Tiếp cận với điện ảnh là một cách thú vị để hiểu hơn về văn hoá, quan điểm của một khu vực hay quốc gia. nào đó. Tháng 6 hàng năm được đặt là Pride Month, tháng tự hào của những người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Nhân dịp đặc biệt này, cùng trải nghiệm những thước phim điện ảnh có cùng chủ đề từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Moonlight (2016)
Đạo diễn: Barry Jenkins (Mỹ)
Được dựa trên vở kịch “In Moonlight Black Boys Look Blue” (Tarell Alvin McCraney), bộ phim coming-of-age kể về cuộc đời cậu bé da màu Chiron trong 3 giai đoạn: thời thơ ấu, tuổi niên thiếu và khi đã trưởng thành. Lớn lên trong khu phố nghèo đầy rẫy ma tuý ở Miami, hành trình trưởng thành của cậu luôn phải đối mặt với bản dạng giới và danh tính của mình, bao gồm cả sự lạm dụng thể chất và tình cảm mà cậu phải chịu đựng.
Không chỉ là phim đầu tiên có dàn diễn viên toàn người da màu được vinh danh, Moonlight còn là bộ phim có chủ đề LGBTQ+ đầu tiên trong lịch sử nhận giải Oscar cho hạng mục này, được coi là một trong những bộ phim hay nhất thế kỷ 21.
Call me by your name (2017)
Đạo diễn: Luca Guadagnino (Italia)
Tiếp tục với dòng phim coming-of-age, bộ phim tái hiện mùa hè Italia oi ả nên thơ năm 1983 khi Elio, chàng trai Ý 17 tuổi gặp Oliver, sinh viên người Mỹ 24 tuổi, trợ lý thực tập của cha Elio về chuyên ngành Khảo cổ. Cũng trong mùa hè ấy, tại Cremona, những kết nối giữa 2 chàng trai cùng những mâu thuẫn nội tâm, khắc khoải được vẽ nên tuyệt đẹp, gợi cảm với những khung hình đầy tính biểu tượng.
Xuất sắc giành nhiều đề cử và chiến thắng cả trong diễn xuất, hình ảnh và ca khúc trong phim, bộ phim mang lại dư vị khắc khoải đọng mãi ngay cả khi đã kết thúc.
Portrait of A lady on Fire (2015)
Đạo diễn: Céline Sciamma (France)
Bộ phim chứa những thước phim ám ảnh, đầy mê hoặc được dẫn dắt từ sự thật sau bức tranh “Portrait de la jeune fille en feu” (Chân dung cô gái trên ngọn lửa) của nàng họa sĩ Marianne. Trong quá khứ, Marianne vẽ chân dung cho Héloïse – cô gái có vẻ đẹp lãnh đạm, đôi mắt tĩnh như hồ nhưng đầy cương quyết. Tình yêu dịu dàng, mãnh liệt của 2 cô gái đặt trong thế kỉ 18, khi phong trào nữ quyền đã đang gây tranh cãi trong các cuộc tranh luận chính trị ở cả Pháp và Anh. Ngoài ra, phim còn mang những khám phá lý thú về khát vọng tự do, sáng tạo nghệ thuật qua chắp bút của nữ đạo diễn Céline Sciamma.
Happy Together (1997)
Đạo diễn: Vương Gia Vệ (Hong Kong)
Không chỉ được xem như một trong những bộ phim về tình yêu đồng tính xuất sắc nhất thế giới, Happy Together (tên tiếng Việt: “Xuân quang xạ tiết”) cũng được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất của điện ảnh châu Á mọi thời đại. Chuyện tình nam nam do hai ngôi sao hàng đầu của điện ảnh châu Á là Lương Triều Vỹ và Trương Quốc Vinh thủ vai đã về thứ ba trong cuộc bình chọn “Những cặp đôi đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới”.
Tình yêu là bình đẳng. Dù hai nhân vật chính của phim là một đôi tình nhân đồng tính, nhưng Vương Gia Vệ khẳng định chủ đề của bộ phim không hẳn là tình yêu đồng giới. Nó là góc nhìn của ông về hạnh phúc, không phân biệt giới tính hay thời gian, như cái tên “Happy Together” đã khái quát.
A fantastic woman
(tên Tây Ban Nha: Una mujer fantástica, 2017)
Đạo diễn: Sebastián Lelio (Chile)
Điện ảnh Chile từng khẳng định chỗ đứng qua bộ phim A fantastic woman, chiến thắng Oscar 2018 ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất. Phim kể về Marina, cô bồi bàn với ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp trải qua sóng gió sau cái chết bất ngờ của người bạn trai. Cô vượt qua thế nào trước những kì thị, khinh bỉ và bất công chỉ đến từ thực tế rằng cô là một người chuyển giới?
Tangerine (2015)
Đạo diễn: Sean Baker (Mỹ)
Được quay bằng 3 chiếc điện thoại Iphone 5S, Tangerine – bộ phim hài, chính kịch của Mỹ chứng minh sức sáng tạo qua sự hoan nghênh từ các chuyên gia và 96% đánh giá tích cực từ trang uy tín Rotten Tomatoes. Một bức chân dung thô và cận cảnh về nền văn hóa buôn bán tình dục ở Los Angeles cũng như việc phá vỡ các quy ước về kỹ thuật làm phim, tuyển diễn viên, Tangerine là một dấu mốc thú vị trong điện ảnh.
Song Lang (2018)
Đạo diễn: Leon Quang Lê (Việt Nam)
Sự mong manh đầy xúc cảm của kép chính Linh Phụng là một chất xúc tác cho ẩn ức của tay giang hồ Dũng “Thiên Lôi” quay về, kéo gần hơn khoảng cách của sự trái ngược, phát sinh từ đây những thấu hiểu bình dị giữa 2 con người cô đơn. Nghệ thuật cải lương được thể hiện phù hợp để dẫn dắt mạch phim, được xoay quanh hai nhân vật chính là kép đàn cải lương Linh Phụng và tên giang hồ Dũng “Thiên Lôi”. Song Lang ra mắt cùng với sự đón nhận tích cực của giới phê bình cũng như khán giả yêu điện ảnh Việt.