Thế giới ngày nay đã thay đổi một cách đáng kinh ngạc so với thời tổ tiên của chúng ta. Họ có lẽ không thể hình dung được hậu duệ của mình đã tiến bộ như thế nào. Chúng ta đáp xuống mặt trăng, phóng vệ tinh vào không gian, khám phá các hành tinh xa xôi, và điều khiển trạm không gian quốc tế. Y học đã đạt được những điều mà trước đây xem là không thể, chẳng hạn như phẫu thuật cấy ghép, thay thế cơ quan nội tạng để cứu sống bệnh nhân và phát triển các loại thuốc trị bệnh để giúp con người có cuộc sống tốt hơn…
Ở chiều ngược lại, chúng ta thật khó hình dung những việc mà tổ tiên chúng ta xem là bình thường. Hãy thử tìm hiểu về những chuyện từng phổ biến trong quá khứ nhưng giờ đã không còn trong hiện tại.
Sử dụng ma túy được xem là hợp pháp
Theo ước tính trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865) đã có khoảng 400.000 binh sĩ được cho là bị nghiện ma túy. Ngày nay, chúng ta thấy chuyện này thật là kỳ lạ, nhưng vào thời đó người ta tin rằng người dùng ma túy sẽ không bị nghiện nếu được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch, bởi vì thuốc sẽ không đến được dạ dày.
Lùi thời gian về xa hơn, nhiều loại ma túy giúp thay đổi tâm trạng có thể tìm mua dễ dàng dù có hay không có toa bác sĩ. Khi một phụ nữ được chẩn đoán là “yếu sinh lý”, họ được bác sĩ kê đơn gồm các loại thuốc có chứa chất gây nghiện. Có một chút bất ngờ khi số phụ nữ nghiện những loại thuốc này gấp 3 lần nam giới.
Các loại thuốc có chất gây nghiện còn được sử dụng để điều trị tình trạng lãnh cảm, sợ nhột, vú bị nứt nẻ, buồn chán, nhớ nhà, cuồng loạn và nôn mửa khi mang thai. Việc tiêm cocain cũng được dùng phổ biến để giúp phụ nữ hoạt bát và nói chuyện nhiều hơn.
Thợ hớt tóc kiêm bác sĩ phẫu thuật
Cần cạo râu và hớt tóc? Muốn cắt ngón chân sưng tấy vì nó đang làm phiền bạn? Không thành vấn đề, mọi thứ sẽ được giải quyết tại… tiệm hớt tóc. Bạn có thể chắc chắn mình đến đúng nơi nếu nhìn thấy một bát máu tươi đặt trên bệ cửa sổ hoặc một cột có sọc trắng và đỏ dựng ngoài cửa. Màu đỏ tượng trưng cho máu, và màu trắng nghĩa là băng.
Việc điều trị thời trước thật là đáng sợ. “Trích máu” là cách điều trị phổ biến mà các “bác thợ cạo” luôn áp dụng. Máu được nặn ra từ những vết cắt và sử dụng giác hút, hoặc những con đỉa sẽ làm công việc này. Thật không may, chúng không biết nên dừng lại khi nào, vì vậy bệnh nhân đôi khi bị mất quá nhiều máu. Việc khoan sọ thời đó cũng khá phổ biến. Thợ cạo (kiêm bác sĩ) sẽ khoan một lỗ vào đầu người bệnh để điều trị những triệu chứng như nhức đầu, áp xe, mất trí nhớ, bệnh tâm thần… Khoan sọ cũng được sử dụng để đuổi ma quỷ đang ám ảnh ra khỏi đầu. Điều tệ nhất là người bệnh vẫn tỉnh táo suốt trong quá trình này vì thời đó không có thuốc gây mê. Nhưng có lẽ ám ảnh nhất là công việc cưa tay, chân được thực hiện bởi các bác thợ cạo. Có lẽ không cần phải giải thích thêm về sự khủng khiếp của nó.
