Châu Phi là vùng đất đa dạng sắc tộc nhất trái đất. Mỗi sắc tộc lại có một truyền thống đặc biệt riêng. Người Maasai nhổ nước bọt lên ngực cô dâu trước lúc tiễn cô sang nhà chồng. Đàn ông Latuka bắt cóc “con gái nhà lành”, đem về nhốt trước, rồi mới xin phép hỏi cưới sau. Phụ nữ Nam Sudan có thể tổ chức hôn lễ với… ma nếu muốn. Nhưng xin đừng vội kỳ thị! Văn hóa không có chuyện quái dị, mà chỉ là khác biệt. ‘
Nhổ nước bọt đưa dâu
Có thể nói Maasai, bộ lạc thiểu số sinh sống tại Kenya và Tanzania, là tộc người trân quý nước bọt nhất trần đời. Từ thuở vừa lọt lòng, trẻ em Maasai đã được cha mẹ chào đón bằng cách nhổ một miếng nước bọt lên đầu. Lớn lên, thiếu niên Maasai học cách chào hỏi bạn bè bằng việc nhổ nước bọt vào lòng bàn tay rồi mới bắt tay. Trưởng thành, thanh niên Maasai gửi tấm lòng yêu mến đối phương qua hành động nhổ nước bọt lên món quà (thường là gia súc) trước khi trao.
Bộ tộc Maasai theo lối sống gia trưởng, đàn ông quyết định mọi chuyện trong gia đình. Thiếu nữ Maasai không được quyền lựa chọn đối tượng kết hôn, mà phải nghe theo xếp đặt của cha và người lớn. Khi họ tộc đôi bên đã đồng ý cưới-gả, nhận lễ dạm ngõ (bằng gia súc, ít nhất cũng phải có một con bò đực tặng mẹ vợ), hôn lễ bắt đầu. Nhà chú rể đến xin rước dâu, khai tiệc bằng hành động nâng một chén máu dê tươi lên uống. Cha cô dâu tiễn con gái về nhà chồng. Ông trang trọng nhổ một miếng nước bọt lên ngực cô gái. Hành động này thể hiện lời cầu chúc trăm năm hạnh phúc chân thành nhất.
Sau khi nhận lời chúc phúc từ cha ruột, cô dâu Maasai bước ra khỏi cửa. Cô vừa đi, vừa thực hiện điệu nhảy kết hôn truyền thống với cây gậy gỗ. Cây gậy này là biểu tượng của cuộc hôn nhân bền chắc, cắm rễ sâu. Cùng lúc, gia đình và bạn bè chú rể đua nhau… chửi thề. Người Maasai tin rằng những lời chửi thề này sẽ xua đuổi mọi điều xui xẻo. Cô dâu Maasai cũng không được phép quay đầu nhìn nhà cũ. Theo quan niệm của bộ lạc này, nếu quay lại thì sẽ bị hóa thành đá.
Bắt cóc trước, cưới hỏi sau
Nếu chỉ nhìn lướt qua phong tục “dựng vợ gả chồng” của người Latuka, một bộ tộc ở Nam Sudan, bạn sẽ hết hồn. Đàn ông Latuka ưng mắt cô gái nào là công khai xông vào nhà, bê thốc lên, vác chạy đi giữa thanh thiên bạch nhật. Anh ta sẽ giữ cô gái vài ngày, sau đó mới cùng thân nhân đưa cô về lại nhà cha đẻ, xin phép hỏi cưới.
Có điều, hành động bề ngoài gây sốc này không đi đôi với “bề trong” bạo lực. Latuka là một bộ tộc bán du mục, theo tập quán “của chung” hiếm hoi. Các thành viên trong bộ tộc không có tư hữu, mà chia sẻ mọi thứ, từ đất đai đến miếng ăn hàng ngày. Nam nữ Latuka tự do tìm hiểu nhau. Chỉ khi đôi bên đã ngầm đồng ý, “vụ bắt cóc” mới diễn ra êm xuôi.
Nam thanh niên Latuka cũng cần sự cho phép của gia đình anh trước. Sau khi “bắt cóc” người yêu ít ngày, anh cùng cha mẹ và người lớn trong họ tộc đến nhà cô gái xin được kết hôn. Cha cô gái sẽ cho phép hoặc từ chối. Nếu cho phép, ông sẽ nện cho anh chàng dám bắt cóc “con gái bố” một trận. Tùy vào tính tình của cha vợ tương lai, chú rể sẽ bị đánh nhiều hay ít, nặng hay nhẹ. Dù có “phải đòn” tả tơi cỡ nào, anh chàng cũng không dám kêu than hay chống đối.
Nếu cha cô gái từ chối, ông sẽ nói: “Tôi không đồng ý” và mời chàng trai ra về. Nam thanh niên Latuka có 2 lựa chọn: trả cô gái về nhà cha mẹ hoặc cứ lấy. Nếu chọn “cứ lấy”, anh sẽ bất chấp sự phản đối, giữ chặt cô gái mà mình yêu trọn đời.
