Theo Viện Trái đất của Đại học Columbia, các nhà khoa học biết về không gian còn nhiều hơn đáy biển! Vì vậy, có thể xem những con vật sống dưới các đáy vực như loài sinh vật ở ngoài trái đất. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Dalhousie tại Nova Scotia (Canada) tin rằng 91% trong số chúng vẫn còn chưa được biết đến. Trong số 235.000 loài mà con người đã biết cho đến nay, nhiều loài thích nghi với môi trường bằng những lớp vỏ ngụy trang, phát sáng và thói quen giao phối dẫn đến những hình thù quái dị chưa từng thấy. Sau đây là một số loài đặc trưng.
Tôm bọ ngựa mòng gà
Được tìm thấy trong vùng nhiệt đới Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương, con tôm bọ ngựa mòng gà có màu sặc sỡ như viên kẹo, nổi tiếng với “quả đấm” nhanh vào con mồi bằng hai chiếc càng trước. Theo OCEANA, một nhóm tư vấn quốc tế bảo tồn đại dương, cú đấm của con tôm này thuộc loại nhanh nhất trong thế giới động vật và mạnh đến mức có thể làm vỡ mặt kính của hồ cá. Nhưng đừng lo: nó chỉ dùng quả đấm thép của mình để đập vỡ vỏ sò và bẻ càng cua!
Màu hồng xuyên thấu trí tưởng tượng
Tên của nó giống như một bộ đồ bằng tơ mỏng nhìn xuyên thấu da thịt. Nhưng chớ có ham! Đó chỉ là một quả dưa chuột biển được tìm thấy ở độ sâu 1,5 dặm dưới đáy biển Celebes ở phía Tây Thái Bình Dương, phía Đông quần đảo Borneo. Dù chỉ mới được tìm thấy cách nay hơn 10 năm (năm 2007), nhưng quả dưa chuột biển có một chiến lược sinh tồn rất lâu đời của tiến hóa: tự phát sáng để truy đuổi kẻ thù. Màu hồng xuyên thấu trí tưởng tượng là do lớp da trong suốt của nó, có thể nhìn thấy rõ miệng, hậu môn và tất cả ruột gan!
Cá ếch
Rất dễ lẫn lộn cá ếch bởi vì loài cá cần câu này (có đến 50 chủng loại khác nhau) gần tiệp màu với môi trường, nhất là ở các rặng san hô. Chúng giống như bọt biển hay những tảng đá phủ rong rêu và chuyển hóa sang rất nhiều màu cũng như hình dáng. Nhiều con không dùng lớp áo ngụy trang để ẩn nấp mà để giả dạng thành con sên biển độc. Dù hình dáng thế nào, mọi loài cá ếch đều có một điểm chung là cách thức di chuyển rất kỳ lạ. Mặc dù có thể lội, nhưng hầu hết lại đi bằng vây bụng, tiến hóa thành chi giống như cánh tay, có cả một khớp nối giống như cùi chỏ!
Lươn dây
Thường làm tổ trong các hang hóc của rặng san hô, con lươn dây (còn gọi là cá lịch biển mũi lá) sống trong vùng biển Indonesia, từ phía Đông châu Phi cho đến phía Nam Nhật Bản, Úc và Polynésie thuộc Pháp. Khi còn nhỏ, nó có màu đen với sọc vàng nhạt dọc theo các vây, lúc lớn lên chuyển sang màu xanh sáng và màu vàng. Loài lương này là loài “lưỡng tính liên tục” (protrandic hermaphrodites), nghĩa là thay đổi giới tính từ đực sang cái nhiều lần trong đời!
Cá mập nếp nhăn
Cá mập nếp nhăn Chlamydoselachus anguineus là một trong những loài sinh vật xương xẩu nhất dưới đáy biển. Nó trông giống như một con vật thời tiền sử vì có nguồn gốc tổ tiên cách nay đến 80 triệu năm. Cá mập nếp nhăn có thể dài đến 2 mét và mang tên này do những nếp nhăn của vây. Mặc dù mang tên cá mập, nhưng nó lại lội theo kiểu rắn, đúng hơn là lươn. Chúng ăn loài mực và phần lớn đều nuốt chửng!
Con sâu cây Noel
Các nhà khoa học tìm thấy con vật kỳ lạ này tại đảo Thằn Lằn trong rặng Đại San hô ở Úc và khéo léo đặt tên cho nó là “con sâu cây Noel”. Những “cành cây” xoắn ốc chính là ống thở và cung cấp thức ăn, trong khi bản thân con vật sống trong một cái ống. Chiếc vương miện giống như cây này lại được phủ lên bằng những cái vòi giống như sợi tóc gọi là “radioles”. Chúng dùng để thở và bắt mồi. Nhưng “radioles” cũng có thể co rút lại khi con sâu cây Noel cảm thấy bị đe dọa.
Cua hộp
Giống như nhiều sinh vật biển khác, cua hộp là vua ngụy trang. Nó chui xuống cát, lấp mình lại, chỉ chừa hai con mắt ló ra ngoài. Phần lớn thời gian, nó đều ẩn nấp như thế. Nhưng hấp dẫn nhất là cách giao phối của loài cua này. Khi con cua đực tìm thấy bạn tình, nó dùng hai chiếc càng ôm chặt và lôi đi khắp đáy biển cho đến khi vỏ con cua cái phải rụng và được thay thế bằng một cái vỏ mới. Đó là một cú giao phối kéo dài kỷ lục!
Con sâu mực
Các nhà nghiên cứu dùng chiếc tàu lặn Census of Marine Zooplankton tìm thấy con sâu mực lần đầu tiên dưới đáy biển, dưới độ sâu 1,8 dặm. Con cá trông rất vui mắt này được đặt tên là “sâu mực” vì ở đầu có 10 cái vòi giống như con mực. Con sâu mực dùng những chiếc vòi này để thu nhặt thức ăn rơi rụng từ trên mặt nước được gọi là “tuyết biển”.
Bọ biển
Loài sinh vật này sống ở vùng nước sâu rất lạnh và có thể phát triển rất to. Năm 2010, một chiếc tàu lặn xa bờ đã tìm thấy một con bọ biển khổng lồ, đường kính đến 0,8m. Nó giống như một con sâu gỗ khổng lồ chuyên ăn động vật chết từ trên mặt biển chìm xuống đáy. Dù đã được phát hiện từ năm 1879, con bọ biển vẫn còn là một bí ẩn với các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, người ta tin là chúng to lớn là để chịu đựng được áp lực cao dưới đáy biển.
Nudibranch
Có trên 3.000 loài khác nhau, nudibranch là loài ốc sên biển thiên biến vạn hóa cực kỳ trong thế giới động vật. Chúng có mặt khắp nơi, từ vùng biển cạn cho đến biển sâu, từ Nam cực đến Bắc cực và cả ở vùng nhiệt đới. Có 2 nhóm khác nhau dorid nudibranch, mềm và có vây như lông trên lưng để thở, và aelobid nudibranch thở bằng một cơ quan khác cũng nằm trên lưng gọi là cerata. Vì không có vỏ bọc nên chúng tự vệ bằng cách hóa trang thành màu sáng rực như một dấu hiệu cảnh cáo. Nhưng có lẽ khả năng kỳ lạ nhất là tiêu hóa con mồi rồi dùng các tế bào phòng vệ của chúng để bảo vệ chính mình như tạo ra mùi cay nồng hay đắng chát…
- Xem thêm: Những động, thực vật không có tuổi