đâu cũng chung một biểu tượng hôn nhân-chiếc nhẫn, Lục địa Đen đa dạng đồ vật biểu thị “hoa có chủ” đặc sắc.
Vòng cổ Maasai
Maasai là bộ lạc thuộc bộ tộc Nilotic, dân tộc bán du mục bản địa của châu Phi, sinh sống chủ yếu tại Kenya và Tanzania (2 quốc gia ở Đông Phi). Họ nổi tiếng là nhóm người ưa… nhổ nước bọt. Văn hóa Maasai tin rằng nước bọt chính là thứ nước quý giá nhất của con người. Mỗi khi gặp gỡ bạn bè thân thiết, họ lại nồng nhiệt nhổ nước bọt vào tay trước rồi mới bắt tay.
Phụ nữ Maasai có thói quen chưng diện, rất thích trang phục màu sắc sặc sỡ và các trang sức hạt cườm. Họ làm hạt cườm bằng các nguyên liệu tự nhiên như đất sét, vỏ sò, xương, ngà, sừng, gỗ… Cứ có thời gian rảnh là các chị em lại ngồi xâu hạt cườm, làm vòng tay hoặc dây chuyền. Cả nam lẫn nữ Maasai đều đeo hạt cườm. Mỗi độ tuổi, địa vị xã hội, tình trạng hôn nhân, sinh con trai hay con gái lại có một kểu vòng hạt cườm mang hình thức và màu sắc tương ứng.
Trong các trang sức hạt cườm của người Maasai, vòng cưới là rực rỡ nhất. Nó được làm cực kỳ công phu, bao gồm nhiều vòng hạt cườm gắn kết lại với nhau, rất nặng và dài đến tận đầu gối. Thiếu nữ Maasai tốn rất nhiều thời gian để làm vòng cưới. Ngày thành thân, họ tự hào khoe chiếc vòng lộng lẫy của mình. Thành vợ người ta rồi, chị em cất vòng cưới đi, chuyển sang đeo vòng cổ dây đơn, dài, có xâu hạt màu xanh. Ngoài ra, trang sức Maasai còn vòng đĩa hạt cườm dành riêng cho con gái. Chúng là tập hợp các vòng hạt cườm đồng tâm, kết liền mạch, to nặng và lộng lẫy chỉ sau vòng cưới.
Mũ Zulu
Zulu là một sắc tộc của Nam Phi có số lượng cư dân khoảng 11-12 triệu người. Họ nổi tiếng xem trọng vấn đề trinh tiết đến mức cực đoan. Mọi thiếu nữ Zulu trước khi kết hôn đều phải trải qua kiểm tra trinh tiết. Người Zulu thậm chí chia hạng trinh tiết thành các loại A, B, C. Có điều, văn hóa trang phục của họ thì dường như trái ngược với quan niệm thông thường.
Thiếu nữ Zulu chưa chồng thoải mái ở trần, mặc váy cực ngắn và không cần đội mũ. Chỉ khi thành “vợ người ta”, họ mới phải mặc áo, đội mũ che đầu. Văn hóa Zulu răn dạy phụ nữ kết hôn phải ăn mặc kín kẽ. Càng về già, họ lại càng cần che thân kỹ lưỡng hơn.
Mũ của phụ nữ Zulu đã thành thân được làm thủ công bằng vải, kết hạt cườm tinh tế. Chị em Zulu rất khéo léo. Mọi chiếc mũ của họ đều là những kiệt tác nghệ thuật. Mặc dù nhìn bề ngoài, chúng có vẻ rất giống nhau, nhưng nếu “soi” kỹ sẽ nhận ra mỗi cái một vẻ. Đàn ông Zulu có vợ quấn băng đô được làm bằng da báo trên trán. Người Zulu cực kỳ coi trọng trang phục da báo. Phải là giới hoàng gia hay các tù trưởng mới được khoác áo khoác da báo. Nam giới bình thường chỉ một lần trong đời được mặc áo da báo: ngày tân hôn.
Váy Dinka
Dinka là một dân tộc của Nam Sudan, quốc gia ở Bắc Phi. Họ theo lối sống du canh du cư, ở chung 2-100 gia đình/nhà. Người Dinka nổi bật bởi chiều cao vượt trội, chỉ chiều cao trung bình đã 1,82m. Họ được đánh giá là tộc người cao nhất châu Phi.