- Xem thêm: Nơi phụ nữ được quyền lấy nhiều chồng
Làm rộng khuyên môi
Trước khi kết hôn từ 6-12 tháng, thiếu nữ Mursi (bộ lạc bản địa của Ethiopia) phải lo làm đẹp bằng việc xỏ khuyên môi. Mẹ đẻ hoặc các cô dì sẽ giúp họ cắt một vết thủng dài khoảng 1-2cm ở vị trí chính giữa, bên dưới cặp môi dưới. Người Mursi quan niệm rằng phụ nữ phải có khuyên môi. Khuyên môi càng rộng thì càng đẹp.
Sau khi được cắt khuyên môi, thiếu nữ Mursi sẽ dùng một mẩu gỗ nhét vào. Về cơ bản, nó cũng giống như xỏ lỗ tai. Trải qua vài tuần, vết thương sẽ hóa sẹo, hình thành một lỗ môi với đường kính chừng 4cm. Thiếu nữ Mursi bỏ mẩu gỗ đi, thay thế vào đó bằng một chiếc đĩa môi.
Đĩa môi là một chiếc đĩa nhỏ bằng gốm được trang trí hoa văn hoặc không. Mỗi ngày, con gái Mursi đều cố gắng kéo giãn khuyên môi. Đàn ông Mursi muốn hỏi vợ, phải đưa sính lễ bằng gia súc. Phụ nữ Mursi có khuyên môi càng rộng thì càng được yêu mến. Cánh mày râu Mursi sẵn sàng dẫn cưới bằng nhiều gia súc để đưa “người đẹp” về nhà. Nói cách khác, kích thước khuyên môi tương ứng với số lượng của cải hồi môn. Đến ngày tổ chức đám cưới, khuyên môi của thiếu nữ Mursi đã rộng tối đa, có thể đạt đường kích từ 8-20cm.
Đám cưới với… chú rể ma
Tại các quốc gia ở châu Phi, Nam Sudan là đất nước có truyền thống kết hôn nặng vật chất nhất. Đàn ông muốn hỏi vợ là phải có chí ít vài chục con bò. Đám cưới không chỉ là sự liên kết giữa 2 người, mà còn là mối liên minh giữa 2 dòng họ. Phụ nữ Nam Sudan giống như cầu nối gắn kết. Tất nhiên, họ không “đang yên đang lành” lại đòi lấy… chồng ma. Hôn sự là chuyện giữa người đang sống với nhau. Trai tráng Nam Sudan rất lão luyện trong vụ “thả thính”. Họ thường ỡm ờ “Em có lấy anh không?” với cô gái mà mình để mắt ngay từ sớm, sau đó kín đáo quan sát mọi hành động của cô nàng.
Lần đầu nghe tỏ tình, thiếu nữ Nam Sudan sẽ khôn khéo từ chối. Nhưng khi về nhà, cô liền kể hết cho thân nhân, bạn bè nghe. Mọi người tụ tập lại, cho cô lời khuyên nên “tóm lấy” hay bỏ qua chàng trai. Nếu là “tóm lấy”, cô gái sẽ kín đáo “đánh tiếng” cho anh chàng ngỏ lời biết.
Trước ngày rước dâu, thiếu nữ Nam Sudan phải ở một mình trong lều riêng. Đám cưới thường kéo dài suốt nhiều ngày. Trong những ngày này, chú rể sẽ bí mật ghé thăm “lều tân nương”, ở lại qua đêm. Hôn lễ với chồng ma chỉ xảy ra trong trường hợp, chú rể bất thần qua đời trước khi cô dâu được rước sang nhà chồng. Phụ nữ Nam Sudan cũng không nhất thiết phải lấy chồng ma. Họ có thể dừng đám cưới, nhưng bắt buộc phải trả hết của cải dạm ngõ. Đồng thời, mối liên minh vừa mới thành lập giữa hai dòng họ cũng bị cắt đứt.
Trong trường hợp cô dâu muốn tiếp tục đám cưới, phía nhà trai phải cử anh hoặc em trai của chú rể ra thế chân, tiến hành đầy đủ các nghi thức. Cô dâu Nam Sudan chính thức trở thành một thành viên trong nhà chồng. Không ai được phép gọi cô là “góa bụa”. Nếu cô muốn có con, anh (em) chồng sẽ chịu trách nhiệm. Song, con cái của cô thì lại được xem là của người chồng đã mất.
Sinh con thứ 2 mới xong thủ tục kết hôn
Không có đám cưới nào lại cần nhiều thời gian hơn thủ tục kết hôn của người Nuer, một bộ tộc cũng ở Nam Sudan. Người Nuer rất coi trọng giá trị của sính lễ. Chú rể phải dắt đủ từ 20-40 con bò đến nhà cô dâu thì mới được phép “đưa nàng về dinh”.
Văn hóa Nuer lấy điều kiện kinh tế làm thước đo giá trị con người. Địa vị, sức hấp dẫn của một người đàn ông nằm ở số lượng gia súc mà anh ta có. Phụ nữ Nuer đóng vai trò “người liên minh” giữa hai gia đình, dòng họ. Họ phải đảm bảo sinh được nhiều con, mở rộng dòng dõi cho nhà chồng. Chỉ khi đã sinh đứa con thứ 2, phụ nữ Nuer mới hoàn thành thủ tục kết hôn, được người chồng công nhận là vợ. Và khi sinh đứa con thứ 3, họ mới được họ tộc nhà chồng chấp thuận là con dâu. Càng sinh được nhiều con, phụ nữ Nuer càng được nhà chồng coi trọng.