Thi hành án tử hình trước mặt dân chúng
Trong thời Trung cổ việc hành quyết được thực hiện công khai trước mắt dân chúng để khẳng định rằng tội phạm sẽ không được khoan hồng. Thậm chí, nó được tổ chức vào ngày nghỉ để tăng thêm số người chứng kiến.
Treo cổ là hình thức phổ biến nhất, đến mức hầu hết các thị trấn đều có giá treo cổ cố định được đặt ở trung tâm quảng trường. Thi thể phạm nhân đôi khi được mang đi chôn hoặc thiêu, nhưng phần lớn sẽ được để nguyên trên giá treo cổ cho đến khi xác chết biến thành bụi.
Chém đầu cũng là một hình thức xử tử phổ biến, đặc biệt là dành cho giới quý tộc. Nếu tử tội may mắn, đao phủ sẽ hoàn thành công việc trong lần chém đầu tiên. Nhưng nếu rìu hoặc đao bị cùn, hoặc chỉ vì cẩu thả, đao phủ có thể phải chém nhiều lần mới hoàn thành công việc. Lịch sử có ghi lại trường hợp một nữ bá tước (bị kết án tử hình) đã bị chém mười nhát. Đầu của tử tội đôi khi được bêu trên cọc vô thời hạn, như một lời nhắc nhở cư dân trong thị trấn rằng luật pháp sẽ không dung thứ cho bất cứ ai phạm tội.
Cướp xác dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học
Khi có người thân qua đời, chúng ta chắc chắn sẽ rất đau buồn. Chúng ta chia sẻ những kỷ niệm với gia đình người quá cố tại lễ tang và muốn mộ phần được xây dựng đàng hoàng để người chết có thể yên nghỉ vĩnh hằng. Thật không may, trong thời kỳ Phục hưng, một số người chết bất hạnh đến mức không thể yên nghỉ trong huyệt mộ.
Khi y học tiến triển, nó hiểu rằng kiến thức về giải phẫu cơ thể người sẽ rất hữu ích cho nhân loại. Do mong muốn có được hiểu biết về cơ thể người và cách thức hoạt động của nó, nhu cầu mổ xẻ xác chết phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học tăng lên. Ban đầu, nguồn cung cấp chủ yếu đến từ những tội phạm bị hành quyết. Nhưng khi cầu vượt quá cung, bọn đào mộ trộm xác đã nhảy vào thị trường béo bở này.
Bọn chúng đào tử thi vào ban đêm sau khi người chết được an táng trong buổi sáng. Những xác chết này sau đó sẽ được bán cho các nhà giải phẫu để mổ xẻ khi thi thể chưa bị phân hủy. Khi những tên trộm mộ không đáp ứng nổi nhu cầu, các sinh viên y khoa đôi khi tự mình đi đào xác chết. Một số người đã bị bắt và bị kết tội vì điều đó. Trong thời kỳ khan hiếm nhất, xác chết thậm chí bị cướp khỏi đám tang!
Leonardo da Vinci, nhà bác học thiên tài người Ý, đã từng mổ xẻ rất nhiều xác chết. Ông đã có những khám phá quan trọng về cấu tạo cơ thể người vào thời kỳ đó và đã mô tả chúng bằng các bản vẽ cực kỳ chi tiết, giúp sinh viên y khoa có được kiến thức chính xác về cơ thể người phục vụ cho việc học tập.
Thách thức ai đó quyết đấu vì danh dự
Găng tay đã được ném xuống đất. Lời thách thức đã được nói ra: “Ta thách ngươi quyết đấu với ta”. Người bị thách thức biểu lộ sự chấp nhận qua việc nhặt găng tay lên. Tất cả những gì cần làm sau đó là xác định thời gian, địa điểm và vũ khí giao đấu. Ban đầu, vũ khí mà hai bên lựa chọn cho trận thách đấu thường là kiếm. Dần dần, kiếm Rapier – một loại kiếm thuôn dài, có lưỡi bén cả hai cạnh và mũi kiếm sắc nhọn trở nên phổ biến; và cuối cùng súng lục đã thành thể thức lựa chọn chính thức cho cuộc quyết đấu.
