Chúng ta thường nghe nói những động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, chẳng hạn tê giác đen… Ít được nhắc đến hơn, thực vật cũng lâm vào cảnh huống tương tự và trong một số trường hợp chỉ còn một số rất ít cây “đại diện”.
Đâu là những cây bị đe dọa nhiều nhất? Sau một cuộc đánh giá dựa trên nhiều tiêu chuẩn (số lượng hiện hữu, tỷ lệ sụt giảm, diện tích phân bổ địa lý…), 10 cây được Hiệp hội Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) xếp vào loại “nguy kịch” và được ghi vào Danh sách Đỏ. Những cây này mọc ở những nơi hẻo lánh, khó đặt chân đến. Cây bị đe dọa do sự phá hủy và thoái hóa của môi trường tự nhiên, biến đổi khí hậu, chặt hái bất hợp pháp và cả do sự cạnh tranh của những loài xâm lấn.
Cỏ lá kèn Attenborough
(Nepenthes attenboroughii)
Loài cây này chỉ được tìm thấy ở đỉnh núi Victoria ở Palawan (Philippines). Số cây ít ỏi này được phát hiện vào năm 2007, khi một nhóm nhà thực vật học, được 2 nhà truyền giáo báo động, đã leo lên tận đỉnh núi. Cây được đặt tên theo tên nhà vạn vật học người Anh là Sir David Attenborough, mọc ở độ cao trong khoảng 1.500m và đỉnh 1.726m. Ước lượng chỉ còn vài trăm cây.
Nepenthes là những cây ăn thịt, bẫy loài vật nhờ bầu chứa đầy chất lỏng. Cỏ lá kèn Attenborough là một trong những cây lớn nhất thuộc loài này, với bồn chứa cao đến 30cm để bẫy côn trùng.
Cọ tự tử
(Tahina spectabilis)
Loài cọ khổng lồ này chỉ thấy trong những vùng hẻo lánh ở Tây Bắc Madagascar. Cây sống khoảng 50 năm, nở hoa chỉ một lần trong đời và chết ít lâu sau đó, do trữ lượng chất dinh dưỡng cạn kiệt để ra hoa. Cọ này được khám phá vào năm 2005 bởi người quản lý một đồn điền trồng đào lộn hột, được chính thức mô tả vào năm 2008. Thân cây cao 18m, lá dạng quạt, đường kính đôi khi dài 5m. Chỉ còn khoảng 90 cây và 100 chồi non tại vùng đất gốc.
Lan mọc ngầm
(Rhizanthella gardueri)
Loài lan này tăng trưởng suốt đời trong lòng đất, trổ nhiều hoa rất thơm, từ màu kem cho đến màu đỏ, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Hoa lan lạ này chỉ thấy trong rừng rậm Tây Australia. Thiếu diệp lục tố nên lan không thể rút năng lượng từ ánh nắng như đa số các loài cây khác. Để thay thế, lan rút các yếu tố dinh dưỡng từ rễ của bụi cây xung quanh, bằng cách ký sinh với nấm gần đó. Ước lượng còn chưa đến 50 cây lan loại này trong thiên nhiên.
Bóng golf
(Mammillaria herrerae)
Cây chỉ được tìm thấy trong vùng núi Querretaro ở Mexico, là loài xương rồng nhỏ, trắng đục, đường kính khoảng 3,5cm, và bạn có thể đoán được, nó trông giống một quả bóng golf. Quả màu trắng và hạt màu nâu sẫm. Hoa đẹp, đỏ hồng, được ưa chuộng nên nhiều xương rồng dại bị hái bất hợp pháp. Hệ quả: số cây này giảm 95% trong vòng 20 năm qua.
Tuế Venda
(Encephalartos hirsutus)
Tuế Venda chỉ hiện diện tại tỉnh Limpopo, Nam Phi. Được mô tả là một loài mới vào năm 1996. Như cây bóng golf, số lượng tuế này giảm đáng kể vì bị săn lùng bất hợp phát nhằm mục đích trang trí.