Văn hóa Dinka coi trọng tuổi tác. Nam thiếu niên đến tuổi trưởng thành nhất thiết phải trải qua nghi lễ khắc sẹo. Họ dùng vật sắc nhọn, rạch một số đường trên trán. Vết thương sau khi lành sẽ để lại dấu sẹo rõ nét. Dấu sẹo này cũng chính là đặc điểm nhận diện của người Dinka.
Khác với người Maasai hay Zulu ưa thích chưng diện, người Dinka cực kỳ xuề xòa. Họ thường không mặc gì cả. Con gái Dinka chưa kết hôn luôn khỏa thân, còn phụ nữ đã có chồng thì che thân dưới bằng một chiếc váy da dê đơn giản.
Đĩa môi Mursi
Mursi là bộ lạc thiểu số bản địa của Ethiopia, quốc gia ở Đông Phi. Dân số cả bộ lạc chỉ vào khoảng 11.500 người. Dẫu vậy, họ vẫn nổi bần bật nhờ hình thức làm đẹp có một không hai trên thế giới: khuyên môi siêu khủng.
Trước khi kết hôn khoảng 6-12 tháng, thiếu nữ Mursi phải xỏ khuyên môi. Thường thì lúc này, họ đang ở trong độ tuổi 15-18. Người xỏ khuyên môi cho họ là mẹ đẻ hoặc các cô bác bà con. Người ta rạch một vết xuyên thủng dài 1-2cm trên môi dưới của cô gái, tại vị trí chính giữa, sau đó nhét một mẩu gỗ vào. Qua khoảng 2-3 tuần, vết thương sẽ lành, hình thành một lỗ môi có đường kính khoảng 4cm. Mỗi ngày, thiếu nữ Mursi lại tích cực kéo vành môi, làm lỗ môi ngày một rộng ra. Khi mẩu gỗ lọt lỗ môi, họ thay thế nó bằng đĩa môi.
- Xem thêm: Rực rỡ vòng hạt Maasai
Đĩa môi là chiếc đĩa được nặn bằng đất sét. Mỗi cô gái Mursi đều tự tay làm đĩa môi của mình. Họ có thể trang trí cho nó bằng cách vẽ các hoa văn phức tạp. Lỗ môi càng rộng thì thiếu nữ Mursi càng được khen là xinh đẹp. Người Mursi thách cưới bằng gia súc. Kích thước lỗ môi của cô dâu tương lai tỷ lệ thuận với lượng gia súc dẫn cưới. Đến ngày cưới, đường kính lỗ môi của thiếu nữ Mursi đã rộng từ 8-20cm.
Nhẫn mũi Berber
Berber là một tộc người bản địa vùng Bắc Phi, sống rải rác trong khu vực phía tây thung lũng sông Nile, có mặt ở các quốc gia như Marroco, Algérie, Libya, Mali và Niger. Họ theo văn hóa du mục, phân chia công việc dựa vào giới tính. Đàn ông Berber có trách nhiệm chăn thả gia súc, còn phụ nữ lo chăm sóc trẻ con, dệt vải. Người Berber sở hữu kỹ thuật dệt thảm kilim tuyệt đẹp, có sản phẩm bán khắp thế giới.
Dân tộc Berber theo chế độ phụ hệ, đàn ông có quyền chọn lấy người phụ nữ mà mình muốn. Trước khi làm đám cưới, họ tặng cô dâu một chiếc nhẫn mũi bằng vàng. Kích thước của chiếc nhẫn phụ thuộc vào điều kiện tài chính của chú rể. Phụ nữ Berber đeo nhẫn mũi là người đã có gia đình. Ngoài ra, đàn ông Berber cũng có quyền bỏ vợ. Song nếu như bị chồng li dị, phụ nữ Berber được phép bán nhẫn mũi bằng vàng. Nói cách khác, chiếc nhẫn này giống như một kiểu trợ cấp li hôn trả trước. Các chị em có thể trông cậy vào nó để bắt đầu cuộc sống mới.