Chỉ cách đây chừng vài trăm năm, thách đấu là cách thức phổ biến để các quý ông bảo vệ danh dự của họ. Nhưng thực tình mà nói, phần lớn những câu nói xúc phạm trong lúc tranh luận thường không đáng để đưa ra lời thách thức. Có lẽ nó thực sự là một điều lố bịch khi đưa ra lời thách đấu vì người tranh luận nói rằng không thích trang phục của ai đó. Các quy tắc nghiêm ngặt khi thách đấu được áp dụng để ngăn chặn cái chết của những người tham gia, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Việc đi lại cực kỳ chậm và đầy rủi ro
Ngày nay, để đi từ nơi này sang nơi khác, chúng ta có rất nhiều lựa chọn. Nhưng trong quá khứ, tổ tiên chúng ta không có nhiều lựa chọn. Việc di chuyển từ A sang B vừa mất nhiều thời gian, vừa đối diện với các rủi ro không lường trước. Vào thời xưa, đi bộ là một lựa chọn phổ biến. Nó cho phép chúng ta di chuyển khoảng 24km đến 40km một ngày. Một lựa chọn khác là đi bằng ngựa hoặc xe ngựa. Tất nhiên là việc di chuyển bằng ngựa sẽ nhanh hơn một chút, ở mức 32km đến 48km mỗi ngày. Còn đi bằng thuyền buồm, nếu thuận gió có thể đạt từ 120km đến 200km mỗi ngày.
Tuy nhiên, khoảng cách địa lý không phải là vấn đề duy nhất. Nếu không tìm được quán trọ hay một nơi an toàn nào đó để trú lại vào ban đêm, lữ khách buộc phải ngủ ngoài trời. Thức ăn và đồ uống có thể cạn sạch hoặc hư hỏng, tai nạn hoặc bệnh tật có thể xảy ra, và luôn có sự lo lắng về việc bị cướp bóc hoặc thậm chí gặp phải những chuyện tồi tệ hơn. Đi thuyền buồm cũng không phải là không ít rủi ro. Những hành khách không quen đi tàu sẽ không thể chịu được sự dằn xóc từ những cơn bão dữ.
Hình phạt tàn bạo dành cho tội thông dâm
The Scarlet Letter là tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nathaniel Hawthorne, nói về một phụ nữ Thanh giáo (một trào lưu tôn giáo ở Anh, chủ trương sống thanh đạm theo giáo huấn của Kinh thánh) có chồng đã mất tích. Và một chuyện tồi tệ đã xảy ra, cô có thai. Cô bị tống vào tù và phải sinh con tại đây. Sau khi được thả, cô bị buộc phải mặc y phục có một chữ “A” (Adultery – thông dâm) màu đỏ tươi trên áo trong suốt quãng đời còn lại. Cô cũng bị cộng đồng xa lánh.
Chúng ta muốn nghĩ rằng một điều như thế này sẽ không xảy ra trong cuộc sống. Thật không may, nó là sự thực. Một phụ nữ Thanh giáo mà lừa dối chồng mình sẽ bị phạt đánh roi ở nơi công cộng. Sau đó, cô ta được đưa đến địa điểm xảy ra chuyện ngoại tình. Ở đó, cô ta sẽ phải nhận một trận đòn thứ hai. Như vậy cũng chưa đủ nhục nhã, cô bị buộc phải mang chữ “AD” trên áo để mọi người biết đây là một người phạm tội ngoại tình. Chuyện xảy ra giống như mô tả trong cuốn sách The Scarlet Letter.
Phụ nữ ngoại tình cũng có thể bị trừng phạt bằng cách diễu hành qua thị trấn trên một chiếc xe đẩy trong khi bị đánh đập. Một số còn bị xử tử vì “tội lỗi” của họ. Lưu ý là những hình phạt này chỉ dành riêng cho phụ nữ. Khi một người đàn ông phạm tội ngoại tình, anh ta sẽ bị buộc tội dâm dục (nhẹ hơn ngoại tình). Phụ nữ bị buộc tội ngoại tình (nghiêm trọng hơn) bởi vì họ được coi là những kẻ quyến rũ đàn ông.