Cây sứa
(Medusagyne oppositifolia)
Cây sứa từng được xem là loài đã biến mất cho đến khi được tái phát hiện vào thập niên 1970. Tên cây hẳn do quả trông giống con sứa khi mở ra, là thành viên duy nhất còn sống thuộc họ Medusagynaceae, mọc trên đá dựng đứng ở đảo Mahe thuộc quần đảo Seychelles. Chỉ còn khoảng 36 cây sứa trưởng thành ở trạng thái hoang dã, và cây không sinh sản nữa.
Keo Anegada
Acacia d’Anegada là loại cây thấp gai tua tủa mọc trên đảo Anegada, thuộc quần đảo Virgin (thuộc Anh). Những đảo này rất thấp, đến độ các cây có thể bị ngập khi thủy triều lên. Số lượng cây hiện hữu chưa rõ, nhưng loài này chỉ chiếm một vùng chưa đầy 10km2. Để tăng cơ may sống cho cây keo này, những cây trưởng thành được trồng cạnh Vườn bách thảo O’Neal trên đảo Tortola và ở Vườn bách thảo hoàng gia Kew, Anh.
Keo thân thảo
(Acacia anegadensis)
Loài dương xỉ nhỏ này trông giống ngò tây, chỉ hiện diện trên đảo Ascension, một đảo núi lửa ở Nam Đại Tây Dương. Từ 50 năm qua, cây được xem như một loài thực vật đã biến mất. Đến năm 2009, một nhóm nhà thực vật học tình trông thấy 4 cây dương xỉ, mọc bấp bênh trên một sườn đá dốc thuộc đảo Ascension, trong điều kiẹn khô hạn, khắc nghiệt. Để cứu những cây sống sót này, các nhà thực vật học phải chăm sóc cây trong nhiều tuần, xuống dốc đá bằng dây đôi để tưới và nhổ cỏ dại. Khi cây bắt đầu sinh bào tử, nhóm chuyên giá trích lấy mẫu và gửi về Vướn bách thảo hoàng gia Kew (Anh) để cây sinh sản. Tuy vậy, dương xỉ này vẫn rất hiếm, chỉ khoảng 40 cây trưởng thành ở trạng thái hoang dã.
Cây san hô
(Erythrina schliebenii)
Cây này trổ hoa đỏ tươi, thân nhiều gai, chỉ thấy trong rừng hẻo lánh ở đông nam Tanzania. Loài này bị xem đã biến mất từ năm 1998, được tái phát hiện vào năm 2001 tại một khoảnh đất nhỏ trong rừng. Khoảnh đất ấy trước đó bị khai thác nhằm phát triển nhiên liệu sinh học, nên các chuyên viên e ngại cây khó sống sót, cho đến khi cây tái xuất hiện vào năm 2011. Hiện có chưa đầy 50 cây trưởng thành trong thiên nhiên, trong một vùng không được bảo vệ.
Bao báp Madagascar, Mbuin, Boio
(Adansonia madagascariensis Baill)
Bao báp này chỉ mọc ở Mayotte và Madagascar, có thể đạt chiều cao 15m, cho hoa đỏ. Số cây trên đảo Mayotte giảm dần từ 20 năm qua, nhất là sau vụ chặt cây khai khẩn. Hiện chỉ còn 7 cây bao báp này ở Mayotte, thường ở vùng ven biển đất hay bị trượt. Việc phá rừng khô để canh tác và làm đường là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với loài cây này.
Cây cũng dễ bị tổn thương bởi nguy cơ cháy và thoái hóa đất, do đông người lui tới vùng bờ biển và sự xâm lấn của những cây ngoại lai như Lantana camara, M’bwasera, M’rimba. Trước những đe dọa này, bao báp Madagascar được xếp vào danh sách những loài cần được bảo vệ và được hưởng một kế hoạch bảo tồn đặc biệt nhằm gia tăng dân số cây. Bảo vệ những cây đang trên đà biến mất trước khi quá muộn, đó là một cuộc chiến diễn ra hàng ngày và ngày chiến thắng xem ra còn rất xa.
- Xem thêm: 10 loài thực vật kỳ lạ nhất thế giới