Làm mọi thứ để tôn vinh vẻ đẹp
Quan niệm về thời trang và cái đẹp đã thay đổi rất nhiều theo dòng chảy thời gian. Vào giữa những năm 1400, phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu được coi là xinh đẹp nếu họ có dáng vóc cao ráo, trán giống như mái vòm và làn da trắng như sữa. Để đáp ứng những tiêu chí này, họ nhổ tóc ở phía trước để trán trông có vẻ cao hơn. Nếu việc nhổ bớt tóc không mang lại kết quả mong muốn, họ sẽ chà xát khu vực này bằng đá bọt hoặc làm rụng tóc bằng hóa chất. Họ cũng có xu hướng nhổ lông mi và lông mày của họ.
Màu da rám nắng chỉ dành cho phụ nữ gốc nông thôn, nên người giàu có sẽ làm tất cả những gì họ có thể để có được làn da trắng nhạt. Họ sử dụng mỹ phẩm có chứa thủy ngân, ngọc trai, bạc, hoặc vỏ trứng nghiền nát. Những người khác có thể sử dụng những thứ như bột màu trắng, phấn, hoặc bột chì trắng được pha trộn với dầu ô liu. Để làm cho mỹ phẩm có tác dụng lâu hơn, họ bôi một lớp lòng trắng trứng lên mặt trước khi trang điểm.
Tắm hay là không tắm
Trong thời Trung cổ, cư dân có xu hướng tắm thường xuyên hơn thời kỳ Phục hưng. Nhưng sau đó, vì một số lý do kỳ quặc, các bác sĩ bắt đầu cho rằng tắm trong nước sẽ khiến con người dễ bị mắc bệnh hơn. Một số nghĩ rằng việc lỗ chân lông mở ra trong khi tắm sẽ làm cho “sinh khí” của con người thoát khỏi cơ thể.
Tất nhiên, cư dân trong thời kỳ Phục hưng vẫn muốn được sạch sẽ và bảnh bao. Đặc biệt là với các quý ông, quý bà thuộc tầng lớp xã hội thượng lưu. Một số sử dụng bồn rửa tay trong nhà, nơi họ có thể làm sạch tay và mặt bằng nước vào bất cứ lúc nào. Những người khác thì rắc nhiều nước hoa vào quần áo của họ, và số còn lại sử dụng khăn thơm để lau mặt và cơ thể. Tuy nhiên, yếu tố then chốt của việc giữ vệ sinh cơ thể lại nằm trong việc thường xuyên thay đổi đồ lót.
Sinh con càng nhiều càng tốt
Trong thời kỳ Phục hưng, nhiệm vụ quan trọng nhất của một người phụ nữ đã lập gia đình là sinh con. Mặc dù nhiều phụ nữ đã chết trong khi sinh và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao, họ vẫn phải có thai nhiều lần trong cuộc đời làm vợ. Do vậy, sinh con là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ trong thời kỳ này. Thật không bình thường khi một phụ nữ phải sinh con từ 8 đến 12 lần. Một số ít từ 20 lần trở lên. Số lượng lớn các ca sinh nở đã làm gia tăng đáng kể các vấn đề phát sinh trong khi sinh, thậm chí là tử vong.
Còn các nữ hộ sinh chỉ nhận được sự chỉ dẫn từ nữ hộ sinh lớn tuổi. Họ xử lý tất cả từ việc sinh nở bình thường cho đến việc xoay đầu trẻ nếu thai nằm ngược, cả việc làm phép rửa tội khẩn cấp nếu em bé có khả năng không sống sót. Họ cũng có thể loại bỏ các thai chết lưu ra khỏi bụng mẹ và thực hiện việc mổ lấy thai để cứu đứa trẻ nếu các bà mẹ qua đời trong khi chuyển dạ.